Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai: “Tôi muốn khai thác những góc khuất đời thường của người chiến sĩ Công an”

Thứ Tư, 15/07/2020, 14:43
Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ 4 (16/7- 4/8/2020), đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai tham gia hai tác phẩm.


Anh nói, đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an luôn hấp dẫn anh và điều anh trăn trở là muốn đi tìm những vẻ đẹp đời thường của họ thay vì chỉ ca ngợi chiến công một chiều.

- Chúc mừng đạo diễn Bùi Như Lai với hai tác phẩm tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND. Anh có thể chia sẻ về các tác phẩm của mình?

+ Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần này tôi có hai tác phẩm tham dự. Vở “Tái sinh” tôi dàn dựng cho Khoa Sân khấu của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. 

Đây là vở diễn đặc biệt, kết hợp giữa các giáo viên và sinh viên của Đại học Sân khấu Điện ảnh, như thiết kế sân khấu, thầy Hoàng Duy Đông, sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Giáng Son... 

Diễn viên cũng chính là các sinh viên và giảng viên trong trường như thầy Hán Quang Tú, thầy Hoàng, thầy Tùng và các sinh viên K37, K38. Kịch bản của bạn Nguyễn Toàn Thắng, lúc đầu có tên là “Ngọn gió trong đêm” nhưng tôi đổi lại thành “Tái sinh” để tiếp cận gần với chủ đề hơn. Đó là trong quá trình phá án, đồng chí cảnh sát Phong đã đăng ký kết hôn với một cô gái nhưng chưa tổ chức đám cưới, anh hy sinh khi làm nhiệm vụ; người vợ chưa cưới lại đang mang thai… 

Câu chuyện có ý nghĩa về sự tiếp nối của cuộc sống, trong cuộc chiến với tội phạm, có những hy sinh, mất mát nhưng lại có một mầm sống khác, một chiến sĩ cảnh sát khác sẽ ra đời.

Các nghệ sĩ tham gia vở “Vụ án Am bụt mọc”.

- Còn vở “Vụ án Am bụt mọc”, được biết liên hoan lần này có 3 đoàn dàn dựng vở từ kịch bản này. Anh có bị áp lực hay không?

+ “Vụ án Am bụt mọc” tôi dựng cho Trung tâm Sân khấu và Phát triển của Hội Nghệ sĩ sân khấu. Riêng kịch bản này có 3 đơn vị dàn dựng với 3 thể loại khác nhau như Dân ca kịch xứ Nghệ của NSND Hồng Lựu; chèo của đoàn Nghệ thuật Thanh Hóa. 

Đây là kịch bản được giải tại cuộc thi vận động sáng tác kịch bản do Bộ Công an tổ chức. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở mỗi thể loại, đạo diễn sẽ có cách giải mã khác nhau. Vở này cũng là sự kết hợp cả một số nghệ sĩ ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Sân khấu Điện ảnh như NSƯT Tạ Tuấn Minh, nghệ sĩ Thúy Nguyên, nghệ sĩ trẻ Duy Anh, Nguyệt Hằng… 

Vở “Vụ án Am bụt mọc” phản ánh cuộc đấu tranh với tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát, cùng một lúc họ phải xử lý quá nhiều vụ việc khác nhau, có những lúc họ cũng có thể phạm sai lầm. Qua những kịch tính và cao trào của vụ án, khán giả có thể cảm nhận được những vất vả, hy sinh của các chiến sĩ Công an. 

Có những người đi phá án ròng rã mấy tháng trời không được về nhà, không phải người vợ nào cũng có thể thông cảm, chia sẻ. Đó là những hy sinh rất đời thường không phải ai cũng hiểu về cuộc sống của những người chiến sĩ Công an. Điều mà tôi trăn trở khi dàn dựng, đó là tôi muốn nhìn họ, những chiến sĩ Công an ở góc độ con người.

- Tôi khá ấn tượng với hai vở diễn của anh, bởi cách dàn dựng khá độc đáo, anh đã mang lên sân khấu truyền thống những thể nghiệm mới mẻ ở một đề tài tưởng như là khô cứng và mang tính chính luận?

+ Tôi luôn chú trọng đến sự mới mẻ của sân khấu đương đại. Dàn dựng một vở diễn không phải chỉ mục đích mang đi thi mà nó còn là dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ, làm thế nào để không lặp lại chính mình. Với vở “Tái sinh”, tôi đưa ngôn ngữ hình thể và chuyển động vào một lớp diễn, tạo ấn tượng và cảm xúc cho người xem, âm nhạc cũng mới mẻ. 

Còn vở “Vụ án Am bụt mọc” tôi chọn phương pháp đồng hiện, chia sân khấu làm hai không gian song hành với nhau và tái hiện hai cảnh khác nhau trên cùng một sân khấu, tạo cảm giác thú vị, mới mẻ cho người xem.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai.

- Các tác phẩm tham gia Liên hoan sân khấu thường đi theo một chiều hướng ca ngợi chứ ít khi phản ánh những góc khuất đằng sau hình tượng người chiến sĩ Công an. Anh nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?

+ Vì đây là cuộc thi có chủ đề về hình tượng người chiến sĩ Công an nên hình tượng thường được xây dựng rất đẹp, mang tính ngợi ca. Tuy nhiên, xu hướng dàn dựng của sân khấu hiện đại, họ sẽ đi sâu vào nội tâm nhân vật. Hai vở diễn của tôi đều phản ánh những góc khuất như án oan hay cả những hy sinh thầm lặng trong cuộc sống đời thường, khi những người vợ không chia sẻ và thông cảm với đặc thù công việc của chồng. 

