Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Làm phim cổ trang phải có bản lĩnh

Chủ Nhật, 12/04/2020, 07:43
Huỳnh Tuấn Anh yêu lịch sử từ thuở thiếu thời. Chạm tay vào quá khứ, chàng đạo diễn miền Tây cúi mình nhận lãnh của hồi môn mà cha ông trao lại. Để rồi anh nâng niu, anh trân trọng mang của hồi môn quý giá ấy vào từng thước phim, nhắc nhau gìn giữ một thời vàng son gấm vóc... 


- Phần 1 của series phim “Phượng khấu” về cuộc đời Thái hậu Từ Dụ đã đi được gần nửa chặng đường. Ngay từ khi công bố, “Phượng khấu” đã được dư luận chú ý vì đây là bộ phim cung đấu thuần Việt và hứa hẹn “sát sử nhất có thể” từ cốt truyện, kiến trúc, âm nhạc, trang phục, nghi lễ... triều Nguyễn. Phim được ngợi khen nhiều nhưng cũng bị chỉ ra không ít “hạt sạn” đáng tiếc. Điều đó có làm anh nao núng khi thực hiện tiếp phần 2, phần 3 không?

+ Ngay từ đầu, tiêu chí của cá nhân tôi và đoàn phim là không bao giờ đối đầu với khán giả. Tôi coi khán giả là những người thầy công tâm. Nhiều khi anh em trong nghề nói với nhau không chịu nghe, nhưng chỉ cần khán giả cùng lên tiếng thì họ lại lắng nghe. Do đó, mọi ý kiến khen chê của khán giả, tôi đều đón nhận một cách chân thành, coi như lời góp ý mang tính xây dựng, đóng góp cho “Phượng khấu”.

Suy cho cùng, phim ảnh hay loại hình văn hóa giải trí nào cũng là phục vụ công chúng, huống hồ “Phượng khấu” là TV series - thể loại mà chúng tôi vừa quay vừa lắng nghe ý kiến khán giả để tiếp tục làm phần 2, phần 3 tốt hơn. Điều tôi vui mừng ở chỗ, có khen chê, tranh luận sôi nổi chứng tỏ khán giả rất quan tâm đến phim.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trên phim trường.

Theo thống kê của đơn vị phát hành, mỗi tập cán mốc gần 2 triệu lượt xem trong một tuần. Với một tập phim dài 45 phút, số lượt view như thế là kỷ lục. Khán giả chịu ngồi coi phim và chỉ ra cái sai cho mình thì mình phải cảm ơn họ chứ. Đáng trân trọng là khán giả “nhặt sạn” rất xác đáng, chẳng hạn như kỹ xảo 3D chưa tới, âm nhạc đôi chỗ hơi quá liều lượng, màu sắc chưa tươi.... Tất cả đang được chúng tôi khắc phục trong các tập sau. Điều tôi hơi tiếc là dự án không có nhiều kinh phí lẫn thời gian nên mình chưa thể trau chuốt cho tác phẩm ưng ý nhất.

- Dù được đánh giá cao về diễn xuất nhưng độ tuổi dàn diễn viên gạo cội như Thành Lộc, Hồng Đào, Hồng Vân, Minh Trang... quá “dừ” so với độ tuổi thật của nhân vật trong phim? Tại sao anh không chọn diễn viên trẻ, phải chăng thực lực diễn viên trẻ của chúng ta quá kém?

+ Rõ ràng Thành Lộc, Hồng Đào, Hồng Vân... có lớn hơn tuổi thật của nhân vật nhưng với kinh nghiệm diễn xuất, trải nghiệm sống thì việc chọn lựa họ hoàn toàn hợp lý cho bước đi đầu tiên của phim cung đấu Việt. Chúng ta phải thừa nhận rằng, diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội và dàn diễn viên trẻ có một khoảng cách quá xa. Nếu toàn bộ dàn diễn viên bây giờ thay bằng dàn diễn viên trẻ thì chúng ta khó tìm được một ông vua Thiệu Trị như Thành Lộc đóng, một Từ Dụ như chị Hồng Đào...

Tôi không chê các bạn trẻ nhưng với dự án này, diễn viên trẻ có thực lực không đều, họ chưa đủ sức đảm đương vai diễn – đặc biệt là thể hiện tầm vóc, nội tâm của những nhân vật lịch sử trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Ngoài ra, uy tín của các nghệ sĩ gạo cội là bảo chứng rất quan trọng để khán giả tin tưởng chất lượng bộ phim.

- Có phải chính vì tham vọng “sát sử” mà phim bị khán giả “soi” kỹ như thế?

+ Tôi biết khi làm phim cung đấu, bám sát lịch sử sẽ gặp nhiều áp lực từ công chúng. Hồi phim mới khởi động, chúng tôi gặp vô số phản biện, thậm chí “ném đá” về tư liệu lịch sử. Ai cũng nhân danh mình biết sử để chỉ trích chúng tôi nhưng họ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào xác đáng. Chúng tôi chọn cách: Khán giả góp ý là phải lắng nghe, nhưng tất cả góp ý đó phải có bằng chứng thuyết phục chứ không suy luận suông.

