''Quán mưa'' - Bài thơ hay thời kinh tế thị trường

Thứ Năm, 03/11/2022, 16:29

Một lần, tình cờ tôi đọc được bài thơ trên ở một tờ báo mà cho tới nay, không còn nhớ báo gì. Do vẫn viết những bài bình thơ trên báo chí mà tôi có thói quen sưu tầm những bài thơ hay. Bài nào không thể lưu giữ tờ báo thì phải chép lại. Và trong sổ của tôi, có bài "Quán mưa" rất hay này. Bài thơ ra đời cũng đã khá lâu, đến nay đọc lại vẫn nguyên vẹn tính "thời sự" và mới mẻ, có cảm giác như tác giả vừa mới sáng tác.

Chẳng cơn cớ gì
Mưa òa xuống bất chợt
Xua ta vào quán em

Chiều vắng khiến ta ngại quen
Em áo trễ gió thị trường lỏng cúc
Ta biết rồi, thôi em đừng thổn thức
Ly rượu màu gửi giá nụ cười em

Thôi em đừng làm duyên
Kẻo uổng phí nét chau mày thành thục
Rồi chốc lát mưa tạnh đi bất chợt
Chỉ còn men rượu màu, đâu còn em.

(Phạm Ngà)

Một lần, tình cờ tôi đọc được bài thơ trên ở một tờ báo mà cho tới nay, không còn nhớ báo gì. Do vẫn viết những bài bình thơ trên báo chí mà tôi có thói quen sưu tầm những bài thơ hay. Bài nào không thể lưu giữ tờ báo thì phải chép lại. Và trong sổ của tôi, có bài "Quán mưa" rất hay này. Bài thơ ra đời cũng đã khá lâu, đến nay đọc lại vẫn nguyên vẹn tính "thời sự" và mới mẻ, có cảm giác như tác giả vừa mới sáng tác.

''Quán mưa'' - Bài thơ hay thời kinh tế thị trường -0
Nhà thơ Phạm Ngà.

"Quán mưa" không hẳn là một bài thơ tình với nghĩa chúng ta vẫn hiểu là thơ nói về tình cảm đôi lứa mặc dù có "anh", có "em" mà bài thơ này mang tính xã hội và triết lý sâu xa về xã hội, thời cuộc cùng với những quan hệ về thế thái nhân tình.

Một trận mưa rào "òa xuống bất chợt" khiến tác giả phải vào trú và uống nước tại một quán cà phê bên đường mà chủ là một cô gái. Đó là chuyện rất bình thường có thể xảy ra với bất cứ ai. Có gì phải nói? Vậy mà Phạm Ngà đã viết nên một bài thơ thật độc đáo.

Tác giả vào quán là hết sức tình cờ trong một tình huống bất đắc dĩ vì "chẳng cơn cớ gì", thậm chí còn vào một cách hoàn toàn bị động: "Xua ta vào quán em". Chỉ một chữ "xua" mà ta thấy hết được tâm thế, tâm lý của tác giả. Đó là vào một cách chẳng những bị động như đã nói mà còn rất miễn cưỡng, buộc phải vào, không thể không vào chứ chẳng thích thú gì. Cũng bởi vì cơn mưa ập đến đột ngột quá buộc người ta phải gấp gáp tìm chỗ trú mưa.

Có một chi tiết thật thú vị. Đọc câu thơ thứ hai: "Mưa òa xuống bất chợt", tôi có phần nghi cái chữ "òa" bị in nhầm từ chữ "ào". Nhưng "òa" cũng có nghĩa hay, không kém gì "ào". Nếu "ào" diễn tả mưa đột ngột, ập xuống bất ngờ khiến người đi đường không kịp trở tay thì "òa" có cái nghĩa như trên lại còn thêm nghĩa như là "vỡ òa", tức chứa đựng cảm xúc mạnh của con người. Như vậy, rõ ràng "òa" hay hơn. Tuy vậy, để biết rõ ý của tác giả như thế nào, tôi bấm máy gọi cho Phạm Ngà.

Từ Hải Phòng, ông nói qua máy: "Chờ mình ít phút để mình giở lại bản gốc xem thế nào vì cả hai chữ đều có nghĩa". Rất nhanh, ông trả lời: ""Òa" chứ không phải là "ào". Nhưng tùy Nguyễn Đình San thích chữ nào hơn thì dùng". Tôi nói với Phạm Ngà cảm nhận về hai chữ như đã viết ở trên. Ông cho biết để lựa chọn từ nào trong hai từ, đã mất mấy ngày cân nhắc, đắn đo, nhiều đêm trằn trọc khó ngủ vì chưa "chốt" được phương án cuối cùng, mãi mới khẳng định chữ "òa". Quả là một sự tự khó tính với mình và lao động nghệ thuật quá công phu. Điều này thì bạn đọc không dễ biết.

Chàng thi sĩ đâu có phải một gã si tình hoặc khách làng chơi đi săn tìm của lạ mà luôn giữ tư cách của một khách trú mưa đúng mực, nghiêm túc: "Chiều vắng khiến ta ngại quen". Vậy mà cô chủ quán đã tưởng nhầm chàng là "đối tượng" làm ăn của mình để cố tạo nên một dáng điệu: "Em áo trễ gió thị trường lỏng cúc". Một câu thơ gây ấn tượng mạnh với cách nói thật độc đáo. Áo đã "trễ", lại còn "lỏng cúc". Thật không còn gì mời mọc, khêu gợi hơn.

