Bất chợt một miền thơ

Thứ Hai, 29/10/2018, 07:36
Điều gì làm cho ta cảm thấy rung động trước một bài thơ? Tôi nghĩ, đó không phải chỉ là những con chữ hiện hình trên mặt giấy. Có rất nhiều con chữ đẹp nhưng không Chạm được vào ta, bởi người viết không mang một cảm thức thi ca thực sự.


Thơ đến từ những miền bất chợt, nó là sự đầy tràn tự nhiên từ một trái tim thi sĩ, một tâm hồn rung ngân, chứ không phải từ bất cứ một sự cố gắng nào. Tôi đã gặp một miền bất chợt ấy trong thơ Trương Phù Sa. Một miền buồn và đẹp đến độ trong vắt, như mặt nước sông ta có thể soi bóng trong buổi chiều nắng vàng, im gió.

“Em về giữa nắng”- tập thơ mỏng mảnh và nhẹ như chiếc lá. Nó có thể chìm lẫn trong muôn vàn cuốn sách dày dặn, ngày càng có xu hướng long lanh về hình thức, được bày đẹp đẽ trong những quầy sách ngoài kia. Nhưng nếu đọc hết tập thơ, gấp sách lại, ta có cảm giác đi hết một chiếc lá đó thôi cũng đủ hết một cuộc đời.

Bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu ngọt ngào và cả mất mát gói ghém vào đó một đời người làm thơ. Miền thơ ấy có tên là Miền Yêu, cho ta thấu hiểu tâm hồn người thi sĩ - Trương Phù Sa:

Không thấy buồn chỉ thấy em giữa quạnh hiu ta nhớ
Mùa sang chưa trên triền dốc giữa mong chờ
Em bất chợt như là cơn mưa trên miền sa mạc cháy
Níu bước chân xưa em về lại bao giờ....

(Giữa quạnh hiu)

Tình yêu muôn đời là câu chuyện của nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng. Người sáng tạo đứng ở điểm nhìn nào rồi họ cũng hướng về vùng trung tâm ấy. Như tiếng gọi tất yếu của tâm hồn và trái tim con người. Tình yêu giúp mỗi chúng ta đi qua những miền “sa mạc cháy”.

Và Em trở thành một nhân vật trữ tình, một cảm thức không thể nào rời xa tâm hồn thi sĩ Trương Phù Sa. Như đốm lửa đỏ cho người làm thơ tìm đến, giữa quạnh hiu cõi đời. Em trong thơ Trương Phù Sa còn là một miền hoài niệm.

Một miền của ký ức đã xa nhưng không bao giờ mất. Giống như một phần đời sống của tác giả, vĩnh viễn còn đó, buồn lắm mà cũng hân hoan lắm, gần lắm mà cũng xa lắm. Có lúc xa như là hư ảo. Như đóa trăng xanh tuổi mười tám đôi mươi vẫn nở góc trời. Phải thế chăng mà Trương Phù Sa có những câu thơ về Em vô cùng ám ảnh:

Em thánh thiện đi về bên ngõ vắng
Dấu chân xưa phiền muộn tóc mây cài
Còn mãi nhớ em xa chiều hạ nắng
Thuở tôi về em cứ tuổi tròn trăng

Màu ngọc bích có còn xanh mời gọi
Em có còn phố cũ áo xưa phai
Ngày thật chậm bước chân chừng nghe nói
Tiếng con đường thương nhớ ở trên vai...

“Tiếng con đường thương nhớ ở trên vai” - sao cứ là một sự run rẩy buổi đầu, những hò hẹn mới chớm, những buổi chiều im ắng có thể nghe rõ từng bước chân bồn chồn của những người yêu nhau. Những câu thơ đã tạo dâng cả một vùng không gian trong vắt, vừa thực vừa mộng. Giống như một giấc mơ vì quá đẹp mà người ta không thể nào rời xa, hay lãng quên được.

Mặc dù Tình yêu là câu chuyện muôn thuở của con người, là đề tài mà người cầm bút nào cũng hướng đến, quen thuộc như hơi thở của chúng ta, nhưng để viết hay về tình yêu lại không dễ. Viết để neo bám được vào hồn người còn khó hơn nữa. Thế giới thơ của Trương Phù Sa, dù có một số bài anh viết về đề tài khác như Mẹ, quê hương...nhưng phần đa vẫn là Em. Em là một hình ảnh biểu tượng, là ký tự để nhà thơ diễn đạt về Yêu.

Rồi theo em về giữa phố khuya
Đêm sao huyền diệu tóc đong đưa
Vai thơm mắt biếc bờ môi ấy
Mùa hạ còn đây dáng em gầy

(Đường mưa khuya)

Đường xa áo vải chân trần
Đường thiên thu cũng một lần bước đi
Đường em vạn đại xuân thì
Đường mưa nắng biết nhớ gì riêng tôi

(Còn lại)

Có nhớ tôi theo em về bên phố
Một hàng cây và một phố chờ
Em huyền diệu cũng là em ngày cũ
Ngày rất xa ngày lại rất gần

(Đêm ở Kyoto)

Một chút vô thường tựa gió bay
Tựa mây hồng thoáng nhớ hôm nay
Em ơi ngày hạ buồn trên tóc
Còn với hao gầy một tối say

(Em đi ngày hạ)

Thì đường vắng em về đi nhé
Đường còn xa tàu chạy cũng gần
Về đi nhé không lời từ tạ
Khuya em về đôi mắt chia xa

(Đường vắng)

Những đoạn thơ như thế, và còn nhiều nữa trong tập “Em về giữa nắng” của Trương Phù Sa, nhắc đến hình ảnh Em. Đó có thể là một người em cụ thể, nhưng đồng thời cũng là một miền tương tư, nhớ nhung của nhà thơ. Em như gió trời, như khói, như mây, như tơ vương trong lòng người.

