Cơ hội để UNIFIL tái khẳng định vai trò

Thứ Hai, 02/12/2024, 07:46

Sau hơn bốn thập niên hoạt động, vai trò của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại Lebanon, hay còn gọi là Lực lượng Lâm thời của LHQ ở Lebanon (UNIFIL), đang được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt khi xung đột giữa Israel và Hezbollah leo thang và vừa tạm thời hạ nhiệt nhờ lệnh ngừng bắn vào ngày 26/11.

Theo số liệu thống kê của LHQ, trong vòng gần 14 tháng qua, đã có hơn 3.800 người thiệt mạng, trong đó có 200 trẻ em, và hơn 15.400 người khác bị thương tại Lebanon. Những con số khô khan ấy lại chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự tàn khốc của chiến tranh. Tổng Thư ký LHQ António Guterres đau xót thừa nhận rằng: Đây là "một cuộc khủng hoảng nhân đạo không thể chấp nhận được".

Trước bối cảnh này, UNIFIL, với sứ mệnh bảo vệ dân thường và giữ gìn hòa bình, dường như đang chật vật hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân không chỉ đến từ áp lực của xung đột mà còn xuất phát từ những giới hạn trong quyền hạn của lực lượng này. Từ khi được thành lập vào năm 1978, UNIFIL đã bị bó buộc trong việc sử dụng vũ lực, ngay cả khi đối mặt với các hành động khiêu khích. Sau năm 2006, khi quân số được bổ sung và nhiệm vụ được mở rộng hơn, bao gồm việc giải giáp các lực lượng phi nhà nước như Hezbollah, nhưng thực tế lại cho thấy những mục tiêu này nằm ngoài khả năng thực hiện của họ.

Bên cạnh áp lực từ hai phía xung đột, UNIFIL còn gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ với cộng đồng địa phương. Những dự án viện trợ mang tính hỗ trợ cộng đồng của họ đôi khi trở thành tâm điểm của sự tranh cãi vì các điều kiện kèm theo, làm xói mòn lòng tin từ phía cộng đồng địa phương, đặc biệt là cộng đồng Shiite, vốn chịu nhiều đau khổ, tổn thất từ các cuộc tấn công của Israel. Điều này đã khiến họ hoài nghi về vai trò của lực lượng này, nhất là khi UNIFIL phần lớn do các quốc gia châu Âu đóng góp. Qua đó tạo ra một khoảng cách không dễ lấp đầy giữa lực lượng gìn giữ hòa bình và những người mà họ có nhiệm vụ bảo vệ.

Cơ hội để UNIFIL tái khẳng định vai trò -0
Xe tuần tra của UNIFIL thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Marjayoun ở miền Nam Lebanon, gần biên giới với Israel ngày 19/11. Ảnh: Reuters

Không chỉ vậy, UNIFIL còn trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Một số vụ việc, chẳng hạn như cuộc không kích năm 2006 vào căn cứ Al-Khiyam khiến 4 quan sát viên thiệt mạng, đã làm dấy lên làn sóng phản đối quốc tế. Các vị trí của UNIFIL tiếp tục bị pháo kích vào tháng 11/2023, khiến hai binh sĩ bị thương nặng. Gần đây nhất, ngày 15/10, một chiếc xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã nã đạn vào một tiền đồn của UNIFIL, làm hư hại một tháp canh và phá hủy thiết bị giám sát.

Một số ý kiến cho rằng, UNIFIL đang trở thành "lá chắn sống" trước những hoạt động phức tạp trong khu vực, khi chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, hơn 20 nhân viên của lực lượng này đã bị thương trong các cuộc tấn công. Tel Aviv đã bác bỏ trách nhiệm, nhưng UNIFIL mô tả một số cuộc tấn công là "rõ ràng có chủ đích", đồng thời yêu cầu các bên "tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của cơ sở LHQ mọi lúc, mọi nơi". Trong khi đó, các nhóm vũ trang khác, như Hamas, cũng bị cáo buộc lợi dụng sự hiện diện của UNIFIL để tiến hành các hoạt động quân sự, khiến lực lượng này nhiều lần bị đặt vào tình thế khó xử. Điều này không chỉ làm suy yếu tính trung lập của UNIFIL mà còn khiến lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ngày càng mất đi sự tin tưởng từ cộng đồng địa phương. Và khó khăn càng chồng chất hơn nữa khi hôm 19/11, Argentina chính thức thông báo rút người khỏi UNIFIL.

Giữa những áp lực đó, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah hôm 26/11 dường như đã mang đến một tia hy vọng mới. Được Mỹ và Pháp làm trung gian, thỏa thuận này không chỉ giúp chấm dứt các hành động thù địch mà còn tạo điều kiện cho cư dân hai bên biên giới trở về nhà an toàn. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, "lệnh ngừng bắn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống và bảo vệ sinh kế ở Lebanon và Israel".

Đối với UNIFIL, đây là cơ hội để khẳng định lại vai trò của mình trong việc giám sát và đảm bảo thực thi hòa bình. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa hòa bình không chỉ dừng lại ở một thỏa thuận ngừng bắn. Để UNIFIL thực sự phát huy hiệu quả, cần có những thay đổi mang tính căn bản. Trước hết, LHQ cần mạnh mẽ hơn trong việc điều tra và công khai các hành vi tấn công nhằm vào UNIFIL. Các cơ chế giám sát độc lập, như đã từng áp dụng tại Kosovo, có thể giúp khôi phục uy tín của lực lượng này. Bên cạnh đó, áp lực ngoại giao đối với Israel cần được tăng cường.

Các quốc gia châu Âu, với vai trò là những nhà tài trợ chính của UNIFIL, cần tận dụng sức mạnh ngoại giao và thương mại để thúc đẩy sự hợp tác. Đồng thời, UNIFIL cần được trao thêm quyền hạn và nguồn lực để giám sát và bảo vệ dân thường một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc giải quyết quyền lợi của người Palestine là chìa khóa để xây dựng hòa bình lâu dài. Chủ tịch Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã nhấn mạnh rằng: "Không thể có hòa bình khi quyền của người Palestine tiếp tục bị chối bỏ". Một giải pháp toàn diện và được quốc tế công nhận sẽ giúp giải quyết vấn đề cốt lõi mà còn giảm thiểu xung đột trong khu vực.

Nhìn lại toàn bộ bức tranh, vai trò của UNIFIL cần được đánh giá lại một cách nghiêm túc và toàn diện. Những nỗ lực gìn giữ hòa bình, nếu không đi kèm với quyền hạn và chiến lược phù hợp, chỉ có nguy cơ trở thành biểu tượng của sự bất lực. Nhưng vẫn còn hy vọng, nếu các quốc gia, tổ chức quốc tế và chính UNIFIL quyết tâm thay đổi. Hòa bình không phải là một giấc mơ xa vời, mà là mục tiêu có thể đạt được nếu có đủ ý chí và lòng tin để biến những tia sáng le lói thành ngọn đuốc soi đường.

Khổng Hà
.
.