Triển lãm “Sợi kết nối”: Khắc họa dấu ấn lụa trong hội họa

Thứ Năm, 01/09/2022, 17:05

Tại Hà Nội, triển lãm “Sợi kết nối” diễn ra từ ngày 19-8 đến hết 11-9, giới thiệu đến công chúng gần 80 tác phẩm của 24 họa sĩ trẻ và nghệ nhân làng nghề lụa Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Với sự dẫn dắt của nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, các tác phẩm lụa kết hợp sơn mài và các chất liệu ứng dụng đa dạng khác, tạo nên cái nhìn phong phú về hành trình của lụa trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.

Sự độc đáo của từng cá nhân

Các chủ đề trong từng tác phẩm được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, như: Lịch sử nghệ thuật, văn hóa tín ngưỡng, ký hiệu học văn hóa và tâm lý học... đã mang đến sự thú vị cho người xem. Mỗi tác phẩm cũng thể hiện sự sáng tạo độc đáo của từng cá nhân nghệ sĩ.

Góp tác phẩm “Quán cô tiên” tại triển lãm, họa sĩ Phạm Thủy Tiên chia sẻ, tác phẩm mong muốn phản ánh đời sống văn hóa ẩm thực tại Hà Nội, cùng với những tín hiệu từ biển hiệu, công nghệ, thương mại điện tử, sự phát triển của thời đại 4.0 trong đời sống người dân. Bên cạnh sự phát triển ấy là hình ảnh tương phản của lớp người cũ, cùng với những tấm chắn giọt bắn thủ công, được tự người dân làm ra để sống chung với đại dịch.

Tác phẩm muốn tri ân nếp sống vươn lên không ngừng và dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, tri ân các y bác sĩ đã hết lòng phục vụ trong đại dịch và cả những người đã chịu ảnh hưởng về tính mạng trong cơn dịch. Tác phẩm gửi tới thông điệp: “Dù cuộc sống có khó khăn nhưng chúng ta vẫn thích nghi và vượt qua”.

sợi kết nối 1.jpg -0
Các họa sĩ tại triển lãm "Sợi kết nối".

Còn họa sĩ Bùi Kim Hiền mang đến triển lãm tác phẩm bình phong “Gặp” và bộ quạt đôi “Sắc” được sắp đặt kết hợp với nhau, ứng tác với không gian, thể hiện dưới chất liệu kết hợp là sơn mài và lụa. Hiền mang đến triển lãm không đơn thuần chỉ là một tác phẩm về tranh lụa mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật phát triển khả năng biểu đạt của lụa với nhiều phương thức khác nhau, trong nhiều chiều không gian. Không chỉ còn là những tác phẩm giới hạn trên mặt phẳng, đóng trong những khung tranh mà còn tương tác với các chất liệu khác đa dạng mới mẻ, hiện đại gần gũi với đời sống hơn. Hiền muốn mang đến niềm hy vọng cho mọi người: “Hãy vững tin! nhìn về phía trước, cho dù là tia nắng hay hạt mưa đang chờ đón bạn thì đó luôn luôn là hương vị cuộc sống mà tạo hóa ban cho chúng ta”.

Trưởng nhóm họa sĩ trẻ - họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung mang đến 5 bức tranh, 1 tác phẩm bình phong lụa kết hợp khung sơn mài, 1 tác phẩm đèn có hình thầy đồ cóc. Trong tranh của Nhung là một nội dung xuyên suốt về nhân sinh quan cuộc sống con người, về mối liên kết mật thiết giữa con người và thiên nhiên cũng như về những điều có vẻ ngoài đối lập nhau nhưng lại khiến cho cuộc sống này thật cân bằng. Ví dụ như hình ảnh mặt trăng - mặt trời, âm - dương, tốt tươi - lụi tàn. Những quan niệm, khi cuộc sống của con người càng hiện đại và công nghiệp hóa thì nhu cầu được gắn kết và trở về với thiên nhiên lại càng lớn, tuy nhiên đó là một khát vọng vô hình bởi chúng ta thường không nhận ra điều đó. Trở về với thiên nhiên là cách mà con người ta tìm thấy sự yên bình trong nội tại, tìm thấy cái cốt lõi của sự sống.

