Bóng của rừng
(Kính tặng bố chồng tôi)
Khi sương còn chưa tan, đỉnh núi ngọc lam vẫn ngái ngủ, Lê đã lỉnh kỉnh với ba lô, máy đo tọa độ, sẵn sàng vào rừng. Tự nói vui mình là "tiều phu" nhưng anh yêu nghề lắm. Mỗi khi đi rừng, ngửi mùi cây cỏ, mùi lá hoai mục, anh như thấy từng mạch máu rừng đập bồi hồi trong tim. La bàn, điểm mốc, bản đồ, cả núi cao, rừng sâu, vết chân thú hoang quen như đã thuộc về anh tự bao giờ.
Rừng nghiêng ngả trước cơn mưa như trút nước, từng trận sấm rền vang dội giữa không gian u tối. Những gốc cổ thụ đổ vào Lê bao cơn thịnh nộ. Rừng vốn là sự sống, nhưng trong tình thế này, đại ngàn đã trở mặt, khiến anh lòng đầy lo âu. Lê ướt sũng, tóc bết nhẹp, áo quần dính chặt vào người khi bước qua con đường mòn trơn trượt đầy bùn đất và lá rụng.
Mưa ào xuống, vẽ thành những đường trắng trên tán lá to ngập úng, chẳng hiểu từ bao giờ, quanh chỗ Lê đứng nước đã dâng đục ngầu. Một cơn hồ nghi buộc lấy đầu óc, chân tay buông lỏng, anh gục hẳn xuống. Mưa quất lên mặt, hòa cùng nước mắt không kìm nổi. Lê - anh nghe ai đó gọi tên mình qua tiếng gió gào thét, nhưng âm thanh ấy chẳng thể xuyên qua khối nước dày đặc. Rồi, cùng lúc: rừng thẳm, gió thốc và mưa đâm lôi anh vào cõi nước mang mang.
Bình minh ngân trên từng phiến xanh xôn xao, thiên nhiên như được tráng một lớp bạc, tựa hồ chưa từng có cơn mưa rừng ngang qua. Nhưng, mặt đất vẫn hằn lại vệt cuồng nộ dữ dội, phù sa đầu nguồn ở lại trên lớp bùn, sự sợ hãi vẫn còn dấu vết thảng thốt nhưng mùi ngai ngái của một đời sống mới đang nhen lên. Mai thoăn thoắt nương theo con suối, cái gùi trên lưng đầy lá thuốc. Chủ nhật nào cũng thế, cô vào rừng tìm những vị thuốc Nam, sau cả tuần làm việc miệt mài. Bất chợt, cô thấy một người nằm sát bờ suối, áo quần bê bết bùn đất, mặt ngậm nước.
Cô hốt hoảng vài giây, rồi ngay sau đó đưa tay lên mũi anh ta, thấy âm ấm. Cô xoay nghiêng người bị nạn, tay xoa bóp lồng ngực, nước từ miệng anh ta ộc ra. Khoảnh khắc trôi qua nặng nề, Lê khẽ rùng mình, môi thở phì phì.
- Anh đã ngất suốt đêm qua ở đây. Anh thấy trong người ra sao?
Lê ngơ ngác đưa ánh mắt mệt mỏi nhưng đầy biết ơn với vị ân nhân của mình.
- Tôi khát quá.
Mai mở vội chai nước cho Lê uống. Nước làm rã những vệt bùn trên đôi môi khô nứt, khiến Lê tỉnh táo.
Khi mới lên 3, Lê đã phải vật vã với bệnh đậu mùa, thân hình bé nhỏ gầy rộc, da dẻ sần sùi, chi chít những sẹo. Những ngày giáp hạt, nằm liệt giường, Lê nghe thấy tiếng mẹ thở dài trong căn nhà trống trải, cha đi làm từ sáng đến tối cũng không đủ gạo cho đàn con thơ. Hằng ngày, mẹ sắc thuốc và nấu cháo loãng để phục sức cho con trai. Ấy vậy mà Lê khỏi bệnh, không hiểu khỏi vì thuốc hay vì thương cha mẹ và những tiếng thở dài kìm nén.
