Nghệ thuật tuồng đang… thoi thóp

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:00
Sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng, gắn liền với dân tộc Việt Nam. Những gì chính sử còn lưu lại đủ thấy sức sống của nghệ thuật tuồng mạnh mẽ chừng nào, đặc biệt tuồng còn là bộ môn nghệ thuật ra đời từ sớm.

Nhiều ý kiến cho rằng tuồng có từ thời nhà Trần, hình thành từ các hình thức diễn xướng dân gian, qua nhiều thế kỷ phát triển thành sân khấu. Vào đời Lê, tuồng bị coi rẻ và Bộ luật Hồng Đức mới có điều khoản cấm con cái nhà quan lấy đào kép. Sân khấu tuồng phát triển rực rỡ nhất vào thời Nguyễn, được coi như quốc kịch. Không chỉ quan Thượng thư Đào Tấn sáng tác tuồng mà đích thân vua Minh Mạng cũng chỉnh sửa nhiều vở. Các vở diễn kinh điển "Nghêu-Sò-Ốc-Hến", "Sơn Hậu" vv… đã đi cùng với thời gian cho đến mãi hôm nay. Thế nhưng, xã hội càng phát triển, đặc biệt là những năm gần đây, sân khấu tuồng càng bị yếm thế trước các phương tiện giải trí hiện đại.

Miễn phí cũng không có khán giả:

Câu ca xưa từng nói đến sức hút của tuồng rất mạnh mẽ: "Tháng ba ngày tám nằm suông/ Nghe giục trống tuồng cố lết đi xem", nhưng giờ đây, điều đó đã lùi vào quá khứ. Vài chục năm trước, khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua vé để được khóc cười cùng những vai diễn trên sân khấu tuồng, náo nức trong tiếng trống, tiếng kèn réo rắt, thì bây giờ, nhiều buổi diễn mở cửa tự do, hay phát giấy mời, thì vẫn ít, thậm chí là không có khán giả đến xem. Nghệ thuật tuồng đang chết dần, đang dần mất đi trong đời sống văn hóa nghệ thuật giải trí hôm nay - đó là tâm sự buồn của lãnh đạo nhiều nhà hát tuồng về thực trạng hiện tại.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, hằng tuần, tại rạp hát Hồng Hà nằm ngay khu phố cổ, nhà hát vẫn đều đặn có 2 đêm diễn vào thứ hai và thứ năm để phục vụ khách du lịch, với các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc: "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Nhã nhạc cung đình Huế", múa "Lân mẹ đẻ lân con", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", Nhã nhạc cung đình Huế … nhưng chỉ là cho khách nước ngoài, chứ hầu như không có người Việt. Tùy theo tour, có đêm có 40-50 khách, nhưng có đêm chỉ có 4 khách vãng lai vào xem, nhưng nhà hát vẫn phải diễn đủ chương trình 60 phút phục vụ khách. Một vé xem là 150.000 đồng, trong khi một đêm diễn chi phí điện nước, catse cho diễn viên đã mất gần chục triệu đồng. Chả cần nói cũng thấy, sân khấu tuồng không thể tồn tại nếu không có sự bao cấp của Nhà nước. Vì thế mỗi năm, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn được bao cấp để nuôi hơn 120 cán bộ, diễn viên và dựng các vở mới khoảng từ 600 triệu -1 tỷ đồng/ vở, còn phục dựng các vở truyền thống thì khoảng 400 triệu/vở.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, nhà hát đã tổ chức một số hội nghị khách hàng với các doanh nghiệp du lịch để mong muốn hợp tác biểu diễn cho khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có các hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, nhưng hiệu quả vẫn không như mong muốn. Các đơn vị du lịch đến xem, cùng gật gù nhưng rồi cũng chẳng có sự hợp tác nào được ký kết để chọn tuồng vào tuor du lịch của doanh nghiệp. Chính vì thế, dù có "bầu sữa" bao cấp của Nhà nước, nhưng thu nhập bình quân của diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng chỉ 6,5 triệu/tháng. Con số này không thể coi là cao nếu đem so với các loại hình nghệ thuật khác hiện nay. Thậm chí, nếu so với tân nhạc thì quá là rẻ mạt, dù lao động của nghệ thuật tuồng khó khăn và cực nhọc hơn nhiều.

