Về tên khai sinh của quần đảo cực Tây - Nam Tổ quốc:

‘Châu’ hợp lý hơn ‘Chu’

Thứ Năm, 23/04/2015, 08:33
Tại kỳ họp thứ 13 (bất thường) ngày 22/10/2014, HĐND tỉnh Kiên Giang khoá VIII đã thông qua tờ trình về việc thành lập huyện đảo Thổ Châu trên cơ sở toàn bộ xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc hiện tại. Như vậy tới đây, Kiên Giang có 3 huyện đảo (Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Châu), trong đó Thổ Châu là huyện tiền tiêu trên vùng cực Tây - Nam Tổ quốc. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy việc nói, viết tên quần đảo tiền tiêu này chưa có sự thống nhất cao.

Lúc "Châu", khi "Chu":

Thổ Châu là quần đảo cực Tây - Nam của Tổ quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên gần 21km2: Thổ Châu, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Cao Cát, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Kèo Ngựa, hòn Đá Bàn. So với 7 hòn còn lại, danh xưng Thổ Châu "biến động" nhiều nhất và cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội nhất. Đến nay đang tồn tại hai cách thể hiện một danh xưng này trong nói và viết: "Thổ Châu" và "Thổ Chu".

Điển hình cho nhóm thể hiện "Chu" là các tác phẩm: "Nước Việt Nam thống nhất", "Kể về hải đảo của chúng ta” (1984), "Từ điển Địa danh văn hoá và thắng cảnh Việt Nam" (2004), Từ điển Đơn vị hành chính Việt Nam (2007)… Có tác giả còn giải thích rõ: "Quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 50km2, trong đó Thổ Chu là hòn lớn nhất do đó quần đảo ở đây mang tên chung là Thổ Chu" (Kể về hải đảo của chúng ta- tr 80). Trong khi đó, người dân Kiên Giang và các tác phẩm do người vùng đồng bằng sông Cửu Long viết, lại thể hiện là Thổ Châu. Thậm chí danh xưng Thổ Châu còn trở thành tên đơn vị hành chính của quần đảo này: Xã Thổ Châu (trước đây) và huyện Thổ Châu (trong tương lai không xa).

Bảng hiệu của Đồn Biên phòng trên đảo cũng viết rõ: Thổ Châu.

Có điều "hơi bị… lạ" là cả hai cách gọi tên cho một địa danh này đều xem như "hợp pháp" vì được in ấn, phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như sách vở và giao tiếp trong công việc lẫn đời thường. Và cách sử dụng nào cũng có những lý giải "hợp lý" khác nhau. Nhóm sử dụng danh xưng "Thổ Chu" giải thích "Chu" là từ Hán Việt có nghĩa là đỏ, và Thổ Chu là đất đỏ, do phần lớn đất ở đây có màu đỏ. Còn nhóm sử dụng danh xưng "Thổ Châu" vì cho rằng "Châu" là từ Hán Việt có nghĩa là ngọc, và Thổ Châu là vùng đất ngọc, đất quý vì vùng này có nhiều điệp (trai) để khai thác ngọc, nói rộng hơn là vùng đất quý. Và quan điểm nào cũng có cơ sở…

Thực tế cho thấy đất ở Thổ Châu có sắc đỏ vượt trội là sự thật. Tài liệu (lưu hành nội bộ) "Thổ Châu, quần đảo Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang ghi nhận: "Hòn Thổ Châu do đá sa thạch cấu tạo thành, nhưng màu trội nhất ở đây là màu xám hoặc hồng…". Trong khi đó, thực tế ở Thổ Châu cho thấy vùng biển này cũng là "thủ phủ" của nhiều động vật biển quý như: đồi mồi, điệp (trai)…

Vì sao lẫn lộn?

Trước hết phải xác định cả "Châu" lẫn "Chu" đều là từ Hán Việt. Vì vậy, có thể về lịch đại, cả hai từ này chỉ có một cách phiên âm duy nhất, nhưng trải qua thời gian do ảnh hưởng cách phiên âm của thời "bút nguyên tử" nên dẫn đến sự khác biệt, nhất là giữa hai miền Nam và Bắc. Có thể tìm thấy điều này trong các trường hợp "biến âm gần" đọc trại âm như: cùng Hán tự là Phước (14 nét, bộ kỳ) có nghĩa là may mắn, tốt lành, nhưng ở miền Bắc phiên âm là Phúc, trong khi đó ở miền Nam đa số phiên âm là Phước. Tương tự là Cảnh/Kiểng, Bảo/Bửu, Chính/Chánh, Nguyên/Ngươn, Nguyệt/Ngoạt,…

Vì sao có sự khác biệt này? Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng tục kỵ húy của triều Nguyễn. Theo đó, những từ nào có âm trùng với tên của người có chức vị to lớn trong hoàng tộc… thì phải "húy" bằng cách đọc trại âm đi. Trường hợp chữ "Châu" và "Chu" là một trong số này. Theo nhà văn Anh Động, nguyên Chủ tịch Hội VH - NT Kiên Giang, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về Thổ Châu thì danh xưng Thổ Châu xuất hiện vào thời vua Gia Long (1762-1820) và nhiều khả năng do chính người sáng lập triều Nguyễn đặt tên để "tri ân" hòn đảo mà mình đã "đứng chân" những ngày bôn tẩu...

