Bài thơ được khắc trên "Núi bài thơ" nói gí?

Thứ Năm, 27/10/2022, 15:47

Lê Thánh Tông (1442-1497) tên thật là Lê Tư Thành, con trai thứ ba của vua Lê Thái Tông, mẹ là bà Phi Ngô Thị Ngọc Dao. Bà Ngọc Dao được bà Nguyễn Thị Lộ đưa từ quê Thái Bình lên. Lê Thái Tông lấy làm Phi, có mang, bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh âm mưu hãm hại. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng Đinh Liệt tìm mọi cách cứu bà Ngọc Dao, đem đi trốn, sau sinh Lê Tư Thành. Lê Tư Thành làm vua 38 năm (1460-1497), miếu hiệu là Thánh Tông.

Các tài liệu trước đây cho rằng bà Phi Ngọc Dao trốn ở chùa Huy Văn trong thành Thăng Long, rồi sinh hoàng tử Lê Tư Thành ở đó. Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu lịch sử lại công bố tư liệu rất đáng tin cậy về nơi sinh của hoàng tử Tư Thành chính là ở Thần Khê, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Thánh Tông là vua giỏi cả văn lẫn võ. Chính Lê Thánh Tông là người sáng lập Tao đàn, gồm 28 người giỏi văn chương thơ phú, thường gọi là “Tao đàn Nhị thập bát tú”, do chính nhà vua làm Chủ soái. Tác phẩm của Lê Thánh Tông gồm cả văn và thơ, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Văn, tiêu biểu có "Thập giới cô hồn" (Nôm) và thơ có tập "Thánh Tông di thảo" (Hán). Chúng tôi chọn giới thiệu một số bài thơ chữ Hán của thi sĩ vào loại hàng đầu thời Hồng Đức này.

lê thánh tông.jpg -0
Bức họa chân dung vua Lê Thánh Tông qua hội họa.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài thơ hay của vua Lê Thánh Tông.

NGỰ CHẾ THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ ĐỀ

(Quang Thuận cửu niên xuân nhại nguyệt, dư thân xuất lục quân duyệt binh vu Bạch Đằng giang thượng. Thị nhật phong hòa cảnh lệ, hải bất dương ba. Hoàng Hải tuần tuần An Bang chú sự vu truyền đăng sơn hạ, ma thuật đề thi nhất luật.)

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên,
Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên.
Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ,
Tín thủ dao đề tổn nhị quyền.
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ,
Hải Đông phong toại tức lang yên.
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại,
Chính thị tu văn yển vũ niên.

Dịch nghĩa:

BÀI THƠ ĐỀ VÁCH NÚI CỦA THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ

(Tháng 2 mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468) ta thân chỉ huy sáu quân duyệt binh trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió hòa cảnh đẹp biển không nổi sóng, ta vượt qua Hoàng Hải đi tuần An Bang, đóng quân ở dưới núi Truyền Đăng bèn mài đá đề một bài thơ)

Biển cả mênh mông, trăm dòng sông đổ vào,
Núi non la liệt như quân cờ, vách dựng lên trời xanh biếc.
ó chí lớn, lúc đầu mới cảm thông, vẫn phải theo người,
Nay một tay mặc sức tung hoành từ xa, quyền uy như thần gió.
ội quân hùng mạnh xúm xít quanh đức vua,
ùng Hải Đông làn khói báo chiến tranh đã tắt.
rời Nam muôn thuở núi sông vững bền,
hính là lúc sửa sang việc văn, tạm dẹp việc võ.

 Dịch thơ

Trăm sông về với biển Đông
Núi la liệt núi, trời trong xanh trời.
Chí cao, tạm nhún theo người,
Bây giờ thỏa sức biển khơi tung hoành.
Sáu quân hùng mạnh vây quanh,
Hải Đông làn khói chiến tranh tan rồi.
rời Nam muôn thuở xanh tươi,
Sửa việc văn, tạm gác thời binh nhung.

                                (VŨ BÌNH LỤC- dịch)

Lời đề từ của tác giả đã cho chúng ta thấy rõ xuất xứ bài thơ một cách rõ ràng và chính xác. Không còn việc gì để các nhà nghiên cứu đời sau phải bận tâm mày mò ước đoán, tranh cãi nữa. Điều này hoàn toàn khác với việc tìm hiểu thơ ca đời Lý-Trần, hoặc Nguyễn Trãi và thơ văn của nhiều tác giả khác ở thời kỳ trung đại Việt Nam...

