“Đường thi” của Ngô Tất Tố bị lãng quên?
- Xung quanh chuyện tái bản phóng sự "Việc làng" của nhà văn Ngô Tất Tố
- Nhà văn Ngô Tất Tố khen thơ Huy Cận: Có hồn thơ Đường lắm!
- Nhà văn Ngô Tất Tố và cách "rút tít" làm báo
- Nhà văn Ngô Tất Tố bàn về "Thuế ngày Tết" và tệ tham nhũng
Sau quyển sách của Ngô Tất Tố cho đến nay, nhất là mấy chục năm gần đây, sách nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu thơ Đường nối nhau ra đời ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, chứng tỏ người nghiên cứu và người đọc thời hiện đại bây giờ vẫn còn say mê thơ Đường lắm lắm.
Tôi thấy, trong quá trình nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu thơ Đường ở Việt Nam, “Đường thi” là một cột mốc, không chỉ ở vị trí tiên phong, mà còn ở chất lượng của nó.
Theo tôi biết, “Đường thi”, từ khi ra đời đến nay, mới in hai lần. Sau bản của Nhà xuất bản Tân Dân nói trên, là bản của Khai Trí, in ở Sài Gòn năm 1961. Quyển “Đường thi” mà tôi đang có là bản chụp từ bản in lần đầu, do gia đình nhà văn (con gái cụ là bà Ngô Thị Thanh Lịch cùng con rể cụ là ông Cao Đắc Điểm) gửi tặng mấy năm trước đây.
Cố nhà văn Ngô Tất Tố. |
Bây giờ, mà tìm được một quyển “Đường thi”, dù bản in lần đầu hay bản in lần thứ hai, là một việc vô cùng khó khăn, chẳng những đối với một người đọc bình thường, mà ngay cả với các nhà nghiên cứu. Nhiều thư viện lớn cũng không còn giữ được.
Tôi xin nói chi ly một chút về “Đường thi”, bản in lần đầu. Dưới tên sách, tác giả ghi mấy chữ: “Phiên dịch và khảo cứu thơ Đường”. Sách dày 176 trang, khổ sách 11x19cm. Sau “Lời nói đầu” dài mười trang chữ nhỏ là phần “Lược sử những thi sĩ có thơ trích trong tập này” ghi tiểu sử 23 nhà thơ với tư liệu có được hồi bấy giờ.
Tiếp theo là 56 bài thơ của các nhà thơ nói trên, xếp thứ tự theo các thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong, thất ngôn cổ phong, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật. Mỗi bài thơ có in chữ Hán, và ngay dưới mỗi dòng thơ chữ Hán là phiên âm Hán - Việt, sau đó đến ba mục là “Tìm điển”: chú thích một số từ; “giải nghĩa”: Diễn giải khá kỹ nội dung bài thơ theo kết quả nghiên cứu và cách hiểu của người dịch; “Dịch vần”: Dịch thành thơ, có khi là nguyên điệu, có khi là lục bát hay song thất lục bát.
Trong số 56 bài thơ được dịch, thì Lý Bạch 12 bài, Đỗ Phủ 8 bài, Vương Xương Linh năm bài; Tào Đường năm bài, Thôi Hiệu ba bài, Vương Duy ba bài, Đỗ Mục hai bài. Các nhà thơ có một bài là Vương Tích, Dương Quýnh, Lạc Tân Vương, Trần Tử Ngang, Vi Thừa Khánh, Trương Nhược Hư, Trương Cửu Linh, Vương Hãn, Từ An Trinh, Mạnh Hạo Nhiên, Sầm Tham, Trương Kế, Lý Đoan, Lưu Vũ Tích, Nguyên Chẩn, Trịnh Cốc, Trương Tịch và một bài chưa biết tên tác giả.
(Tôi cứ phân vân mãi, đến nay vẫn không hiểu vì sao Ngô Tất Tố không chọn dù chỉ một bài của nhà thơ rất nổi tiếng Bạch Cư Dị).
