Văn học với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ Năm, 08/12/2022, 15:46

Văn học là một hình thức nghệ thuật được thể hiện dưới dạng văn bản, do các nhà văn sáng tác nhằm tái hiện các vấn đề, sự vật hiện tượng trong đời sống xã hội bằng sự trải nghiệm, quan sát hoặc bằng trí tưởng tượng của mình. Qua đó, giúp bạn đọc hình dung hay thấu hiểu được những vấn đề thuộc về kinh tế, xã hội, con người trong từng giai đoạn lịch sử (giáo trình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Một tác phẩm văn học, bao gồm: Đề tài, chủ đề, tư tưởng, nhân vật, kết cấu và ngôn ngữ nghệ thuật; nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ và lý luận phê bình.

gia-tri-cua-tac-pham-van-hoc-chan-chinh.png -0
Giá trị của tác phẩm văn học chân chính.

Văn học luôn có một "sức mạnh" tinh thần vô giá trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta đã từng nghe "Nam quốc sơn hà"; "Hịch Tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo" của các tiền nhân Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi như những bản hùng ca, tràn đầy khí phách của một dân tộc anh hùng, chưa bao giờ khuất phục trước sự hung bạo của kẻ thù.

Chúng ta cũng đã từng nghe câu thơ bất hủ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của nhà văn, nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu, tỏ rõ khí chất của người cầm bút.

(*) Văn thơ là công cụ để giáo dục con người hướng tới những tư tưởng, tình cảm lành mạnh, cao quý; là phương tiện đấu tranh cách mạng đắc lực, vừa phản ánh đời sống hiện thực xã hội, vừa truyền bá cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn của một vĩ nhân, đã sử dụng văn học như một vũ khí hữu hiệu trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều thế hệ chiến sĩ cầm bút để phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Với những tác phẩm văn học nổi tiếng: “Con rồng tre” (1922), “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Vi hành” (1923), “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Nhật ký trong tù” (1942), “Đạo đức cách mạng” (1958)… Người đã đả kích sâu sắc chế độ thực dân, đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai; miêu tả rõ nét hình ảnh, thân phận của người dân nô lệ bị áp bức, bóc lột phải sống kiếp tủi nhục, lầm than. Đồng thời, mang ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin đến với nhân dân Việt Nam và nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới.

Văn học của Người giàu tính chiến đấu, phê phán mạnh mẽ cái xấu trong xã hội nhưng lại không luẩn quẩn trong bế tắc, mà luôn mở hướng, khơi gợi về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho dân tộc, cho thân phận người dân đang bị áp bức, lầm than.

Đặc biệt là Bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

“Văn học là nhân học”. Khi dùng ngòi bút của mình để chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội cũng là lúc người viết đang thực thi vai trò của một người chiến sĩ cách mạng. Mặt trận không tiếng súng này không có cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng cũng quyết liệt không kém gì hòn tên, mũi đạn.

Nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh) đã viết: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, cho thấy sức mạnh nhân, trí, dũng dưới ngòi bút có ý nghĩa rất lớn lao.

Văn học đã đi theo chiều dài đất nước với những nhà thơ tên tuổi như Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn ..v..v… với những bài thơ sống mãi như: “Từ ấy”, “Tiểu đội xe không kính”; “Mặt đường khát vọng”; “Bài ca chim chrao”, …v..v..

Hay các tác phẩm văn xuôi như: “Dấu chân người lính”, “Người mẹ cầm súng”, “Rừng Xà nu”, “Hòn đất” của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức…vv…

văn chương có những giá trị cốt lõi.jpg -0
Văn chương có những giá trị cốt lõi.

Bồi dưỡng, hun đúc chí khí cách mạng, giúp người lính chắc tay súng, dù trong bất cứ hoàn cảnh ác liệt, khó khăn nào cũng một lòng tin tưởng vào chiến thắng chính nghĩa của dân tộc.

Như vậy, văn học đã luôn có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; đặc biệt, là giai đoạn kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài gần 60 năm chống đế quốc Pháp, Mỹ, bành trướng và làm nhiệm vụ quốc tế… kể từ khi có Đảng.

Như chúng ta đã biết, mọi diễn biến bất ổn chính trị dẫn đến các cuộc xung đột nhỏ lẻ, nội chiến và chiến tranh ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua, đều có một màn kịch giống nhau. Trước hết, các thế lực thù địch, phản động phá hoại quyết liệt về tư tưởng bằng cách truyền bá lối sống hưởng thụ, tôn sùng vật chất, bài trừ lịch sử, xuyên tạc đường lối và có sự tiếp sức, hà hơi của các thế lực bên ngoài.

Để phục vụ cho lộ trình “diễn biến hòa bình”, đối tượng mà các thế lực phản động thường nhắm tới đầu tiên, là lực lượng những người cầm bút: Nhà báo, nhà văn và những người làm công tác nghệ thuật. Đó là những con người giàu cảm xúc, có tri thức, có lòng dũng cảm đấu tranh vì công lý nhưng cũng dễ mềm lòng, cả tin. Vì vậy, nếu không tỉnh táo, không có bản lĩnh, chúng ta dễ biến thành công cụ cho các cuộc cách mạng màu, hay truyền bá những thông tin thiếu tính kiểm chứng hoặc thiếu sự cân nhắc cục diện.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: "Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng ta đang sống ở nửa đầu thế kỷ 21, trong xã hội hiện đại. Khi cách mạng công nghệ số đang phát triển như vũ bão. Nhiều luồng thông tin trái chiều mọc lên như nấm. Trong đó, phải kể đến luồng thông tin xấu độc từ một bộ phận dân chúng của chế độ cũ, di cư sang các nước phương Tây trước sau năm 1975. Bên cạnh đó, sự tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ. Chính vì thế, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã gặp những khó khăn không nhỏ.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho văn học trong giai đoạn hiện nay là cần có những tác phẩm công phá vào những thói hư tật xấu của xã hội, suy thoái, biến chất đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ đảng viên, dân chúng; phê phán những quan điểm sống lệch lạc nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Đồng thời, tôn vinh được vẻ đẹp cao quý của những người lao động chân chính, dám đấu tranh với thói hư tật xấu, suy thoái tư tưởng, giữ gìn công lý vì sự phát triển lành mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, xây dựng hình tượng nhân vật có phẩm chất cao đẹp: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân vì lợi ích tốt đẹp của xã hội.

Gần đây, giới điện ảnh Hà Nội nức lòng với giải thưởng Bùi Xuân Phái dành cho đạo diễn Trần Văn Thủy với bộ phim tài liệu "Chuyện Tử tế". Và điều đó cho thấy, sự tử tế trong lối sống, trong làm nghề và nhất là tử tế với những giá trị lịch sử, xương máu của cha ông luôn có một sức sống vĩnh hằng.

Hà Nội, ngày 20/11/202

Nguyễn Thị Nguyệt
.
.