Những năm gần đây, kinh tế phát triển, các lễ hội mở ra nhiều và với sự nỗ lực trong tiếp thị của nhà hát, lễ hội cũng là cơ hội để tuồng có chỗ "chen chân", nên mỗi mùa lễ hội, cũng có được khoảng 70 buổi diễn. Còn lại, các buổi biểu diễn ở các địa phương khác đều là hợp đồng trọn gói. Tuồng dường như không thể bán vé được ở bất cứ nơi nào!

Các đơn vị tuồng ở các tỉnh còn gian truân hơn, khi diễn tuồng cực kỳ khó bán vé, nên nghệ sĩ không thể sống bằng nghề. Vì thế, người có năng khiếu tuồng không muốn đầu quân, dẫn đến việc nhiều nơi không tuyển được diễn viên nên không có đội ngũ kế cận. Do vậy, các nghệ sĩ dù đã cao tuổi vẫn phải lên sân khấu trình diễn. Những gánh hát, CLB tuồng thì lại càng èo uột. Thù lao những buổi diễn quá bèo bọt, không đủ chi phí cho vở diễn, đi lại.

Thiếu và thiếu…

Đặc trưng của bộ môn nghệ thuật tuồng rất khó, đòi hỏi phải những người có trình độ, hiểu biết mới sáng tạo được. Yêu cầu chuyên môn, năng khiếu đối với  các nghệ sĩ làm nghệ thuật tuồng rất cao, từ đội ngũ sáng tạo cho đến diễn viên, thế nhưng, thu nhập của nghệ sĩ tuồng lại đang tỉ lệ nghịch khi thù lao còn quá thấp. Điều này đã tác động lớn đến các diễn viên, khiến các diễn viên khó tâm huyết với nghề khi cuộc sống mưu sinh quá vất vả. Hơn nữa, các bạn trẻ yêu nghệ thuật có năng khiếu nghệ thuật cũng không lựa chọn tuồng để theo đuổi, để học nghề vì học tuồng quá lao lực, đòi hỏi diễn viên phải thực có tài năng mà ra trường, tuồng lại không có đất diễn, nói chi đến phát triển sự nghiệp.   

Có quá nhiều vấn đề khiến tuồng có nguy cơ mai một. Bởi đã có cả một quá trình dài, nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng không được quan tâm đúng mức. Tuồng vốn phát triển trong hầu hết các chế độ phong kiến, nhưng sau năm 1945, tuồng từng bị coi là sản phẩm văn hoá phong kiến lạc hậu, độc hại, nên đã bị mai một. Dù đến 1951, tuồng đã được coi là nghệ thuật sân khấu ngang bằng các nghệ thuật truyền thống khác, thì "cú sốc" này cũng tác động không ít đến người làm nghề, khiến tuồng khó phục hồi như cũ sau nhiều năm dài gián đoạn.

Những khó khăn của tuồng rất bộn bề, khi những người làm nghề không thể sống được bằng nghề. Trong cơ chế thị trường mà người nghệ sĩ vẫn phải sống bằng thù lao theo chế độ của Nhà nước, với mức vài chục ngàn một buổi diễn và từ tháng 9/2015, chế độ bồi dưỡng cho diễn viên mới nâng lên: diễn viên chính được 200.000 đồng/đêm, vai thứ chính được 160.000 đồng và vai phụ là 120.000, thì thật khó có thể yêu được nghề, hay lao tâm khổ tứ sống chết với nghề.

Tuồng- Bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc đang bị lãng quên.

