Sách của Lê Công Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2018

Chất Quảng và Sài Gòn trong tạp bút “Răng mà thương mà nhớ”

Thứ Hai, 10/09/2018, 07:27
“Nửa đời người, còn gì hạnh phúc hơn khi cuộc đời này có quê nhà để nhớ, bến neo đậu những tình cảm riêng tư trên bước đường mưu sinh mệt mỏi và chuẩn bị hành trang cho một ngày sẽ quay về….” - Sơn viết như thả lòng mình với “Bến quê xa” như vậy…


Cư dân Sài Gòn thuở khẩn hoang đa số có nguồn gốc Ngũ Quảng. Gương mặt người Sài Gòn gốc có "gien Quảng Nam" (mặt vuông, vai ngang, da ngăm, thẳng tính, rõ ràng - cái gì ra cái đó, phóng khoáng...). Trên con đường của Sài Gòn xưa - Trần Quang Khải (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) có đình Ngũ Quảng; có đình Nam Chơn (đình của người dân làng Chơn Sảng - Quảng Nam ở phía Nam)…

Người Quảng Nam vô Sài Gòn như gặp lại bà con xa xứ; sống ở Sài Gòn thoải mái như sống ở quê nhà. Giọng Quảng là tiền thân, góp phần tạo nên giọng gốc Sài Gòn, nên nói như GS Hồ Chung Tú - một người con xứ Quảng: "Người Quảng Nam ra Huế 30 năm vẫn nói tiếng Quảng, nhưng vô Sài Gòn nửa năm là nói giọng Sài Gòn".

Bao nhiêu cư dân Sài Gòn hôm nay gốc gác nhiều đời trước là người xứ Quảng? Có lẽ không có cư dân xứ Quảng, người Sài Gòn hôm nay hẳn không giống hôm nay.

Nhà báo Lê Công Sơn cũng vậy. Gần 30 năm ở Sài Gòn; 23 năm làm báo Thanh Niên ở Sài Gòn, anh nói giọng Sài Gòn như người Sài Gòn; sống kiểu Sài Gòn (đâu ra đó) không khác người Sài Gòn! Vậy đó, nhưng cũng như người Sài Gòn gốc, chất Quảng - quê hương xứ Quảng luôn như những mảnh tình không thể nào dứt bỏ. "Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi" Sài Gòn ngần ấy năm, từ sâu thẳm tình quê, "Thằng nhà quê" xứ Quảng ấy nhớ khôn nguôi bến cũ, vườn xưa – dù có thể nó nghèo đến thắt ruột gan.

Thắt lòng như khi tôi nghe tiếng rao vọng trong nỗi nhớ tuổi thơ của Sơn: “Cà rem cây đây, kem đổi nhum nhựa, dép đứt, xoong nồi bể...bán đâyyyyyy" (Cây cà rem tuổi thơ).  Tháng 8-1999, khi viết bài về một học trò xứ Quảng bán cà rem sau giờ học, tôi đã đạp xe đi bán cùng người bạn nhỏ ấy trên những con đường thôn cháy nắng miền Trung trên cát nóng. Không thể nào quên buổi trưa nắng miền Trung ấy, đến mức phần mở bài tôi viết: “Chưa bao giờ tôi thấy nắng nhiều như thế…”.

Có như vậy mới thấm hơn “Cây cà rem tuổi thơ” mát lạnh của Sơn: “Hồi nhỏ, cứ 8 - 9 giờ sáng trong khu xóm nhỏ Xuân Đồng của tôi ở quê, đám trẻ con lại rộn ràng hẳn lên khi nghe tiếng rao kem của ông Quý. Và cũng chính vì thèm ăn cây cà rem đường hóa học của người bán hàng rong này mà ngày nào cả buổi trưa tôi cũng lội khắp các vườn sắn, luống khoai nắng chói chang để tìm kiếm mảnh bom, vỏ đạn. Nhiều hôm bí quá, nhìn thấy mấy nồi nhôm sứt quai, móm đít tôi lén má đem đổi kem ăn, nếu chẳng may bị phát hiện thì chỉ có nước nằm chịu trận roi quất... bầm đen”.

Xứ Quảng nắng cháy đất mà bão cũng tối trời. Những ngày đầu tháng 9 này, Sài Gòn mưa dầm. Làm sao Sơn có thể không nhớ đến mùa mưa lũ quê mình khi trời “mấy ngày nay cứ sụt sùi, mưa to như nước thủy điện xả lũ”, “Mây vần vũ, mưa trút xuống như cầm chĩnh đổ. Nước lai láng, trắng trời. Chợt nhớ tới nghề đặt ..lờ thời đi học kiếm sống, thấy háo hức” (Bão về đi đặt lờ…).

