Văn hóa Việt - mỏ vàng của họa sĩ truyện tranh

Thứ Năm, 21/03/2024, 15:03

Kho tàng văn hóa, lịch sử Việt Nam luôn là đề tài hấp dẫn họa sĩ truyện tranh. Không chỉ cuốn hút tác giả trẻ trong nước, sử Việt còn mê hoặc họa sĩ truyện tranh nổi tiếng người nước ngoài. Dự án truyện tranh “Dragon on Hat” của họa sĩ lừng danh Nhật Bản Akira Ito là một minh chứng khiến người hâm mộ Việt Nam nức lòng.

Trung tuần tháng 3, tại TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Akira Ito đã có buổi giao lưu, ra mắt loạt sản phẩm phái sinh thuộc dự án truyện tranh “Dragon on Hat”. Đây là bước khởi động của bộ truyện giả tưởng lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa Việt Nam do ông và Wedge Holdings (một trong những công ty hàng đầu Nhật Bản về thiết kế game) phối hợp thực hiện.

Nội dung tác phẩm xoay quanh cuộc hành trình thám hiểm, khám phá vương quốc của nàng công chúa tên Hoa. Đồng hành với cô là chú rồng trắng Yapan và kiếm sĩ dũng mãnh Giwaza. Vâng lệnh vua cha, cô lần lượt đến thăm các vùng lãnh thổ, mỗi lãnh thổ do một lãnh chúa cai quản. Các vùng lãnh thổ này tương tự những địa danh quen thuộc của dải đất chữ S như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Trong cuộc hành trình, công chúa Hoa và những người bạn nhận ra nhiều góc khuất đen tối. Cô đối mặt với nhiều thử thách để trưởng thành và bảo vệ sự yên bình của vương quốc.

Văn hóa Việt - mỏ vàng truyện tranh của họa sĩ -0
Họa sĩ Akira Ito và nhân vật công chúa Hoa trong bộ truyện “Dragon on Hat”.

Đảm nhiệm phần tạo hình nhân vật là họa sĩ Makoto Kosimisu, người bạn thân thiết của Akira Ito. Bước đầu giúp công chúng làm quen với tạo hình mới mẻ của nhân vật, ekip của Akira Ito ra mắt loạt sản phẩm ứng dụng như tranh ảnh, huy hiệu, bút bi, móc khóa, túi xách… Tạo hình công chúa Hoa khiến độc giả thích thú với chiếc áo dài, nón lá quen thuộc. Dù mới khởi động, dự án đã được fan Việt lẫn fan truyện tranh trên thế giới ủng hộ bởi tên tuổi họa sĩ Akira Ito rất đình đám trong giới yêu manga. Ông nổi tiếng với các bộ manga như “Vua trò chơi - Yu-gi-oh! R”, “Cardfight!! Vanguard”…

Cách đây hai năm, văn hóa Việt Nam từng được họa sĩ người Nhật Baba Tamio truyền tải đầy thú vị trong bộ truyện “Sơn, Goal!”. Truyện xoay quanh Sơn - cậu bé có mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên tại Brazil. Sơn trở về Việt Nam để bắt đầu niềm đam mê bóng đá cũng như khám phá cội nguồn văn hóa quê mẹ. Thật đáng kinh ngạc khi số lượng bản in tập 1 lên đến 20 ngàn - con số chưa từng có với thể loại truyện tranh. Là dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nên họa sĩ Baba Tamio được sự giúp đỡ của các cộng sự người Việt để có thể mô tả trọn vẹn phong cảnh, nét đặc sắc con người, đất nước Việt Nam.

Với giới làm nghề, họ không ngạc nhiên khi văn hóa, lịch sử Việt trở thành nguồn cảm hứng cho họa sĩ truyện tranh nước ngoài. Khoảng mười năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của truyện tranh cổ phong thuần Việt và tiếng vang của nó ở các giải thưởng quốc tế chính là cú hích khiến họa sĩ ngoại quốc chú ý. Nhìn lại chặng đường phát triển truyện tranh trong nước, những câu chuyện lịch sử đã bắt đầu để lại dấu ấn từ bộ truyện “Thần đồng đất Việt”.

Đến năm 2014, tác giả truyện tranh được tiếp sức sáng tác nhờ hình thức gây quỹ góp vốn cộng đồng, đề tài này càng được dịp nở rộ. Có thể kể đến loạt tác phẩm tiêu biểu lấy bối cảnh thời phong kiến như “Long Thần Tướng” (bối cảnh cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần hai của triều Trần), “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” (khai thác cuộc đời nữ Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng), “Vạn nhân ký - Noãn” (bối cảnh thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh), “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm”, “Nam Binh thần khí” … Trong đó, “Long Thần Tướng” và “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm” lần lượt ẵm giải bạc và đồng ở “Giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản” năm 2016 và 2022. Dấu ấn bản sắc dân tộc là nét riêng ghi điểm truyện tranh Việt với bạn bè năm châu.