Trong “Lời nói đầu” có thể coi như một bài nghiên cứu công phu, nhà nghiên cứu nói về việc nghiên cứu văn chương - nhất là về thơ - trong hoàn cảnh bấy giờ, mà vẫn đang còn có tính thời sự ở thời điểm hiện nay. Ngô Tất Tố viết:
“Bên kia, súng Đức đương bắn sang mặt trận Anh - Pháp, đạn Nga đã bắt đầu rơi xuống Phần Lan, bên này, bom Nhật, sau khi đánh các miền Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam, lại đã liệng xuống Nam Ninh.
Âu cũng như Á, thời cục đương sùng sục như nồi canh sôi, chưa biết rồi đây, máy bay, xe trận, tàu chiến sẽ đưa nhân loại đi đến chỗ nào.
Trong lúc này, ngồi mà nghiên cứu về thơ, nhất là nghiên cứu về thơ của Tàu, có lẽ cũng là một việc tối không hợp thời.
Tuy vậy, chiến tranh chỉ là việc trong thì giờ, văn học vẫn là chuyện của mãi mãi, đằng nào có sự quan hệ riêng của đằng ấy. Người ta không nên bỏ việc thiên cổ, khi phải lo chuyện nhất thời, tất nhiên người ta cũng không nên vì việc chiến tranh mà thôi nghiên cứu văn học”.
Ngô Tất Tố còn... cật vấn:
“Ai cấm chúng ta rung đùi ngâm thơ giữa lúc thế giới lục đục? Hơn nữa, trong nền văn hóa của ta, văn học Tàu đã chiếm đến chín phần mười yếu tố. Mà trong những yếu tố ấy, thơ Tàu cũng là một phần quan trọng”.
Ngô Tất Tố kết luận:
“Muốn để lại một mớ tài liệu cho công cuộc khảo cứu về các nguồn gốc thi ca của nước nhà, tự nhiên phải kể thơ Đường trước nhất”.
Tiếp đó tác giả khảo cứu về các thể thơ trong thơ Đường, việc phân các thời kỳ trong lịch sử gần 300 năm của thơ Đường, rồi nói về quy cách biên soạn, sắp xếp, dịch thuật của ông. Tất cả sẽ chứng minh đầy sức thuyết phục cho lời khẳng định của Ngô Tất Tố:
“Với tập thơ này, tôi đã hao tốn rất nhiều công phu, kê cứu rất kỹ”.
Để có khái niệm về cách làm việc của nhà nghiên cứu, nhà biên soạn và dịch giả Ngô Tất Tố có một cách cụ thể trong “Đường thi”, ta hãy lấy một bài sau đây làm thí dụ: Bài “Tiết phụ ngâm” của nhà thơ Trương Tịch. (“Tiết phụ ngâm” có nghĩa là “Bài ca của người tiết phụ”. Tiết phụ, theo quan niệm của người xưa là người đàn bà chồng chết mà ở vậy thờ chồng không đi lấy người đàn ông khác. Nghĩa rộng hơn là người đàn bà chung thủy).
Sau khi in bản chữ Hán và phần phiên âm của bài thơ, Ngô Tất Tố viết ba phần nữa:
1. Tìm điển:
Minh Quang: Tên một tòa đền thơ đời Hán. Sách “Tam phu cựu sự” nói: Trong cung quế có điện Minh Quang.
2. Giải nghĩa:
Sách “Dung trai tam bút” chép rằng: Trong khi Trương Tịch đương ở mạc phủ của một trấn khác, thì viên nguyên soái trấn Vận là Lý Sư Cổ gửi thư và lụa cho Trương và mời Trương về giúp việc mình. Trương không đi, mới làm bài này đưa cho Lý để tỏ ý mình. Trong bài toàn là lời của một người đàn bà chính chuyên nói với một người yêu mình.
Đại ý như vầy: “Chàng biết em đã có chồng rồi, nên mới tặng em một đôi ngọc châu trong sáng. Em cũng cảm về cái ý quyến luyến của chàng nên đã đeo đôi hạt châu ấy vào tấm áo lót mình bằng là nhuộm màu cánh sen.
