Đừng rẻ rung danh xưng "nghệ sĩ"

Thứ Năm, 08/06/2017, 11:25
Trong chuỗi thông tin, bình luận về vụ xích mích giữa người mẫu Trang Trần và diễn viên kịch Xuân Hương, có nhiều ý kiến đại ý rằng văn hoá và đạo đức của nghệ sỹ xuống cấp quá. Nhưng, nếu nhận xét về sự xuống cấp về văn hoá và đạo đức là chính xác thì việc sử dụng danh xưng nghệ sỹ lại có vẻ hơi dễ dãi và quá vội vàng.


Thực tế, từ nhiều năm nay, chúng ta dễ nhận thấy trong các cuộc phỏng vấn, hoặc các bài viết giới thiệu, việc sử dụng danh xưng nghệ sỹ đối với nhiều nhân vật có vẻ hơi bị lạm dụng. Sẽ thật nực cười nếu một cô người mẫu, một anh diễn viên điện ảnh, hay một ca sỹ thị trường được gắn hai chữ nghệ sỹ ở phía trước tên gọi. Họ đơn thuần chỉ là những nhân vật giải trí không hơn không kém. Và rõ ràng, giữa giải trí (entertainment) với nghệ thuật (art) là một khoảng cách rất xa, thậm chí công việc của họ cũng khác biệt nhau hoàn toàn.

Bởi vậy, nếu gọi một nhân vật giải trí (entertainer) là một nghệ sỹ (artist), có vẻ như chúng ta đã đánh đồng các giá trị và khiến cho nghệ thuật đích thực bị rẻ rúng đi rất nhiều.

Nghệ sỹ và nghệ thuật thực chất cao quý hơn rất nhiều và để được công nhận ở đẳng cấp ấy thực sự là vô cùng khắt khe. Một người như Nguyễn Phi Phi Anh chẳng hạn, đánh dấu tên tuổi bằng các tác phẩm nhạc kịch mà anh dàn dựng gần đây, không thể nào bị đánh đồng với những người mẫu chửi bậy hay đầy thị phi trong giới showbiz như vừa qua chỉ vì hai tiếng danh xưng nghệ sỹ.

Và khi chúng ta gọi một người mẫu, một diễn viên điện ảnh là nghệ sỹ, tại sao chúng ta không đặt ra câu hỏi: "Vậy tác phẩm sáng tạo của họ là gì để họ đủ được ghi nhận bằng danh xưng cao quý ấy?".

Chính sự dễ dãi của công chúng, sự dễ dãi của những người làm báo phụ trách mảng văn hoá văn nghệ đã tạo ngay ra lầm tưởng về vai trò nghệ sỹ. Từ đó, có những nhân vật giải trí nhàn nhạt, thậm chí là vô duyên, bất tài, cũng vẫn khoác lên mình hai chữ nghệ sỹ kia và khiến cho làng nghệ thuật ngày càng bị vấy bẩn bởi có quá nhiều sâu trong một nồi canh.

Mở rộng ra, chúng ta nhận thấy nhiều trang báo hiện nay cũng gộp cả phần văn hoá với phần giải trí làm một mảng, được gọi là văn hoá giải trí. Chính cái định hướng này đã đánh đồng giải trí vào văn hoá, và từ đó đánh đồng luôn cả vào nghệ thuật. Để từ đó, giới "nghệ" vốn dĩ tinh hoa bỗng nhiên bị dung nạp vào rất nhiều thành phần không phù hợp, không hợp chuẩn, và với số đông áp đảo, họ hoà loãng giới nghệ ấy ra với thứ mặt bằng văn hoá vô cùng thấp kém của mình.

Đó cũng là lý do nhiều người nhìn vào giới nghệ thuật Việt Nam và thở dài với các chiêu trò scandal rẻ tiền. Nhưng thực ra, có mấy ai hiểu rằng những người làm nghệ thuật đích thực gần như tuyệt đối không có scandal, còn đại đa số các scandal toàn dính đến những cái tên giải trí, từ đó gây ra rất nhiều bức xúc cho những người làm nghề chân chính.

Nghệ thuật không rẻ như thế. Nghệ sỹ không rẻ như thế. Đã đến lúc phải biết phân biệt nghệ thuật với môi trường giải trí đại chúng và xô bồ, để tinh thần nghệ thuật được tôn vinh tuyệt đối. 

Văn Đoàn
.
.