Về thành Nam gặp chợ Tết xưa

Thứ Năm, 09/02/2023, 16:29

“Chợ Tết - Một thoáng Thành Nam” tái hiện những hoạt động của chợ Tết xưa, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường và một số tổ chức, cá nhân trong tỉnh tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuậtđược tổ chức thường niênnhân dịp đầu Xuân, giúp du khách trong và ngoài địa phương có một không gian văn hóa, một sân chơi lành mạnh, bổ ích, nhằm khôi phục, tái hiện, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định đang dần bị mai một, lãng quên.

image001.jpg -0
Mô hình Trường thi Hương Nam Định xưa.

Chiều mùng bảy Tết, bỏ qua phiên chợ Viềng cổ truyền nức tiếng gần xa, tôi đến với “Chợ Tết - Một thoáng Thành Nam”. Bước qua cổng chợ, chợt ngỡ ngàng trước quang cảnh Trường thi Hương Nam Định xưa. Dù chỉ làhình ảnh mô phỏngnhưng người xem như lạc vào chốn kinh kì với những chiếc lều chõng trong cuộc thi hương từ hàng trăm năm trước. Những chiếc lều nhỏ xinh như vẫn vững bền với thời gian, ẩn chứa trong đó mỗi thân phận, mỗi cuộc đời.

Bao năm tháng miệt mài sôi kinh nấu sử, giờ đây, mỗi sĩ tử gửi gắm vào bài thi sự vất vả nhọc nhằn của cha, của mẹ, những giọt mồ hôi thấm trên trang sách với khát vọng vinh qui bái tổ. Chính từ những chiếc lều nhỏ này, biết bao ông nghè, ông cống, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên làm rạng danh cho đất nước trên mọi lĩnh vực để mai sau con cháu tìm về.

Gắn liền với những chiếc lều chõng bên cạnh Trường thi Hương là phấp phới những tờ thư pháp trong gió xuân. Ngậm ngùi nhớ đến “những người muôn năm cũ” trong thơ Vũ Đình Liên. Giờ đây, họ vẫn hiện diện nơi này, tỉ mẩn thảo từng nét chữ. Bên trong cái vẻ phóng khoáng “như phượng múa rồng bay” ấy là cái tài của người cầm bút để làm sao cho mỗi tờ thư pháp là một bức tranh với nét mực tàu óng ánh đen mà tươi rói nổi bật trên tấm giấy lụa điều thắm đỏ, thể hiện cảm xúc trong từng nét chữ, cách trình bày, đường nét, màu sắc, mang đến thông điệp cho mọi người về những giá trị tư tưởng, đạo đức, từ đó phát huy được cái đẹp, cái hồn, sự sáng tạo của “nét chữ, nết người”. Có thể nói đây là môn nghệ thuật mang tính đặc trưng của văn hóa Việt, mang đậm giá trị truyền thống, mang tính giáo dục, đạo đức, nhân sinh quan đối với mỗi người dân Việt Nam.

“Đồ xưa”. Cái tên thật lạ trong góc chợ Tết như kéo người xem về với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Với hơn 1.000 cổ vật ghi đậm dấu ấn của cha ông từ thuở xa xưa từ cuộc sống đời thường với nồi niêu xoong chảo, với bao vật dụng của nhà nông, những sập gụ, tủ chè, bức khảm sơn mài, hoành phi, câu đối, các loại đèn lớn nhỏ, cao thấp chỉ có ở các gia đình phú nông, địa chủ thời phong kiến. Đây là dịp qui tụ, thu hút các cổ vật, các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh cùng gắn kết, cùng phát triển, bởi Nam Định là vùng đất cổ, nơi sản sinh và lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc.

Chợt bên tai văng vẳng tiếng đàn nhị ò e í e, tiếng sênh tiền xúc xa xúc xắc, tiếng đàn bầu ngọt ngào, tiếng sáo réo rắt, tiếng mõ tre lóc cóc. Những âm sắc, giai điệu của các làn hát xẩm cổ xưa cứ quấn quýt theo mỗi cung bậc cuốn tôi đến góc chợ quê, dừng chân trong xúc cảm hoài niệm về một thời mà đây đó lưu bóng những gánh hát trong man mác buồn của làn điệu xẩm giữa đất kẻ chợ hay chốn thôn quê.

Dưới gốc đa, trên chiếu xẩm “chuyên nghiệp” người nghe như được trở về với xẩm chợ, xẩm thập âm, xẩm tàu điện, xẩm ba bậc, xẩm sa mạc, xẩm xoan, xẩm huê tình… những làn điệu người dân Nam Định tưởng như đã thất truyền. Đặc biệt cuốn hút là những giai điệu luyến láy chầu văn, mà ngỡ như lạc vào phiên chợ Tết xa xưa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hồn cốt làng quê bao đời. Hồn cốt dân tộc là đây.