Tôi nói với ekip rằng mình phải tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, phải tin vào điều mình làm, phải tin vào hiện vật, tin vào sử sách được quốc gia công nhận. Nếu có nguồn sử khác thì chỉ mang tính tham khảo. Điều quan trọng nhất: chúng tôi làm phim, chứ chúng tôi không phải nghiên cứu sử. Mọi thứ về lịch sử, đoàn phim đã có ban cố vấn là những chuyên gia nghiên cứu uy tín, nếu khán giả có thắc mắc thì họ chính là người giải đáp.

- Ở Việt Nam, phim cổ trang phát triển rất èo uột. Nhiều nhà sản xuất thổ lộ mình rất muốn làm nhưng lại sợ búa rìu dư luận. Trong khi đó, phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tha hồ hư cấu, thêu dệt những tình huống, chuyện phim, nhân vật không có thật nhưng vẫn được khán giả đón nhận rất nhiệt tình. Anh có thể cắt nghĩa vì sao không?   

+ Trung Quốc, Hàn Quốc... đã có kinh nghiệm hàng trăm năm trong việc sáng tạo và tiếp nhận phim cổ trang. Còn ở nước ta, phim cổ trang còn quá mới mẻ. Khán giả đòi hỏi khắt khe với phim cổ trang Việt cũng bởi họ quá khát khao có một bộ phim “ra tấm ra món” về lịch sử cha ông.

Một cảnh trong phim "Phượng Khấu".

Từ trước đến nay, số lượng phim cổ trang của chúng ta không những quá ít ỏi mà còn nhiều sai sót, chất lượng chưa tới. Lâu dần khiến khán giả mang nặng định kiến với phim cổ trang Việt. Tôi trộm nghĩ để làm cho khán giả yêu thì trước tiên mình phải làm cho họ tin đã. Do đó, tôi chọn thời nhà Nguyễn, và cụ thể là cuộc đời Thái hậu Từ Dụ để dựng phim vì thời đại này có nhiều dữ liệu lịch sử nhất.

- Ngoài “Phượng khấu”, được biết sắp tới anh còn ấp ủ nhiều tác phẩm khai thác chính sử hoặc văn hóa truyền thống. Dòng phim này chưa bao giờ là thử thách dễ dàng, tại sao anh vẫn quyết tâm theo đuổi? 

+ Hồi nhỏ, tôi đã thích tìm tòi, khám phá lịch sử, văn hóa. Nhìn về quá khứ, tiền nhân cho chúng ta những bài học giá trị, quý báu. Lớn lên, đi khắp năm châu, tôi hiểu ra rằng văn hóa là thứ để nhận diện một dân tộc. Cái mới, cái tối tân thì nước mình không bằng người ta nhưng kho tàng văn hóa thì lại rất dồi dào. Tại sao mình không kế thừa?

Chúng tôi chọn “Phượng khấu” làm bước đi mở màn cho loạt phim văn hóa, lịch sử sau này. Đầu năm sau là dự án “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, tiếp theo là “Ỷ Lan truyện”, “Gạo chợ nước sông” (khai thác về đời sống cải lương thập niên 60-70)...

Tôi đáng tính vài năm nữa mình sẽ dần rút lui khỏi vị trí đạo diễn để làm nhà sản xuất, quy tụ các đạo diễn giỏi cùng bắt tay làm loạt phim văn hóa lịch sử. Dẫu bước đi ban đầu còn nhiều thiếu sót nhưng tôi rất tự tin vì mình đã dám làm và làm rất tâm huyết. Từ bước sơ khởi này, chúng tôi hy vọng các đạo diễn, nhà làm phim khác sẽ cùng chung tay xây dựng dòng phim cổ trang Việt Nam. Tôi không giỏi giang gì. Một mình tôi không thể làm nên diện mạo phim cổ trang Việt.

Tôi đeo đuổi đam mê của mình vì muốn cho mọi người có niềm tin rằng: Huỳnh Tuấn Anh làm được thì những đạo diễn tài ba hơn Huỳnh Tuấn Anh sẽ làm được và chắc chắn hay hơn nhiều lần. Có như thế, chúng ta mới truyền tình yêu sử, quảng bá được nét đẹp dân tộc cho giới trẻ và xa hơn là cho bạn bè quốc tế.

- Những năm gần đây, trào lưu tìm về cổ phong của các bạn trẻ ở mọi lĩnh vực nghệ thuật trỗi dậy mạnh mẽ. Đó có phải là lý do khiến cho các nhà làm phim hòa vào xu thế chung khi ngày càng nhiều dự án phim cổ trang được công bố?

+ Con đường cổ phong là con đường chung, tôi rất mong nghệ sĩ các mảng khác cùng chung tay làm. Và làm thì đừng có sợ sai. Cái gì mà không có sai sót, huống hồ là những bước dò đường ban đầu. Mình đừng ngại khán giả sẽ phê bình, chỉ trích, hãy coi đó là những lời góp ý giúp mình tiến bộ. Do vậy tôi nghĩ làm cổ phong phải có đủ bản lĩnh và kiến thức. Nếu chỉ đam mê, yêu văn hóa - lịch sử dân tộc đơn thuần thôi thì chưa đủ, người làm cổ phong còn phải có kiến thức sâu rộng và quan điểm vững chắc để tạo ra những sản phẩm chất lượng và đủ sức đứng trước sóng gió dư luận.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.