Vừa khỏi ốm, Lê đã theo cha mẹ ra đồng. Căn tính hay lam hay làm đã chảy trong huyết quản từ thời các cụ, đến thế hệ sau. Ngày hè, như lời các cụ "Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng", khi bình minh chưa khuất hẳn sau rặng tre, lũ gà cần mẫn đã rủ nhau đi bới mồi. Ruộng lúa chín vàng rực như một tấm thảm khổng lồ. Mẹ thoăn thoắt tay liềm, cha quẩy lúa trĩu vai. Những bông lúa quệt vào bờ khiến cỏ rạp xuống.
Lê lũn cũn đi mót lúa sót, lâu lâu lại đầy chẹn tay. Nó đưa cho mẹ chiến lợi phẩm và cả miệng cười phô hàm răng sứt. Thi thoảng Lê lại chạy ra, dụi dụi mớ tóc cháy nắng vào vai áo sũng mồ hôi của mẹ. Nó hít hà thật sâu mùi quen thuộc của mẹ, mùi riêng của đồng quê. Ấy là những hạt vàng kí ức, không bao giờ ngủ trong tâm hồn Lê từ thuở ngây dại đến mãi sau này.
Nắng trưa nhuộm vàng mái tranh, gió rừng thoảng qua kẽ lá như lời thì thầm của đại ngàn. Mai đưa Lê về nhà để uống thuốc và dưỡng sức, dù anh đòi về cơ quan ngay. Mẹ Mai vội vàng bốc nắm lá thuốc giã giập trong cối đá. Mùi thuốc bốc lên quyện với mùi hồi, quế rừng đưa dìu dịu khiến Lê thấy dễ chịu. Bà Mây nhìn Lê bằng ánh mắt pha lẫn lo lắng và hy vọng.
- Con ơi, ráng mà uống chút thuốc, rồi ta đặt nồi cháo cho ấm bụng.
Lê nhấp từng ngụm thuốc nhỏ, kín đáo quan sát bà lão. Cái dáng tất tả và giọng dỗ dành của bà khiến trong khoảnh khắc anh thấy trước mặt là bóng dáng quen thuộc của mẹ mình. Bên khung cửa sổ khép hờ, ánh lửa bập bùng chiếu lên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của Mai. Ngoài hiên, con chó nhỏ ngồi giỡn nắng. Bình yên quá đỗi.

18 tuổi bước chân vào giảng đường Đại học Lâm nghiệp, trong bộ quần áo màu máu đỉa, mái tóc xoăn tít, chân đất, bộ dạng gầy gò, Lê bị thầy đuổi ra ngoài vì tưởng trẻ trâu đến nhòm ngó. Ngày đó trường tính điểm bằng thang bậc 5, hầu hết các môn Lê đều cán mốc này. Sau khi tốt nghiệp đại học, phần lớn thời gian anh công tác ở Bộ Lâm nghiệp, 29 tuổi đã là trưởng đoàn điều tra rừng 6 tỉnh phía Bắc, thường xuyên làm việc với chuyên gia Anh và Thụy Điển.
Cuộc hôn nhân của Lê và Mai thật hạnh phúc. Chỉ trong 2 năm Mai đã sinh cho anh đủ cả nếp lẫn tẻ. Anh em trong cơ quan Mai thương cảnh Lê công tác xa nhà, đã gom góp dựng giúp họ mái ấm nhỏ nhưng đủ cho gia đình bốn người. Nhưng, chiến tranh biên giới năm 1979 đã khiến Mai quyết định táo bạo, đưa hai con về quê chồng để tránh mũi tên hòn đạn, còn cô chuyển về một ngôi trường nhỏ trong xã.
Từ một cô gái miền núi, về xuôi, xa bố mẹ, chồng đi biền biệt, một nách hai con, cuộc sống không mấy dễ dàng với Mai. Quê chồng nghèo khó "chiêm khê mùa thối", nơi "sống ngâm da, chết ngâm xương". Cánh đồng oằn mình dưới lớp nước bạc, con đường gầy gò, mùa mưa lầy lội, ngập đến ngang bắp đùi. Hai đứa nhỏ bé hon, tấp tểnh theo mẹ lội nước qua con mương để đến lớp học. Bữa ăn của ba mẹ con thường là khoai sắn cõng cơm với rau muống luộc dai ngoách, ít cua, tép khô rang mặn. Đêm đêm, khi các con ngủ say, Mai trở mình phía nào cũng thấy chồng và bóng núi rừng nôn nao. Nhưng, sớm hôm sau, nhìn bọn trẻ ríu rít rủ nhau đi học, Mai lại thấy vững lòng và có động lực. Con trẻ đôi khi lại là vai dựa cho người lớn.
