Người nổi tiếng truyền cảm hứng đọc sách

Chủ Nhật, 22/01/2017, 08:01
Cùng với chiến dịch vận động  “Đọc sách thật phong cách”  vừa được khởi động, giải thưởng Sách Việt Nam 2016 đã được công bố, như tín hiệu lạc quan cho văn hóa đọc những ngày đầu năm mới 2017!


“Bỏ smart phone xuống, cầm sách lên!”

 Nguyệt Hà

Vừa qua, dự án “Cùng Đọc Sách” (Let’s Read) - dự án phát triển văn hóa đọc của Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) đã công bố chiến dịch “Đọc sách thật phong cách”. Đây là một “chiến dịch” về phát triển văn hóa đọc có quy mô lớn và được quảng bá rầm rộ nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.

Tham gia “chiến dịch” này, có hơn 100 nhân vật nổi tiếng thuộc các lĩnh vực đặc biệt có sự tham gia của GS. Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch, nhà báo Tạ Bích Loan, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình - những người có vai trò sáng lập, khởi xướng.

Trong phạm vi “chiến dịch”, hình ảnh những người nổi tiếng sẽ liên tục được đăng tải đi kèm những thông điệp từ chính các nhân vật về ý nghĩa của sách đối với cuộc đời họ.

Giao lưu với các đại sứ văn hóa đọc ''nhí'' tại lễ trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô, 2016”.

Theo đại diện dự án “Cùng Đọc Sách”, chiến dịch muốn mang tới một hình ảnh hiện đại, thời thượng và thân thiện của Sách. Dự án mong muốn truyền tải thông điệp đó thông qua niềm yêu sách của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong xã hội.

Chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” thuộc dự án “Cùng Đọc Sách” được lấy cảm hứng từ bộ ảnh READ của 200 người nổi tiếng trong nền giải trí Âu Mỹ do Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) thực hiện. Sau khi tổ chức thành công cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô - 2016 tại Hà Nội (đã trao giải vào tháng 10-2016) và chương trình “Một triệu cuốn sách” - quyên góp và tặng 1 triệu cuốn sách cho các trường học ở địa phương, dự án tiếp tục chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” và đã nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng.

Từ đầu tháng 1-2017, dự án bắt đầu công bố hình ảnh và thông điệp của 40 nhân vật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam như ca nương Kiều Anh, người mẫu Thúy Hạnh, người mẫu Helly Tống, diễn viên Ngọc Thanh Tâm, MC Lê Anh, MC Liêu Hà Trinh, MC Minh Trang, Nhạc trưởng Đặng Châu Anh, nghệ sĩ violon Trang Trịnh, nghệ sĩ cello Hoài Xuân; nữ PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly (từng là PGS trẻ nhất Việt Nam); các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Phong Việt, Di Li, Nguyễn Phương Mai, Nguyễn Ngọc Thạch, Ploy Ngọc Bích, Tuệ Nghi, Rosie Nguyễn, Đinh Trần Tuấn Linh, Quỳnh Hương, Đặng Hồng Ngọc, Phiên Nghiên. Bên cạnh đó là sự góp mặt của những chuyên gia nhiều lĩnh vực như Vũ Minh Lý, Nguyễn Phi Vân, Đặng Đình Dũng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Vân Anh...

Những chia sẻ chân thực về sách của doanh nhân thành đạt như Nguyễn Cảnh Bình, Thi Anh Đào cũng sẽ là những điểm nhấn ấn tượng với bạn đọc. Sau đó, chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” sẽ tiếp tục kêu gọi những người nổi tiếng khác tham gia. Dự án đặt hi vọng đến hết tháng 3-2017, sẽ vượt qua con số 100 nhân vật, đưa “Đọc sách thật phong cách” trở thành chiến dịch hình ảnh rầm rộ nhất từ trước tới nay ở Việt Nam về đọc sách.