Nắng cũng nhớ, mưa bão cũng nhớ, nói chi cha mẹ, người thân của mình. Vậy mới hiểu dòng chữ của người con đang ở Sài Gòn trong đêm mưa: “Con đi công tác xa, ở Sài Gòn nửa đêm nghe radio báo trời đang trở lạnh má lại lồm cồm ngồi dậy loay loay bấm phím điện thoại, chỉ dặn phải giữ ấm, nằm ngủ kéo chăn cho kín người chứ không đau xuống thì khổ” (Cõng mẹ đi chơi).

Thương răng là thương mẹ con nhà nghèo xứ Quảng trong tạp bút!

Nhớ chi là nhớ ngôi trường và thầy trò nghèo xứ Quảng trong tập sách: “Lớp tôi có mấy chục mạng nhưng đa phần đều nghèo. (…) Ngày nghỉ cả lớp hay đến nhà hỗ trợ nhau trong công việc đồng áng: gánh phân, cắt lúa, phát mía, trồng sắn…”; “Tôi nhớ thầy chủ nhiệm Đặng Ngọc Huệ năm 12 lúc ấy khổ lắm. Cái yên chiếc xe đạp của thầy gục lên gục xuống phải cột vào nửa cục gạch ống, vậy mà chưa bao giờ đứa nào dám cười vì điều này hoặc vô lễ với thầy...” (Ngôi trường nhỏ của tôi)…Để khi đi giữa Sài Gòn hối hả, Sơn vẫn cố tìm về quê xưa khi qua “một không gian êm đềm với những ngôi nhà mái ngói, tường rêu phong cổ kính tưởng chỉ còn trong thi ca, nhạc họa. Nhiều quán cà phê khách vẫn có thể nhìn lá vàng rơi qua khe cửa” (Người Sài Gòn tốt bụng).

Chất Quảng - chất Sài Gòn cứ lẫn lộn trong Sơn như vậy:

“Trưa nghe tin bão tới miền Trung
Thương quê nghèo, lòng đau tê tái
Sài Gòn lòng phố vẫn đông vui
Nâng chén cơm nửa chừng nghẹn lại”.

(Thương lắm miền Trung)

…“Nửa đời người, còn gì hạnh phúc hơn khi cuộc đời này có quê nhà để nhớ, bến neo đậu những tình cảm riêng tư trên bước đường mưu sinh mệt mỏi và chuẩn bị hành trang cho một ngày sẽ quay về….” - Sơn viết như thả lòng mình với “Bến quê xa” như vậy…

Tập tạp bút chỉ hơn 200 trang nhưng như ngập trong những mảnh tình vội vã như sợ mất ấy. Nhưng tôi tin không chỉ tôi, ai cầm tập sách, có bài chỉ vài trăm chữ, vài dòng thơ... nhưng "Răng mà thương mà nhớ" những tâm tình rất Quảng Nam nhưng cũng rất Sài Gòn: sống vội vã giữa dòng mưu sinh hôm nay vẫn ngồn ngộn ân tình với nơi nuôi dưỡng, ân tình với mình ngày xưa. Người xứ Quảng là vậy, không lẫn đâu được.

…Những ngày ra tập sách đầu tay này, hình như Sơn rối lên như trẻ thơ với ân tình cũ, nỗi niềm xưa. Khi yêu, ai lại không hồn nhiên thơ trẻ.

"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm - Rượu Hồng đào chưa nhấm mà say"... Tôi cầm tập sách nhỏ của Lê Công Sơn, đọc từng dòng và say trong từng nỗi lòng, từng con chữ của một người con xứ Quảng - một con người Sài Gòn...

Tuổi thơ, quê nhà, gia đình… luôn bàng bạc trong các sáng tác của Lê Công Sơn. Anh viết như “rút ruột”  mình với một tình yêu, thương nhớ nơi đã sinh ra thật sâu đậm và dạt dào cảm xúc. Những con chữ nhẹ nhàng, đơn giản như lời thủ thỉ, tâm sự của tác giả, mà chính nó đã biết tự rung lên cung bậc để đi tới trái tim, tìm đến sự đồng cảm của độc giả. Ngay cả cách đặt tựa cho tác phẩm này, tôi cho rằng cũng đã nói lên “chất xứ Quảng” nồng ấm, luôn đau đáu nghĩ về quê hương ở anh.

Đọc tạp bút "Răng mà thương mà nhớ", tôi thấy có bóng dáng của mình ở đó với tình mẹ cha bao la thẳm sâu như nguồn cội, sự hiếu thảo của những đứa con và trên hết là cái nghĩa, cái tình luôn biết vì nhau trong cuộc đời này. 

Nhà thơ Trương Nam Hương
Cù mai Công
.
.