Từ một cuộc thi sáng tác truyện tranh: Nguồn nội lực cần khích lệ
Tháng 1 vừa qua, Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng phối hợp phát động “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” lần thứ hai - sau khi công bố giải thưởng “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” lần thứ nhất vừa kết thúc trước đó không lâu.
Đây thực sự là một cơ hội đối với những tác giả Việt đam mê sáng tác truyện tranh được thể hiện tài năng của mình, đồng thời cũng là cơ hội để độc giả nhí Việt được thưởng thức những tác phẩm truyện tranh thuần Việt sau những năm dài luôn trong tình trạng “nhập siêu”.
Thông điệp sâu sắc, cách tiếp cận sáng tạo
Trước đó, tháng 12/2024, Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng là hai đơn vị phối hợp tổ chức “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” từ ngày 1/6 đến ngày 1/11/2024 đã công bố kết quả cuộc thi. Sau hơn 5 tháng phát động, cuộc thi diễn ra khá sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tác giả, họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước với hơn 100 tác phẩm dự thi hợp lệ.

Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, ban giám khảo gồm các họa sĩ uy tín tên tuổi của Pháp và Việt Nam như Tạ Huy Long, Nguyễn Thành Phong, Clément Baloup và Maxime Péroz đã tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất, xứng đáng để trao giải, bao gồm: Giải Nhất: Tác phẩm “Bài văn về trứng vịt lộn” của tác giả Trần Khắc Khoan (sinh năm 1990, tỉnh Lâm Đồng); Giải Nhì: Tác phẩm “Bút chì đỏ” của tác giả Cao Hoàng Anh Thư (sinh năm 1999, TP Hồ Chí Minh); Giải Ba: Tác phẩm “Lockdown xứ người” của tác giả Trần Thảo Nguyên (sinh năm 1996, TP Hồ Chí Minh); 2 Giải Khuyến khích thuộc về nhóm tác giả: Ngô Thị Ngọc Anh, Vương Nhiên Khang với tác phẩm “Tiệm thuê truyện” và nhóm tác giả: Nguyễn Hải Nam, Đỗ Đình Cương với tác phẩm “Bọ/ Finding Evergreen”.
Các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Nhì, Ba, Khuyến khích sẽ được nhận phần thưởng trị giá tương ứng 15 triệu, 10 triệu, 5 triệu đồng. Riêng tác giả đoạt Giải Nhất sẽ được đài thọ tham dự “Liên hoan Truyện tranh Angoulême” - một sự kiện lớn nhất dành cho truyện tranh tại Pháp đầu năm 2025. Đây thực sự là một cơ hội quý để các tác giả Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà làm truyện tranh hàng đầu thế giới, bởi vì tại liên hoan hằng năm thường thu hút khoảng 1.500 khách mời và khoảng 200.000 người tham dự.
Chia sẻ về “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” có lẽ là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, họa sĩ Tạ Huy Long cho biết: “Các bài dự thi có nhiều phong cách thể hiện khác nhau, thể hiện sự quan tâm của các bạn trẻ với những vấn đề xã hội xung quanh. Ban giám khảo đánh giá cao những tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách sáng tạo cá nhân. Với cách thể hiện chuyên nghiệp trong lối kể, cách triển khai đề tài, nhịp điệu câu chuyện, tác phẩm đoạt Giải Nhất “Bài văn về trứng vịt lộn” được ban giám khảo đồng thuận đánh giá cao. Tác phẩm gần gũi với đời sống hiện tại, khiến người đọc thấy được tâm tư, suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Không những thế, cả những người trưởng thành cũng có thể nhìn thấy mình trong đó!”.
Còn họa sĩ Clément Baloup đến từ nước Pháp - nơi truyện tranh có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần và đã đạt được những thành tựu rực rỡ từ hàng trăm năm trước, đánh giá: “Việc tuyển chọn các tác phẩm diễn ra trên phạm vi toàn quốc, vì vậy mức độ cạnh tranh rất cao. Các ứng viên đều thể hiện sự thành thạo về kỹ thuật vẽ và năng lực kể chuyện. Sự đầu tư nghiêm túc và công phu của họ thật đáng trân trọng. Đối với các tác phẩm đoạt giải, điều nổi bật nhất chính là thông điệp nghệ thuật sâu sắc cùng cách tiếp cận sáng tạo, khai thác trọn vẹn những tiềm năng mà nghệ thuật truyện tranh mang lại. Các họa sĩ truyện tranh Việt Nam có sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt, chỉ cần tạo điều kiện để được bộc lộ một cách tự do hơn, đồng thời mở rộng đối tượng độc giả đến với người trưởng thành. Điều này góp phần giúp truyện tranh được công nhận như một loại hình nghệ thuật độc lập, còn được gọi là nghệ thuật thứ chín...”.