Mấy năm trở lại đây, đã có nhiều chiến dịch kêu gọi cộng đồng cùng chung tay nâng cao ý thức về văn hóa đọc, ví dụ như các hoạt động chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của “Ngày sách Việt Nam 21-4” hay các hội chợ sách đang được mở ngày một thường xuyên hơn ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, chiến dịch “Đọc sách thật phong cách” nói riêng và dự án dài hơi “Cùng Đọc Sách” hi vọng đem đến cho cộng đồng một suy nghĩ mới, hành động mới. Phù hợp nhất hiện nay có lẽ câu nói: “Hãy bỏ smart phone xuống và cầm sách lên!”.

Tín hiệu lạc quan cho văn hóa đọc

Lê Thiếu Nhơn

Cùng với chiến dịch vận động  “Đọc sách thật phong cách”  vừa được khởi động, giải thưởng Sách Việt Nam 2016 đã được công bố, như tín hiệu lạc quan cho văn hóa đọc những ngày đầu năm mới 2017!

Giải thưởng Sách Việt Nam 2016 được tổ chức tại Thư Viện Quốc Gia - Hà Nội vinh danh 90 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Cụ thể, Giải Sách Hay được trao cho 47 tác phẩm, gồm 4 giải Vàng, 10 giải Bạc, 17 giải Đồng và 16 giải Khuyến khích. Giải Sách Đẹp được trao cho 43 tác phẩm, gồm 4 giải Vàng, 8 giải Bạc, 13 giải Đồng và 15 giải Khuyến khích và 3 giải Bìa Đẹp. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là làm sao để lan tỏa giá trị của những cuốn sách đoạt giải thưởng.

Với công nghệ in ấn hiện đại, cộng với sự đầu tư thỏa đáng của giới làm sách, những cuốn sách đẹp càng ngày càng nhiều. Không khó khăn gì để đạt được sự đồng thuận trong dư luận dành cho những cuốn sách đẹp, hoặc những cuốn sách có bìa đẹp. Tuy nhiên, giải thưởng "Sách Hay" vẫn là một ẩn số trong giới yêu sách. Thử nhìn vào những tác phẩm đoạt giải vàng "Sách Hay" gồm “Dược thư quốc gia Việt Nam”, “Vũ Hạnh tuyển tập”, “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường” hoặc bộ sách văn học thiếu nhi 12 cuốn của nhà văn Vũ Hùng thì độc giả không khỏi băn khoăn.

Sách bán chạy chưa hẳn là sách hay. Đúng, nhưng sách hay chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ hẹp thì rất đáng tiếc cho cộng đồng. Một cuốn sách hay cần được tiếp cận rộng rãi với bạn đọc, đòi hỏi ấy vô cùng chính đáng và cần được đắn đo thực hiện. Một cuốn sách hay mà không được hội thảo cũng như không được phê bình thì ý nghĩa xã hội sẽ giảm sút đáng kể.

Giải thưởng Sách Việt Nam là một sáng kiến thú vị và những người đảm đương công việc ấy cũng đã bền bỉ vun đắp cho sân chơi sang trọng này. Càng có nhiều cuốn sách đẹp thì tiêu chí thẩm mỹ của các ấn phẩm càng được nâng lên. Còn càng có nhiều cuốn sách hay thì thế giới tình cảm và trí tuệ của người dân càng được kích hoạt mạnh mẽ. Cho nên, đã đến lúc Hội Xuất bản Việt Nam phải tính đến nhu cầu mở rộng biên độ của Giải thưởng Sách Việt Nam. Sách đẹp phải được triển lãm ở thư viện các địa phương. Và sách hay thì cần có cuộc phát động đọc và viết về tác phẩm.

GS. Ngô Bảo Châu: “Sách đối với tôi là những người bạn!”

“Từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích sách. Ngày ấy, gần nhà tôi ở trên Hàng Bài có một hiệu sách nhỏ, mỗi lần cùng ông ngoại đi qua đó tôi đều xin ông cho vào hiệu sách để xem. Dù chưa biết đọc nhưng tôi rất thích được xem và cầm những quyển sách, mặc dù thời điểm ấy hầu như không có sách thiếu nhi. Cuộc sống thời đó khó khăn, một cuốn sách dù chỉ mấy hào cũng phải đắn đo mãi.

