“Mở lối” với nhạc Trịnh

Thứ Sáu, 12/07/2019, 16:24
18 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (2001 - 2019), vẫn có nhiều nghệ sĩ hát nhạc của ông. Không những thế, một số ca sĩ trẻ chọn con đường hẹp là cố gắng làm mới những ca khúc nhạc Trịnh vốn đã quen thuộc với nhiều khán thính giả trong suốt thời gian qua. Ca sĩ Hà Lê với dự án “Trịnh Contemporary” (Trịnh đương đại) là một trong số đó.


Tìm lối đi cho mình

Mới đây, Hà Lê vừa cho ra mắt MV “Mưa hồng” với bản phối của nhạc sĩ Tùng Acoustic cùng sự xuất hiện của ca sĩ Bùi Lan Hương - người vừa đoạt giải Cống hiến 2019 ở hạng mục Nghệ sĩ mới. Điều bất ngờ là chính Bùi Lan Hương trước đó đã cover lại bài hát “Mưa hồng” và nhận được nhiều phản ứng không mấy thiện cảm của người yêu nhạc Trịnh.

Tuy nhiên, vì nhận thấy giọng hát mang phong cách dream pop (nhạc ảo) của Bùi Lan Hương có sự ma mị, lạnh lùng cần thiết nên Hà Lê cùng ê-kíp của mình vẫn mời Bùi Lan Hương làm “nàng thơ” hát chung trong MV “Mưa hồng”.

“Mưa hồng”, cũng như nhiều ca khúc khác do Trịnh Công Sơn sáng tác, là một nhạc phẩm đầy chất thơ, mơ mộng và những nốt nhạc đầy thư thái. Hiểu được tinh thần đó, Hà Lê cùng người phối khí là Tùng Acoustic đã mang những thanh âm của nhạc điện tử đậm chất “chill”, trẻ trung vào bài hát, pha vào trong đó một chút tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng (Hưng Bầu) để điểm xuyết yếu tố truyền thống, giúp bài hát không bị xa lạ khỏi khuôn khổ của sự giao thoa truyền thống - đương đại mà nhiều nghệ sĩ hiện nay đang dùng.

Đây chính là mục đích thôi thúc Hà Lê tiếp tục với dự án Trịnh Contemporary: “Mang những âm thanh xưa cũ về với không gian đương đại để duy trì tình yêu nhạc Trịnh trong người trẻ hiện nay, giúp họ đi tìm lại những giá trị âm nhạc đích thực của thời kỳ trước”.

Và thật bất ngờ, sau một thời gian ngắn ra mắt, Hà Lê cho biết, MV đã nhận được sự quan tâm, khích lệ của nhiều người. Số lượt người xem (view) trên Youtube cũng “tăng chóng mặt”. Cụ thể, sau chưa đầy 2 tuần ra mắt, MV “Mưa hồng” đã trở thành bản “Mưa hồng” có lượt view cao nhất trên Youtube 415.000 lượt xem/nghe), vượt qua cả bản “Mưa hồng” của ca sĩ Tuấn Ngọc - Bằng Kiều, thậm chí vượt cả bản của ca sĩ Khánh Ly biểu diễn.

Ca sĩ Hà Lê tên thật là Lê Vĩnh Hà, sinh năm 1984 tại Hà Nội. Công chúng biết tới Hà Lê nhờ khả năng nhảy hiphop và đọc rap ấn tượng. Anh từng xuất hiện trong một số cuộc thi như Việt Nam Idol, The Remix 2015 (thành viên nhóm nhạc PB Nation), The Winner is, Sao đại chiến... Hà Lê đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại Anh 6 năm trước khi trở về nước vào tháng 2-2008. Anh là giám khảo một số cuộc thi tìm kiếm tài năng như: So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy), RingMasterz...

Sau album “Ai bằng anh” ra mắt 2018 cùng với Phúc Bồ, “Trịnh Contemporary” được xem là dự án âm nhạc cá nhân để định hình phong cách cũng như chân dung âm nhạc của Hà Lê ở thời điểm hiện tại.

Ca sĩ Hà Lê và “nàng thơ” Bùi Lan Hương trong MV.

Hà Lê cho biết, anh mê nhạc Trịnh từ nhỏ vì ở nhà bà và mẹ thường nghe nhạc Trịnh. Vì thế, những ca khúc “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Cát bụi”, “Dấu chân địa đàng”… cứ từng ngày ngấm vào người Hà Lê. Lại thêm sau này Hà Lê mê giọng hát Khánh Ly. Vì thế, việc Hà Lê chọn âm nhạc Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể “hiểu được”.

Nhưng là thế hệ 8X, Hà Lê không thể hát giống như các thế hệ trước đó. “Phải khác”, đó như là một mệnh lệnh thúc nhắc Hà Lê phải thực hiện. Mà tự anh, khi tìm hiểu về nhạc Trịnh, cũng nhận thấy có nhiều khoảng trống cho thế hệ sau có thể tiếp tục sáng tạo. Thế thì, không lẽ gì lại cứ phải “đóng đinh” nhạc Trịnh, dù nhạc Trịnh đã có đời sống riêng, được định hình trong văn hóa thường thức như một chỉ dấu đặc trưng của âm nhạc Việt Nam.

Song việc tìm ra một hình thức cách tân và giữ lửa cho nhạc Trịnh có lẽ là một thách thức. Thách thức nhưng không có nghĩa là đã hết đường. Và việc của những người nghệ sĩ trẻ là phải tìm ra những lối riêng, chấp nhận sự rủi ro và những ý kiến trái chiều.

