Hiểu thêm một kiệt tác
- Đào Tấn: Ông vua của nghệ thuật tuồng
- Một đời tâm huyết với nghệ thuật tuồng
- Nghệ nhân Nguyễn Bá Lam: Một đời đam mê nghệ thuật tuồng
- Nghệ thuật tuồng đang… thoi thóp1
Cái cốt truyện của nó đơn giản, ai cũng có thể kể lại bằng một tóm tắt: Qua ngàn năm tu luyện, Hồ Nguyệt Cô được hoá kiếp trở thành người trong thân thể một nữ tướng tài năng, xinh đẹp. Bị lợi dụng trong mối tình với Tiết Giao, nàng nhả viên ngọc trong người ra để rồi phải hoá về kiếp cáo.
Câu chuyện đơn giản nhưng ám ảnh sân khấu tuồng đã hàng mấy trăm năm, ám ảnh bao thế hệ khán giả về thân phận người phụ nữ đáng thương, đáng trọng hay đáng trách, về cái đẹp mong manh, cái tài năng thật giả, về kiếp người thoáng chốc, về tình yêu trong sáng vô tư và đen tối âm mưu, về sự tồn tại những giá trị…
Như vậy tác phẩm nằm trong môtíp hoá thân như đã có rất nhiều trong cổ tích, từ lốt các con vật thường là xấu xí như con cóc, con dê, con cá, sọ dừa… rồi biến thành người hoặc là cô gái đẹp hoặc là chàng hoàng tử hào hoa… Nhân vật cô Tấm xinh đẹp cũng nằm trong môtip hoá thân này, từ quả thị, cây xoan đào, con chim… rồi lại hoá làm người, đặc biệt là mỗi lần hoá là một lần nàng nồng nàn xinh đẹp hơn…
Lý thuyết phê bình văn hoá hiện đại lý giải nguồn gốc những truyện này xuất phát từ nghi lễ trưởng thành của người cổ đại, để thành một người khác con người ta phải qua bao sự hành xác, bị đánh, bị trói, chém, chích… Hôm nay, trong thế giới văn minh ta vẫn thấy nhiều bộ lạc châu Phi còn giữ nghi lễ này với hình thức phổ biến như cắt bao quy đầu (với con trai), cắt âm vật (với phụ nữ)…
Một cảnh trong vở tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo”. |
Hành xác để đổi ngôi từ bé sang lớn, từ ấu thơ sang trưởng thành. Với mỗi cá nhân, cái mốc “đổi ngôi” này rất quan trọng, là bước ngoặt cuộc đời, vừa là cái chết (ấu thơ) vừa là tái sinh (người lớn). Ta hiểu thêm vì sao nhân vật cổ tích thường phải trải qua cái chết mang tính tạm thời (bị giết, bị cá ăn thịt, bị ném xuống biển, bị yêu quái nuốt…) nhưng rồi lại tái sinh trong hình hài mới sống động hơn nhiều (thường là một người chồng/vợ mới tài, đẹp, sang trọng, vương giả… Vì hôn nhân là sự chứng minh đã trưởng thành). Như vậy con đường mỹ học cổ tích đi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, từ hình ảnh vật đen đúa xấu xí bước ra hình hài người rạng rỡ chói loá.
Nhưng “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” lại trong hoàn cảnh ngược lại, từ người hoá vật. Tiếng than của nàng không chỉ là tiếng than của nhân vật đánh mất “ngọc người” mà là tiếng than của một thời đại, của những kiếp người, những thân phận đánh mất bản thể, để không bản sắc, mất cái tôi riêng, tức mất mình, không còn là mình.
Đã qua hàng ngàn năm tu luyện, từ kiếp cáo nàng được trở thành người. Lại là một người đẹp và tài năng của một mãnh tướng. Nhưng dù sao nàng vẫn là phụ nữ, mà phụ nữ thì vẫn biết, vẫn muốn yêu và được yêu. Oái oăm thay nàng yêu Tiết Giao đối thủ, dù tài năng của hắn không thể sánh với nàng. Nhưng đó là một viên tướng trẻ đẹp với hình ảnh lý tưởng trong vóc dáng khoẻ mạnh, khuôn mặt thanh tú nước da tươi hồng, nhất là hành động thì thật tuyệt vời: “Cất con vát như bông bay lá rụng…”. Nàng đã yêu và quyết ân ái với người yêu. Nhưng Tiết Giao là đồ phản trắc. Hắn lợi dụng cuộc tình, lợi dụng tình yêu trong sáng của nàng để đoạt viên ngọc trong người nàng. Mà nếu mất viên ngọc đó, nàng sẽ về kiếp cáo. Một phút nông nổi và hàng ngàn năm tu luyện.
