Thêm một người đưa văn hóa cổ đến với hội họa

Thứ Năm, 21/04/2022, 10:12

Phan Cẩm Thượng là một trong số ít nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình mỹ thuật được đánh giá là có ảnh hưởng nhất trong 20 năm qua tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở mảng hội họa, ông cũng là tác giả với khối lượng tranh đồ sộ, mang đậm vốn văn hóa cổ. Và, Triển lãm tranh giấy dó của ông đang diễn ra tại 47 Tràng Tiền, Hà Nội đã hé lộ một phần gia tài quý giá đó.

Có thể nói, từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, giới mỹ thuật Việt Nam đã biết tới Phan Cẩm Thượng như một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ nổi tiếng. Những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng, dày dặn của ông không chỉ là sản phẩm của một quá trình lao động miệt mài, mà còn có khả năng đánh thức bất kỳ người sáng tạo nào yêu vốn cổ, tâm huyết với những giá trị di sản.

Diễn ra từ ngày 14/4 đến ngày 9/5, Triển lãm tranh giấy dó của Nhà nghiên cứu, Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại The Muse Art Space, 47 Tràng Tiền, Hà Nội với khoảng 20 bức tranh giấy dó đã mang đến cho công chúng một không gian nghệ thuật gần gũi, ấm áp và đậm văn hóa truyền thống. Dù cuộc đời gắn liền với cây cọ, giá vẽ cũng như có khối lượng tranh khá đồ sộ nhưng Phan Cẩm Thượng lại tham gia triển lãm tranh ở nước ngoài nhiều hơn trong nước. Kể từ lần tổ chức gần nhất cách đây cỡ 20 năm, công chúng trong nước ít được thưởng thức các tác phẩm hội họa của ông.

Thêm một người đưa văn hóa cổ đến với hội họa -0
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Phan Cẩm Thượng bộc bạch chân tình: “Cách đây 2 - 3 năm, tôi cũng đã có ý định tổ chức triển lãm nhưng vì dịch bệnh COVID-19 nên không thực hiện được. Rồi tranh tản mát mất. Tuy nhiên, thời gian giãn cách vì dịch bệnh lại giúp tôi tập trung vẽ được nhiều hơn. Những tác phẩm ở triển lãm lần này là một giai đoạn trong hành trình làm việc dài của tôi. Trong quá trình đi phục chế các tượng cổ, nghiên cứu trang phục của người xưa, đặc biệt là của phụ nữ, tôi thấy thú vị nên vẽ lại. Tôi muốn cho mọi người biết trang phục, trang sức phụ nữ ở cung đình xưa như thế nào. Tất nhiên, đây là sáng tác nên trang phục được lồng vào con người cụ thể, câu chuyện cụ thể”.

Giám tuyển tranh Vân Vi thì chia sẻ: “Ban đầu, tôi biết ông Thượng cũng như hiểu một chút tư tưởng của ông chỉ qua sách vở. Đến khi tới xưởng tranh của ông tôi thực sự ngạc nhiên. Tranh ông Thượng có tạo hình riêng biệt, không trùng với bất kỳ họa sĩ nào đang và đã từng vẽ. Xem ông Thượng vẽ, tôi mới chứng nghiệm rằng tạo hình riêng theo từng nét bút, đi ra từ tất cả các thành tố tạo nên một người họa sĩ, chứ không phải chỉ học ở đâu mà được. Mỗi họa sĩ đều có một cội nguồn văn hóa. Cái gốc văn hóa ấy quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ như một phẩm chất tự nhiên. Với ông Thượng thì đó là văn hóa cổ”.

Triển lãm tranh giấy dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng là triển lãm đầu tiên có bán vé. Cũng như quy định chỉ được tối đa 10 người xem cho 1 đợt. Lý giải về điểm đặc biệt này, giám tuyển Vân Vi cho biết “Ở nước ngoài, các triển lãm đều có bán vé. Tôi muốn dần đưa thói quen này về Việt Nam. Hơn nữa, phòng trưng bày tranh không lớn. Tranh của ông Thượng cần một không gian nhất định để công chúng có thể thưởng thức một cách trọn vẹn”.

Những bức tranh trong triển lãm lần này đa số là màu tự nhiên trên giấy dó khổ 60x120cm, lấy cảm hứng từ những nhận vật trong thế kỷ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng, và “ngẫu hứng trong có lý”. Là hình ảnh cô cung nữ đang cởi bỏ xiêm y trong tác phẩm “Nàng ấy”. Cô gái với một dải lụa màu xanh trên ngực là câu chuyện về tập tục buộc ngực của phụ nữ quyền quý xưa. Hay là cô gái với những tà áo phượng duyên dáng che bớt một phần cơ thể trong bức “Con rồng”. Bức tranh không xuất hiện hình ảnh ông vua mà chỉ có tấm áo bào thêu rồng và cô cung nữ. Đâu đó khiến người ta cảm nhận được nỗi cô đơn, sự buồn bã nơi cung cấm trong niềm khao khát thông thường của người phụ nữ.

