Dám làm giàu và dám làm liều

Thứ Năm, 22/06/2017, 09:00
Có một loại sách mà nhiều trí thức thực sự luôn muốn quay lưng lại với chúng chính là các kiểu “cẩm nang” hay “khai tâm” với những cái tên sách vô cùng “bắt tai”, cố hướng người đọc đến một khát vọng dễ dãi...


Hãy thử hình dung, nếu những cẩm nang ấy là bí quyết thực tế trong đời sống, với lượng sách bán ra khoảng vài ngàn cuốn và số người đọc thực hiện đúng theo “chỉ bảo”, số người giàu, người tài mới phát sinh mỗi ngày sẽ lớn đến mức nào.

Nhưng thực tế đời sống thì không như các cuốn cẩm nang ấy. Đời sống phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều. Và các cẩm nang kia thực chất chỉ là cho người đọc cảm giác thành công sắp tới với mình một cách dễ dàng với mục đích bán sách hoặc đánh bóng bản thân cho những người viết sách mà thôi.

Song, suy cho cùng, các cẩm nang ấy cũng không phải là thứ văn hoá phẩm độc hại gì, nên vì thế, chúng vẫn được quyền cấp phép phát hành như bất kỳ ấn phẩm văn hoá nào. Mua chúng hay không, tiếp nhận chúng thế nào, ấy là lựa chọn và tầm mức trí tuệ của khách hàng.

Trong một thị trường lành mạnh, chúng ta không có quyền tước đoạt cơ hội kinh doanh từ những đầu sách dạng ấy, và chúng ta càng không có quyền phản đối người mua nhằm dẫn dụ họ mua những ấn phẩm mà theo ý kiến chủ quan của mình mới là những thứ đáng đọc.

Nhưng cái tính công bằng kia của thị trường không đồng nghĩa với việc những đơn vị phát hành sách muốn làm gì thì làm, mà đơn cử như hành động quảng bá cho cuốn "Dám làm giàu" mới đây ở Huế. Tác giả ngồi trên khinh khí cầu, bay lên từ Sân vận động Tự Do, và rồi rải tiền xuống, với cái uyển ngữ gọi là “cơn mưa tài lộc”. Quả thật là nực cười và phản cảm khi chủ nhân cơn mưa tài lộc kia sau khi nhận được các chỉ trích đã thanh minh đại ý rằng, chỉ có ý định rải phong bao lì xì giới hạn trong Sân vận động Tự Do, tức là điểm làm lễ ra mắt sách, nhưng chỉ vì tại… gió nên tiền mới bay tứ tung ra ngoài.

Một người dạy người khác dám làm giàu thế nào mà không biết cái quy luật càng lên cao thì những gì mình thả ra càng có cơ hội phát tán xa hơn thì liệu có phải là một người đáng tin cậy trong việc đưa ra các kinh nghiệm và kiến thức đời sống? Hơn nữa, một người có hành vi phản cảm là rải tiền từ trên bầu trời của một thành phố cổ kính liệu chăng là một người có đủ tầm văn hoá để tham gia vào thị trường văn hoá như một người truyền cảm hứng và dẫn dắt cộng đồng?

Cách đây khoảng chục năm, trong một buổi ghi hình cho một show truyền hình thực tế nhỏ, Lê Thanh Sơn, đạo diễn phim “Em chưa 18” đã từng thử phản ứng của người đi đường ở TP Hồ Chí Minh bằng cách rải những tờ USD (tiền âm phủ nhưng in ấn sắc nét cực giống với tiền thật).

Ngay sau đó, Sơn đã gặp phải rất nhiều phiền toái và với Sơn, đó vẫn là một kinh nghiệm để đời mà sau này nó giúp Sơn tỉnh táo hơn khi đưa ra những ý tưởng phục vụ cho những chương trình, sản phẩm ghi hình nào đó. Và vượt trên hết, trong những lần tâm sự với bạn bè, Sơn vẫn nói đại ý rằng, sự việc ngày xưa luôn giúp anh nghĩ đến việc đừng bao giờ nên làm liều bất kỳ điều gì, bởi hậu quả của nó vốn dĩ rất khó lường.

Quay trở lại với "Dám làm giàu", có chăng đơn vị xuất bản và tác giả cuốn sách đã cố tình làm liều để chơi nổi, với mục đích cuốn sách sẽ giúp họ đạt được những mục đích cá nhân rất cụ thể? Dám làm giàu là một khát vọng, nghị lực tốt đẹp mà mỗi con người đều nên có. Song, dám làm giàu không có nghĩa là dám làm liều, làm ẩu, bất chấp kết cục sau này sẽ như thế nào. 

Văn Đoàn
.
.