Sâu khấu phía Bắc: Mỏi mắt đi tìm đạo diễn trẻ

Thứ Tư, 02/01/2008, 16:00
Cuộc thi "Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007" lần đầu tiên do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 15 đến ngày 28/12 tại thành phố HCM là một sự kiện được nhiều người trông đợi. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc thi cũng đã bộc lộ một vấn đề nhức nhối của sân khấu miền Bắc hiện nay: sự thiếu vắng đạo diễn trẻ.

Đạo diễn trẻ U40… cũng hiếm

Theo NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì cho tới thời điểm này đã có gần 60 đạo diễn đăng ký tham dự cuộc thi. Nhưng trong số đó, chỉ có gần chục đạo diễn thuộc sân khấu phía Bắc còn hầu hết là các đạo diễn trẻ thuộc các đoàn phía Nam, nhiều nhất là khu vực TP HCM.

Chỉ tính riêng sân khấu Idecaf cũng đã có 3 đạo diễn trẻ tham dự, sân khấu kịch Phú Nhuận cũng đua tài với sự góp mặt của 2 đạo diễn là Thái Hòa và Đức Thịnh. Trong khi sân khấu phía Nam đầy hào hứng, chủ động và tự tin bước vào cuộc thi thì sân khấu phía Bắc có phần rụt rè, ngần ngại.

Chính Ban tổ chức cũng chưa biết đích xác những đạo diễn nào sẽ đại diện cho sân khấu phía Bắc tham gia cuộc thi này. Điều đáng nói là cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu nhưng biên độ quy định về tuổi đời khá xông xênh: không quá 40 đối với các đạo diễn đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, không quá 45 tuổi với các đạo diễn có tác phẩm đầu tay.

Vậy mà các đạo diễn trẻ của sân khấu miền Bắc vẫn rất hiếm hoi. Một cuộc thi có tính toàn quốc nhưng lợi thế lại đang nghiêng về một địa phương. Điều này phản ánh đúng tình trạng thiếu vắng các đạo diễn trẻ trên sân khấu miền Bắc.

Hàng chục năm nay, tại các liên hoan sân khấu kịch nói, phần lớn các vở diễn được dàn dựng bởi 3 cây đại thụ: NSND Xuân Huyền, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng… Tại Liên hoan sân khấu Chèo gần đây, NSƯT Bùi Đắc Sừ đứng tên tới… 9 vở.

Tại hội diễn Chèo - Tuồng diễn ra tại Nghệ An thì giải đạo diễn xuất sắc nhất về tay đạo diễn Trần Ngọc Phương đã ở tuổi… 70. Có một thực tế rằng: vì dựng nhiều vở như vậy nên dù cố gắng tới mấy các đạo diễn cũng không tránh khỏi tình trạng lặp lại mình. Điều đó khiến cho, mỗi liên hoan sân khấu lẽ ra phải là một bức tranh phong phú, đa sắc thì ngày càng trở nên đơn điệu, cũ kỹ.

Không ít nghệ sĩ có trong tay tấm bằng đạo diễn hàng chục năm, đến khi tóc đã muối tiêu vẫn chưa được bắt tay vào làm một vở nào như Minh Thảo của Đoàn Ca kịch Thái Bình; Đức Thuận - Đoàn Nghệ thuật CAND; Nguyễn Văn Bộ - Đoàn kịch Thái Nguyên…

Số ít được dựng một hai vở như Trương Hải Thọ của Đoàn Nghệ thuật Thanh Hóa, NSƯT Đỗ Kỷ của Nhà hát Kịch Việt Nam, Đào Quang của Đoàn kịch Nam Định...

Nguyên nhân khiến các đạo diễn trẻ chưa được dựng vở vẫn là tâm lý quá chú trọng tới kết quả hội diễn của các lãnh đạo đoàn. Sức ép huy chương, thành tích khiến các đoàn nghệ thuật không mạnh dạn đưa kịch bản cho một đạo diễn chưa nổi tiếng.

Các đoàn cứ phải cố mời cho bằng được những "cây đa cây đề" như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng… Các đạo diễn được mời nhiều cũng nhăn nhó: "Thương các đoàn, từ chối thì ngại". Thế là mỗi lần gần tới hội diễn, có đạo diễn chạy sấp chạy ngửa, nay Nam Định, Hải Phòng, mai lại Quảng Bình… để lo cho đứa con của mình.

Nhưng rõ ràng nếu cứ "thương" như thế thì đến bao giờ sân khấu Việt Nam mới có được lớp đạo diễn kế thừa xứng đáng? Ngay NSND Xuân Huyền cũng chia sẻ: "Cứ đến kỳ hội diễn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy người quen mặt, buồn lắm chứ!". --PageBreak--

Cần sự ủng hộ tích cực

Rõ ràng, sân khấu phía Bắc chưa quen với sự rút lui của các đạo diễn tên tuổi. Nhưng nếu không có những quyết sách mang tính bứt phá thì sân khấu sẽ lâm vào tình trạng "tre già mà măng chưa mọc". Việc tạo ra một sân chơi cho các đạo diễn trẻ là một việc làm cấp thiết hiện nay.

Nếu tạo dựng được một lớp đạo diễn trẻ, chúng ta sẽ tạo dựng được cả một ê kíp trẻ, đầy sáng tạo như họa sĩ, âm thanh, ánh sáng… Tất nhiên, họ có thể làm chưa hay nhưng điều quan trọng là họ có ý tưởng mới và nhiều thời gian, sức trẻ để sáng tạo.

