Bàn thêm về hai chữ "Thổ Châu" và "Thổ Chu"

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:10
Báo Văn nghệ Công an số 245 ra ngày 6/4/2015 có đăng bài: "Về tên khai sinh của quần đảo cực Tây Nam Tổ quốc: "Châu" hợp lý hơn "Chu"". Tác giả đã lý giải việc dẫn đến hai tên gọi khác nhau của hòn đảo trên là Thổ Châu và Thổ Chu và mô tả cách viết của 2 chữ là: "chu" (có 6 nét bộ mộc),  "châu" (có 10 nét, bộ ngọc) và tên hòn đảo trên là "châu" thì hợp lý hơn "chu".

Ở đây tôi xin trao đổi thêm về cách gọi địa danh này và dùng lại cách mô tả hai chữ trên của chính tác giả.

Trước tiên xin nói đến cách ghi tên hòn đảo trên bằng chữ Hán đã được Trịnh Hoài Đức ghi trong "Gia Định thành thông chí", đó là chữ "10 nét, có bộ ngọc" (có nghĩa là viên ngọc trai) mà tác giả bài viết đọc là "châu", được Trịnh Hoài Đức viết sau khi vua Nguyễn Phúc Ánh, có niên hiệu Gia Long, đã ổn định về mặt hành chính của đất nước, là đáng tin cậy.

Vấn đề còn lại là cách đọc chữ này. Về cách đọc chữ Hán cổ khá phức tạp. Người ta có thể dùng lối "phiên thiết" (một quy tắc trong đọc chữ Hán cổ) hoặc đọc theo thói quen (nhân tuần). Đó cũng là cách các nhà làm từ điển thường sử dụng khi phiên âm các chữ Hán. Ta cũng cần để ý rằng các từ điển khác nhau có thể đưa ra các cách đọc không hoàn toàn giống nhau. Theo lối "phiên thiết" ta đọc được chữ "có 10 nét, bộ ngọc" là "châu", đồng thời cũng còn đọc là "chu" và trên thực tế người ta đều đọc chữ đó theo cả hai cách.

Ví dụ: Xã Châu Lâm ở phủ Hà Hoa, Nghệ An, chữ "châu" là chữ "có 10 nét, bộ ngọc" (giống với chữ ta đã nói ở trên). Nhưng thôn Chu Khê ở phủ Tĩnh Gia, chữ "Chu" ở đây cũng chính là chữ "có 10 nét, bộ ngọc" mà trên ta vừa đọc là châu. Ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ khác nữa trong các sách như: "Các tổng trấn xã bị lãm" hay "Đồng Khánh địa dư chí" mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã biên dịch.

Ngay sách "Gia Định thành thông chí" khi phiên âm "Thổ Châu dữ", dịch giả cũng rất cẩn trọng ghi rõ là: "Đảo Thổ Châu (Chu)" có nghĩa là có thể đọc là "châu", đồng thời cũng có thể đọc là "chu". Hay khi phiên âm một địa danh khác là "(Châu) Chu Nham" thì "châu", "chu" ở đây chính là chữ "10 nét, có bộ ngọc". Cũng xin nói thêm chữ "có 6 nét, bộ mộc" mà tác giả đọc là "chu" cũng có 2 cách đọc "châu" và "chu" nhưng xin không bàn đến ở đây.

Tóm lại, tên hòn đảo trên đã được nhà nước trước đây chính thức ghi lại bởi ký tự như đã mô tả trên là chữ "10 nét, có bộ ngọc" và chữ đó được đọc theo cả hai cách "hợp pháp" là "châu" và "chu". Tuy nhiên, trước đây có thể kỵ húy nên người ta thường đọc là "châu" mà không đọc là "chu", nên nay đọc là "châu" hay "chu" đều đúng cả và việc đọc còn tùy thuộc ở thói quen nữa. Nhưng văn bản hành chính của ta, bản đồ đã in của ta cũng đã ghi cách đọc là "chu", vậy không nên thay đổi lại nữa. 

Trần Nghiễm
.
.