Khi sương còn chưa tan, đỉnh núi ngọc lam vẫn ngái ngủ, Lê đã lỉnh kỉnh với ba lô, máy đo tọa độ, sẵn sàng vào rừng. Tự nói vui mình là "tiều phu" nhưng anh yêu nghề lắm. Mỗi khi đi rừng, ngửi mùi cây cỏ, mùi lá hoai mục, anh như thấy từng mạch máu rừng đập bồi hồi trong tim. La bàn, điểm mốc, bản đồ, cả núi cao, rừng sâu, vết chân thú hoang quen như đã thuộc về anh tự bao giờ.
Có khi gặp mưa, anh phải cởi áo ra để bọc gói mẫu đất và dụng cụ tác nghiệp. Cả lúc mệt nhoài, xoải mình trên thảm rừng, chạm vào vỏ cây mốc thếch, anh tự hỏi, đã có bao nhiêu vết chân người và loài thú hoang từng được đại ngàn chở che? Đã có bao vết chân kẻ ác rắp tâm phá rừng? Rừng chính là bà mẹ thiên nhiên vĩ đại, đầy bao dung với con người, vậy mà có khi con người lại là kẻ vô ơn.
Đang mải mê đo đạc lớp than mục trên gốc cây cổ thụ, anh nhận được điện thoại tối lên gặp lãnh đạo có việc gấp. Lê vẫn tiếp tục công việc như thường, chỉ khi hoàng hôn tím rịm núi, anh mới trở về, đến thẳng phòng sếp gõ cửa.
- Tôi vừa nhận báo cáo, phát hiện vùng lõi bảo tồn đang bị lấn chiếm trái phép. Sự miệt mài và nỗ lực của anh đã cứu rừng già, bảo vệ đời sống dân cư vùng lân cận.
Trong phút chốc, Lê lay lay cánh tay người đồng nghiệp.
- Anh nói sao? Thật thế ạ?
Tim Lê như nhảy ra khỏi lồng ngực. Vậy là việc khảo sát, kiểm đếm, theo dõi mạch nước ngầm và vết xe cơ giới lén lút, cả bao đêm không ngủ của anh cuối cùng đã được đền đáp.
- Vì thành tích đặc biệt, anh được cấp trên điều động ra Hà Nội.
- Thưa anh, em muốn tiếp tục công việc ở đây. Em là một gã "tiều phu", em không muốn ra khỏi rừng.
- Về Hà Nội, anh còn được làm bạn thêm với những cánh rừng ở các đới khí hậu ngoài biên giới Việt Nam nữa đấy.
*
Thời gian không chừa một ai, thấm thoắt, anh Lê ngày nào đã thành ông Lê. Vợ chồng An - con trai út của ông đã sinh được hai đứa cháu nội cho ông bà bế ãm. Bà Mai đã về hưu, ông đi nốt nhiệm kì và hạ cánh nhẹ tênh, cởi mũ áo nặng nề. Ông cắt cho vợ chồng An mảnh đất cạnh nhà. An cưới Nguyên, người bạn cùng trường đại học. An học luật, làm đúng ngành. Nguyên học văn, về quê làm giáo viên. Vốn là người ham đọc, khi thấy Nguyên có đầu sách mới là ông Lê mượn, đọc xong còn bàn luận với con dâu. Ông thuộc "Truyện Kiều" và nhiều đoạn trong bộ "Chiến tranh và hòa bình", nhưng rất thích đọc Nam Cao. Ông hóm hỉnh nói với Nguyên.
- Bố tuy mặt rỗ nhưng chỉ thích đàn bà đẹp. Ở cơ quan bố ngày xưa có cô xấu đến mức "mặt trời ngoi lên mà nhìn thấy cô ấy, lại tụt xuống".
- Bố vui tính thế.
