Cuộc bầu cử sớm khó đoán định
Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức đưa ra các cam kết trong cuộc bầu cử sớm dự kiến tiến hành vào ngày 30/6 tới, sau khi chính ông quyết định giải tán quốc hội vì thất bại trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử trước đó tại Nghị viện châu Âu (EP).
Nếu ông Macron cho rằng việc tổ chức bầu cử sớm là giải pháp trách nhiệm nhất đối với nước Pháp, thì giới chuyên gia lại nhận định đây là bước đi vô cùng rủi ro và khó đoán định về những gì sẽ xảy tới, tạo ra tình thế nguy hiểm cho việc ổn định chính trị Pháp nói riêng cũng như cho cả Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
France 24 ngày 20/6 (giờ địa phương) dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu lên các cam kết của đảng Phục hưng theo đường lối trung dung cho cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 6. Theo đó, nhằm chạy đua với phe cực hữu và cánh tả mới, ông Macron nhấn mạnh việc giảm 15% hóa đơn điện đối với các hộ gia đình Pháp vào mùa đông tới, giảm thuế thừa kế và liên kết tỉ lệ lương hưu với chỉ số lạm phát. Các cam kết này được đưa ra sau khi các phe còn lại tiếp tục công bố các chính sách dự kiến mà cử tri Pháp được cho là muốn nghe.
Ông Jordan Bardella - Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia cực hữu nhấn mạnh: “Tôi muốn giảm thuế giá trị gia tăng lúc này 20% xuống còn 5,5% đối với xăng dầu, khí đốt và điện vì tôi nghĩ đang có cả triệu người Pháp không thể sưởi ấm hoặc buộc phải hạn chế đi lại. Chúng ta cũng chống lại các hiệp định thương mại tự do. Nông dân Pháp không thể hiểu nổi vì sao ở Pháp vẫn có những nông sản nhập khẩu từ các nước xa xôi mà không tôn trọng những tiêu chuẩn chúng ta đặt ra”.
Trong khi đó, ông Manuel Bompard của đảng nước Pháp bất khuất cực tả cho rằng: “Nước Pháp cần phải từ bỏ chính sách của ông Emmanuel Macron thì mới có thể đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân và cải thiện chính sách môi trường. Nếu lên nắm quyền, chúng tôi sẽ đóng băng giá lương thực và giá năng lượng để lập tức khôi phục sức mua cho người Pháp”. Ông Macron cũng đồng thời chỉ ra tính bất khả thi của những lời hứa hào phóng tới từ các đối thủ. Ông quả quyết: “Đó là những cam kết hoàn toàn phi thực tế. Để thực hiện những cam kết ấy, mỗi năm chính phủ phải chi từ 100 - 400 tỷ Euro. Tôi có thể nói rằng những cam kết kiểu đó thiếu trung thực về mặt chính trị và tạo ra nguy hiểm rất lớn, không chỉ đối với nền kinh tế Pháp mà còn cả với những người nộp thuế, những người đang có tiền tiết kiệm, những người đang hưởng lương hưu”.
Hôm 19/6, ông Macron khẳng định rằng giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm là giải pháp “nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất nhưng có trách nhiệm nhất”. “Nếu không giải tán, mọi chuyện sẽ hỗn loạn”, ông nói trong chuyến thăm vùng phía Tây Brittany mới đây.
Trước đó, kết quả bầu cử EP tổ chức hôm 9/6 cho thấy, đảng Tập hợp quốc gia cực hữu nhận được 31,3% phiếu bầu, gấp đôi mức mà đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Macron giành được. Kết quả này được xem là một cú sốc bầu cử đối với người dân Pháp và đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với đảng của ông Macron.
Theo bà Anne Muxel, chuyên gia tại Đại học Sciences Po (Pháp), dù ông Macron đưa ra những cam kết thực tế thì quyết định bầu cử sớm vẫn vô cùng mạo hiểm vì nó mở ra khả năng lần đầu tiên phe cực hữu xuất hiện ở chính phủ. “Nếu chúng ta có thủ tướng của đảng Tập hợp quốc gia, tất nhiên chúng ta sẽ có rất nhiều bộ trưởng và thành viên chính phủ đến từ đảng này. Các quyết sách cần đưa ra sẽ vô cùng khó khăn khi liên minh với họ”, bà Anne Muxel cho hay.
Được biết, Tổng thống Macron mất thế đa số tuyệt đối tại quốc hội vào năm 2022 và kết quả của các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp ở thời điểm hiện tại chỉ ra rằng, phe của Tổng thống Macron đang bám sát sau phe cực hữu và liên minh cánh tả mới. Theo tổ chức thăm dò IFOP, tỷ lệ tán thành đối với ông Macron hiện ở mức ảm đạm 31% trong tháng 6, mặc dù tăng 3 điểm so với tháng trước. Những người tham gia thăm dò cho rằng, họ cảm nhận rõ thực trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Pháp. Số liệu chính thức được Cơ quan Thống kế Pháp (INSEE) công bố hồi cuối tháng 1 cho thấy, kinh tế nước này tăng trưởng 0,9% trong năm 2023, song đình trệ trong hai quý cuối của năm. Giới học giả đánh giá, việc đảng Tập hợp quốc gia thắng cử sẽ trở thành kịch bản gây chấn động lịch sử Pháp hiện đại. Phe cực hữu chưa từng lên nắm quyền từ sau thời kỳ Vichy, giai đoạn phát xít Đức chiếm đóng Pháp những năm 1940. Ngoài ra, do bà Marine Le Pen của phe cực hữucó quan điểmhoài nghi châu Âu và mong muốn lấy lại quyền lực của Pháp từ EU, quan hệ giữa nước này với đối tác thân thiết nhất là Đức sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong một diễn biến có liên quan, việc EU mới đây cảnh báo có khả năng đưa ra các án phạt đối với bảy nước thành viên, trong đó có Pháp do thâm hụt ngân sách công vượt ngưỡng 3% GDP theo quy định của khối, cũng gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Macron. Tuy vậy, bất chấp những lời chỉ trích về nợ quá mức, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh, Pháp vẫn đang đi đúng hướng để giải quyết một số sự mất cân bằng nhất định. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức tương đối chậm 0,8% GDP vào năm 2024, trước khi tăng lên 1,3% vào năm 2025.