Những tướng sĩ hy sinh thầm lặng và linh thiêng đền Trúc
Cách đây vừa tròn 600 năm, vào ngày 14/5/1425, nhằm ngày 17 tháng tư năm Ất Tỵ, trong một trận chiến ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi với quân nhà Minh xâm lược, hai dũng tướng Trần Lê và Trần Đạt đã hy sinh oanh liệt ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Máu của hai ông đã hòa vào đất thiêng mọc lên rừng trúc xanh tươi bên sông Ngàn Phố.
Nhân dân đã lập đền thờ hai vị anh hùng dân tộc và nghĩa quân với kiến trúc xây dựng độc đáo từ những nghệ nhân tài hoa của làng mộc Xa Lang cổ truyền. Chúng tôi về đây vào dịp lễ tưởng niệm, như nghe âm vọng tiếng vó ngựa gươm khua đầy hào khí của tướng sĩ Lam Sơn...
Cuộc chuyển quân vào Nghệ An và những tướng sĩ hy sinh thầm lặng
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào thế kỷ XV do Lê Lợi đứng đầu mười năm chống quân Minh là trang sử vẻ vang, tự hào của dân tộc. Để giành được thắng lợi, biết bao tướng sĩ đã ngã xuống, bên cạnh những anh hùng lừng danh sử sách như Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Lý Triện, Lê Lư, Lê Lộ thì còn rất nhiều người đã hy sinh thầm lặng, ít được biết tới hoặc không bao giờ được nhắc tới, trong đó có những dũng tướng xứ Nghệ được nhân dân địa phương tôn thờ.
Lê Lợi đã mở Hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, xây căn cứ vùng rừng núi Lam Sơn, phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh vào ngày 2 tháng giêng năm Mậu Tuất, nhằm ngày 7/2/1418. Do quân số còn ít, lương lực thiếu thốn, kinh nghiệm chiến đấu chưa có, nên thời gian đầu nghĩa quân Lam Sơn tuy đánh giành thắng lợi một số trận nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Sau mỗi trận đánh nghĩa quân phải di dời doanh trại đi nơi khác hoặc trốn tránh vào rừng sâu Chí Linh trước sự bủa vây tứ bề của quân Minh. Các chiến tướng như Lê Lai liều mình cứu chúa, Lê Thạch tiên phong truy kích giặc đã hy sinh thời gian này.

Vào tháng 5/1423, nhân lúc nhà Minh bận rộn giao chiến lớn với Mông Cổ ở phía Bắc, Bình Định Vương Lê Lợi sai sứ giảng hòa với quân Minh do Tổng binh Trần Trí chỉ huy. Ông cùng bộ chỉ huy Lam Sơn tranh thủ chiêu mộ thêm quân, đẩy mạnh sản xuất tích trữ lương thực và đặc biệt là đi tìm nơi hiểm yếu để xây dựng căn cứ mới kháng chiến lâu dài.
Theo mưu kế của tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã ra lệnh tiến quân từ Thanh Hóa theo đường rừng biên giới phía tây vào giải phóng Nghệ An cuối năm 1424. Xứ Nghệ nay gồm Nghệ An và Hà Tĩnh từ xưa vốn đất rộng người đông, địa thế hiểm yếu, có thể cung cấp nhân vật lực dồi dào và làm căn cứ kháng chiến vững bền. Hơn nữa, Nghệ An bấy giờ binh lực quân Minh mỏng yếu, lại cách xa thành Đông Quan và Tây Đô nên chúng không thể gây sức ép đối với nghĩa quân Lam Sơn.
Trên đường hành binh dọc vùng cao biên giới từ xứ Thanh vào xứ Nghệ, Bình Định Vương Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân lần lượt đánh chiếm, gây tổn thất nặng cho quân Minh ở Đa Căng, Bồ Đằng, Trà Lân như Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô đại cáo": "Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay". Vì gặp nhiều thất bại, Tổng binh Trần Trí xin hòa hoãn với Bình Định Vương Lê Lợi, nhưng bị vua nhà Minh hạ chiếu phê bình, nên buộc phải đưa quân từ thành Nghệ An lên hòng tái chiếm thành Trà Lân. Lê Lợi cho phục binh ải Khả Lưu và bãi Sở sát trại Phá Lũy, nhử quân Minh vào thế trận mai phục mà tiêu diệt. Những thắng lợi liên tiếp ở xứ Nghệ trong thời gian ngắn đã giúp thanh thế nghĩa quân của Bình Định Vương Lê Lợi lớn mạnh nhanh chóng.
Tuy nhiên, để giành được những chiến công hiển hách, nhiều tướng sĩ từ miền xuôi đến miền ngược đã anh dũng ngã xuống một cách thầm lặng, được nhân dân lập đền thờ ghi ơn. Họ không được chính sử nói tới nhiều như Lê Lai hay Lý Triện, Đinh Lễ hoặc nhắc sơ qua như Nguyễn Tuấn Thiện nhưng họ tồn tại trong dã sử và sống mãi trong lòng nhân dân nơi họ xả thân vì nghĩa lớn, trong đó có hai chiến tướng Trần Lê và Trần Đạt được lập đền thờ bên sông Ngàn Phố, gần bến Tam Soa.
Đền Trúc linh thiêng lưu giữ nét đẹp cổ truyền làng mộc Xa Lang
Nhờ sự hướng dẫn trực tiếp của nhà giáo, nhà thơ Lê Văn Vỵ "thổ địa", tôi cùng nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Đinh Trí Dũng về thăm đền Trúc ở làng Xa Lang, tổng Đậu Xá, huyện Đỗ Gia, trấn Nghệ An xưa, nay là thôn Tân Hồ, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất rộng bên sông Ngàn Phố, được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2003.