- Nhưng, bố nhắc con ba điều: con gái chỉ có thì; sinh ra làm người đã khổ, là đàn bà càng khổ; con không được tiêu đến đồng tiền cuối cùng; con không được nấu đến bơ gạo cuối cùng.
- Dạ, bố dạy con như dạy con gái đấy ạ.
Mùa đông năm nay thời tiết khắc nghiệt, luôn cáu giận con người, thế mà khi đi làm về, Nguyên đã thấy ông Lê đang lúi húi giặt quần áo cho cả nhà cô trong cái chậu nhôm rất lớn (lúc đó nhà Nguyên chưa có máy giặt). Nguyên thấy trong ông hình ảnh của bố cô. Bố Nguyên là bộ đội, ông cũng thường xuyên giặt đồ cho bốn mẹ con cô.
*
Thành tích "cứu rừng" mở ra con đường sự nghiệp thênh thang nhưng cũng đem đến cho Lê sự nguy hiểm. Anh nhận được nhiều cuộc điện thoại lạ đe dọa. Một buổi tối về nhà muộn, anh phát hiện ở cổng một phong thư "Hãy cẩn trọng bảo vệ gia đình mày, nếu còn can thiệp vào công việc của bọn tao". Lê lập tức báo cơ quan chức năng, một mặt tiếp tục thu thập chứng cứ về bọn đầu nậu gỗ. Không ít nguy hiểm anh phải đối diện hàng tháng trời, cùng sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nhóm đầu nậu đã bị bắt giữ khi đang khai thác gỗ trái phép. Với Lê, rừng là tình yêu và máu thịt, nếu mất rừng, sự nghiệp mà anh theo đuổi liệu có còn ý nghĩa? Anh tin, công lý và tình yêu của mình với mẹ thiên nhiên luôn chiến thắng.
Đi bên cuộc đời ông Lê, vào những năm đầu thơ ấu của cuộc sống vợ chồng Nguyên, không ít sóng gió. Chứng kiến bao đêm ông mất ngủ, đĩa nến rụi tàn đen thẫm trên bàn uống nước nói với Nguyên điều ấy. Sớm ra, ông ngồi bên hàng hiên, điếu thuốc trong tay cháy đỏ. Nguyên biết, đêm qua ông đã suy nghĩ rất nung. Nhưng, vẫn bằng giọng bình thản, ông nhắc.
- Con đi làm thôi. Con an tâm, còn bố là còn.
Chồng Nguyên, vốn chí thú làm ăn, nhưng hiếu thắng và không gặp may. An ngấm ngầm giấu gia đình vay vốn góp cổ phần mở xưởng gỗ nhỏ, do người bạn thân làm chủ. Vô tình, chủ lô gỗ An mua lại là con trai của đầu nậu gỗ ngày xưa bị ông Lê tố giác. Mối thù xưa chưa buông, khi biết lai lịch của An, gã chủ gỗ ra đòn bẩn khiến An điêu đứng. Gỗ bị Công an tịch thu, An và người bạn gặp rắc rối. Lúc đó An mới nói thật với bố. Ông Lê đã rất vất vả trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh với cơ quan chức năng sự trong sạch của An và người bạn anh. Ông còn muối mặt gửi thư vay bạn bè, gom góp đủ tiền trả nợ cho con.
Nhằm hai ngày nghỉ cuối tuần của An, ông dẫn con vào rừng, để An có cơ hội thanh tẩy và như thể một chuyến đi dối già, ông trả món nợ với đại ngàn. Con đường như một sợi chỉ mảnh thêu vào thâm u. Lá mục hút lấy gót giày, thi thoảng những con nhện thả tơ trắng muốt trên đầu họ, tiếng chim hót vang vang nhờ gió gửi vào vách đá nút thanh âm đỉnh cao, vực sâu. Không khí thanh sạch khiến lòng người nhẹ bẫng. Rừng vẫn đẹp như thuở hồng hoang - tịch mịch mà ân nghĩa, hoang vu nhưng gần gụi xiết bao. Ông Lê như tìm được chính mình thuở nào. Tráng chí thức dậy, đầy ắp lồng ngực, khiến ông xúc động nghẹn ngào. Ông bùi ngùi dẫn An đến trước một cội cây rêu phong, rễ lớn như những vòng ôm sâu vào đất mẹ.