Những góc khuất đó rất đời, rất con người và chính điều đó làm nên vẻ đẹp trọn vẹn hơn cho hình tượng người chiến sĩ Công an. Tôi biết có nhiều tác phẩm cũng đề cập đến mảng tối đó nhưng lên sân khấu, tác giả đã xử lý rất khéo để có sức thuyết phục, vì lằn ranh giữa bóng tối và ánh sáng đôi khi rất mong manh. 

Trong vở “Vụ án Am bụt mọc”, có đoạn một chiến sĩ Công an vào vai một nhân viên mát xa để phá án, cô chứng kiến cảnh một tội phạm uống thuốc tự tử. Cô có chút mủi lòng, thương cảm. Nhiều người cho rằng, một chiến sĩ Công an như vậỵ là yếu đuối nhưng tôi lại nghĩ khác, bất cứ ai khi đối diện với cái chết của một con người, trước số phận của một con người, họ đều có sự đồng cảm, thương cảm. Nó sẽ nhân văn hơn là việc các chiến sĩ Công an thực thi pháp luật một cách lạnh lùng, vô cảm.

- Năm 2015, anh cũng từng có tác phẩm tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an và giành giải cao. Điều gì ở đề tài này thu hút anh đến vậy?

+ Năm 2015, tôi tham gia Liên hoan với tác phẩm “Cho cuộc đời bình yên”. Đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an rất hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Là một đạo diễn, tôi luôn đối diện với việc làm thế nào để khai thác hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu một cách hấp dẫn, mang tính đột phá nhất. 

Ngoài việc họ thành công, tài trí, dũng cảm, thì khi họ đối diện với cuộc sống đời thường cũng rất thú vị, đó là một mảng rất con người của họ. Chúng ta thường đi sâu vào công việc mà quên mất rằng họ cũng là một con người với đủ những cung bậc vui buồn của cuộc sống. Trong liên hoan hội diễn lần này, tôi biết nhiều tác phẩm khai thác theo hướng con người đời thường của người chiến sĩ. Điều đó sẽ hoàn thiện hơn vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ Công an.

- Vậy anh có gặp khó khăn gì khi dàn dựng các tác phẩm về đề tài mang tính đặc thù này?

+ Khó khăn lớn nhất không chỉ riêng tôi mà với tất cả các đạo diễn đó là mảng nghiệp vụ Công an. Nếu cuộc sống đời thường có muôn màu sắc, hình vẽ để chúng ta khám phá mà không sợ bị sai thì hình tượng người chiến sĩ Công an lại có những đặc thù riêng, từ cách ăn mặc, đi lại, nói năng đến từng động tác chào, ngôn ngữ trò chuyện với tội phạm, với đồng đội. Vì thế chúng tôi phải dành thời gian tìm hiểu, đi thực tế và nhờ các cán bộ Công an tư vấn về mặt nghiệp vụ.

Còn một khó khăn nữa là làm thế nào để tạo ra một tác phẩm có tiếng nói, có cá tính, phong cách riêng, không lặp lại chính mình. Lần này, khi dàn dựng hai vở diễn, tôi có một đội ngũ cộng sự rất giỏi nghề. Đó là một thuận lợi nhưng cũng là áp lực làm thế nào để thuyết phục được họ.

Cảnh trong vở “Tái sinh”.

- Nhiều ý kiến đánh giá năm nay các tác phẩm dự thi có chất lượng và được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Anh có đánh giá như thế nào?

+ Nhìn tổng quan, năm nay, chất lượng các vở diễn cao hơn vì được đầu tư lỹ lưỡng hơn. Các năm trước, chỉ có Cục Nghệ thuật biểu diễn tham gia tổng duyệt. Còn năm nay, có sự tham gia của Bộ Công an và Hội Nghệ sĩ sân khấu, họ có những đóng góp thiết thực hơn về chuyên môn cũng như nghiệp vụ để các đoàn hoàn thiện và nâng cao chất lượng tác phẩm.

- Có một thực tế, rất nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng để tham dự các liên hoan sân khấu, nhưng cuối cùng lại đắp chiếu sau khi đạt giải. Đó là sự lãng phí rất lớn. Anh có kế hoạch công diễn hai tác phẩm này như thế nào?

+ Tôi luôn tâm niệm rằng, dàn dựng tác phẩm không phải chỉ có mục đích đi thi. Hai vở diễn này chúng tôi đã có phương án biểu diễn dài hạn. Tôi hướng tới những người trẻ, học sinh, sinh viên. Các chiến sĩ Công an trong hai tác phẩm của tôi đều là những người trẻ. Họ sống và làm việc có lý tưởng, có ước mơ và sự hy sinh của họ không hề vô nghĩa. 

Tôi muốn thông qua các tác phẩm này truyền cảm hứng cho những người trẻ hôm nay quan tâm nhiều hơn đến danh dự, đến công việc và sự cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn là lo cho chính cuộc sống cơm áo gạo tiền của họ. 

Chúng ta đã đi qua chiến tranh mấy chục năm rồi, thế hệ trẻ cần thay đổi về lý tưởng sống, họ nên nghĩ đến việc họ sẽ làm được gì và để lại gì cho thế hệ con cháu sau này. Đó không phải là những lời nói suông mà rất cần được thắp sáng trong trái tim của những người trẻ hôm nay, về khát vọng sống, về sự cống hiến.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Việt Hà (thực hiện)
.
.