Mỹ thuật đương đại Việt Nam: Trông người mà ngẫm đến ta

Thứ Năm, 11/07/2013, 08:00

Từ ngày 18/6 đến 29/6, lần đầu tiên mỹ thuật đương đại Indonesia được giới thiệu đến công chúng Việt Nam thông qua cuộc triển lãm "Từ hình tượng đến tác phẩm" tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM. Đây cũng là lần đầu tiên họa sĩ hai nước giao lưu với nhau qua buổi tọa đàm "Nghệ thuật đương đại nhìn từ hai phía Việt Nam - Indonesia" do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức. Giao lưu với các đồng nghiệp nước bạn, nhiều họa sĩ Việt và công chúng yêu nghệ thuật bất chợt thở dài trước bức tranh thiếu quá nhiều gam màu sáng của mỹ thuật đương đại nước nhà...

1. Lâu nay nhắc đến các họa sĩ Indonesia người ta lại nghĩ tới những họa sĩ vẽ tranh phong cảnh. Tham quan Triển lãm "Từ hình tượng đến tác phẩm" tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM, dường như ai nấy đều bất ngờ với những cách tạo hình rất táo bạo, đa dạng về phong cách, thủ pháp tạo hình và chất liệu sử dụng của các họa sĩ đương đại Indonesia. Các tác phẩm này đều qua sự chọn lựa gắt gao của nhà giám tuyển Jim Subangkat.

Nhiều họa sĩ Việt Nam nhận thấy có rất nhiều bức tranh vẽ từ hình chụp sẵn. Đây cũng là điều họ băn khoăn và đặt câu hỏi cho các họa sĩ Indonesia tại buổi tọa đàm. Liệu rằng điều đó có làm giảm tính nghệ thuật của tác phẩm hội họa hay không? Có cổ vũ cho sự lười biếng của nghệ sĩ khi ai đó hô hào đó là tác phẩm nghệ thuật đương đại? Các họa sĩ Việt Nam cũng nêu nhiều thắc mắc đối với các bức tranh thể hiện theo phong cách truyện tranh manga của Nhật Bản. Tại buổi tọa đàm, các họa sĩ người Indonesia cho rằng hình thức biểu hiện không quan trọng mà quan trọng là cái hồn, là thông điệp thể hiện qua tác phẩm. Các bức tranh có thể vẽ lại từ bức hình nhưng không phải là bản photocopy vô hồn mà thần thái của người trong tranh sẽ theo ý đồ của họa sĩ. Rất nhiều lần các họa sĩ Indonesia nhấn mạnh đến việc họ không câu nệ cách thức biểu hiện, bởi quan trọng là ý niệm và tính nghệ thuật của bức tranh ấy.

Một số họa sĩ Indonesia chia sẻ: Đa phần trong số họ không được đào tạo bài bản mà chủ yếu là tự học. Nhưng họ được giao lưu với rất nhiều họa sĩ quốc tế để tiếp thu cái hiện đại bên cạnh việc giữ gìn bản sắc truyền thống, tạo ra tác phẩm khác biệt trong đa dạng. Khi mỹ thuật châu Á đang trỗi dậy, mỹ thuật đương đại Việt Nam trong hơn 20 năm hình thành và phát triển vẫn  rơi vào cơn mê ngủ im lìm chưa biết khi nào thức tỉnh.

2. Thời gian gần đây, trong khi các tác phẩm mỹ thuật đương đại Việt Nam liên tục vắng bóng trên các sàn đấu giá quốc tế thì khi thể hiện trong nước lại luôn vấp phải sự chỉ trích của dư luận bởi quá "sốc", quá "điên", quá "khó hiểu". Như buổi trình diễn của một nữ nghệ sĩ khi chị thoát y, đổ chất lỏng lên người rồi dính lông vũ, nhét con chim vào miệng và nhả ra. Một nam nghệ sĩ khác trình diễn bên một cánh đồng bị nông dân xua đuổi vì sợ khán giả kéo đến phá hư hoa màu và làm rối loạn giao thông. Hoặc với chủ đề kêu gọi bảo vệ môi trường nhưng nghệ sĩ lại làm ô nhiễm môi trường khi tác phẩm làm từ nước thải sông Tô Lịch đóng băng cùng rác rưởi bắt đầu tan chảy… Đánh giá trên của công chúng cho thấy sự lúng túng, vướng mắc của các nghệ sĩ khi bước vào những loại hình của mỹ thuật đương đại: nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…

Quang cảnh buổi tọa đàm giữa các họa sĩ Việt Nam và Indonesia.