- Khi bố đo đường kính cái cây này xong và trở về nhà, tối đó con được sinh ra. Nó gấp đôi tuổi con.
Ngước lên tàng cây thinh lặng, An thấy màu trời hừng lên những phiến xanh, nhìn xuống, thời gian đã mốc thếch trên lớp vỏ nham nhở.
- Vì bảo vệ cái cây này, bố đã phải mất bao công sức để điều tra dấu vết của lâm tặc.
An im lặng, tay vuốt vuốt vào những vết sẹo tháng năm khắc trên thớ vỏ cây. Con người cũng như cây, để trưởng thành phải kinh qua bao nhiêu dông tố.
- Gỗ quý, vì đã vượt qua thử thách, mỗi đường vân là một vòng đời thảo mộc. Con người cũng vậy, "dục tốc bất đạt", muốn nhanh, nôn nóng, thì thường hỏng việc, như cái cây không bắt rễ chặt vào đất, sẽ đổ.
An cúi mặt, nín lặng.
- Làm gì cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng và học hỏi con ạ. Nương vào rừng, con sẽ học được cần cù, cẩn trọng, khiêm cung và biết ơn.
Hai bóng người cúi đầu dưới gốc cây, gió ở lại trên tóc họ, thầm thì hát. Ông Lê lấy trong túi con dao nhỏ, khắc vào thân cây một ký hiệu.
- Biết đâu, mai này cháu nội của bố sẽ tìm thấy dấu vết của ông nó trên cái cây sinh mệnh này.
Đời người đi qua, dấu vết còn lại chính là bài học về sự tử tế.
*
Ông Lê luôn khao khát được sống khỏe mạnh đến năm 80 tuổi, để nhìn thấy hai cháu nội trưởng thành, cũng bởi dòng họ Phạm, đàn ông hiếm người được tuổi ấy. Nhưng, chẳng hiểu sao dạo này ông có những cơn ho rũ rượi và gầy rộc đi. Khi đi khám, bác sĩ kết luận.
- Ông có khối u ở phổi.
Ông thấy như thể cả khoảng trời sụp xuống vai. Lát sau, ông mới hỏi.
- Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa?
- Ông nên nghỉ ngơi, thuốc thang và sinh hoạt điều độ, suy nghĩ tích cực.
Hai vợ chồng già bàn bạc với nhau mọi nhẽ, cố gắng không phiền con cháu. Bà cùng ông vào viện kiểm tra định kỳ, tính toán dinh dưỡng phù hợp cho ông. Bà gửi mua thuốc Nam từ người quen trên bản hãm cho ông uống. Sáng sáng, ông vẫn ra vườn chăm sóc cây, tập thở, dù hơi thở đã nặng và hụt. Ông bảo bà.
- Thở được là sống được, bà an tâm.
- Có đi thì cũng đi cùng nhau, tuổi này rồi.
Bà nói rắn, nhưng quay đi, giấu chồng ánh mắt lo âu.
Những đợt hóa trị khiến tóc ông rụng từng mảng, người hao rất nhanh. Dù vậy, ông vẫn làm bạn với nắng sớm. Ông nhìn vợ trìu mến.
- Nếu ngày ấy không gặp được bà thì tôi đã nằm lại cánh rừng ấy rồi.
- Ông có Thần Rừng che chở.
- Bởi thế, ngày nào còn được thấy màu trời, là còn phải sống tử tế, bà ạ.
Ung thư với ông chỉ là một cuộc thử thách. Và ông, như cây kiêu hãnh, bắt rễ sâu, mặc kệ dông bão. Nhưng, cũng có buổi chiều, khi nắng lụi, ông gửi tiếng thở buồn trên tàng cau cao vút bên sân nhà vợ chồng con trai. 5 cây cau ông trồng tặng hai đứa cháu nội, nay đã cao, vươn trên nền trời xanh ngời ngợi.
Cả đời ông chắt chiu tiết kiệm, chẳng dám tiêu cho mình. Có lần, bắt gặp ông là những tờ 50 nghìn rất phẳng phiu, Nguyên khẽ nói.
- Bố giàu thế.
- Rồi cũng của các con hết.