Kiếp người và kiếp cầm thú. Hạnh phúc phút giây và hàng ngàn năm trả giá. Tình yêu trong sáng và thủ đoạn dối lừa. Tin vào tình yêu và bất hạnh vì phản bội… Tất cả cứ ngược nhau, tương phản nhau dữ dội để bật ra cái tư tưởng đau đớn mà trong sáng thánh thiện đến tận cùng: Hãy để cho những Hồ Nguyệt Cô ở lại kiếp người vì họ có trái tim người. Chỉ có Tình yêu là vĩnh cửu, đừng lợi dụng nó, nhất là đừng phản phúc nó. Hỡi Tình yêu, hãy cảnh giác với những Tiết Giao…
Trong văn bản của kịch bản Tuồng cổ thì có chi tiết Tiết Giao lừa Nguyệt Cô, đánh đúng vào chỗ yếu là tấm lòng vị tha, thương người của nàng. Hắn vờ đau bụng và nói chỉ có ngọc của nàng là chữa khỏi…
Cũng trong kịch bản cổ thì Hồ Nguyệt Cô đã có chồng, một võ tướng tài năng là Võ Tam Tư, đã cùng chồng chinh chiến trên lưng ngựa, đã cùng nhau hưởng bao vinh hoa trong hào quang chiến thắng… Thế mà nàng lại đi yêu và trao thân cho Tiết Giao, kẻ thù của mình!
Hình như những chi tiết này nhằm mục đích tăng cường thêm chất bi cho tác phẩm, quan trọng hơn là tăng cường thêm chất triết lý cho câu hỏi: nàng có oan khi hoá cáo? Tình yêu của nàng có tội? Cái chết của nàng có đích đáng? Dân gian để Hồ Nguyệt Cô giãi bày về chồng trong những phút cuối cùng: Ngàn dặm thẹn cùng non nước/ Ngắm mơ màng thân trước hình sau/ Dặm hoè một bước một đau/ Nhìn quang cảnh cũ ra màu dở dang/ Ôm lòng hổ với phu lang/ Non sông lỗi hẹn cùng chàng trăm năm… Nó là lời hối để nỗi đau thêm chất chứa!
Thì ra giữa kiếp người và kiếp vật chỉ là một viên ngọc. Viên ngọc long lanh sáng kia không chỉ là giá trị vật chất, cơ bản hơn, nó là sự bảo đảm, bảo hiểm cho kiếp người, phận người, thân người, nhân cách người. Tức một “siêu giá trị”. Vì có gì giá trị hơn con người đâu. Minh triết dân gian sáng tạo ra hình tượng viên ngọc ấy cũng thực sự là “siêu trí tuệ”. Còn phải là một tâm hồn mạnh mẽ, rất khoẻ nồng nàn yêu thương con người mới nghĩ ra được cái vật “bảo hiểm” giữ vững con người trong địa hạt tính người, không để người rơi xuống kiếp vật. Ai là người, không riêng Hồ Nguyệt Cô cũng đều có “ngọc người” của riêng mình. Ranh giới người/ vật cũng thật mong manh. Chỉ một phút yếu lòng là con người ta rất có thể nhả “ngọc” để về kiếp thú!!!
Dưới góc nhìn mỹ học, viên “ngọc người” chính là một “mỹ học của cái Khác”. Con người ta tạo ra giá trị riêng của mình phải là cái Khác, cái Khác phải quý (quý như ngọc), phải hiếm (hiếm như ngọc), phải đẹp (đẹp như ngọc). Phải luôn tạo ra, giữ gìn, làm bền vững cái Khác ấy, đừng để mất. Mất cái Khác là mất mình!
