Văn học tự phát trên mạng: Lạm dụng "sốc, sex, sến"

Thứ Sáu, 16/12/2022, 16:04

Nhu cầu viết truyện và đăng lên các diễn đàn, trang web, blog để kiếm tiền ngày càng nhiều trong giới trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z. Song để câu view, qua đó tăng mức nhuận bút, những cây bút nghiệp dư không ngại lạm dụng yếu tố sex, đồng tính, tình tiết giật gân hay ngôn tình ủy mị.

Văn học mạng không còn là khái niệm xa lạ với độc giả. Dạo một vòng trên Facebook dễ dàng tìm thấy các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm viết truyện online. Có thể kể đến group "Hội tác giả viết truyện kiếm tiền"; "Viết hay không bằng hay viết"; "SS Truyện"; "Viết truyện kiếm tiền"…

Ngoài đăng trên các group này để góp ý, bổ sung cho nhau, tác giả thường tìm đến những nền tảng như Noveltoon, Enovel, Tomo, Hivestories, Truyenhd, Vieread, Truyenfree… để đăng truyện và hưởng nhuận bút theo lượt view. Với tiện ích của công nghệ, chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng, bất cứ ai cũng có thể giới thiệu tác phẩm của mình đến bạn đọc. Nghề văn xem ra không nhọc nhằn như ngày xưa.

2 tac pham.jpg -0
Một tác phẩm mang hơi hướng cổ trang, ngôn tình đăng trên mạng xã hội.

Do không thông qua nhà xuất bản, không bị kiểm duyệt, biên tập nên nội dung của văn học mạng rất phong phú. Từ đề tài nhẹ nhàng như tâm lý xã hội, đời sống thôn dã, ngôn tình hài hước đến các đề tài "khó nhằn" như lịch sử, kinh dị, xuyên không, đam mỹ (đồng tính nam), bách hợp (đồng tính nữ), khoa học viễn tưởng…, đều được các cây bút tung tẩy thử sức.

Góp mặt trong cộng đồng tác giả văn học mạng đa số là thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1995 đến 2012). Là thế hệ lớn lên cùng công nghệ, tiếp cận Internet rất sớm nên tư duy của gen Z luôn có sự đa dạng, cởi mở hơn so với thế hệ cũ. Thậm chí có đánh giá cho rằng gen Z là thế hệ tự do nhất từ trước đến nay bởi họ không bị bó buộc trong một khuôn khổ nào.

Thị hiếu và cá tính sáng tác của gen Z cũng không ngoại lệ. Làm bạn với thế giới phẳng, hiểu thế nào là toàn cầu hóa nên gu đọc và viết của họ rất đa dạng. Họ cập nhật đủ thể loại văn học và sẵn lòng đón nhận các trào lưu mới lạ ở khắp hành tinh. Ham học hỏi, khám phá và nhanh nhạy nên họ không chỉ viết để thỏa đam mê mà còn biết quảng bá đứa con tinh thần. Biến nó thành công cụ kiếm tiền.

Hồng Sakura - một gương mặt nổi bật của làng văn học mạng, chia sẻ: "Hiện nay thị trường viết truyện online đã mở hơn rất nhiều, có hàng nghìn tác phẩm truyện được đưa lên nhiều nền tảng viết truyện online khác nhau và có nhiều đơn vị đã trả nhuận bút cho tác giả trên nền tảng của họ, khiến bạn trẻ có nhiều điều kiện và động lực hơn để sáng tác".

Theo nhà văn Nhật Phi số người tham gia văn học mạng ngày càng đông. Riêng trên các nền tảng có thu phí bạn đọc, số lượng nhà văn người Việt đã ngót nghét một nghìn người. Còn số lượng ở các cộng đồng, hội nhóm miễn phí trên nền tảng mạng xã hội thì còn nhiều hơn thế. Ưu điểm của văn học mạng là tính tương tác với độc giả rất cao.

Cây bút trẻ Nhật Phi cho biết: "Văn học mạng có đặc tính riêng có là tính tương tác với độc giả, nên tác giả có thể biết được ngay phản hồi của công chúng với tác phẩm của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào lúc đầu, khi văn học mạng mới chỉ xuất hiện trong các diễn đàn. Còn nay, trên các nền tảng có trả nhuận bút, tính tương tác lại không nhiều. Do đó, nếu các tác giả không chủ động giao lưu với độc giả qua các nền tảng khác, thì cũng không dễ nắm bắt được thực tế để điều chỉnh tác phẩm của mình".

Thế nhưng, chính vì sự thoải mái tự do mà đến nay, văn học mạng vẫn mang nhiều định kiến. Lướt qua các hội nhóm viết truyện, tiểu thuyết, số tác phẩm nặng mùi truyện Tàu chiếm số lượng áp đảo. Tìm đỏ con mắt trong "Hội tác giả viết truyện kiếm tiền" vẫn không kiếm ra được một truyện có văn phong thuần Việt hoặc mang màu sắc riêng. Ngay từ tiêu đề, lối hành văn đến cách xưng hô, đặt tên nhân vật trong truyện đều đậm màu sắc truyện Trung Quốc dù đó là truyện tâm lý xã hội hiện đại hay xuyên không, lịch sử.