Tôi nhớ có một lần đã nài nỉ ông ngoại mua cho một cuốn sách chỉ bởi vì vô cùng thích bìa của nó in hình những chú lợn hồng hồng và đấy là cuốn sách đầu tiên mà tôi có, cuốn “Kỹ thuật chăn nuôi lợn”. Sau này tôi có cơ hội được đọc sách nhiều hơn một chút vì mượn sách được từ các chú, các bác nhưng ngày đấy vẫn còn rất ít sách chứ không nhiều như bây giờ.

Có nhiều đầu sách mà tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần, một phần bởi tôi rất thích những cuốn đó, nhưng cũng bởi vì tôi đã đọc hết những cuốn có thể đọc rồi.

Sách đối với tôi là những người bạn, bên tôi lúc lớn lên hay những khi cần giữ thăng bằng trước những biến cố cuộc đời. Đọc sách là một sở thích, một thú vui, hay có thể nói là thú đọc sách. Tôi không đọc sách theo kế hoạch theo kiểu đặt chỉ tiêu một năm hay một tháng phải đọc được bao nhiêu, đọc xong là phải viết bài đánh giá ngay hay phải đọc từ đầu đến cuối sách.

Không có quá nhiều cuốn sách mà tôi đọc hết 100%. Tôi tìm đến sách mỗi khi có những câu hỏi cần được giải đáp, những vấn đề cần tìm hiểu. Hay có những khi đọc sách là thời gian mà tôi muốn dành cho chính bản thân mình, tách mình khỏi guồng quay vội vã của cuộc sống hàng ngày, để duy trì và tìm về với bản ngã, đắm mình trong thế giới nội tại.

Cũng giống như bất kỳ người yêu sách nào, tôi luôn tâm niệm dành những không gian đẹp đẽ trong nhà mình cho những tủ sách. Tại Mỹ, tôi có một tủ sách với vài ngàn đầu sách được đặt trang trọng tại phòng khách. Đó cũng là nơi yêu thích của mọi thành viên trong gia đình. Tôi đặt các thể loại sách khác nhau ở những nơi khác nhau để tránh làm xao nhãng công việc.

Tủ sách dành cho công việc tại văn phòng của tôi ở trường đại học có gấp đôi đến gấp ba lần số sách ở nhà, nhưng hầu hết là sách toán, sách phục vụ cho công việc. Ngoài ra căn nhà ở Hà Nội, cùng với nhà của viện toán ở Tuần Châu tôi cũng thiết kế những tủ sách như một thư viện nho nhỏ ở trong nhà...”.

Hoàng My - Á hậu Việt Nam 2010: “Sách trò chuyện với tôi bằng cảm xúc!”

"Khi da gà nổi lên từng cơn như thể có một luồng điện chạy loạn trong người lúc đọc sách, là tôi biết quyển sách ấy đang trò chuyện với tôi. Sách trò chuyện với từng người theo cách khác nhau, với tôi, chúng trò chuyện bằng cảm xúc. Quyển sách nào làm tôi rợn da gà càng nhiều thì đó hẳn là một quyển sách hay! Cảm giác điện chạy trong người ấy thực sự là một cảm giác gây nghiện.

Dù cách đọc bằng cảm xúc nghe thì có phần lãng mạn, nhưng tôi lại không khoái những thể loại tiểu thuyết ngôn tình ướt át. Tôi say mê những dòng sách tư tưởng, khoa học, lịch sử, siêu nhiên thần bí và về cuộc đời của những người vĩ đại. Tôi thấy mình được hấp thụ những tư tưởng vĩ đại và được kết nối mạnh mẽ khi đọc về họ. Với Steve Jobs và Einstein, tôi cảm giác họ chính là những người hộ mệnh của tôi, và như thể những gì họ đã làm ra là dành cho tôi vậy.