Nhưng mà, nhà em ở cái lầu cao liền với vườn ngự, là chỗ người thường không được ra vào, chồng em hiện đương làm chức Trấp kích lang trong điện Minh Quang là chỗ nghiêm cẩn của hoàng cung... chắc chàng cũng biết cho rằng: Gia đình của em như thế, thì em không thể làm việc trái với danh giáo.
Đã hay chàng vẫn dụng tâm đường hoàng, lòng chàng sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng, không phải là việc ám muội. Song em thờ chồng, thề phải cùng chồng sống thác, không thể làm vui lòng chàng. Bây giờ trả chàng đôi hạt châu đó, em cũng ứa hai hàng nước mắt, giận rằng chúng ta không gặp nhau khi em chửa có chồng”.
3. Dịch vần:
Tiết phụ ngâm
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em, chàng tặng một đôi ngọc lành
Vấn vương những cảm mối tình
Em đeo trong áo lót mình màu sen
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang
Như gương, vâng biết lòng chàng
Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa
Trả ngọc chàng, lệ như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
Đại để, các bài thơ khác trong “Đường thi” cũng được khảo cứu và dịch thuật như thế hoặc gần như thế.
Xem xét cách làm của Ngô Tất Tố ở đây, có thể thấy từ 80 năm trước, Ngô Tất Tố đã đọc rất nhiều thơ Đường (tất nhiên đọc từ chữ Hán) đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu liên quan đến thơ Đường và các nhà thơ Đường, và trong quyển “Đường thi” này, ông là người đầu tiên đáp ứng gần đủ những yêu cầu để giới thiệu với số đông người đọc, nhất là những người đọc “bình dân”, những điều cần hiểu và những cái hay của một bài thơ Đường, cho dù mấy chục năm gần đây các nhà nghiên cứu - không chỉ ở Trung Quốc - đã có những phát hiện mới, cách hiểu mới ở loại thơ kỳ thú này, mà tất nhiên Ngô Tất Tố chưa biết.
Có một điều rất đáng lưu ý là, năm 1962, Nhà xuất bản Văn hóa (Viện Văn học) đã cho in bộ “Thơ Đường”, hai tập, do nhà thơ Nam Trân tuyển thơ, các vị túc nho Hoa Bằng, Tảo Trang, Hoàng Tạo dịch nghĩa và chú thích, nhiều dịch giả dịch thơ. Xét về nhiều phương diện, cho đến nay, hơn nửa thế kỷ, chưa có sách nào về thơ Đường vượt qua được. Trong bộ sách có độ tin cậy cao này, số lượng những bài thơ do Ngô Tất Tố dịch được chọn đến 22 bài, một tỉ lệ rất cao so với những bài ông dịch trong “Đường thi”.
Tôi nghĩ, với tình hình nghiên cứu thơ Đường hiện nay, có thể chỉnh lý và bổ sung vào cách làm của Ngô Tất Tố mấy điều. Thứ nhất, khi đã có một quyển “Đường thi từ điển” bên cạnh, các nhà nghiên cứu và người đọc có thể lược đi phần “Tìm điển”. Thứ hai, ở phần “Giải nghĩa”, nên kết hợp thế nào đấy để người đọc vừa hiểu thật sát từng câu thơ từ nguyên bản chữ Hán, vừa hiểu rộng ra ngoài cái nghĩa có trong câu thơ.
Còn về phần “dịch vần” (mà bây giờ ta gọi là “dịch thơ”) của Ngô Tất Tố, chỉ đọc qua bài “Tiết phụ ngâm” trên đây, đã thấy ông tài hoa, phóng túng mà “trung thành” với tác giả như thế nào trong việc chuyển ngữ một bài thơ Đường. Việc 22 bài dịch thơ của Ngô Tất Tố được chọn trong bộ “Thơ Đường” nói trên là một chứng minh.
Tôi vẫn hằng mong trong một ngày không xa, “Đường thi” của Ngô Tất Tố sẽ được tái bản. Tôi rất tin không chỉ các nhà nghiên cứu, các nhà thơ, mà nhiều người đọc muốn được trực tiếp sở hữu quyển sách này.