Chẳng hạn như các truyện "Triệu Mẫn", "Xuyên thành nữ phụ", "Chiêu Linh kỳ truyện", "Vong xuyên tam kiếp một bỉ ngạn"… Trong đó, không ít truyện mang bóng dáng của tiểu thuyết ăn khách Trung Quốc. Nghe qua tiêu đề và phần mô tả nội dung, độc giả dễ dàng nhận ra "Vong xuyên tam kiếp một bỉ ngạn" là dáng dấp của tiểu thuyết ngôn tình cổ đại "Tam sinh tam thế thập lý đào hoa" do Đường Thất Công Tử sáng tác.

Ngoài ra, bắt chước văn học mạng Trung Quốc với nhiều tác giả nổi đình nổi đám nhờ truyện ngôn tình sướt mướt hay đậm đặc cảnh sex, giật gân, cây bút Việt cũng tập tành với thể loại H cao (nhiều cảnh sex táo bạo), kinh dị hoặc đồng tính như: "Cô vợ của tổng tài", "Yêu em trong hận thù", "Minh hôn âm dương", "Boss phản diện cuồng chiếm hữu", "Ngủ với hảo huynh đệ của trúc mã"…

1 trang dang truyen.jpg -0
Vieread là trang web đăng tải truyện và trả nhuận bút cho tác giả không chuyên.

Về thực trạng này, tác giả Hồng Sakura nhận định: "Hiện có rất nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng khá nặng cách kể chuyện phong cách ngôn tình, hay đam mỹ, kinh dị... với bối cảnh, cách xưng hô, nói chuyện của Trung Quốc. Mình không phản đối bạn theo đuổi thể loại chủ đề nào, nhưng phong cách viết cần phải thoát ra hẳn những gì bạn đã đọc của người khác. Mọi người có thể chọn viết truyện như một sở thích, một cách giải trí hoặc viết để rèn luyện kỹ năng viết. Còn một khi xác định viết tiểu thuyết để làm nghề, nghĩa là gắn liền với tương lai và cuộc sống sau này, bạn cần có cái nhìn thấu đáo và rõ ràng hơn về thể loại, phong cách, và ý tưởng lâu dài. Tiểu thuyết gia muốn thành công và sống được với nghề là phải khiến độc giả nhận ra mình ngay trên trang viết. Như chỉ cần đọc vài trang là biết sách của Murakami, hay Rowling, hay là Hirashino Keigo, hoặc Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... Những tác giả này phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đánh đổi để có được chỗ đứng trên văn đàn".

Ra mắt bộ truyện dài đầu tay gồm năm tác phẩm: "Xu Xu đừng khóc", "Đài các tiểu thư", "Nếu em ở đây", "Bạch Mã hoàng tử" và "Lãng tử gió", do Nhà xuất bản Văn Học phối hợp Công ty Sbooks ấn hành, Hồng Sakura đã có bước tiến khá vững chắc trên làng văn. Đây là bộ năm tác phẩm nhận được phản hồi tích cực của công chúng lẫn đánh giá cao của giới chuyên môn khi chúng còn được chia sẻ trên Internet. Ngoài Nhật Phi, Hồng Sakura, đã có nhiều tên tuổi thành danh từ văn học mạng, đàng hoàng đưa đứa con tinh thần của mình bước ra thị trường sách giấy như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao… Tuy nhiên, phần lớn tác phẩm của những tên tuổi này vẫn thường được xếp vào dòng văn học thần tượng hay văn học giải trí bởi nội dung nghệ thuật không cao.

Không phải ai cũng dễ dàng lấn sang địa hạt sách in. Phần lớn tác phẩm tự phát trên mạng đều dễ dãi, lạm dụng yếu tố "sốc, sex, sến", na ná tác phẩm nước ngoài. Thậm chí nhiều truyện còn chưa "sạch nước cản" về chính tả. Nhà văn Nhật Phi cho rằng vì văn học mạng Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học mạng nước ngoài nên càng đi sâu thì càng thấy không ít tác phẩm chỉ phù hợp với môi trường Internet, rất khó chuyển thành sách in. Kiểu viết chương hồi và dùng nhiều tình tiết giật gân, giải trí để câu kéo độc giả khiến nhiều truyện trở nên dài dòng, lê thê trong khi ý nghĩa, tính nghệ thuật không bao nhiêu.

"Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, rất nhiều tác giả tài năng đã được biết đến. Còn việc xuất bản thành sách giấy lại đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm nhiều hơn của tác giả và biên tập, nhà xuất bản. Bạn không thể xuất bản một cuốn sách với nội dung cẩu thả và sai lệch được. Sách là nguồn tri thức và dù là tiểu thuyết, nó vẫn phải truyền tải một điều tích cực, hoặc một thông tin giá trị nào đó theo cách đúng đắn và rõ ràng" - Hồng Sakura chia sẻ.

Phan Thi Uyên
.
.