Trong những đợt điều trị, mỗi lần vợ chồng Nguyên lên thăm, ông đều xua tay bắt về.
- Thôi, lên nhìn mặt bố là được rồi, các con về với bọn trẻ cho ấm cúng, bố vẫn khỏe.
Khi Nguyên biếu tiền, ông từ chối.
- Bố có tiền lương, không lấy của đứa nào, các con cứ nuôi hai cháu nên người là bố mừng rồi.
Khi thấy trong người khó ở, ông gọi Nguyên dặn dò.
- Con ghi lại một số mốc cơ bản về tiểu sử của bố, hậu sự của bố thì mẹ con sẽ đứng ra lo. Vợ chồng con giữ sức khỏe lo nuôi dạy bọn trẻ nên người.
Nguyên chưa bao giờ thấy ông như vậy, nên rất lo lắng.
- Bố vẫn khỏe mà.
- Trong người bố thế nào bố biết. Bố muốn mọi sự được vuông tròn, con ạ.
Thi thoảng, nghĩ về ông, Nguyên vẫn không quên hình ảnh ông lúc đó. Giọng nói bình thản, nhưng ở ông có điều gì như là bất lực. Trước bệnh tật, con người thật nhỏ bé. Tuy vậy, ông vẫn bình thản tự sắp xếp cho mình cuộc đi dài nhất đời người.
Lúc còn khỏe, thi thoảng dọn sân vườn cho ngôi nhà nhỏ của Nguyên, ông nói.
- Bố yêu lao động, làm thấy vui chứ không thấy vất vả.
- Bố con cũng luôn chân tay như bố.
- Đời bố cả những lúc cơ hàn nhất bố cũng chưa bao giờ thấy khổ, được sống là điều quý giá nhất rồi, con ạ.
Mảnh sân vườn nhà Nguyên vẫn ngạo nghễ 5 cây cau và cây mít do tay ông trồng. Mùa nào cau cũng trổ buồng và đưa hương. Đêm trước ngày ông ra đi, trằn trọc mãi, khi vừa vào giấc, Nguyên nghe rào rào tiếng lá trút. Sớm ra, thấy 5 tàu cau gieo mình xuống gốc, mo cau mềm mại, mặt trong trắng ngần ngoài đã ngả màu vàng ngà. Như mọi bận, ông sẽ lấy để làm quạt. Chưa bao giờ cau trút mình cùng lúc nhiều thế, Nguyên biết đó là cách chúng giã biệt ông. Trưa hôm đó, khi vừa ở nhà ông về được một lát, người nhà đã gọi Nguyên.
- Thím ơi, ông sắp đi rồi.
Đúng 10h45 phút ngày 16 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý ông Lê đã trút hơi thở cuối cùng. Thân thể chỉ còn như cành cây khô xác nhưng khuôn mặt ông đầy đặn, bình thản, vành môi vàng nhợt, trán mịn đi một màu trắng nhạt, những chân tóc bạc phơ. Một cây cao đã về trời.
Ngày tiễn ông trở về cõi bao la, trời mưa rả rích như dầm nỗi nhớ xuống đất. Nguyên cũng chỉ ứa nước mắt, không khóc nổi. Nhưng, trong lòng luôn thầm biết ơn vì cuộc đời ông đã dạy cho Nguyên những bài học thấm thía không có trên bục giảng.
Thi thoảng, trong những ngày nắng chan hòa, ngước lên hàng cau ông Lê trồng, tựa hồ những cột mốc xanh vẫn canh giữ mảnh vườn, Nguyên thấy ông như vẫn ngồi bên hàng hiên uốn mo cau làm quạt mát. Trận bão lớn vừa qua, cả vườn cây cối đổ rạp, nhưng hàng cau ông trồng vẫn bình thản qua thiên tai. Cau trổ hoa sớm, hương theo gió, len lỏi vào phòng Nguyên. Hôm nay, Nguyên dậy sớm quét dọn, rơi từ ban mai xanh, những nụ cau bé li ti, vàng ấm, rắc trên tóc cô làn thơm mênh mang. Nắng chan chứa gội ngang thân cau, tỏa xuống nền sân gạch đỏ au bóng cây ngờm ngợp, dịu lành.