Đừng làm hoen ố danh xưng

Thứ Ba, 24/07/2018, 08:51
Tôi nghĩ cần phải viết những dòng suy ngẫm này, về câu chuyện của hai người mẹ tội nghiệp, hai đứa trẻ đáng thương, hai gia đình đã và đang chịu quá nhiều đau khổ trong câu chuyện trao nhầm con xảy ra cách đây 6 năm tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì Hà Nội.


Nếu tôi không nhầm thì đã gần 4 tháng nay, kể từ khi vụ việc được phát hiện, báo chí, nhất là các tờ báo mạng đã đồng loạt khai thác thông tin tỉ mỉ, kỹ lưỡng và đăng tải quá nhiều thông tin bên lề không cần thiết.

Cho đến hôm nay, khi hai gia đình đã gặp gỡ nhau, sẵn sàng trao trả con cho nhau, và họ đang phải đau đầu tính phương án tốt nhất, nhân văn nhất để nối lại những đứt gãy trong quan hệ máu mủ của những đứa trẻ thì tôi nghĩ đã đến lúc báo chí hãy vì lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, vì mục đích cao cả tốt đẹp nên chấm dứt việc khai thác thông tin thêm về vụ việc, về hai đứa trẻ, hai gia đình và nỗi đau quá lớn của họ.

Hơn lúc nào khác, lúc này nên để cho hai gia đình và những đứa trẻ hai bên có được cuộc sống riêng tư bình yên. Báo chí hãy tôn trọng họ, cho họ thời gian để vơi bớt đau khổ, để chữa lành những vết thương lòng. Họ cần có thời gian để vượt qua khó khăn trước mắt.  Bởi cả hai bên gia đình, hai người mẹ, hai đứa trẻ đang phải tìm cách để làm quen và chấp nhận số phận thực của họ.

Chúng ta, những ông bố, bà mẹ hãy thử hình dung nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó. Và còn nữa, hai đứa trẻ kia. Vết sẹo số phận của chúng liệu có liền da theo thời gian khi mà các con đã có 6 năm gắn bó với gia đình của mình trước khi bị phát hiện nhầm lẫn. Các con không còn quá bé bỏng nhưng cũng chưa đủ lớn để hình dung được những khó khăn trước mắt mà các con đang phải trải qua.

Làm cho các con quá nổi tiếng trên mặt báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, và được dư luận quan tâm thái quá lúc này thực sự chỉ làm tổn hại đến các con hơn mà thôi. Cơ quan quản lí báo chí không nên để báo chí quá tự do khi khai thác sâu vào nỗi đau riêng tư của người khác.

Hãy nhìn nước bạn Thái Lan, cái cách truyền thông của họ về hành trình giải cứu các cầu thủ nhí của đội bóng Lợn Hoang. Thông tin cập nhật từng giờ, xuất hiện dày đặc trên mặt báo song nội dung thông tin cũng chỉ giới hạn trong những gì mà chính quyền Thái Lan cho phép.

Cho đến nay cả thế giới cũng chỉ biết đến hình ảnh chung chung về 13 thành viên đội bóng Lợn Hoang, nhưng từng trường hợp cá nhân cụ thể, gia đình của các cháu báo chí hầu như không khai thác sâu, tôn trọng quyền riêng tư tối đa, cân nhắc thiệt hơn khi đưa thông tin để nhằm đảm bảo tối đa tính nhân văn của báo chí và cũng là để giữ cho các em có một cuộc sống ổn định bình yên sau những sự cố không may xảy ra.

Những đứa trẻ ở Việt Nam hay những đứa trẻ ở Thái Lan, các con đều vừa phải trải qua những bi kịch khác nhau, song những chấn động tâm lí hậu bi kịch là thứ đang hiện hữu. Báo chí Việt Nam hãy vì mục đích nhân văn cao cả, hãy xứng đáng với sứ mệnh của mình, đừng làm hoen ố danh xưng, đừng để đánh mất mình trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
B.Yên
.
.