Vua Lê Thánh Tông, xưng là THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ, trực tiếp chỉ huy, đem binh hùng tướng mạnh (Sáu quân) tập trận trên sông Bạch Đằng, rồi ngài nhân khi bể lặng sóng êm, theo đó mà tuần du vùng Đông Bắc (An Bang). Cảm thấy trong lòng phấn chấn, phơi phới tự hào, nhà vua xúc cảm làm thơ, rồi cho mài đá khắc vào vách núi. Điều này diễn ra vào tháng 2, mùa xuân năm 1468, khi vị vua chí lớn này cầm quyền trị nước được 7 năm. Bấy giờ, việc nội chính đã ổn định, thế nước đã vững vàng. Bài thơ này được khắc vào đá núi TRUYỀN ĐĂNG ở Hạ Long. Ngọn núi danh tiếng này, ngày nay quen gọi là NÚI BÀI THƠ, một thắng cảnh mang màu sắc tâm linh rất hấp dẫn…

Hai câu thơ mở đầu tả khái quát quang cảnh vùng biển Đông Bắc (Hải Đông), miền biên cương có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, cả về kinh tế và an ninh quốc phòng. Núi non trùng điệp, sông nước biển cả mênh mang hùng vĩ.

Hai câu 3&4, tóm lược quá trình đi tới việc nắm trọn quyền lực trong tay, tiến hành thực hiện cái chí lớn “kinh bang tế thế” chuyển xoay vũ trụ của mình. Có thể hiểu nội dung câu thơ thứ 3, rằng “Có chí lớn, lúc đầu mới cảm thông, vẫn phải theo người”. Vậy là thế nào? Chẳng phải Lê Tư Thành (sinh năm 1442) chính là con trai của bà Phi Ngô Thị Ngọc Dao đấy ư? Chẳng phải Bà Ngọc Dao bị Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mưu toan mượn tay vua Lê Thái Tông khép bà vào tội chết (voi dày), ngay cả khi bà đang mang thai hoàng tử Tư Thành, để cho Bang Cơ, con riêng bí mật của bà độc chiếm ngôi Thái tử đó sao?

Được vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng ông Đinh Liệt cứu thoát, bà Ngọc Dao được đưa về Thần Khê và sinh hoàng tử Lê Tư Thành ở đó. Chính sử thì chép rằng bà Ngọc Dao được đưa ra chùa Huy Văn và sinh nở tại đó. Ngày nay có đủ tư liệu để thấy rằng, chùa Huy Văn ở Thăng Long chỉ là nơi tạm trú ban đầu, sau bà được bí mật đưa về Thần Khê (Hưng Hà, Thái Bình), rồi sinh hoàng tử Lê Tư Thành ở đó.

Vụ tẩu thoát này có sự giúp đỡ của Đinh Liệt. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cùng phe nhóm bày mưu kế vô cùng hiểm độc, giết vua Lê Thái Tông và đồng thời khép tội cực lớn, giết hại cả ba họ đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi (Tru di tam tộc) để trả thù. Đó chính là cội nguồn thảm án oan khốc chưa từng có trong lịch sử, thảm án LÊå CHI VIÊN, xảy ra vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) tại hành cung ở xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Giết vua, giết cả ba họ Nguyễn Trãi. Kịch bản hoàn hảo rồi, nhưng bà Ngọc Anh sau đó còn giết luôn cả một số đại quan và thái giám, những người trực tiếp tham gia nên biết rõ bản chất của vụ án tày trời này. Giết người diệt khẩu, đồng thời bịt luôn bí mật về đứa con riêng đang làm Thái tử, sau lên làm vua (Lê Nhân Tông) của bà với Lê Nguyên Sơn. Sau đó, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh còn giết luôn cả người tình Lê Nguyên Sơn, để bịt kín tất cả các khe hở của âm mưu thâm độc giành chính quyền và bảo vệ chính quyền mà bà che rèm làm nhiếp chính khi Bang Cơ còn nhỏ tuổi. Cho dù sử sách đương thời và những ai đó có ra sức biến báo biện bạch thế nào chăng nữa, cố tình làm méo mó sự thật lịch sử, thì thực chất vụ án LÊå CHI VIÊN, vụ án Vườn Vải đời Lê Sơ là như vậy đấy!

