Hòa đàm Gaza sụp đổ sau động thái bất ngờ của Mỹ-Israel
Mỹ và Israel rút phái đoàn khỏi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn-trao đổi con tin với phong trào Hamas, động thái chấm dứt hi vọng về khả năng sớm đạt thỏa thuận hòa bình ở Dải Gaza.
Chính phủ Israel và ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Đông, sáng nay (25/7, giờ Hà Nội) thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán diễn ra ở Doha (Qatar) về lệnh ngừng bắn-trao đổi con tin với phong trào vũ trang Hamas, New York Times đưa tin.

Ông Witkoff sau đó mô tả động thái nêu trên là phản ứng trước việc các lãnh đạo của Hamas "thiếu mong muốn đạt lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza". "Chúng tôi đang xem xét phương án khác để đưa các con tin trở về và tạo một môi trường ổn định hơn cho người dân Gaza", ông Witkoff nói.
Quan chức Mỹ không nêu chi tiết "phương án khác" mà Washington muốn theo đuổi là gì. Hamas hiện còn giữ khoảng 50 con tin ở Dải Gaza, trong đó khoảng 20 người vẫn còn sống. Nhiều người Israel lo ngại việc xung đột kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng cho các con tin.
Các cuộc đàm về tình hình Gaza đã diễn ra được vài tuần, nhưng không tiến triển. Hamas mong muốn thỏa thuận ngừng bắn phải dẫn đến một thỏa thuận khác chấm dứt vĩnh viễn chiến sự, nhưng Israel lại quả quyết họ chỉ dừng tấn công nếu Hamas thả toàn bộ con tin và từ bỏ mọi vai trò ở Dải Gaza.
Theo New York Times, sau khi Mỹ đưa ra dự thảo thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày cho hai bên xung đột, Israel đã đồng ý, nhưng Hamas đã nêu thêm một số yêu cầu về việc lực lượng Israel phải rút lui xa hơn hay việc các bên phải tính toán lại số lượng con tin-tù nhân trao đổi.
Chưa rõ liệu Mỹ-Israel có sẵn sàng nối lại đàm phán trong tương lai gần hay không. Nửa năm trưpức, các cuộc đàm phán về khả năng ngừng bắn-trao đổi con tin giữa Israel và Hamas cũng từng đổ vỡ, dẫn đến việc Tel Aviv tăng cường tấn công mục tiêu ở Dải Gaza.
Từ phía Hamas, phong trào này sáng 25/7 ra tuyên bố nhấn mạnh "mong muốn tiếp tục đàm phán để giải quyết các trở ngại và hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài".
Cách đây hai ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng trầm trọng ở Dải Gaza do xung đột Israel-Hamas, đồng thời cảnh báo "những hành lang cứu sinh cuối cùng giúp người dân (Gaza) sống sót đang sụp đổ".
Trong khi đó, một nhóm gồm 28 quốc gia, bao gồm các đồng minh phương Tây của Israel như Anh, Pháp, ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột ở Dải Gaza "ngay bây giờ". "Nỗi thống khổ của người dân Gaza đã lên đến đỉnh điểm", tuyên bố chung nêu rõ.