Hà Lê "ở trọ" trong nhạc Trịnh

Chủ Nhật, 07/06/2020, 13:54
"Ở trọ" - album đầu tiên trong dự án "Trinh Contemporary" của Hà Lê chính thức ra mắt. Hà Lê đã tạo ra một không gian đương đại cho nhạc Trịnh bằng sự sáng tạo và làm mới của một người trẻ. Với anh, đó là hành trình đi tìm chính mình trên con đường sáng tạo đầy gian nan.


- Chúc mừng Hà Lê với dự Album mang tên "Ở trọ". Vì sao anh chọn nhạc Trịnh Công Sơn trên hành trình thử nghiệm làm mới của mình?

+ Hai năm qua, tôi theo đuổi dự án này, làm mới những cái cũ. Lúc đầu tôi thử nghiệm với nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Trương Quý Hải từ tháng 5-2018. Nhưng tôi vẫn chưa thấy âm nhạc của hai ông gần với mình, tôi vẫn đi tìm một dòng nhạc và lối hát gần với giọng hát của mình nhất. Bài "Hạ trắng" tôi làm với Phúc Bồ năm 2018 như một khởi nguồn cho việc tìm kiếm đó và tôi nhận ra, nhạc Trịnh Công Sơn phù hợp với mình.

Càng đi sâu tìm hiểu và cảm nhận âm nhạc của ông, cho đến lúc này, khi có trong tay một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, tôi có thể nói rằng, âm nhạc của ông sinh ra để dành cho mình. Không chỉ là giai điệu, cách viết phù hợp chất giọng của tôi mà những thông điệp, ý nghĩa ông truyền tải có nhiều nét tương đồng với câu chuyện cá nhân cuộc đời của Hà Lê. Đó là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo 7 bài hát trong album này mà không mất đi nguồn năng lượng, sự hứng khởi.

- Vậy vì sao lại là "Ở trọ" chứ không phải là một tiêu đề nào khác, phải chăng Hà Lê cũng đang có tâm thế "Ở trọ" trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

+ Khi đi tìm cá tính âm nhạc của mình, tôi gặp nhạc Trịnh, nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, có nhiều câu chuyện cá nhân rất tương đồng giữa tôi và ông, tôi tìm thấy nhiều mối kết nối với nhạc Trịnh. Và khi hát, tôi kể câu chuyện của mình. Đó là một hành trình thú vị, mới mẻ, từng ngày, từng giờ tôi được sống với đam mê của mình thông qua sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Năm 2019, Hà Lê đã giới thiệu một số tác phẩm trong album.

"Ở trọ"  bản gốc không hóc búa, đó là những câu hát mang âm hưởng dân gian như í à, í ơi, chúng ta có thể hát với nhau hàng ngày, nghêu ngao hát. Nhưng khi đưa ra thành một sản phẩm âm nhạc thì phải làm thế nào cho nó hấp dẫn. Tôi chọn "Ở trọ" làm tên cho album bởi bài hát giúp tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.

Chúng ta sinh ra ở trên đời có nhiều năm may mắn trải nghiệm cuôc sống và sẽ có 1 ngày phải đi xa, Chúng ta hãy sống tốt hơn, sống nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Hãy sống một cuộc đời đáng sống vì chúng ta chỉ có một khoảng thời gian hữu hạn trong cuộc đời này mà thôi. Vì thế, làm album này, tôi cống hiến hết những gì tốt nhất ở thời điểm này cho âm nhạc.

- Có ai nói rằng, Hà Lê quá liều khi dám làm mới, cách tân một giá trị đã được đóng khung? Gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phản ứng ra sao trước sự làm mới của anh?

+ Thực ra trong quá trình ra mắt album, tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tôi đọc hết các comment của khán giả nhưng tôi luôn nhìn ý kiến phản biện của mọi người theo một cách tích cực nhất. Tôi luôn có ý thức học hỏi, họ chê tôi cũng đón nhận rất nghiêm túc, đó là góc khuất trong hành trình hoàn thiện bản thân mà người nghệ sĩ, đôi khi vì cái tôi của mình quá lớn mà bỏ qua.

Còn với gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc đầu tôi cũng rụt rè, chưa dám đưa cho họ nghe. Cho đến khi biết được những thông tin phản hồi tích cực từ gia đình, tôi đã đến thăm và mang theo những bài hát của mình. Họ hài lòng với sự thay đổi trong cách hát và phối khí của tôi. Gia đình cố nhạc sĩ cũng đang đi tìm kiếm sự thay đổi mới mẻ cho âm nhạc của ông.

Hà trong album “Ở trọ”.

- Tôi nhớ, cách đây hai năm, anh có chia sẻ rằng, anh muốn làm mới nhạc Trịnh để hướng tới khán giả trẻ. Nhưng có vẻ như, những gì anh đạt được sau hai năm lớn hơn thế?

+ Tôi nghĩ, đến thời điểm hiện nay, những gì tôi làm được đã có thể kết nối hai thế hệ với nhau, những người yêu nhạc Trịnh cũ và thế hệ mới, những người trẻ để giữa hai thế hệ có sự đồng cảm, chia sẻ. Trên  chặng đường đã qua, tôi nghe được nhiều câu chuyện, con nghe nhạc của tôi và bố mẹ cũng nghe. Tôi cảm thấy, giữa các thế hệ đang có sự kết nối thông quan âm nhạc, biết đâu họ sẽ đồng cảm, chia sẻ với nhau  nhiều hơn.