Vì là hậu duệ của Chúa Nguyễn, trong đó có Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1825), nên chữ Chu được đọc biến âm thành Châu và nhanh chóng được người ở vùng đất mới Nam bộ sử dụng cả trong nói lẫn viết. Trong khi đó, do ảnh hưởng của bề dầy Nho học, người phía Bắc vẫn giữ cách đọc truyền thống là Chu. Cụ thể tại khu vực đặt cột mốc chủ quyền trên đảo Thổ Châu đang tồn tại song song hai cột mốc với hai cách phiên âm khác nhau: Cột mốc chủ quyền do chính quyền Sài Gòn lập vào năm 1956 ghi là đảo "Thổ Châu", còn cột mốc được một số cán bộ từ miền Bắc chi viện vào thành lập sau ngày 30-4-1975 lại thể hiện là "Thổ Chu".

"Châu" hợp lý hơn "Chu":

Theo "Hán Việt từ điển" (Đào Duy Anh, 1951), ngoài trường hợp có nghĩa tương đối gần nhau là "đỏ" thì giữa "Châu" và "Chu" có nhiều điểm khác nhau. Trong lúc Châu có đến 7 cách (chữ) thể hiện với 7 nghĩa khác nhau, thì Chu cũng có đến 3 cách thể hiện với 3 nghĩa khác nhau. Mặt khác, về mặt đương đại, ở Nam bộ, Châu và Chu là hai từ hoàn toàn khác nhau trong nói và viết bằng chữ Quốc ngữ (chính tả). Và vì đây là danh từ riêng của vùng đất (địa danh) nên không thể thay thế nó bằng "biến thể ngữ âm của nó" như đối với các danh từ chung một cách tùy tiện được. Bởi như thế là thiếu tôn trọng lịch sử, và dễ dẫn đến ngộ nhận với những hệ lụy khó lường sau này. Do vậy, việc làm rõ để hiểu và dùng đúng chữ là hết sức cần thiết trong bối cảnh tranh chấp trên biển đang ngày càng phức tạp. Nhất là đối với vùng tiền tiêu có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - quốc phòng như Thổ Châu.

Biển bên ngoài mốc chủ quyền cũng viết Thổ Châu.

Với ý nghĩa đó, chúng tôi xin có ý kiến nhỏ với mong muốn góp phần làm sáng tỏ một vấn đề đòi hỏi lớn về học thuật.

Trước hết phải thấy rằng, về mặt Hán tự, Chu có nghĩa là đỏ và Châu có nghĩa là ngọc, quý thể hiện khác nhau hoàn toàn: Chu (có 6 nét, bộ mộc) và Châu (có 10 nét, bộ ngọc). Thứ hai, nếu đặt trong trường nghĩa "khai sinh" tên một số hòn đảo ở khu vực này theo nghĩa nội hàm là cao sang, quý báu như đảo Phú Quốc… thì khả năng Châu trong Thổ Châu là ngọc là hợp lý hơn và đáng tin hơn. Điều này càng được củng cố hơn bởi sự trùng khớp với tài liệu thể hiện trong Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức 1765-1825), công trình địa phương chí quan trọng của Nam bộ thời Nguyễn. Trong tác phẩm này (phần chữ Hán), đảo Thổ Châu được thể hiện là Thổ Châu dữ, trong đó dữ có nghĩa là "đảo nhỏ". Như vậy, tên gọi của quần đảo tiền tiêu Tây Nam của Tổ quốc là Thổ Châu hợp lý hơn Thổ Chu.

Rất mong từ cơ sở này các cơ quan chức năng sớm xem xét để có biện pháp chấn chỉnh trên tinh thần "lịch sử, khoa học, văn hóa và tính nhất quán của phương ngữ Nam bộ".

"Quần đảo Thổ Châu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế và quốc phòng, là tuyến phòng thủ phía Tây Nam của Tổ quốc, án ngữ đường hàng hải quốc tế đi Malaysia, Indonesia, Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vùng biển này là nơi giàu tài nguyên khoáng sản, trữ lượng hải sản phong phú, đa dạng… Khí hậu ở đây là nhiệt đới ẩm, gió mùa, rất thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản".

(trích Diễn văn kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển xã đảo Thổ Châu 1993-2013)

Lục Tùng
.
.