Trong thời đại 4.0, ở lĩnh vực âm nhạc, người ta chú ý đến sự mới mẻ, hấp dẫn, mấy ai để ý những làn điệu dân gian cổ xưa. Đưa chương trình hát dân ca truyền thống để giữ gìn, phát huy bao giá trị truyền thống ẩn chứa trong những di sản mà cha ông đã dày công gìn giữ vào “Chợ Tết - Một thoáng Thành Nam” hàng năm không chỉ thu hút khách muôn phương tìm về thưởng lãm mà là một trong những cách bảo tồn nét cũ của Nam Định

image003.jpg -0
Các nghệ nhân trình diễn hát Xẩm tại Chợ Tết "Một thoáng Thành Nam".

Đến với “Chợ Tết - Một thoáng Thành Nam” là được trở về với cây đa, bến nước sân đình thân thuộc thuở xưa. Trong những lời ca trù, chầu văn nhẹ nhàng, thánh thót, trong lều, các cụ áo the, khăn xếp mải mê trong bài tổ tôm, tổ tôm điếm truyền thống, thú vị theo dõi cuộc cờ Bỏi. Người trung tuổi mê man với thú chơi tinh tế của người Thành Nam nơi trưng bày giới thiệu nghệ thuật bonsai, hoa và các cây cảnh nhỏ được tạo dáng, thế công phu như: quất, vạn tuế… lắng nghe tiếng cu gù giữa những làn mưa xuân phơi phới bay mà thấy cả một trời kí ức hiện về.

Và đây nữa, hàng trăm thanh thiếu nhi với nét mặt háo hức, rộn rã nơi góc làng quê đồng bằng Bắc bộ trong những tiết mục múa rối nước độc đáo. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống ra đời từ nền văn minh lúa nước, được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những con rối gỗ giản đơn, thô sơ nhưng lại là loại “diễn viên đặc biệt” đang biến hóa linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt nước trong sự điều khiển của những “nghệ sĩ” giấu mặt, tạo ra sự kỳ diệu, lôi cuốn, hấp dẫn người xem. Những trò chơi dân dã như Chọi trâu, Múa Lân, Múa đua thuyền, Múa Tứ Linh, rồi những trang sử hào hùng của thời kì Vua Lê Thái Tổ du hồ trả gươm thần cho Long Quân được thể hiện trong từng động tác khi mạnh mẽ, lúc khoan thai, nhịp nhàng trên nền các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc bộ. Cội nguồn của môn nghệ thuật này là sự sáng tạo của những người làm ruộng, quanh năm lăn lộn với cây lúa, củ khoai, sớm khuya “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm nghệ thuật với cách diễn đạt độc đáo là lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt. Vì vậy, làm sống lại, hiểu thêm về múa rối nước cũng chính là hiểu về văn hóa và con người Việt Nam

Một nét đặc biệt không thể không nói đến trong phiên chợ Tết là ẩm thực Thành Nam. Đến chợ Tết, sau khi mải mê trước bao cổ vật, cây cảnh, những con tò he đủ màu sắc sặc sỡ, xin mời dừng chân trước Phở bò cụ Tặng, Phở xưa Nam Định, cảm nhận hương vị ngọt ngào, đậm đà riêng biệt của món phở nổi danh khắp nước. Rồi không thể chối từ trước đĩa bánh cuốn làng Kênh, nhâm nhi vị ngọt thanh mát của kẹo lạc Sìu Châu cùng bao món ăn dân dã mà ai đã một lần ghé thăm Thành Nam không thể bỏ qua. Và dìu dặt, nhẹ nhàng, khoan thai với những vũ điệu trong các bước nhảy của “Vũ điệu Thành Nam”. Hồ hởi, rộn ràng trong bước đi lênh khênh trên cà kheo với những tiết mục múa Lân, múa Rồng, trống Cà rùng mà thấy như cả đất trời xôn xao vào hội xuân.

Chợ Tết đã khép lại với những hoạt động tham quan nơi trưng bày Bảo tàng tỉnh, di tích lịch sử văn hóa Cột cờ, gian hàng “Xúc tiến du lịch Nam Định”, triển lãm “Dấu ấn Thành Nam”, trải nghiệm tại không gian “Bếp Việt truyền thống” để dư ba vẫn đọng mãi trong lòng người dân Thành Nam. Mỗi năm một lần tổ chức, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng vẫn giữ mãi hồn cốt dân tộc, sẽ làm cho nét đẹp văn hóa truyền thống của Thành Nam với các phong tục, tập quán giàu bản sắc dân tộc trường tồn mãi mãi, thể hiện rõ nétvăn hiếncủa vùng đất trung tâm vùng Nam sông Hồng, chứ không phải chỉ còn trong trí nhớ của lớp người cao tuổi. Để “Xuân sang rộn rã lòng người/ Hẹn ngày gặp lại sánh đôi cùng về” (Thơ Trần Hiếu Thanh).

Phạm Hồng Loan
.
.