Khi dòng nước thượng nguồn sông Ấn chuyển hướng
Hôm 4/5 (giờ địa phương), New Delhi đã bắt đầu chuyển hướng dòng sông Ấn ở thượng nguồn, ngăn nước chảy sang Pakistan. Đáp lại, phía Islamabad đã phóng thử tên lửa đất đối đất với tầm bắn 120km, đánh dấu vụ thử tên lửa thứ 2 trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Ấn Độ tăng cao. Những bước đi trên đang đẩy căng thẳng hai bên vào một vòng xoáy mới, kéo theo sự quan ngại đặc biệt từ cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những lời kêu gọi hòa giải từ các cường quốc và tổ chức toàn cầu.
Theo Reuters, Ấn Độ đã bắt đầu chuyển hướng dòng sông Ấn ở thượng nguồn, ngăn nước chảy sang Pakistan từ khu vực đập Baglihar, trên sông Chenab thuộc vùng Jammu và Kashmir. Giới chức New Delhi cũng đang xem xét áp dụng biện pháp tương tự với đập Kishanganga trên sông Jhelum. Đây là một trong hai nhánh chính của hệ thống sông Ấn vốn đóng vai trò sống còn đối với an ninh nguồn nước của Pakistan.

Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT), được ký kết năm 1960 với vai trò trung gian của Ngân hàng Thế giới, từng được coi là một trong số ít điểm sáng trong quan hệ đầy biến động giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo hiệp ước, Ấn Độ được quyền kiểm soát ba nhánh phía Đông, còn Pakistan kiểm soát ba nhánh phía Tây, bao gồm sông Chenab và sông Jhelum, nơi hiện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động mới của Ấn Độ. Đập Baglihar và Kishanganga từ lâu đã là tâm điểm tranh cãi.
Pakistan nhiều lần cáo buộc Ấn Độ vi phạm các điều khoản kỹ thuật, gây tác động tiêu cực đến nguồn nước ở hạ lưu. Trước đó, Ấn Độ đã tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan, cấm tàu Pakistan vào cảng Ấn Độ, cấm máy bay Pakistan xâm nhập không phận, tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ nước láng giềng. Ngoài ra, hai nước những ngày qua cũng liên tục diễn tập, thử tên lửa và đấu súng ở vùng Kashmir đang tranh chấp, dù chưa gây ra thương vong hay thiệt hại.
Được biết, nguồn cơn dẫn tới căng thẳng trên xuất phát từ thực tế rằng nhóm Kháng chiến Kashmir (TRF) có liên hệ với tổ chức vũ trang Lashkar-e-Taiba ở Pakistan hôm 22/4 gây ra vụ xả súng tại khu nghỉ dưỡng thuộc vùng Jammu và Kashmir, miền Bắc Ấn Độ, khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 25 công dân nước này.
Từ góc nhìn chiến lược của Ấn Độ, nhà phân tích như Brahma Chellaney, tác giả cuốn Water: Asia's New Battleground (tạm dịch là Nước: Mặt trận mới của châu Á) lại lập luận rằng New Delhi đang sử dụng các quyền đã được quy định trong IWT để bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh bị tấn công từ các nhóm phiến quân. Chuyên gia Brahma Chellaney nhấn mạnh: “Không ai muốn chiến tranh nước, nhưng không thể tiếp tục nhắm mắt trước các mối đe dọa xuyên biên giới”.
Ở chiều ngược lại, phát biểu với tờ Financial Times, chuyên gia về an ninh Nam Á Michael Kugelman từ Trung tâm Wilson (Mỹ) nhận định: “Việc Ấn Độ sử dụng công cụ nước để gây áp lực lên Pakistan là một bước ngoặt nghiêm trọng. Điều này chưa từng xảy ra ở quy mô như hiện nay, và có thể dẫn đến một cuộc chạy đua hạ tầng kiểm soát nước giữa hai quốc gia”.
Giáo sư Ayesha Siddiqi, Đại học Oxford, cho rằng: “IWT được xem là một cơ chế ngăn xung đột trong vùng có lịch sử căng thẳng. Nếu nó bị phá vỡ, hậu quả không chỉ là thiếu nước, mà còn là mất lòng tin – điều có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền về mặt an ninh”.
Tại Pakistan, những tác động ban đầu đã bắt đầu bộc lộ. Vùng nông nghiệp Punjab và Sindh, nơi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước từ các nhánh sông phía Tây, đang đối mặt với nguy cơ mất mùa nghiêm trọng. “Chúng tôi đang mất mùa trước cả khi gieo hạt. Chưa bao giờ mực nước sông xuống thấp như hiện nay vào tháng 5”, ông Ahmed Khan, một nông dân tại Multan, chia sẻ với Dawn News. Chính quyền địa phương đã phải tăng cường biện pháp phân phối nước khẩn cấp để hạn chế thiệt hại.
Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, do cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ) ngày 5/5 đã họp kín về tình hình Ấn Độ - Pakistan.
Cuộc họp diễn ra theo yêu cầu của Islamabad, Ủy viên không thường trực HĐBALHQ. Theo Đại sứ Pakistan tại tổ chức này Asim Iftikhar, Pakistan sẽ thông báo với HĐBALHQ về những diễn biến căng thẳng trong quan hệ với Ấn Độ, mà cụ thể là quyết định của New Delhi về việc tạm ngừng hiệp ước chia sẻ nguồn nước. Phía Pakistan coi đây là “một hành động bất hợp pháp”, gây nguy hiểm cho hoà bình và an ninh khu vực.
Đại sứ Iftikhar nhấn mạnh: “Một động thái như vậy gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với người dân Pakistan. Trên thực tế, nếu không được cộng đồng quốc tế kiểm soát, những hành động như vậy có nguy cơ tạo ra tiền lệ nguy hiểm làm suy yếu các quyền hợp pháp của các quốc gia ven sông hạ lưu, có khả năng gây ra các cuộc xung đột toàn cầu mới về tài nguyên nước chung”.
Theo Fox News, các quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống J.D.Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, liên tục kêu gọi cả hai bên kiềm chế và hạ nhiệt tình hình để tránh đẩy Nam Á vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng đã gặp các phái viên từ Trung Quốc, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - 3 trong số những đồng minh thân cận nhất của Pakistan, để tìm kiếm sự ủng hộ và kêu gọi gây ảnh hưởng với Ấn Độ nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Cùng ngày, giới chức Nga cho biết Ngoại trưởng Lavrov đã đối thoại với người đồng cấp Pakistan và đề nghị giúp giải quyết căng thẳng giữa Islamabad với New Delhi. TASS dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến căng thẳng leo thang đáng kể giữa New Delhi và Islamabad. Nga sẵn sàng giúp tìm giải pháp chính trị cho tình hình phát sinh từ hành động khủng bố hôm 22/4 tại khu vực Pahalgam thuộc thung lũng Kashmir, nếu cả Islamabad và New Delhi cùng mong muốn như vậy”.
Trong ngắn hạn, giới quan sát nhận định rằng khả năng tái khởi động đàm phán song phương giữa Ấn Độ và Pakistan là khá mong manh, nhất là khi hai bên đang ở trong trạng thái cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, các cường quốc có ảnh hưởng như Nga, Mỹ có thể đóng vai trò trung gian thúc đẩy một khuôn khổ đối thoại mới về vấn đề nước. Về dài hạn, giới phân tích kêu gọi một sự nhìn nhận lại về cơ chế chia sẻ tài nguyên xuyên biên giới trong khu vực Nam Á, khi biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và nhu cầu phát triển đang đặt ra những thách thức chưa từng có.