"Áo trễ" tức đã "lộ hàng". Lại còn "lỏng cúc" để bàn tay của "khách" dễ bật, tháo. Nhưng nói thế cũng dễ có nhiều người nói được tuy đã rất tìm tòi. Song, giải thích cái sự cố ý lỏng lẻo, nới rộng của chiếc áo cô chủ quán là do "gió thị trường" thì quả là một sáng tạo đột xuất gây sửng sốt cho người đọc. Vâng. Quả là cái cơ chế thị trường ngày hôm nay đã phơi bày ra lắm chuyện bi hài mà Phạm Ngà đã đẩy được lên đến đỉnh điểm bằng những hình tượng thật là đắt:

Ta biết rồi, thôi em đừng thổn thức
Ly rượu màu gửi giá nụ cười em.

Với cái áo trễ, lỏng cúc mà cô chủ quán cố tình kích động vào mắt khách mày râu, lại cộng thêm cái "nụ cười" chắc chắn phải lẳng lơ lắm của cô thì giá một ly rượu cô có thể  nống lên đến bao nhiêu cũng được. Mỉa mai biết bao cái ly rượu được "gửi giá" bởi "nụ cười em" kia.

Có vẻ như nhà thơ ít trách, giận cô chủ quán mà chỉ thiên về ái ngại bởi thấy cô tội nghiệp nên mới cất lời khuyên, vừa thành tâm, lại vừa chua chát:

Thôi em đừng làm duyên
Kẻo uổng phí nét chau mày thành thục.

Sự chau mày để làm duyên mà cũng trở nên thành thục thì còn gì mỉa mai, giễu cợt hơn? Bởi đó là nghề, là sự chuyên nghiệp, điêu luyện của em.

ảnh trang 16.jpg -0
Quán vắng chiều mưa.

Ở đầu bài thơ, "mưa òa xuống bất chợt". Đến cuối bài, trong "chốc lát mưa tạnh đi bất chợt". Dẫu có chút để ý, bận lòng nào đó của nhà thơ đối với cô chủ quán chẳng có tình cảm gì với thi sĩ mà chỉ là "kỹ xảo nghề nghiệp" thì ông cũng nhận ra một điều: Rốt cuộc, "chỉ còn men rượu màu, đâu còn em". Thực ra, em còn hay không đâu có ý nghĩa gì vì đây đâu phải là một tình cảm đích thực mà chỉ là cái trò câu khách của cô chủ quán và một chút thăng hoa tưởng tượng đầy chất nghệ sĩ của thi nhân mà thôi.

Bài thơ đan xen giữa cái giả và cái thật. Cái "thổn thức", cái "nụ cười" của em là giả. Cái ái ngại pha lẫn vị xót xa với chút thương cảm, tội nghiệp của nhà thơ đối với cô chủ quán là thật. Lòng thi nhân thì rộng lớn, bao dung, còn tình cô gái kia thì trống rỗng, dối gian. Một đằng là trái tim, một đằng chỉ là tiền. Làm sao cái quán mưa kia có thể chứa đựng được chàng? Đó là sự thật hiển nhiên. Vậy mà nhiều khi nhà thơ như quên mất giá trị của mình để cho những ngẫu nhiên của hoàn cảnh xô dạt, đẩy mình vào cái chỗ chật hẹp, lại còn bị động như đã nói. Đó là "chẳng cơn cớ gì" mà lắm khi lòng thi sĩ vẫn bị như là "cuốn theo chiều gió".

Nhưng rồi nhà thơ cũng tỉnh ra. Mưa dẫu có to, có dài đến đâu rồi cũng đến lúc phải tạnh. Và nếu mưa "òa xuống bất chợt" thì tạnh cũng "bất chợt". Đương nhiên nhà thơ phải rời khỏi quán vì không lý do nào để có thể nấn ná ở lại. Bước ra khỏi quán, đúng như mọi khách hàng khác, tác giả cũng "chỉ còn men rượu màu, đâu còn em". Ba chữ "đâu còn em" như một cú phẩy tay, phủi bụi chứ không gây cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng dù chỉ là một chút. Cũng phải thôi. Bởi vì em chỉ là một cô chủ quán chuyên nghiệp "làm duyên", chuyên nghề "chau mày thành thục". Giữa cái thời kinh tế thị trường này, những người như em nhiều lắm, có đầy!

Ta đều biết kinh tế thị trường luôn mở ra nhiều cơ hội để phát triển xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh hơn. Nhưng đi liền với sự tăng tiến về đời sống vật chất với các phương tiện sống hiện đại thì lại để lộ ít nhiều sự xuống cấp về văn hóa, về đạo lý và nhiều giá trị truyền thống khác. Bài thơ "Quán mưa" của Phạm Ngà đã nói lên được điều này một cách nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, kín đáo. Không có ý mổ xẻ, phê phán, không nêu ra những hệ lụy của mặt trái cơ chế thị trường này mà người đọc thấy thấm thía và cảm nhận được sâu sắc mọi hệ quả. Thành công của tác giả ở chỗ đó. Một bài thơ ngắn thật ấn tượng với cấu tứ độc đáo, sâu sa, với lối diễn đạt tự nhiên, không một chút "lên gân", đao to búa lớn.

"Quán mưa" là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của nhà thơ Phạm Ngà: Nội dung sâu sắc, xúc tích, từ ngữ được chắt lọc, luôn có những tứ thơ mạnh, không né tránh những vấn đề gai góc, sắc nhọn của thời cuộc.

Phạm Ngà sinh năm 1944 tại Hà Nội, nhưng theo gia đình về Hải Phòng cư trú từ nhỏ. Học hết phổ thông, ông vào học ngành văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, dạy văn nhiều năm rồi về làm việc ở Nhà xuất bản Hải Phòng. Ông từng làm Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản này kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng. Hiện ông đã nghỉ hưu. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Đình San
.
.