Trong cổ tích nhân vật hạnh phúc khi được đổi ngôi, ở đây thì ngược lại. Hồ Nguyệt Cô cố gắng bằng mọi cách, mọi giá để không chịu đổi về kiếp vật. Nhân vật quằn quại trong thời điểm đau đớn thê thảm nhất: quá trình từ người hoá thành cáo. Tiếng thét lạc giọng của nàng báo hiệu thảm cảnh Thất sắc thất sắc/ Kinh hồn kinh hồn. Lúc này nàng tỉnh táo còn nhận ra hoàn cảnh Uổng ngàn năm thâu góp báu càn khôn/ Xẩy một phút tan tành trường phong nguyệt. Tiếng than của nàng là tiếng đau của tình yêu, tiếng đau của kiếp người. Đau nhưng vẫn còn là tiếng người nức nở: Tiết Giao! Trả ngọc ta! Tiết Giao! Trả ngọc ta! Còn là tiếng người trong đau đớn: Trăm lạy tình lang, ngàn lạy tình lang, trả lại cho em kẻo tội lắm, tình lang ôi!
Nỗi đau cực điểm khi kiếp cáo đã hiện hình. Tiếng người tắc lại. Nỗi đau bung trào. Vẫn còn là người, nàng cố tìm cương và trèo lên lưng con ngựa thân thương, tin tưởng tuyệt đối của mình. Nàng cố ghìm cương. Nhưng con ngựa nhận ra nàng không còn là chủ. Chiến mã oai phong từng đưa nàng chinh chiến sợ hãi vùng chạy hất nàng ngã xuống trước tiếng gào của loài cáo bật ra ghê sợ, kinh hoàng…
Như vậy, khi đã đánh mất mình thì có nghĩa đánh mất mọi mối liên hệ với cuộc đời, kể cả với con vật từng yêu dấu. Đúng hơn, con người ta làm mất bản thể, không còn bản ngã riêng mình thì mọi vật quen thuộc cũng cự tuyệt!
Nguyệt Cô phải đón nhận một đường gươm cuối cùng của người chồng Võ Tam Tư…!!!
“Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” là một kiệt tác ngay ở góc độ ngôn ngữ: đau đớn nhất là không nói được, đúng hơn là không được đối thoại, vì đã tự đánh mất hoàn cảnh đối thoại. Vì để có thể đối thoại được phải có cái Riêng, mà trong tác phẩm, đó chính là viên ngọc.
Vở tuồng là một tiếng nói nghệ thuật kinh điển về cách hiểu. Nhân vật Hồ Nguyệt Cô đáng kính, đáng yêu, đáng trọng, hay đáng thương, đáng ghét? Ảnh hưởng và chi phối bởi mỹ học Nho gia nhưng tại sao nhân vật lại mang tính “nổi loạn” muốn phá vỡ thứ mỹ học giáo điều cấm đoán ấy? Nhưng không ai phủ nhận nhân vật là một biểu hiện sức sống mãnh liệt, đầy cá tính khát khao đổi thay. Đây đích thực là hình tượng nghệ thuật bởi sự vươn lên khỏi cái thông thường, ổn định, quen nếp. Nó sẽ mãi vĩnh cửu bởi vẻ đẹp, bởi sự đa nghĩa, bởi nó mang cấu trúc của toà lâu đài nhiều cửa mà mỗi người với vốn liếng mỹ học của mình mà đi vào cửa nào thấy thích, thấy hợp.
Chúng ta tự hào nhìn ra văn học thế giới khi mà đầu thế kỷ XX (1915) nhà văn nổi tiếng thế giới Franz Kafka mới viết “Hoá thân” theo môtip người hoá vật như trong “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo”. Nhân vật Gregor Samsa, một nhân viên bán hàng, thức dậy thấy mình tự biến thành một con bọ khổng lồ. Thế là nhân vật bắt đầu quá trình thích nghi với “hoá thân” nhưng kết quả anh ta lại trở thành gánh nặng cho người thân. Gia đình mất đi sự yên ấm thường có, thay vào là những sự tàn nhẫn, ghét bỏ nhau… Một cuộc khủng hoá thật sự bắt đầu từ “hoá thân”… Ra đời trong một cơ sở xã hội tư bản khủng hoảng giá trị, truyện là một ý nghĩa lớn phơi bày mặt trái xã hội làm con người đánh mất nhân tính, đánh mất bản thể…
Đối sánh khái lược như vậy ta càng thấy ý nghĩa “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” thực sự là một tiếng nói nghệ thuật mang tầm nhân loại. Chỉ tiếc tiếng nói ấy chưa vượt qua được màn lưới ngôn ngữ còn ít được phổ biến trên thế giới (tiếng Việt), lại bị mã hoá bởi những lớp huyền thoại rất khó chuyển ngữ (sân khấu Tuồng đầy tính ước lệ)!