Tôi thích lang thang đến những miền đất mới, vì thế sách nghe là người bạn thân thiết của tôi. Có những quyển sách thật hay nhưng chưa được dịch cho nên tôi phải nghe bằng tiếng Anh. Khi nghe quen và hiểu được sách tiếng Anh, tôi ngỡ ngàng bàng hoàng với kho tàng trí tuệ khổng lồ của nhân loại! Tôi có thể nghe hết ngày này đến ngày khác mà không thấy chán vì khi nghe tôi có thể làm được nhiều thứ khác bằng mắt và tay chân.

Ngày còn nhỏ, với số tiền ít ỏi mẹ cho ăn sáng hằng ngày, tôi đã nướng hết để mướn truyện tranh. Tôi đã đọc không đếm hết bao nhiêu là truyện tranh (và vì thường xuyên nhịn ăn sáng nên lúc ấy ốm nhách). Tôi yêu “Doraemon”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Đường dẫn đến khung thành” và rất thích các truyện ngụ ngôn thần thoại.

Khi lớn lên, tôi thích nhất bộ sách 3 quyển "Conversation with God" (Đối thoại với Thượng Đế) của tác giả Neale Donald Walsch, tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Bộ sách đó là một một cuộc trò chuyện kỳ lạ giữa tác giả và thượng đế. Tư tưởng trong quyển sách ấy gợi mở, khai sáng và truyền cho tôi năng lượng bước đi trên con đường mà tôi muốn chinh phục. Đến bây giờ vẫn còn như thế".

Mi Ly  - Điều phối viên dự án “Cùng Đọc Sách”: “Rất nhiều người nổi tiếng có chung niềm đam mê với sách”

- Thưa chị Mi Ly, bắt nguồn từ ý tưởng nào để dự án “Cùng Đọc Sách” xây dựng chiến dịch “Đọc sách thật phong cách”?

+ “Đọc sách thật phong cách” là một cách nói vần, nhưng cũng không sai sự thật: người đọc sách có khả năng hiểu bản thân mình hơn và định hình phong cách cho mình. Còn về ý tưởng, chúng tôi xây dựng chiến dịch này để hóa giải những... hiểu lầm.

Qua nhiều năm quan sát và trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy đọc sách đang dần trở thành một thói quen gắn với phong cách sống hiện đại, ít nhất là ở thành thị. Có nhiều hơn những nơi chốn dành cho người đọc sách lui tới và thể hiện sở thích của mình. Truyền thông của chúng ta chưa thể hiện được những nét văn hóa đó, mà chỉ đưa ra những con số thống kê khá khô khan và ảm đạm.

Một hiểu lầm quan trọng nữa là “đóng gói” những người yêu sách vào một nhóm riêng và coi là cũ kỹ, không thời thượng, tách biệt với những nhóm người yêu phim, yêu nhạc… Điều đó cũng không còn đúng nữa, ít ra qua chiến dịch này chúng tôi đã chứng minh được sách có thể đến với những con người ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vì thế, qua chiến dịch này, chúng tôi muốn thể hiện một hình ảnh lạc quan hơn: sự thực là có rất nhiều người nổi tiếng và thành công đều có chung niềm đam mê với sách, dù không nhất thiết họ phải đọc mọi lúc mọi nơi. Trong con người họ có những giá trị do sách tạo dựng nên, riêng điều đó đã cần ghi nhận rồi. Những năm gần đây, chúng ta đã quen với “văn hóa sách đẹp” - sách được thiết kế long lanh để thu hút độc giả. Còn ở chiến dịch này, chúng tôi cũng muốn thể hiện “đọc sách là một lối sống đẹp” thông qua những hình ảnh đẹp, được thiết kế trau chuốt.

- Tại sao lại lấy tên dự án là “Đọc sách thật phong cách”, khi mà đọc sách thuộc lĩnh vực sách vở, còn phong cách là một khái niệm của thời trang thưa chị?