Sự ghi nhận của giới chuyên môn lẫn sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả tiếp thêm động lực cho tác giả trẻ, giúp số tác phẩm mang hơi thở cổ phong không ngừng tăng lên. Mới đây, tác giả trẻ Lilywiu (tên thật là Lê Lợi Thư Đình) đã có buổi ra mắt tập 1 bộ truyện tranh “Tàn lửa” (dự kiến 7 tập). Tác giả chọn bối cảnh Việt Nam thập niên 1930 để dựng nên cuộc chiến thâm thù giữa hai gia tộc Ngô - Chu. Nhân vật chính là nàng Thiên Mai. Cô phải đột ngột kết thúc chuyến du học Pháp do biến cố chính trị để về nhà. Nhưng sóng gió liên tục ập đến khiến cô đối diện với những tranh đoạt không bao giờ dứt của hai dòng họ. Truyện lập tức gây sốt bởi ngoài cốt truyện mới lạ, cách thể hiện bằng phong cách độc đáo của họa sĩ cũng là điểm cộng.

Có thể ví lịch sử, văn hóa ngàn năm của cha ông là mỏ vàng cho giới truyện tranh bởi kho chất liệu khổng lồ. Các câu chuyện lịch sử lẫn văn hóa nước ta ly kỳ và cuốn hút không thua kém bất kỳ nước đồng văn nào. Theo đuổi đề tài này, họa sĩ có rất nhiều đất để dụng võ. Họa sĩ Lilywiu chọn giai đoạn năm 1930 bởi cô đặc biệt yêu thích và muốn thể hiện kiến trúc nhà cổ và trang phục người Việt trong giai đoạn này vào truyện. Theo họa sĩ Kim Thanh, hướng đi này không chỉ nêu cao tinh thần dân tộc, giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử cha ông, mà còn giúp tác giả khẳng định tài năng giữa vô vàn truyện “mì ăn liền” hiện nay.

Văn hóa Việt - mỏ vàng truyện tranh của họa sĩ -1
Tập 1 bộ truyện tranh “Tàn lửa” của tác giả Lilywiu.

Hấp dẫn là vậy nhưng không phải ai cũng đủ lực để “kham” đề tài này. Dù chọn thể loại dã sử hay giả tưởng giàu hư cấu nhưng tạo hình, trang phục nhân vật, cảnh trí, lời thoại làm sao để chính xác, phù hợp với mỗi thời đại là thử thách không nhỏ. Với họa sĩ trẻ, ngoài kiến thức tự thân, họ phải bỏ thời gian nghiên cứu, đối chiếu lịch sử để tránh sai sót đáng tiếc. Bộ đôi tác giả Linh và Thạch cho hay, để xây dựng cốt truyện “Vạn nhân ký - Noãn”, hai anh em dành ba năm nghiên cứu, tìm hiểu sử liệu trong và ngoài nước, dân gian lẫn chính thống. Việc thiếu tư liệu lẫn sự thiếu thống nhất giữa các nguồn sử sách dẫn đến hiếm có bộ truyện tranh nào dựng nên chính xác chân dung nhân vật có thật hay bám sát chính sử. Tuy vậy, việc lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, văn hóa để xây dựng cốt truyện hư cấu cũng khiến người đọc tự hào và yêu mến thêm di sản cha ông.

Với họa sĩ ngoại quốc, họ bổ khuyết khoảng trống kiến thức về văn hóa bản địa bằng cách làm việc khác biệt. Họa sĩ Akira Ito tiết lộ: “Điều đặc biệt ở dự án “Dragon on Hat” chính là tôi sẽ cùng người hâm mộ Việt Nam bắt tay sáng tác. Thông qua tương tác trên mạng xã hội, những ý tưởng, thảo luận của độc giả sẽ được ê-kip tham khảo để xây dựng cốt truyện mang màu sắc tươi sáng. Qua đó, tôi hy vọng tác phẩm sẽ trở nên cuốn hút, bám sát và truyền tải sinh động bản sắc văn hóa lẫn dòng chảy lịch sử Việt Nam, thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt - Nhật”.

Sự góp mặt của họa sĩ ngoại quốc vào hành trình khai thác “mỏ vàng” này trở thành tín hiệu vui cho người hâm mộ manga nói chung và làng truyện tranh trong nước nói riêng. Nhật Bản là cường quốc của truyện tranh nên chúng ta học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ cách làm việc, cách khai thác lẫn cách quảng bá của họ. Học hỏi xứ người, họa sĩ Việt Nam được tiếp thêm động lực để đưa vốn quý của cha ông ra thế giới.

Chẳng hạn ở dự án “Dragon on Hat”, ông Tatsuya Konoshita, Giám đốc Wedge Holdings cho biết: “Có nhiều hoạt động ở dự án truyện tranh “Dragon on Hat” như hệ sinh thái với các sản phẩm ứng dụng, trò chơi trực tuyến, hoạt hình, card game… Chúng tôi kỳ vọng bộ manga này không chỉ được người đọc Việt đón nhận mà còn mang văn hóa, lịch sử Việt Nam lan tỏa khắp thế giới, giúp bạn đọc toàn cầu trải nghiệm phong cảnh, nét đẹp, con người Việt Nam”.

Phan Thi Uyên
.
.