Mỹ-Iran bắt đầu đàm phán "phá băng" tại Oman
Ngày 12/4, Mỹ và Iran bắt đầu các cuộc trao đổi cấp cao tại Oman nhằm thúc đẩy đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu không có thỏa thuận.
Truyền thông Iran đưa tin, các phái đoàn Iran và Mỹ đã đến thủ đô Muscat của Oman. Ngoại trưởng Abbas Araqchi dẫn đầu phái đoàn Iran tham gia đàm phán, trong khi phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu.
Đây sẽ là cuộc thảo luận cấp cao nhất giữa hai bên đối địch kể từ khi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đổ vỡ sau việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2018.

Theo Reuters, Iran tiếp cận các cuộc đàm phán một cách thận trọng, hoài nghi. Mặc dù mỗi bên đều nói về cơ hội đạt được một số tiến triển, nhưng quan điểm giữa hai nước vẫn còn cách xa nhau trong cuộc tranh chấp đã kéo dài hơn hai thập kỷ, và vẫn chưa thống nhất được liệu các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trực tiếp như ông Trump yêu cầu hay gián tiếp như Iran mong muốn.
Các cuộc đàm phán, nếu đạt hiệu quả tích cực, có thể giúp làm dịu căng thẳng tại Trung Đông. Tuy nhiên, đàm phán nếu thất bại sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ về một cuộc xung đột quy mô lớn.
Iran từng cảnh báo các nước láng giềng có căn cứ của Mỹ rằng họ sẽ phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ vào Iran.
"Sẽ có cơ hội đạt được sự hiểu biết ban đầu về các cuộc đàm phán tiếp theo nếu Mỹ tham gia đàm phán với lập trường bình đẳng", Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết.
Trước đó, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong cơ cấu quyền lực của Cộng hòa Hồi giáo Iran, đã trao ông Abbas Araqchi "toàn quyền" cho các cuộc đàm phán.