Trong thời kỳ chống quân Minh xâm lược, Xa Lang nằm trong vùng căn cứ chiến lược cơ động quan trọng Đỗ Gia do Bình Định Vương Lê Lợi tổng chỉ huy. Phía tây bắc Xa Lang bên tả ngạn sông Ngàn Phố là dãy núi Thiên Nhẫn có thành Lục Niên được nghĩa quân xây dựng để tập kết vũ khí, quân lương, huấn luyện binh sĩ, làm bàn đạp xuất quân. Ngược dòng sông Ngàn Phố, phía tây nam Xa Lang đặt tổng hành dinh của lãnh tụ Lê Lợi cùng bộ thống soái ở động Tiên Hoa. Ngoài ra, Xa Lang còn tiếp giáp với Linh Cảm, còn gọi là Tùng Lĩnh, chỗ hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp thành sông La ở ngã ba Tam Soa, nơi đóng quân của danh tướng Đinh Lễ, án ngữ con đường đi lên chiến khu Đỗ Gia.
Khi quân khởi nghĩa Lam Sơn từ Thanh Hóa vào giải phóng Nghệ An, đóng quân ở thành Lục Niên và động Tiên Hoa, nhân dân quanh vùng đã nhiệt thành cung cấp sức người sức của làm nên những chiến thắng ở Hói Nầm - Khuất Giang, vực Châu, thủy chiến trên sông Lam và sông La. Tương truyền, trong một trận kịch chiến ngày 14/5/1425, nhằm 17 tháng tư năm Ất Tỵ, hai chiến tướng Trần Lê và Trần Đạt bị thương nặng, phi ngựa chạy đến làng Xa Lang, tổng Đậu Xá. Vì máu chảy quá nhiều không thể cứu chữa nên hai ông đã hy sinh. Điều kỳ lạ là nơi nào có máu hai ông đổ xuống thì nơi đó trúc dần mọc thành rừng. Tưởng nhớ hai dũng tướng, nhân dân lập đền thờ gọi là Đền Trúc, về sau vua Lê sắc phong hai ông là "Thượng đẳng tối linh thần".
Sau khi dâng hương tiền nhân, chúng tôi đi tham quan từng bộ phận Đền Trúc. Ngoài giá trị lịch sử và văn hóa, ngôi đền còn là một công trình nghệ thuật độc đáo, càng xem càng cuốn hút. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, chủ yếu bằng gỗ mít, sau nhiều lần phục dựng, tôn tạo, đền cổ vẫn giữ được những nét kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ của các nghệ nhân tài hoa làng mộc Xa Lang nổi tiếng. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, nổi bật là Mộc chủ khắc bài vị thành hoàng, một tác phẩm nghệ thuật với hình chạm bốn con cá hóa rồng tinh tế, cùng một chiếc lư hương bằng đá cao 29cm, một chiếc chuông đồng cao 100cm...
Đền Trúc cấu tạo gồm ba tòa nhà hạ, trung và thượng điện. Mỗi tòa một kiểu kiến trúc. Tất cả mọi hạng mục đều được chạm trổ công phu, chi tiết, tinh xảo với đề tài rất phong phú: tứ linh, hoa lá cách điệu, đặc biệt là hình ảnh các loại rồng: ngậm minh châu, chầu nguyệt, uốn lượn trong mây thật uyển chuyển sinh động, không con nào giống con nào. Chẳng hạn, hai con rồng chầu một mặt nguyệt, thì một con nhìn nghiêng còn con kia nhìn xuống, hoàn toàn khác biệt. Hay tám cái kẻ trong trung điện, mặt trước mặt sau đều chạm khắc đặc kín mà không rối, với những đề tài không hề trùng lắp.
Giáo sư Đinh Xuân Lâm là người quê Hương Sơn từng cùng Giáo sư Phan Huy Lê đưa sinh viên đi thực tập điền dã, nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi và khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Hai nhà sử học lừng danh cũng đã đến dâng hương đền Trúc. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho biết thời thơ ấu ông thường men theo con đường nhỏ bên bờ sông Ngàn Phố để đi ngang qua ngôi đền thiêng này. Khi tới mốc đá Hạ Mã thì mọi người đều cất mũ nón cúi đầu đi qua đền. Nếu bước vào cổng đền thì sẽ nghe mùi hương trúc tỏa ra thơm ngát. Thời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có lần hướng đạo sinh tỉnh Thanh Hóa về thăm đền Trúc và có bài viết về đền đăng trên Báo Bạn đường còn lưu giữ thư viện ở Pháp.
Do chiến tranh triền miên mà thần tích, thần phả đền Trúc không còn, nên tiểu sử hai dũng tướng Trần Lê và Trần Đạt không được rõ. Dù vậy, trong đời sống tâm linh của người dân Hương Sơn, từ lâu hai dũng tướng họ Trần có công lớn với đất nước đã hóa phúc thần thiêng liêng. Cũng như đền Trúc trải bao nắng mưa, bom đạn vẫn lưu giữ những vẻ đẹp nghệ thuật tuyệt mỹ từ khối óc và đôi tay của các nghệ nhân tài hoa làng mộc Xa Lang, như một di sản quý báu đầy tự hào truyền lại cho các thế hệ con cháu.