Bồi hồi nghe chuyện của rêu

Thứ Sáu, 18/11/2016, 08:22
Đọc tập thơ “Chuyện của rêu” của Trần Kim Anh, NXB Hội Nhà văn, 2016


Đã lâu lắm mới thấy có một nhà thơ bỏ thời gian, công sức đi tìm hiểu thực tế ở một vùng đất đầy bụi than để sáng tác, tôi muốn giới thiệu: nhà thơ Trần Kim Anh. Chị đã đến vùng mỏ Quảng Ninh, mặc đồ bảo hộ, đeo đèn mỏ và bình dưỡng khí xuống tận hầm lò sâu 190 mét, gặp công nhân ở các moong... Tập thơ “Chuyện của rêu” có 37 bài thì chùm thơ về vùng mỏ chiếm tới 7 bài. Bài “Từ thẳm sâu” viết ở mỏ than Mông Dương, Ngọn đèn lò trên trán người thợ thì trong văn chương nghệ thuật đã đề cập nhiều, Trần Kim Anh vẫn tạo được những nét riêng:

Ngọn đèn lò
Niềm đam mê chiếm lĩnh bay lên
Ánh nhìn của người trai thành điện
Ánh mắt đợi chờ, ánh mắt sinh sôi

Hình ảnh trong câu thứ ba trên đây mới đọc tưởng bình thường dễ cho qua nhưng quả thực đó là nét đặc biệt ấn tượng của người thợ lò, nó chứng tỏ người viết đã nhập hồn vào đối tượng, nêu lên được cái đẹp tạo hình không lẫn với ai. “Ánh mắt đợi chờ, ánh mắt sinh sôi” là một phát hiện có chiều sâu nữa về đời sống của họ, đọc thấy xúc cảm và chan chứa yêu thương.

Bài “Ám thị” có những câu tươi tắn về vùng than:

Nâng mùa than trên tay
Từ lòng mẹ đất…
Ánh sáng nẩy chồi
Quê bừng sắc phố.

Đẹp nhưng không rơi vào mỹ lệ hóa sáo mòn, thật ảo đan xen, hiện thực lồng siêu thực một cách nhẹ nhàng như câu đầu và câu thứ 3, tưởng bình thường nhưng không hề dễ chút nào.

Đến mỏ than Hà Tu, Trần Kim Anh viết bài “Người đàn bà đội than”, ở đây mỗi công nhân đội than đổ vào máng xe với khối lượng năm tấn mỗi ngày. Qua thơ Trần Kim Anh, sự vất vả cực nhọc khiến họ như biến thành sinh thể khác, có lúc thấy: “Tựa khói”.

Có khi lại:

Bao thế hệ cầm tay đứng dậy
Tựa núi…
Lặng lẽ như than dâng sáng
Tựa đất…
Chị đội mỗi ngày
Tựa đá.


Nặng nề như vậy bỗng bất ngờ chị điểm vào câu thơ rất đẹp:

Họ là than năm tấn đẫm hương rừng.

Bài “Ru”, Trần Kim Anh viết về bà Nguyễn Thị Gái có con là công nhân chết vì sập hầm lò có câu kết thật xót xa:

Cháu con
      xình xịch tàu đời
                              bà đeo
.

Ôi, một bà già nghèo khó mà đeo trên vai cả một đoàn tàu nặng “xình xịch” kia, ai hình dung được cuộc sống của họ thế nào?

Viết về những người mót than trong bài “Vá gia đình” có câu:

Mót than rơi, thả cuộc đời đen đỏ
Sữa non héo vú giêng hai.

Phải là phụ nữ mới có sự cảm thông sâu sắc đến cái sự “héo vú” xót xa kia. Nhiều thi nhân đã viết rất hay về cặp nhũ hoa, nhưng “vú giêng hai” thì thật là xuân non và đẹp quá. Xin ghi nhận sáng tạo này là của riêng Trần Kim Anh, chị hãy giữ lấy bản quyền! Lại nhớ sinh thời thi sĩ Xuân Diệu vô Sài Gòn chuyện thơ với chúng tôi, ông nói: “Này, xin nhớ chữ “chiều lỡ thì” là made in Xuân Diệu đấy, đừng anh nào thuổng nhé”. Ông thường nhắc vậy nên thời ấy không ai thuổng của ai, giờ thì vô thiên lủng.