+ “Phong cách là một khái niệm của thời trang” chỉ là quan niệm hẹp. Phong cách của mỗi người bao gồm cả ngoại hình, nội tâm và phong thái. Trong cuộc sống hiện đại, sự đề cao hình thức đôi khi khiến người ta hiểu sai rằng chỉ ăn mặc đẹp, thời thượng mới được coi là có phong cách. Trên thực tế, rất nhiều người diện mạo bình thường lại có phong cách cực kỳ cuốn hút bởi nội tâm và phong thái của họ.

Trong chiến dịch này, chúng tôi chủ định mời những nhân vật đến từ các lĩnh vực khác nhau (khoa học, kinh doanh, giải trí, giáo dục, văn học...). Với mỗi nhân vật, chúng tôi đều nhấn mạnh rằng hãy lựa chọn hình ảnh thể hiện đúng nhất phong cách và cá tính của họ. Có người đẹp rực rỡ, có người rất chỉn chu nghiêm trang, có người lại giản dị trầm tư. Chúng tôi tin rằng, những người thích đọc sách đều biết rõ phong cách của họ là gì. Bởi có một điều, sách có thể giúp chúng ta, đó là năng lực hiểu bản thân mình.

- Được biết, dự án đã chọn ra những gương mặt nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Có tiêu chí đặc biệt nào để chọn ra các nhân vật tham gia dự án không?

+ Chúng tôi chọn những người yêu thích sách (nhưng không cần là mọt sách). Đó luôn là tiêu chí quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các nhân vật đều là những người tài năng, uy tín và thành công ở lĩnh vực của họ. Và cuối cùng, tiêu chí nổi tiếng được nhấn mạnh khi chúng tôi giới thiệu chiến dịch. Ngày nay có hai dạng nổi tiếng: nổi tiếng với đại chúng và nổi tiếng trong lĩnh vực chuyên môn. Cả hai dạng đều đáng trân trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục mời những nhân vật như vậy.

- Xin chị cho biết lộ trình, cách thức mà “Cùng Đọc Sách” thực hiện dự án “Đọc sách thật phong cách” ra sao?

+ Chiến dịch bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2016 với việc lên kế hoạch và liên hệ những nhân vật thuộc nhóm khởi xướng: nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình. Sau đó là quá trình liên hệ các nhân vật, thu nhận hình ảnh, thông điệp từ họ và lên thiết kế đồng bộ, chọn thông điệp.

Điều đáng ngạc nhiên là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhân vật khiến chúng tôi rất cảm kích. Chúng tôi cũng ấn định ngày ra mắt gần dịp Tết bởi trước mắt là một kỳ nghỉ khá dài, biết đâu chiến dịch sẽ truyền cảm hứng cho mọi người mua vài cuốn sách về đọc. Chúng tôi đã tiến hành công bố dự án vào tối 7-1 và tối 14-1-2017 trên fanpage của dự án “Cùng Đọc Sách” và chia sẻ trên trang cá nhân của các nhân vật sau đó. Sau khi loạt ảnh đầu tiên của tháng 1-2017 ra mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ nhân vật và công bố hình ảnh đến tháng 3-2017, hy vọng vượt qua con số 100 nhân vật.

- Chị có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án “Đọc sách thật phong cách” mà bản thân chị gặp phải?

+ Thuận lợi là trong quá trình tiếp xúc các nhân vật, chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn đến bất ngờ dù họ biết đây là chương trình cộng đồng phi lợi nhuận. Phần lớn các nhân vật đều có phản hồi rằng đây là hoạt động ý nghĩa và muốn góp sức để lan tỏa tình yêu sách trong xã hội.

Còn thách thức lớn nhất nằm ở chỗ đây là chiến dịch truyền thông hình ảnh đầu tiên ở Việt Nam về chủ đề tương tự và chỉ tập trung vào truyền cảm hứng cộng đồng, không nhằm quảng bá kinh doanh. Tôi mong rằng, với uy tín sự ảnh hưởng của những tên tuổi lớn như GS. Ngô Bảo Châu, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và các văn nghệ sĩ, chí sĩ, doanh nhân nổi tiếng khác, chiến dịch sẽ truyền được cảm hứng đọc sách tới đông đảo công chúng!

- Xin cảm ơn chị! 

PV
.
.