Theo họa sĩ trẻ Lim Khim Katy, mỹ thuật đương đại ở Việt Nam ngày nay còn quá mới mẻ với giới sáng tác, với các ban ngành liên quan huống hồ đến công chúng nghệ thuật. Do đó mỹ thuật đương đại hiện nay vẫn chưa đánh động được công chúng thưởng thức, chưa có sự quan tâm của các nhà quản lý nghệ thuật, chưa có chính sách phát triển đầu tư từ các ban ngành. Nghệ sĩ hầu như tự thân vận động chờ sự tài trợ của các tổ chức văn hóa, của đại sứ quán các nước, trung tâm giao lưu văn hóa thế giới cũng như quỹ văn hóa nước ngoài. 

Laurent Colin - một người Pháp theo dõi sát sao mỹ thuật đương đại Việt Nam đã có những nhận định khá sâu cay khi cho rằng họa sĩ Việt đang "nạn nhân hóa" mình với nhiều trở ngại khách quan. Trong khi đó, môi trường để phát triển mỹ thuật đương đại Việt Nam theo Colin là thoáng hơn so với nhiều nước phương Tây: Có những Trung tâm Mỹ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhà sàn Ðức (Hà Nội), Ga 0, Quỳnh Gallery, Sàn Art (Tp HCM)... Bên cạnh đó là sự giúp đỡ tích cực cả về kinh phí và địa điểm tổ chức của Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Việt Nam - Ðan Mạch (CDEF)...  Điều khiến mỹ thuật đương đại Việt trì trệ là bởi tính nghệ thuật và sự riêng biệt của tác phẩm đã và đang bị bào mòn. Họa sĩ lặp lại chính mình, bắt chước cách thể hiện của nhau. Chẳng hạn như hễ nhắc tới đề tài về môi trường thì lại sử dụng nilon, rác rưởi, nước ô nhiễm… Khai thác sâu các vấn đề về môi trường, chính trị, xã hội nhưng thiếu yếu tố dân tộc để làm nên nét riêng biệt.

Nhà báo, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Trọng Chức cho rằng: "Mỹ thuật đương đại Việt Nam phát triển chậm hơn so với Indonesia và các nước trong khu vực là do chúng ta đang rất yếu về ngành lý luận phê bình ở lĩnh vực này, thiếu những nhà giám tuyển giỏi, thiếu thị trường cho mỹ thuật đương đại. Các họa sĩ chỉ ưa bán tranh cho người nước ngoài, còn thị trường tranh trong nước thì vô cùng ảm đạm".

Chạy theo lợi nhuận, các tác phẩm trở thành sản phẩm theo kiểu vẽ đại trà. Sự thương mại hóa này cũng được tạo ra bởi các gallery. Các gallery mọc lên dày đặc, rình rang các triển lãm mà tiêu chí bán tranh được đề cao hơn là giới thiệu hay tạo một góc nhìn về mỹ thuật đương đại Việt Nam. Chính việc bán những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật kém, đề tài dễ dãi đã khiến cho các thị trường tiềm năng như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… dần thoái lui khỏi Việt Nam.

Indonesia sớm có đội ngũ những nhà giám tuyển giỏi mà đơn cử như ông Jim Subangkat - nhà giám tuyển hàng đầu của nước này. Trong khi đó ở Việt Nam, đội ngũ này gần như bỏ trống. Họa sĩ Lim Khim Katy cho rằng giám tuyển là một yếu tố rất quan trọng, nhất là đối với hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ thị giác. Nhưng vai trò của nhà giám tuyển vẫn còn xa lạ và mới mẻ, nếu không muốn nói là không có một giám tuyển nào làm việc đúng nghĩa ở Việt Nam. Tất cả các triển lãm to nhỏ đều do tự thân nhóm họa sĩ tổ chức và thiết lập với cái nhìn cảm tính, tự phát, không có chiến lược quảng bá. Thậm chí ngay cả triển lãm mang tầm quốc gia và giao lưu với nước ngoài cũng ít có ý tưởng chọn lọc cho chủ đề triển lãm mà chỉ rủ nhau triển lãm một cách thuần túy rồi bán tranh theo may rủi. Dĩ nhiên sẽ chẳng tìm được thị trường tốt khi không có giám tuyển, quản lý, tầm nhìn chiến lược của nhà giám tuyển. Ấy là chưa kể sự thiếu hụt về nhiều mặt của đội ngũ lý luận phê bình mỹ thuật của Việt Nam.

Chính vì không có sự giám sát, không định hướng, không phê bình, thị trường của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam bị chững lại, quan trọng hóa vỏ bề ngoài, bỏ qua các ý tưởng nghệ thuật để chạy theo nhu cầu của các tay sưu tầm nửa vời ngoài nước. Ông Benny Oentoro - chủ gallery Art Xchange (đơn vị phối hợp tổ chức Triển lãm "Từ hình tượng đến tác phẩm") hy vọng: "Triển lãm này được hình dung nhằm nêu bật và tạo nhận thức về sự quan trọng của truyền thống trong các quốc gia có nền văn hóa phong phú như Indonesia và Việt Nam"

Nguyễn Trang
.
.