Trần Kim Anh cảm thông nhiều nhất với người thợ hầm lò, nhiều người bị vùi lấp bởi không đủ phương tiện giải cứu. Với trường hợp một công nhân tên Việt bị sập hầm lò, chị viết:

Đất giận
Đất gói em làm nhân bánh hầm lò
Như đất gói bạn bè em trong tầng sâu của mỏ
Đất ăn.

Nhưng hiện nay, chúng ta có phương tiện hiện đại, nhiều vụ sập hầm lò đã giải cứu được kịp thời, những người thợ ngỡ bị vùi sâu dưới nhiều tầng đất đá thì may mắn đã được đưa lên mặt đất về với gia đình. Bài “Trở về cùng ánh sáng” kết thúc trong sự vỡ òa niềm vui:

Ở đó hầm lò nuôi em trong vầng sáng bạn bè
Em - cái nhân bánh
Tự tin trở về với mẹ.

Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì nhà thơ Trần Kim Anh đang chỉnh lý để sửa soạn in tập thơ thứ tư có tên “Người đàn bà đội than”. Như vậy không phải chỉ có chùm thơ 7 bài mà cả một tập thơ về vùng than, chứng tỏ chị lao động nghệ thuật cần mẫn nghiêm túc có ý thức tập trung về từng chủ đề cho ra tấm ra món.

Về các đề tài khác, thơ Trần Kim Anh cũng tạo được những ấn tượng đẹp. Bài “Rêu” có câu:

Rêu nhẫn nại ngàn ngàn tháp cổ
Mặt bia kia
Rêu nói chuyện sơn hà.

Chữ “sơn hà” nghe thì cũ nhưng trong ngữ cảnh này lại phù hợp bởi đó là lời của rêu phong cổ kính chứ không phải nhà thơ nói. Trần Kim Anh sử dụng ngôn từ hình ảnh khá chọn lọc, trong bài “Lời hoa gạo”:

Ta hoa gạo gom xuân dâng cho hạ
Cháy hết mình sinh nở dịu dàng thu
Ngậm đắng chát dìu đông qua buốt giá…

Chỉ ba dòng thơ thôi mà xuyên suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông, lại có đủ cung bậc nhân sinh: cháy hết mình, sinh nở, rồi cả vị đời, nỗi đời buốt giá… Đó là khát vọng, tâm tư của nhà thơ gửi gắm vào cây hoa gạo.

Gió cuốn sân ga bồn chồn bóng đợi
Nước mắt lòng tàu mặn ngọt ngập đường ray
.

(Chuyện con tàu)

Hoa gạo thì “Ngậm đắng chát”, con tàu thì “nước mắt mặn ngọt ngập đường ray”, ta thấy thơ Trần Kim Anh hướng nhiều về nội tâm, giàu trải nghiệm, có sự tu luyện bút pháp khá rõ.

Mấy năm gần đây nhiều người phàn nàn rằng không ít bài thơ nhiều lời mà ít ý, quả có thế thật; đặc điểm quan trọng bậc nhất của thơ là sự hàm súc, nói ít hiểu nhiều, thơ ở ngoài lời, vậy mà không ít nhà thơ đã bỏ qua điều này, làm nản lòng người đọc. Trần Kim Anh tránh được cái sự đa ngôn đáng sợ ấy.           

Ta không ta
Biển cả cũng không nhà.

(Nghĩ)

Hai câu thơ điển hình về tính hàm súc. Sao lại “ta không ta”? Nếu người viết quen tay diễn giải thì sẽ rất dài dòng, dài dòng mà chưa chắc nói được nhiều hơn là hàm súc như ba chữ trên. Câu thứ hai khá lạ, biển thì cần gì nhà với cửa? Nhưng đó là sự phi lý trong tính hợp lý nghệ thuật, biển được nhân cách hóa để nói về cảnh ngộ của con người.

