Bangkok thử nghiệm phun đá khô vào khí quyển để giảm ô nhiễm
Theo Cơ quan tạo mưa Hoàng gia Thái Lan, nước này đang thử nghiệm việc phun đá khô vào khí quyển để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Thủ đô Bangkok - nơi mức ô nhiễm đã cao gấp 8 lần mức trung bình tối đa hằng ngày mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị.
Bangkok Post ngày 24/1 đưa tin, chính quyền Bangkok đã chỉ thị đóng cửa hơn 350 trường học tại 31 quận, do tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực. Bộ Y tế công cộng nước này cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 triệu người kể từ cuối năm 2023 và khiến Thái Lan thiệt hại hơn 88 triệu USD.
Giới chức Bangkok cho hay, Cơ quan tạo mưa Hoàng gia Thái Lan sẽ áp dụng phương pháp nghịch nhiệt, theo đó máy bay sẽ được sử dụng để phun nước lạnh hoặc đá khô nhằm làm mát lớp không khí ấm 2 lần/ngày.
Những người thực hiện cho biết họ đang nỗ lực mỗi ngày để Bangkok có không khí trong lành. Họ sử dụng khoảng 1 tấn đá khô hoặc đá và nước trong mỗi lần. Ước tính, một chuyến bay phun đá khô có thể tốn tới 1.500 USD.
Về lý thuyết, việc giảm chênh lệch nhiệt độ sẽ giúp các hạt bụi mịn PM2.5 bị mắc kẹt trong không khí dễ dàng phân tán vào tầng khí quyển phía trên hơn. Kỹ thuật mới này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2024 và vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Nhằm đánh giá sự khác biệt về chất lượng không khí, nhà chức trách Thái Lan cũng triển khai một máy bay khác đo nồng độ chất ô nhiễm trước và sau khi áp dụng phương pháp này.
Người đứng đầu chương trình trên, ông Chanti Detyothin cho biết: "Nồng độ (PM 2.5) đã thấp hơn. Dữ liệu cho thấy bụi mịn đã tan". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng không thể khiến ô nhiễm biến mất hoàn toàn.
Ekbordin Winijkul, chuyên gia Viện Công nghệ châu Á nhận định, Bangkok có thể giảm chi phí chống ô nhiễm bằng các biện pháp đã được chứng minh như thiết lập các khu vực giao thông phát thải thấp.
Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết ô nhiễm, bao gồm hạn chế xây dựng tại Thủ đô và tìm kiếm sự hợp tác từ các quốc gia lân cận.