Thu nhập thấp nên dù Nhà nước có chính sách miễn học phí 75% cho học sinh tuồng, lại được phụ cấp nghề, nhưng việc tuyển diễn viên tuồng vẫn rất khó khăn. Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cho biết, khoảng 20 năm gần đây, trường không thể tuyển sinh đều đặn hằng năm mà 4-5 năm mới tuyển được một khóa. Khóa mới nhất, sau khi ra trường, cũng chỉ còn 60% diễn viên tiếp tục theo nghề, do nhiều người chuyển nghề khác để kiếm sống, thay vì lọ mọ hằng đêm diễn tuồng mà thu nhập thì thấp. Bởi số diễn viên có thể kiếm sống bằng nghề ở bên ngoài là rất hiếm.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, năm trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép nhà hát phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thực hiện một dự án tuyển diễn viên tuồng. Nhà hát phải đăng tải thông tin, phát tờ rơi rồi cử cán bộ về tận các trường PTTH của 10 tỉnh để thông tin và tuyển diễn viên. Nhờ đó, đã tuyển được 40 em. Nhà nước miễn 75% tiền học phí và 25% còn lại, nhà hát chịu một nửa, còn lại, các em dùng tiền phụ cấp nghề "đắp" vào, tức là gia đình không phải bỏ học phí cho các em đi học. Nhà hát lại bố trí nơi ở, điện nước miễn phí cho các em, khi ra trường sẽ được bố trí làm việc tại nhà hát. Thế nhưng mới được một năm, đã "rơi rụng" mất 5 em, chỉ còn 35 em học tiếp. Năm trước, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cũng đào tạo 5 nhạc công tuồng, nhưng cuối cùng chỉ còn lại một em, nên đúng là "mì chính cánh" để khi ra trường, lập tức được Nhà hát Tuồng xin em đó về làm việc ngay.

Sự khủng hoảng không chỉ ở đội ngũ diễn viên, nhạc công, mà đặc biệt còn là đội ngũ sáng tạo kịch bản, đạo diễn... Nhân lực tuồng quá yếu, quá thiếu đang là vấn nạn của tuồng hiện nay. Thế hệ tác giả tiền bối nổi danh như cụ Tống Phước Phổ, Kính Dân, Thùy Linh, thậm chí các cây viết trẻ rất sung sức như Xuân Yến, Trần Đình Văn đều đã qua đời. Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện không có tác giả nào viết tuồng. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh có khoa đào tạo biên kịch nhưng là cho chung sân khấu kịch, nếu viết tuồng phải đào tạo lại. Bởi khác với kịch nói là tả thật, đặc trưng của nghệ thuật tuồng là tả ý với tính ước lệ, tính cách điệu, biểu trưng rất cao: "Đường trường muôn dặm quanh vài bước/ Binh mã trùng trùng chỉ một ông". Ngôn ngữ tuồng cũng khác với ngôn ngữ kịch nói, là ngôn ngữ bác học và hầu hết là thơ đường luật, nên đòi hỏi tác giả phải am hiểu văn học cổ và Hán Nôm, nên rất hiếm người đáp ứng được tiêu chí này.

Ông Phạm Ngọc Tuấn lo âu: "Sang năm thực hiện cơ chế tự chủ, nhà hát chưa biết nhìn vào đâu để đặt hàng tác giả". Mấy trại sáng tác kịch bản ở Đại Lải, ông Tuấn từng lên tận nơi, "năn nỉ" tác giả có kịch bản chỉ cần "hơi hướng" có thể chuyển thành tuồng, thì mail cho ông, nhưng cũng chả có ai gửi. Cũng giống như kịch bản, khâu đạo diễn tuồng cũng đang gặp khó khăn vì thiếu vắng đội ngũ kế cận. Các đạo diễn gạo cội như Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Xuân Trình, Nguyễn Đình Quang đã qua đời. Nghệ sĩ xuất chúng như Đào Anh Thắng được đào tạo ở Liên Xô về cũng qua đời khi còn trẻ. Các đạo diễn như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền đều đã cao tuổi.

Lối ra nào?

Làm thế nào để cứu tuồng, với mong muốn vừa bảo tồn vừa phát huy qua việc biểu diễn phục vụ công chúng, là câu hỏi đã được các nghệ sĩ tâm huyết với tuồng đặt ra nhiều năm qua. Ông Nguyễn Đình Thi cho rằng, cần phải có chính sách phù hợp để cải thiện đời sống của nghệ sĩ mới động viên những người trẻ có tài năng theo nghề. Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng nêu quan điểm, để tuồng tồn tại, phải có chiến lược căn cơ, toàn diện mà chế độ đặc thù với đội ngũ sáng tạo là một, như chế độ nhuận bút cho kịch bản tuồng có thể cao hơn mức thông thường; có chế độ khuyến khích những người có trình độ giảng dạy, truyền nghề vv…

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cùng với các chính sách của Nhà nước, cũng rất cần sự nỗ lực, sáng tạo của chính những người nghệ sĩ để tìm lối ra, như sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh từng tìm được hướng đi bằng còn đường xã hội hóa với sự năng động, mạnh dạn và dám chịu trách nhiệm.

Thanh Hằng
.
.