Em như thực mà như ảo, gần đến nỗi cho ta nhìn rõ bờ môi ấy, tóc ấy, vai ấy, mà cũng xa xăm ngàn trùng như thiên thu. Nhưng chắc chắn một điều, trong ta, em mãi mãi “vạn đại xuân thì”, ngàn năm tuổi trẻ. Em trở thành màu nhiệm cho nhân vật Tôi trữ tình trong những bài thơ da diết vẫn mãi bước theo, như tìm về suối nguồn của hồn mình.

Trương Phù Sa người gốc Huế. Thơ của anh có kinh thành, có sông Hương, và có Em, những hình ảnh đặc trưng quen thuộc gắn liền với một vùng đất giàu cảm thức nghệ thuật. Trong thơ Phù Sa có chút gì phảng phất nhạc Trịnh, có chất Thiền của đạo Phật. Dù cho ông viết về Em, viết về tình yêu, nhưng tinh thần Phật giáo vẫn lan tỏa trong câu chữ, tạo ra một chất riêng không thể trộn lẫn.

Về trong hữu hạn núi đồi
Về trong vô hạn điệu cười cao nguyên
Về trong thông ngọn triền triền
Về trong kiếp kiếp một miền trầm luân
Về trong vó ngựa âm thầm
Về trong huyền hoặc phố nằm chiêm bao
Về trong hồ thấp suối cao
Về trong mây trắng bay vào trời xa...

(Về giữa cao nguyên)

Thơ Trương Phù Sa buồn. Một sự buồn đã gạn kỹ, lọc kỹ. Một sự buồn “đáy cốc”. Giống như người ta ủ rượu, phải đủ năm tháng cho men ngấm. Nỗi buồn năm tháng khác với nỗi buồn xổi. Là nỗi buồn đi tìm tri âm, không cần tìm đám đông. Như phù sa đã lắng, cần một sự lặn ngụp rất sâu để cảm và thấm hết. Nói cách khác, thơ Trương Phù Sa là nỗi buồn “để dành”, giống như hai câu thơ anh viết: “Mưa rơi chầm chậm như lời nói/ Chút nắng giùm tôi nhớ để dành” (Ngày xưa).

Trương Phù Sa là người biết giá trị của nỗi buồn, biết chắt chiu nỗi buồn và chỉ chịu thả nó vào trong những “bất chợt thơ” mà tôi đoán anh quan niệm đó là một cõi  riêng, không màng nhiều lắm sự chia sẻ. Đọc  thơ Trương Phù Sa nên đọc trong một không gian tĩnh. Một nơi vắng tiếng lao xao. Một nơi mà vì sự im lặng của nó bạn có thể thấy được sự hiện hữu của đời sống xung quanh. Thấy được cả ngày đã xa và cả ngày chưa tới. Thấy được sự vô thường của đời người, và nhờ vậy, thấy được sự vĩnh hằng của tình yêu.

Thi ca là lãnh địa của Buồn quả không sai. Những bài thơ hay, ám ảnh tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ vẫn luôn luôn là những bài thơ buồn. Nhìn ở một góc khác, Buồn cũng chính là một bài hát về cuộc đời. Có khi phải đi qua rất nhiều vui, người ta mới có thể đến được với Buồn. Phải mất thêm thời gian nữa để ngộ ra, Buồn cũng cần cho đời sống, như Vui.

Và bởi nếm trải Buồn mà Vui trở nên sâu sắc hơn, Thật hơn. Buồn cũng nhiều cách hiểu và nhiều cấp độ. Và có cả những nỗi buồn giả trong thi ca, nghệ thuật. Những bài thơ nếu được viết ra từ nỗi buồn giả, sẽ nhanh chóng rơi vào lãng quên. Chỉ có nỗi buồn thật, nỗi đau thật, và phải lắng đến độ nào đó, mới có thể đập vào trái tim người đọc, tạo nên một nhận thức mới, một cảm giác mới.

Qua thơ biết người là vậy. Qua thơ Trương Phù Sa, biết anh là người mang tâm sự. Biết anh mất mát trong tình riêng. Biết anh là người viết bằng nỗi buồn thật, niềm đau thật.

Đà Lạt trong tôi còn có lần trở lại
Đà Lạt trong em thôi thế một đời người
Một đời em về vui cùng cát bụi
Chở lên trời từng ngọn gió thông reo

(Về Đà Lạt)

Một hôm nhớ lại một người
Một con đường cũ đã lười biếng qua
Một chút tình ngỡ trôi xa
Một môi cười nụ mình ta ngậm ngùi...

(Nhớ)

Vì những câu thơ đẹp và buồn đó, biết thêm một Trương Phù Sa đã cư xử với Thơ như một miền an trú. Để bộc bạch và gửi gắm. Để cất giữ trong im lặng một gia tài của tâm hồn, giữa cuộc sống nhiều ồn ào, bận bịu. Đừng nói chỉ với người làm thơ, mà với bất kỳ ai trong chúng ta cũng luôn cần một miền như vậy...

Tác giả Trương Phù Sa, tên thật Trương Văn Phước

Sinh ngày 12-2-1959

Quê quán: Triệu Phong, Quảng Trị

Học Toán, Luật, Văn chương Anh tại Đại học Tổng hợp Huế - Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh

Làm thơ từ năm 1972

Đã xuất bản tập thơ: ''Em về giữa nắng'' - NXB Thanh Niên

Hiện đang công tác tại Hà Nội.

Vũ Quỳnh
.
.