- Hiện nay, đang có trào lưu cover lại những bài hát cũ. Còn anh, nếu phải định nghĩa con đường đi của mình, anh gọi tên nó là gì?

+ Khi tôi có cơ hội làm nhạc, trong tâm thế của mình, tôi luôn có một ước mơ được làm lại những tác phẩm yêu thích trong không gian sáng tạo mới của mình. Vì thế, con đường của tôi không phải là cover mà là remake, làm mới, tạo ra một không gian âm nhạc mới để kể câu chuyện của thế hệ hôm nay.

Trong âm nhạc gọi là re- pruduce, còn trong điện ảnh mới có khái niệm remake. Bởi khi mình sáng tạo, đóng góp cái tôi của mình vào đó nhiều thì không thể gọi là cover được. Chúng tôi làm mới và cho các bạn hiểu rằng, ngày xưa các cụ nhà mình cũng từng trend như thế nào, hit thế nào. Tuy nhiên, các giá trị cốt lõi chúng tôi vẫn phải giữ.

- Có vẻ như anh đang chọn một con đường khó thay vì đi theo đám đông, đại chúng. Anh có gặp nhiều khó khăn trên con đường xây dựng khán giả và cộng đồng cho mình không?

+ Đối với nghệ sĩ phải tự xây dựng cho mình một con đường riêng, một đối tượng khán giả riêng, hiểu được chia sẻ và tâm sự mình gửi gắm trong từng tác phẩm. Tôi chấp nhận đi con đường gian nan hơn, không theo đại chúng. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình thực sự để tâm, đầu tư kỹ lưỡng và tâm huyết với con đường của mình, tôi sẽ nhận được tình yêu của khán giả. Tôi hy vọng, tiếng lành đồn xa, cộng đồng khán giả sẽ lớn mạnh dần lên và muốn cộng đồng lớn mạnh thì tôi phải làm việc nhiều hơn. Tinh thần của bọn tôi là cống hiến hết mình cho âm nhạc để người được hưởng lợi cuối cùng là khán giả.

- Nhìn lại chặng đường hai năm qua và đến bây giờ, cái tên Hà Lê đã là một sự định danh trong đời sống âm nhạc, anh có nghĩ là mình may mắn?

+ Tôi nghĩ, đó là nhân duyên nhiều hơn là may mắn. Bởi sự may mắn không dành cho những ai không chăm chỉ làm việc, cầu tiến và khiêm nhường. Tôi vẫn tin rằng 1% là tài năng, nhưng phải đến 99% là sự rèn luyện và chăm chỉ, là khát vọng muốn cống hiến cho sự phát triển của đời sống âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ, may mắn chỉ đến với những người xứng đáng.

- Nhạc sĩ Quốc Trung có chia sẻ rằng, nghệ sĩ, điều quan trọng là vẫn phải sáng tạo ra những cái mới thay vì đi làm mới những cái đã cũ, những giá trị đã đóng khung. Anh nghĩ sao về quan điểm này và anh có dự định gì sau khi ra album "Ở trọ"?

+ Tôi nghĩ, tôi mới đang ở chặng đầu của cuộc hành trình. Tôi ấp ủ một concert nhạc kịch Trịnh Công Sơn mang phong cách Broadway để tạo dấu ấn riêng của nhạc Trịnh. Đó là mang âm nhạc của mình vào không gian nhà hát, qua những hình thức như vũ kịch. Đây là một dự án dài hơi, cần sự đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc và chắc chắn sẽ là nhiều sáng tạo mới mẻ, thú vị để xứng đáng với tên gọi của dự án "Trịnh Contemprary"- một dự án đương đại đúng nghĩa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Album của Hà Lê rất sáng tạo, biết phá cách, có dấu ấn, cá tính riêng, tôi nghĩ phản ứng của khán giả sẽ tương đối tốt. Đó là bước khởi đầu, thử nghiệm mình làm được gì, trong lúc mình chưa đủ vốn liếng sáng tạo riêng cho mình. Trong album này, nhạc Trịnh là chất liệu để bạn ấy thể nghiệm sự sáng tạo, còn để đi tiếp con đường của mình thì Hà Lê nên dành năng lượng sáng tạo cái mới của riêng mình vì tôi nghĩ, nghệ sĩ cần sáng tạo cái mới nhiều hơn là khôi phục những cái cũ".

Hà Lê tên thật là Lê Vĩnh Hà, sinh ngày 26-9-1984 tại Hà Nội. Hà Lê từng theo học ngành Kinh tế Trường Đại học Nottingham Trent, Anh. Anh là một nghệ sĩ nhạc rap, vũ công, biên đạo múa và giám khảo trong nhiều cuộc thi tuyển chọn tài năng âm nhạc trong nước. Trong thời gian học tập ở London, Hà Lê thành lập nhóm nhảy rồi dần phát triển thành công ty dạy nhảy và biểu diễn. Để chuyển sang vai trò ca sĩ, Hà Lê đã học lại mọi thứ liên quan đến âm nhạc và ca hát. Anh bắt đầu cầm mic để thực hiện giấc mơ của mình vào năm 32 tuổi.

Lan Tường (thực hiện)
.
.