Các đoàn nghệ thuật phía Nam đã mạnh dạn hơn trong việc giao vở cho lớp trẻ. Và chính họ đã để lại những ấn tượng ban đầu khá tốt. Đạo diễn trẻ Chính Trực với tác phẩm đầu tay "Giữa hai bờ sương khói" đã khiến cho số đông khán giả tại Liên hoan sân khấu toàn quốc tại TP Hải Phòng năm 2004 phải ngỡ ngàng vì cách làm mới lạ, hấp dẫn.

Hay Nguyễn Thu Phương với "Tiếng chuông chùa" của nhà văn Hữu Ước (Đoàn Kịch nói, Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) là một sự  thể nghiệm táo bạo. Những nghệ sĩ như Thành Lộc, Hồng Vân đã trở thành những “bà đỡ” mát tay khi đỡ đầu một lực lượng đạo diễn trẻ hùng hậu, cá tính như: Tuấn Khôi, Vũ Minh, Thái Hòa, Đức Thịnh…

Và có nhiều vở diễn đang ăn khách được dàn dựng từ những đạo diễn trẻ ấy. Ở miền Bắc, mới chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ hào hứng trong việc này. Họ đang tạo điều kiện để làm nên sự chuyển giao từ những diễn viên nổi tiếng thành những đạo diễn sân khấu như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, Anh Tú, NSƯT Chí Trung…

Được biết, Ban tổ chức đã quyết định thay thế từ "Liên hoan tác phẩm của các đạo diễn sân khấu trẻ" thành "Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu" và sau phần sơ khảo sẽ chọn ra 20 tác phẩm để vào chấm giải. Là cuộc thi nên sẽ có thắng, có thua, tính gay cấn cũng sẽ tăng lên. Đây thực sự sẽ là một sân chơi khẳng định tài năng của từng người.

Ông Chu Thơm, chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì cho rằng sân khấu hãy nhìn sang điện ảnh. Cơ chế của điện ảnh đã bắt đầu xây dựng được một đội ngũ đạo diễn trẻ, khá ưu tú như: Bùi Thạc Chuyên, Quang Hải, Lâm Lê Dũng, và gần đây là Bùi Tuấn Dũng...

Họ đã có những tác phẩm với những ý tưởng lạ, mang hơi thở gần gũi của thời đại. Đã đến lúc cần có sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của các nhà quản lý, các đoàn nghệ thuật để sân khấu có được những nhân tố mới.

NSND Lê Khanh (Nhà hát Tuổi trẻ):

Tôi cho rằng sự chênh lệch về số lượng đạo diễn tham dự trong cuộc thi này phản ảnh đúng tương quan lực lượng sân khấu hai miền hiện nay. Lâu nay, sân khấu miền Bắc thường cho rằng, đạo diễn phải là người dày dạn kinh nghiệm, có bề dày trong hoạt động nghệ thuật và vốn sống, cho nên các sinh viên nghệ thuật sau khi ra trường thường chú tâm làm diễn viên, ít khi nghĩ tới việc làm đạo diễn.

Ngược lại ở phía Nam, các sinh viên nghệ thuật rất năng động, sáng tạo, thích thử thách ở những lĩnh vực mới. Sự sôi động, phong phú với 3 loại hình sân khấu: nhà nước, xã hội hóa và tư nhân cũng là một điều kiện thuận lợi cho các bạn hành nghề.

Còn ở miền Bắc, 100% là các đoàn nhà nước, dựng vở theo tiền chu cấp của nhà nước, vì vậy ít ai dám mạo hiểm giao cho người trẻ. Lối mòn ấy đã khiến cho tư duy về đạo diễn cứ già đi.

Các đạo diễn trẻ luôn bị áp lực rất lớn là chưa được tin tưởng. Tư duy ấy cần phải thay đổi. Những đạo diễn trẻ như chúng tôi cần có một lòng tin và sự kỳ vọng thực sự từ những vị lãnh đạo chứ không phải là sự ban phát và "thách đố".

Vì tiêu chí cuộc thi nên tuổi tôi không còn phù hợp, dù ở ngoài Bắc, tôi vẫn là đạo diễn trẻ. Dù muốn hay không, để sân khấu có thể tồn tại và phát triển, bắt buộc phải có lớp đạo diễn trẻ kế cận tài năng và tâm huyết với nghề.

Đạo diễn Đức Thịnh (Sân khấu kịch Phú Nhuận):

Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc thi dành cho các đạo diễn trẻ, vì vậy tôi và các đồng nghiệp rất hào hứng tham dự vì điều này cho thấy chúng ta đã bắt đầu quan tâm tới thế hệ đạo diễn trẻ. Có thể những vở kịch chúng tôi mang đến còn non nớt, hồn nhiên, nhưng qua đó chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm.

Từ năm 2004 cho đến nay, không kể kịch ngắn, tôi đã dựng 11 vở. Tôi cho rằng chúng tôi có một điều kiện làm nghề thuận lợi hơn các bạn đồng nghiệp miền Bắc. Khi vừa tốt nghiệp, thậm chí còn đang học, chúng tôi đã được tin tưởng giao vở. Đó là một động lực rất lớn giúp chúng tôi trưởng thành.

Thế hệ đạo diễn trẻ chúng tôi luôn kính trọng và học hỏi những thế hệ đi trước về sự tinh tế, sâu xa trong từng vở diễn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khẳng định được cá tính và thổi không khí thời đại vào từng vở diễn. Lần này, mang "Nhân danh công lý" đi tham dự cũng không ngoài mong muốn ấy.

 

Thảo Duyên
.
.