Trần Kim Anh ít nói trực tiếp mà phần lớn các ý tưởng, khái niệm đã được hình tượng hóa, hay nói cách khác là tư duy logic được thay thế bằng tư duy hình tượng. Những điều này cũng là một vấn đề có tính thời sự của thơ, bởi gần đây nhiều bài thơ ít được hình tượng hóa mà nói trực tiếp nên thơ dễ bị nhạt. Nói trực tiếp chỉ phù hợp với văn chính luận.

Tôi chỉ biết mang máng là Trần Kim Anh khi thì sống ở Sài Gòn, khi ở Hà Nội, vậy mà chị viết về người nông dân nghèo khó với những hình ảnh xưa cũ rất cảm động:

Con cúi lạy người bên kia thế kỷ
Răng đen váy đụp bà nông dân
Con đã đến đã qua bao màu phố
Mà lòng năm tháng bậu quanh người.

(Bà nông dân của tôi)

Hình ảnh “răng đen” bây giờ hiếm thấy,“váy đụp” thì chắc chắn không còn, vậy mà chị đưa vào thơ rất tự nhiên sau câu: “Con cúi lạy người bên kia thế kỷ”, à cụ già này có thể đã ngự trên bàn thờ rồi. Nhưng câu thứ tư: “Mà lòng năm tháng bậu quanh người”. Chữ “bậu” do Trần Kim Anh sáng tạo ra, đặt vào câu thơ này khá đắc địa.

Về công việc chữ nghĩa, phần trên tôi đã nói, nhưng cuối bài, muốn giới thiệu một quan niệm của Trần Kim Anh khá độc đáo:

Bằng bồi lở núi rừng sông bể
Muôn mặt khóc cười nên chữ thành câu…
Giọt máu biết im, hạt cơm biết nói
Nhân nghĩa cho thì lực bút lớn dần.

(Bút lực)

Lại vẫn thủ pháp hình tượng hóa, câu một và hai nói lên quá trình từ ngôn từ đời thường chuyển hóa thành giá trị văn chương có sức sống lâu bền. Không phải từ sự nhào nặn chữ nghĩa trong đầu óc, bên ngọn đèn trang giấy mà bằng “bồi lở núi rừng sông bể” của thiên nhiên và “muôn mặt khóc cười” của nhân thế, vừa có ý nghĩa về lý luận văn học lại rất sinh động về tình đời dâu bể.

Câu thứ ba phát triển theo hướng vừa khái quát vừa cụ thể: “Giọt máu biết im, hạt cơm biết nói”, hai tương phản rất lý thú: “biết im” cũng để nói được nhiều điều; “biết nói” lại cũng mang ý nghĩa im lặng để suy nghĩ sâu xa, bởi hạt cơm thì chỉ im lặng dâng hiến chứ ai thấy nó nói bao giờ!

Đặc biệt câu thứ tư: “Nhân nghĩa cho thì lực bút lớn dần” ấy là nghĩ suy về lao động nhà văn mà bấy lâu nay ít ai đề cập tới theo lối này, vừa cổ điển vừa hiện đại. “Lực bút lớn dần” rất vóc dáng, một nhà thơ nữ có tư duy và khát vọng như thế thật đáng quý.

Lựa chọn con đường lao động sáng tạo thi ca, nhiều người coi nhẹ nhàng như cuộc picnic với nàng thơ, facebook trong thoáng chốc, nhưng Trần Kim Anh lại khác, chị chấp nhận vất vả cam go, thiệt thòi mọi nhẽ. Tập thơ “Chuyện của rêu” là thành công đáng ghi nhận trên con đường gian nan nhiều bất trắc ấy của chị.

TP. Hồ Chí Minh 10-10-2016
Nguyễn Vũ Tiềm
.
.