Kỳ vọng về đội ngũ tác giả trẻ
Có thể thấy, nhờ “cú hích” là “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” do Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức đã cho thấy, ở Việt Nam, đội ngũ sáng tác truyện tranh thực sự đang được hình thành ngày một rõ nét và đa phần là các bạn trẻ. Vì thế, cuộc thi không chỉ là cơ hội để các tác giả, họa sĩ truyện tranh thể hiện tài năng, mà còn góp phần xây dựng cộng đồng sáng tác truyện tranh và phát triển dòng sách truyện vốn chiếm thị phần khá lớn này tại Việt Nam. Các tác phẩm dự thi đa dạng về chủ đề, phong cách, thể hiện sự sáng tạo và nhiệt huyết của các tác giả ở mọi lứa tuổi dường như đã mang đến một “làn gió mới” cho thị trường truyện tranh trong nước.
Theo chia sẻ của đại diện NXB Kim Đồng, cùng với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam, NXB Kim Đồng sẽ tiến hành xuất bản các tác phẩm đoạt giải trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, với mong muốn tìm kiếm các tác giả, họa sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển đa dạng hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và NXB Kim Đồng tiếp tục phối hợp tổ chức “Cuộc thi sáng tác truyện tranh” lần thứ hai với mong muốn phát triển đội ngũ sáng tác và bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 15/1 đến hết 30/5/2025.

Có lẽ, do lực lượng sáng tác và đối tượng đọc truyện tranh đa phần là các bạn trẻ, nên truyện tranh “made in Vietnam” cũng không nằm ngoài xu hướng sáng tác của thế giới với sự nở rộ của thể loại truyện xuyên không - giả tưởng và đã đạt được những thành công đáng kể là các giải thưởng truyện tranh quốc tế Nhật Bản (Japan International Manga Award) như: Giải Bạc cho tác phẩm “Điệu nhảy vũ trụ” của tác giả Nachi Nguyễn năm 2023 - một tác phẩm giả tưởng về cuộc sống trong vũ trụ của các thiên thể. Trước đó, Việt Nam từng có 4 truyện tranh được trao giải thưởng ở cuộc thi này, đó là: “Đất Rồng” (2012) đoạt Giải Đồng; “Long thần tướng” (2015), “Địa ngục môn” (2016) đoạt Giải Bạc; “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm” (2022) đoạt Giải Đồng.
Tuy “Đất Rồng” là một tác phẩm truyện tranh được giải thưởng quốc tế sớm nhất tại Nhật Bản - nơi truyện tranh phát triển rực rỡ, nhưng cộng đồng đọc và sáng tác truyện tranh Việt tin rằng, sự thành công bộ truyện tranh “Long thần tướng” (5 tập, nhóm tác giả gồm biên kịch Nguyễn Khánh Dương cùng 2 họa sĩ Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Mỹ Anh và cố vấn lịch sử là nhà nghiên cứu Trần Quang Đức) mới chính là tác phẩm tạo ra dấu mốc về sự quan tâm, chú ý của độc giả với truyện tranh “made in Việt Nam”.
Không chỉ có thế, thành công của “Long thần tướng” đã tạo ra động lực cho nhiều tác giả - họa sĩ trẻ, tạo ra sự sôi động đáng kể với cả người đọc và người sáng tác trong hơn 10 năm qua, kể từ năm 2014 đến nay. Những tác phẩm của người trẻ liên tục ra mắt như “Project Icon” của Đình Lân, “Lớp học mật ngữ” của nhóm vẽ BRO, “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” của Tuyết Tuyết, “Địa ngục môn” và “Lạc trôi” của Can Tiểu Hy, “Mèo Mốc” của Mèo Mốc, “Nhật ký nữ phụ huấn luyện em trai”, “Sếp tôi là chó” và “Cánh hoa trôi giữa thời @” của nhóm tác giả POPS Comic, “Ẩm thực miêu ký” của Titanguyen, “Tiến sĩ Hoàng hậu” (nhóm tác giả)...
Có thể thấy, trong khoảng 10 năm qua, với sự phát triển và hỗ trợ tích cực của nền tảng số, hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung đã có những bước chuyển biến đáng kể, trong đó có lĩnh vực sáng tác truyện tranh. Sự không giới hạn của Internet đồng thời tạo ra sự kết nối, giao lưu mạnh mẽ giữa cộng đồng đọc và sáng tác truyện tranh của Việt Nam và thế giới, đem lại những chuyển động tích cực, bắt nhịp với xu thế chung của truyện tranh thế giới.
Vì thế, những bộ truyện tranh “thuần Việt” ra đời và bước đầu tạo ra một đội ngũ sáng tác trẻ có nội lực và đem đến luồng sinh khí mới cho dòng truyện tranh đang trở nên có nhiều “đất dụng võ”. Không chỉ xuất hiện truyện tranh được in ấn theo lối truyền thống, nhiều tác phẩm đã được xuất bản trên nền tảng số, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, tạo thành một cộng đồng đọc truyện tranh khá đông đảo.
Ở nhiều nước trên thế giới, giá trị của truyện tranh đã được công nhận, được quan tâm, đầu tư để phát triển. Bởi thế, ở Việt Nam, truyện tranh cũng cần có cái nhìn thiện cảm hơn, cần được quan tâm, động viên, khích lệ để phát triển và để các tác giả trẻ tiếp tục dấn thân, gặt hái những thành công trên con đường sáng tạo độc lập của mình.