Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết: "Chinh phục khán giả tuổi teen không dễ"

Thứ Năm, 10/09/2020, 08:28
Ngày 13-9 tới, Nhà hát Tuổi trẻ chính thức cho ra mắt khán giả vở nhạc kịch "Trại hoa vàng"- một vở diễn thú vị dành cho khán giả tuổi mới lớn.


Đây là vở diễn đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Ánh Tuyết, được chị chăm chút vô cùng kỹ lưỡng vì với chị, làm sân khấu cho khán giả tuổi học trò là vô cùng khó. Phóng viên Chuyên đề CSTC có cuộc trò chuyện với chị xung quanh việc dựng kịch cho tuổi học trò hiện nay…

- Vì sao chị lại chọn đối tượng khán giả là tuổi teen để làm vở diễn đầu tay của mình?

+ Có một lý do rất đơn giản thôi, là mình thấy trong sân khấu hiện nay rất thiếu các vở diễn dành cho các khán giả tuổi mới lớn. Tôi cũng có con đang ở lứa tuổi này nên mình hiểu, các con rất "thèm" được đắm mình trong những câu chuyện liên quan đến lứa tuổi của mình, nhưng tìm nơi có thể có những vở diễn hay phù hợp cho các con thì không dễ. 

Tôi nghĩ, trách nhiệm của những đạo diễn bên cạnh việc dựng vở cho các đối tượng khán giả khác nhau thì không thể bỏ quên khán giả tuổi học trò. Ở lứa tuổi này, các con gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu, lựa chọn nghề nghiệp, các con cần được thấy bóng dáng của mình trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu.

Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết.

- "Trại hoa vàng" vốn là một tác phẩm văn học ăn khách của nhà văn chuyên viết cho tuổi học trò Nguyễn Nhật Ánh. Khi đưa tác phẩm văn học này lên sân khấu, điều tâm đắc nhất của chị là gì?

+ Khi đọc tác phẩm "Trại hoa vàng" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tôi rất tâm đắc với câu chuyện về thế giới tuổi teen mà nhà văn mang tới cho khán giả. Những vấn đề như tình bạn, tình yêu, mối quan hệ gia đình, cả việc lựa chọn công việc, nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ khiến cho chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều.

- Tôi ngạc nhiên khi được biết "Trại hoa vàng" được chị lựa chọn thể loại nhạc kịch để dàn dựng. Đối với một đạo diễn mà nói, việc dựng một vở nhạc kịch chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vất vả hơn dựng một vở kịch nói thông thường. Vậy điều gì đã thôi thúc chị?

+ Tôi vốn xuất thân là ca sĩ, là thành viên của nhóm nhạc "Con gái" trước đây. Sau này tôi về Nhà hát Tuổi trẻ, công tác tại Đoàn Ca múa của Nhà hát, nghĩa là công việc của tôi gắn với âm nhạc rất nhiều. Tôi còn nhớ, khi quyết định đi học chuyên ngành đạo diễn sân khấu ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, cố đạo diễn Anh Tú đã hỏi, tại sao tôi không học đạo diễn ca nhạc mà lại là đạo diễn sân khấu, tôi có trả lời là tôi đi học về để hoặc là làm mới sân khấu ca nhạc, hai là làm mới sân khấu kịch. 

Rồi càng học tôi càng thấy kịch nói rất hay. Nó là một thể loại sâu sắc, có thể đưa ra các vấn đề xã hội kịp thời nhưng điểm yếu của kịch nói là làm không khéo sẽ bị khô cứng. Khi quyết định làm vở diễn đầu tay, tôi đã nghĩ ngay đến nhạc kịch, một phần là muốn làm sao đó cho sân khấu bớt khô cứng hơn, một phần muốn sử dụng thế mạnh âm nhạc của mình vào trong một vở diễn sân khấu.

 Đúng là khi bắt tay dàn dựng một vở nhạc kịch tôi phải đổi mặt với nhiều khó khăn hơn cả mình hình dung. Nếu sân khấu kịch nói thì chỉ lo các mảng miếng, diễn viên thì chỉ dùng thoại là chính, thì ở nhạc kịch, diễn viên phải hát rất nhiều, điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn diễn viên cũng khó hơn, bởi không phải ai cũng có khả năng hát tốt. May mà ở Nhà hát tôi đã chọn được các diễn  viên vào các vai chính đều là những bạn trẻ vừa có ngoại hình vừa có khả năng ca hát, nhảy múa. 

Trong xử lý đường dây kịch của vở diễn có âm nhạc thì những "điểm nối" cũng phải làm sao cho thật êm, thật hài hòa, để khán giả không cảm thấy bị "chênh" khi diễn viên vừa nói chuyển sang hát. Nói chung khó khăn nhiều lắm, nhưng tôi thích những khó khăn đó và khi chinh phục được rồi thì thấy cảm giác thật tuyệt.

Một cảnh trong vở “Trại hoa vàng”.