Mãi 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới tẩy oan cho Nguyễn Trãi, rồi sai người đi khắp dân gian tìm kiếm di cảo của Nguyễn Trãi, trước đó đã bị triều đình tiêu hủy. Bài thơ Dư tĩnh tọa pháp cung hà tư kim tích quân minh thần lương dữ đương kim cơ nghiệp chi thịnh, ngẫu thành nhất luật (Ta ngồi trong chính điện, hồi tưởng xưa nay vua sáng tôi hiền và cơ nghiệp thịnh vượng của nước nhà ngày nay, ngẫu nhiên làm thơ). Đề từ trong tập QUỲNH UYỂN CỬU CA, năm Hồng Đức 25. Bài thơ có câu: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) tựa khuê, tảo). “Khuê” là sao Khuê. “Tảo” là thứ cỏ tảo, đều là biểu tượng của văn chương tốt đẹp.

Đấy! Một câu thơ thất ngôn trong bài thơ NGỰ CHẾ thất ngôn bát cú luật Đường, mà phải “giải mã” đến mỏi cả tay như thế, đủ biết thơ văn cổ nó sâu kín hàm ẩn sâu sắc như thế nào.

Tác giả viết tiếp:

Đội quân hùng mạnh xúm xít quanh đức vua,
Vùng Hải Đông làn khói báo chiến tranh đã tắt.

Sáu quân hùng mạnh như hùm beo xúm xít chầu hầu bên nhà vua (NAM THIÊN ĐỘNG CHỦ), sẵn sàng nghe lệnh chỉ. Cả vùng biên cương Hải Đông, tức An Bang, (đời Trần thuộc đất phong của An Sinh Vương Trần Liễu), đã hoàn toàn yên bình, không còn chiến tranh nữa, “làn khói báo chiến tranh đã tắt”. Ở bên Tàu ngày xưa, người ta thường dùng phân chó sói khô để đốt lên, báo hiệu khi có chiến tranh. Là vì phân chó sói khi đốt thì làn khói bốc lên thẳng đứng. Trạm quan sát phía sau theo đấy mà báo hiệu tiếp về triều đình. Khói ấy, gọi là khói CAM TUYỀN. Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm khi chuyển ngữ tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM KHÚC bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn sang tiếng Nôm (Việt), đã viết: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt / Khói cam tuyền mờ mịt thức mây” là thế.

Hai câu kết bài, vua Lê Thánh Tông viết:

Trời Nam muôn thuở núi sông vững bền,
Chính là lúc sửa sang việc văn, tạm gác việc võ.

Nhà vua lập tao đàn, hội tụ 28 ngôi sao (Nhị thập bát tú), do chính nhà vua làm Chủ soái. Thiết chế nhà nước phong kiến có dáng dấp thể chế của nhà Minh bên Tàu. Tầng lớp quan lại công thần xuất thân Lam Sơn dần dà tự giết nhau, mở đường cho lớp nhà Nho trí thức, có cơ hội thi thố tài năng, đem tài giúp nước. Nói vậy thôi, vua Lê Thánh Tông dùng văn trị, nhưng ngài vẫn không quên việc củng cố quân đội, chuẩn bị cho cuộc viễn chinh ở phương Nam, diệt nước Chăm pa (Chiêm Thành), sáp nhập quốc gia đáng gờm này vào lãnh thổ nước Đại Việt. Điều này diễn ra vào năm Hồng Đức thứ 25 (1494). Và cũng chỉ 3 năm sau (1497), vua Lê Thánh Tông băng hà, hưởng thọ 56 tuổi trời…

Thơ Ngự chế khắc trên núi TRUYỀN ĐĂNG, nay vẫn còn đó, mặc dù cũng có đôi chỗ mòn đi. Dân gian ngày nay quen gọi núi TRUYỀN ĐĂNG là NÚI BÀI THƠ, một thắng cảnh mang màu sắc tâm linh đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh vậy!

Vũ Bình Lục
.
.