Sự kết nối gần gũi

Theo họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung thì triển lãm lần này là sự kết nối tuy mới lạ nhưng thực chất rất gần gũi, là câu chuyện giữa những người nghệ nhân hiếm hoi còn làm nghề trồng dâu nuôi tằm với những hoạ sĩ trẻ ngày đêm sáng tác và thử nghiệm trên chất liệu lụa, từ đó giúp khán giả hiểu hơn về việc những sợi lụa từ đâu mà có và các tác phẩm trong triển lãm thực chất được hình thành như thế nào. Việc gìn giữ và phát triển những vẻ đẹp mang nhiều giá trị mà cha ông ta để lại là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, triển lãm này được thực hiện để chứng minh rằng, niềm đam mê và tình yêu với chất liệu lụa của thế hệ trẻ vẫn luôn hiện hữu.

sợi kết nối 2.jpg -0
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Thủy Tiên.

Nhấn mạnh “Sợi kết nối” là dự án mở thúc đẩy các họa sĩ trẻ thể nghiệm và thực hành nhiều hơn trên con đường sáng tạo, song hành cùng với sự phát triển của nghệ thuật đương đại trên thế giới, họa sĩ Phạm Thủy Tiên cho biết, đây là nơi gắn kết các họa sĩ trẻ với những giá trị truyền thống, tiếp nối và vận dụng những gì đã được học để tạo ra những tác phẩm mới mang tính thời cuộc, có sức nặng và chiều sâu về ý niệm. Việc tham gia các dự án như thế này như một cuộc cọ xát và hoàn thiện mình trên con đường trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Sự kết nối vô hình

Không đơn thuần là giám tuyển mà còn là người hướng dẫn tốt nghiệp cho 24 họa sĩ trẻ tại triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, phần lớn các tác phẩm lần này là các bài sáng tác chuyên ngành và tốt nghiệp. Anh đã cho học trò của mình tiếp cận khai phóng, biến chương trình học trong trường thành bài khai thác mang tính cá nhân nên nó phá dần khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành. Dự án bắt đầu từ một năm nay khi dịch COVID-19 gây ra “mùa giãn cách”, mất đi sự kết nối. Lấy chất liệu tơ lụa, triển lãm là sự kết nối vô hình liên khóa (nhiều khóa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), liên khoa (khoa lụa, khoa sơn mài, khoa hội họa), liên ngành (ngoài các họa sĩ chuyên lụa còn có 4 bạn chuyên sơn mài tham gia).

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, mỗi họa sĩ có cách sáng tạo, khám phá chính bản thân mình. 24 gương mặt khác biệt, không ai giống ai cả, từ bút pháp thể hiện cho đến đề tài khác nhau. Để có chất liệu lụa mà các họa sĩ sử dụng được phần rất quan trọng là vai trò của nghệ nhân trong việc giữ được bản sắc lụa tơ tằm của Việt Nam. Dự án này ngoài câu chuyện giới thiệu sản phẩm cá nhân còn là sự liên kết giữa con người. Đây không phải là câu chuyện của cá nhân mà là câu chuyện của các họa sĩ trẻ với một người nghệ nhân lão thành. Trong mấy chục năm không có ai vẽ tranh lụa và nguồn nguyên liệu vẽ tranh lụa cũng rất khan hiếm. Nhờ nghệ nhân lụa mà các sáng tác hội họa về lụa nước nhà phát triển. Câu chuyện ở đây là nghệ nhân chăm chút và giữ được vật liệu phục vụ cho ngành mỹ thuật. Ý tưởng của triển lãm này là kể câu chuyện có giá trị khi mà mọi người chia sẻ với nhau, làm việc trong hệ sinh thái, tạo ra sự sáng tạo mới.

“Trong triển lãm lần này các họa sĩ đã cùng nhau mở rộng hơn các vấn đề về chất liệu lụa, bên ngoài những vấn đề cá nhân trong các sáng tác của mình. Tiếp nối phương pháp tư duy của học phần sáng tác khi đặt chất liệu lụa như một đối tượng nghệ thuật có khả năng mở khi kết hợp với các chất liệu khác tạo thành các tác phẩm sắp đặt ứng tác với không gian. Với những triển lãm như thế này, tôi cũng muốn tiến hành quan điểm giáo dục bằng chính những dự án nghệ thuật thật sự, học trong chính quá trình làm một dự án, tự khám phá bản thân cũng như tự học được phương pháp triển khai tác phẩm từ những vấn đề nghiên cứu. Sau đó tìm cách giải quyết vấn đề thực tiễn để hiện thực hóa tác phẩm và triển lãm”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.