Không để “mất chất, mất hồn”

Cho đến giờ, giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu... vẫn được mặc định là “tượng đài” - như một quy chuẩn cho người nghe nhạc Trịnh nhiều thế hệ. Nhưng âm nhạc là một dòng sông không ngừng trôi. Thế hệ sau cần có những sáng tạo mới, theo cách riêng, để mở ra một lối đi khác. Tuy nhiên, sự làm mới những giá trị cũ luôn vấp phải những ý kiến trái chiều. Và trước sự làm mới của Hà Lê, cũng có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ, một số người bình luận sỗ sàng trên các trang mạng, cho rằng anh đang phá nhạc Trịnh.

Đối diện băn khoăn này, Hà Lê khẳng định: "Khi xác định con đường làm mới nhạc Trịnh, tôi biết sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều. Và sự thực, khi tôi tung ra “Hạ trắng”, “Diễm xưa” thì có nhiều bình luận sỗ sàng trên mạng cho rằng tôi đang phá nhạc Trịnh. Tôi phá chứ. Nếu không phá thì sẽ không thể làm mới được những gì Trịnh Công Sơn đã để lại. Nên dù có sợ, tôi vẫn phải phá để mở ra cho nhạc Trịnh một con đường khác hơn. Nói như vậy không có nghĩa là phá bung bét mà phải tôn trọng cái gốc, tinh thần, cái hồn của bài hát".

Khi đi sâu tìm hiểu cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hà Lê đặc biệt quan tâm tới những câu chuyện xung quanh các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Theo Hà Lê, Trịnh Công Sơn viết ca khúc từ những câu chuyện của chính ông, với những người phụ nữ quanh ông.

“Với tôi, Trịnh Công Sơn không “sáng tác”, những ca khúc của Trịnh là những trang đời của ông, những trang nhật ký tâm hồn ông”- Hà Lê tâm sự. Chính vì thế, khi dựng MV “Mưa hồng” và trước đó là “Diễm xưa”, Hà Lê và các cộng sự trong dự án “Trịnh Contemporary” đã cố gắng kể những câu chuyện tình yêu thật sự sinh động qua góc nhìn, cách cảm của thế hệ trẻ.

Bằng cách phác thảo chân dung Hà Lê và đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại ngày hôm nay, cùng tư duy âm nhạc chạy trên con đường R&B qua nhiều hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau nhằm đưa đến một chiều không gian khác, một “màu Trịnh” khác, một “hồn Trịnh” chinh phục cả lớp lớp công chúng mộ điệu nhạc Trịnh và khán giả trẻ.

Như trong MV “Mưa hồng”, những góc quay ấn tượng ở đồi cát Phan Thiết, hay việc đưa tiếng đàn bầu của nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng… đã tạo cho khán giả những cảm xúc mới lạ.

Hà Lê cho rằng, không phải đến bây giờ nhạc Trịnh mới có chất đương đại mà ngay từ lúc mới ra đời, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã có sự mới lạ, khác biệt và hấp dẫn. Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ tiên phong có những sáng tạo khác biệt. Bên cạnh đó, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, âm nhạc chưa phát triển mạnh như bây giờ. Những nghệ thuật có thể kết hợp với nhạc Trịnh cũng chưa phong phú như hiện nay.

Vì thế, ở thời điểm này, chúng ta có thêm nhiều công cụ hỗ trợ, chúng ta có tuổi trẻ, có nguồn năng lượng tích cực, có ý tưởng thì hoàn toàn có thể khoác áo mới cho những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, phải làm điều này với tinh thần và trách nhiệm của người nghệ sĩ. “Tôi muốn chiếc áo mới đó không chỉ đẹp, mà còn vừa vặn, phù hợp với từng ca khúc của Trịnh Công Sơn, đặc biệt không được làm mất chất, mất hồn như nhạc sĩ đã gửi gắm”- Hà Lê nói.

Lan tỏa cảm hứng đương đại

Khi xem một số sản phẩm làm mới của Hà Lê, nhiều ý kiến cho rằng “chưa đã”. Những sáng tạo ở các bản cover “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Mưa hồng” có nét mới lạ nhưng vẫn chưa tạo nên cao trào. Có vẻ Hà Lê cùng ê-kíp của mình còn “rón rén”, “vừa làm vừa thăm dò” chăng? Ca sĩ Khánh Linh - một đồng nghiệp của Hà Lê có mặt trong buổi giới thiệu dự án “Trịnh Contemporary” cũng cho rằng, nếu đã lựa chọn con đường làm mới nhạc Trịnh thì “đừng ngần ngại”. Theo ca sĩ Khánh Linh, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải sáng tạo, phải tạo ra những cái mới.

Và Hà Lê cũng khẳng định, anh sẽ tiếp tục có những sáng tạo mới, chứ không chịu dừng lại. “Không chỉ cover những ca khúc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, trong dự án “Trịnh Contemporary” tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại.

Tôi nghĩ ngoài góc độ ca sĩ, tôi muốn lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sĩ khác, nhiều hình thức nghệ thuật khác trên cơ sở đồng cảm về tư duy, để tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn qua những cách biểu đạt khác nhau. Đó có thể là âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh...” - Hà Lê chia sẻ.

Với những cộng sự lý tưởng để cùng mình thực hiện “Trịnh Contemporary” như Tùng Acoustic ở góc độ hoà âm, Thành Đồng người giữ vai trò Art Director cùng các producer và nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, Hà Lê tin tưởng việc “đương đại hóa” nhạc Trịnh sẽ sớm “về đích” bằng một album đầy đặn ra mắt vào cuối năm nay.

Thư Hoàng
.
.