- Chị đã mất bao lâu thời gian để dàn dựng vở diễn "Trại hoa vàng"?

+ Tôi ấp ủ, chuẩn bị khoảng 1 năm và từ lúc thực sự bắt tay vào dàn dựng cho đến lúc hoàn thiện để công diễn là 4 tháng.

-Tôi đã xem vở diễn "Trại hoa vàng" trong đêm tổng duyệt trước khi công diễn, phải nói là rất hấp dẫn. Có thể thấy, những ca khúc chủ đề tuổi trẻ được sử dụng vào vở diễn phần lớn là những ca khúc "hot" của các nhạc sĩ trẻ trong thời gian gần đây. Chị có dụng ý gì khi sử dụng nhiều bài hát "hit" vào vở diễn của mình?

+ Tôi không mạo hiểm chọn những ca khúc quá mới hay những ca khúc tự sáng tác, mà chọn những ca khúc hit, đã có tiếng vang trong đời sống và đã được nhiều bạn trẻ yêu thích để đưa vào phần âm nhạc của vở diễn. Khán giả tuổi teen khi đến xem "Trại hoa vàng" sẽ được đắm mình trong nhiều giai điệu quen thuộc, cũng là cách để các bạn dễ tiếp nhận nội dung vở diễn hơn. 

Tuy nhiên khi đưa những ca khúc quen thuộc này vào vở diễn, đạo diễn âm nhạc đã phải viết lại một kịch bản mới mang tính chất hệ thống sao cho những giai điệu này được kết hợp hài hòa với nhau trong những bản phối mang tinh thần rất đặc trưng của nhạc kịch. Nghĩa là khán giả thấy những ca khúc quen thuộc đấy, nhưng vẫn có sự lạ lẫm.

- Như lúc đầu chị đã nói, chúng ta đang vô cùng thiếu những vở diễn sân khấu dành cho khán giả tuổi mới lớn, vậy sau thành công của "Trại hoa vàng" chị có còn tiếp tục gắn tên mình với những vở diễn dành cho đối tượng khán giả này và trở thành một đạo diễn chuyên làm vở cho tuổi mới lớn?

+ Đúng là cho đến giờ phút này, trong làng sân khấu, chúng ta chưa có một đạo diễn nào chuyên làm các vở diễn cho khán giả lứa tuổi teen, giống như trong văn học chúng ta có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vậy. Tuy nhiên, tôi cảm nhận, để trở thành một đạo diễn chuyên dàn dựng các vở cho tuổi mới lớn là không dễ một chút nào. 

Đầu tiên phải nói đến kịch bản. Sân khấu nói chung đang vô cùng khan hiếm kịch bản, mà kịch bản vở diễn dành cho tuổi mới lớn thì càng khan hiếm hơn nữa. Nói thật là đạo diễn muốn làm vở cũng không biết phải tìm kịch bản ở đâu, đấy là chưa nói kịch bản hay khiến mình tâm đắc. 

Dựng một vở diễn cho giới trẻ khó lắm, làm sao vở diễn phải thể hiện được tiếng nói đương đại, là đời sống mà các bạn trẻ đang đắm mình trong đó, thì họ mới quan tâm. Không có đối tượng khán giả nào nhạy cảm bằng khán giả trẻ, làm không hay thì rất khó "dụ" họ đến rạp. Trong khi đó họ lại là những người giỏi về công nghệ, làm chủ nhiều loại hình giải trí, có nhiều cơ hội giải trí để lựa chọn. 

Sân khấu phải đủ sức hấp dẫn thì mới lôi kéo được các bạn trẻ, có nghĩa là phải có kịch bản hay, công tác dàn dựng phải xuất sắc. Tôi chưa dám nói gì nhiều vì đây mới chỉ là vở diễn đầu tay của mình. Tôi chỉ biết rằng tôi rất yêu thích những câu chuyện gắn với tuổi học trò và cố gắng làm thế nào để nó trở nên gần gũi nhất với các bạn trẻ. 

Dàn diễn viên trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”.

- Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đưa vở diễn đến với khán giả có gì khó khăn?

+Dịch bệnh khiến cho mọi ngành nghệ thuật đều khó khăn chứ không riêng gì sân khấu. Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi đã phải hủy nhiều buổi diễn, suất diễn thời gian vừa qua. Riêng với vở diễn "Trại hoa vàng", chúng tôi công diễn đêm đầu tiên vào ngày 13-9 và sau đó sẽ diễn định kỳ tại Nhà hát. 

Hiện các đêm diễn trong tháng 9 đã được mở bán vé và rất vui là vở diễn nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch mang vở đi lưu diễn ở sân khấu phía Nam trong thời gian tới. Ngoài ra tôi hy vọng vở diễn sẽ tới được các trường học vì thực sự thông điệp của vở diễn rất đáng để các bạn trẻ quan tâm.

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết.

Bảo Bình (thực hiện)
.
.