Tác phẩm “Quận chúa áo xanh” được lấy cảm hứng từ quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê - Trịnh ở chùa Bút Tháp… Chân dung người phụ nữ trong những bức tranh của ông chỉ sử dụng kỹ thuật đi nét chứ không đánh bóng nhưng các khối trên cơ thể vẫn khá đầy đủ. Các khối màu chạy nhịp màu, tạo nhịp điệu màu trong tranh, bố cục vô hướng, tự do trên khổ giấy dó dài. Những người phụ nữ với cơ thể căng tròn, đôi khi cùng quay đầu về một hướng mang vẻ đẹp viên mãn nhưng vẫn thấp thoáng nét hoài cổ xa xăm. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều là những tính toán về cân bằng thị giác.

Điều đặc biệt nữa là họa sĩ Phan Cẩm Thượng sử dụng hệ màu tự nhiên trên giấy dó, các hòa sắc ưa thích là màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy… Tranh của ông có nội dung văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới chứ không hề cũ.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1984, nên trong dòng lịch sử hội họa Việt Nam có thể xếp ông vào thế hệ các họa sĩ thời kỳ đổi mới. Còn như ông bộc bạch: “Tôi đi bộ đội rồi mới học hội họa nên muộn hơn so với mọi người. Họa sĩ Vũ Giáng Hương, khi ấy là Hiệu phó Trường Mỹ thuật là người đưa tôi vào hội họa với lời khuyên: “không thể nghiên cứu phê bình “chay” mà phải biết họa sĩ vẽ như thế nào”.

Thêm một người đưa văn hóa cổ đến với hội họa -0
Tác phẩm "Nàng ấy" - màu tự nhiên trên giấy Dó của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Tôi bắt đầu học từ hình họa, màu vẽ và dần dần thấy yêu thích. Tôi mày mò vẽ trên đủ chất liệu từ sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ… và cuối cùng dừng lại ở màu tự nhiên trên giấy dó vì thấy hợp nhất. Tôi cũng làm đủ nghề từ vẽ cho xí nghiệp Bát Tràng, vẽ trên kính, vẽ minh họa sách… Tây học thì bảo lối vẽ cũ bỏ đi hết nhưng tôi thấy phí quá. Tôi tìm lại và gặp một kho báu từ hoa văn đình, chùa cổ. Nghiên cứu, viết, vẽ là những mặt khác nhau trong quá trình lao động của tôi. Trong tôi 90% là quá khứ, chỉ có 10% của đời sống hiện đại nên các tác phẩm mang màu sắc truyền thống là vì thế. Về cơ bản, mình làm cái gì, mình vẽ cái đấy, không biết trước được. Tôi là người hoài cổ nên chất cổ tự nhiên lẩn vào trong sáng tác. Tuy nhiên phía sau trang phục cổ, tôi vẫn muốn nói câu chuyện tình yêu, thân phận người phụ nữ. Những điều đó thì thời nào cũng có”.

Phan Cẩm Thượng không nói nhiều về các tác phẩm của mình. Với ông, mỗi bức tranh là một quá trình sáng tạo vì thế không có cái nào hoàn toàn ưng ý, hoàn thiện cả. Giấy dó là chất liệu đặc biệt, không vẽ đi vẽ lại được. Nếu sai, chỉ có thể bỏ đi hoặc chữa nhẹ. Vì thế, mỗi họa sĩ lại có những phương pháp khác nhau để chinh phục chất liệu “đỏng đảnh” này. “Tôi chọn màu tự nhiên để vẽ giấy dó vì không loãng như thuốc nước. Càng để lâu càng đặc, quyện vào nhau. Tùy thời tiết mà có cách xử lý màu khác nhau để đạt được độ ưng ý. Tôi hay vẽ hai cái cùng một lúc. Trong khi đợi màu khô, tôi chuyển sang vẽ cái kia. Hoặc muốn các sắc màu hòa vào nhau thì giấy phải ẩm nên tôi sử dụng kỹ thuật ủ”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Tranh của Phan Cẩm Thượng tại triển lãm lần này không mang chủ đề cao siêu. Chủ yếu là người phụ nữ cung đình xưa, vài bóng dáng đàn ông thấp thoáng chỉ là cơn cớ để ông bộc lộ nỗi niềm về thân phận người phụ nữ. Qua câu chuyện của thị giác là lời kể dịu dàng về văn hóa. Rõ ràng tâm hồn Việt, mỹ cảm Việt, văn hóa Việt được ông coi trọng dù chỉ kể câu chuyện về những người phụ nữ với trang phục cổ. Ông khai thác nhiều tích cổ như một cách khoe duyên văn hóa cổ nhưng hết sức mềm mại, mang màu sắc phương Đông. Ông ý nhị, lặng lẽ khi dùng màu tự nhiên để kể câu chuyện, tiếng lòng như vừa muốn cất giấu, vừa muốn bộc lộ”.

Tư duy đương đại được gửi gắm qua những câu chuyện xưa là điều công chúng tìm thấy trong tranh Phan Cẩm Thượng. Lâu nay, ông lẳng lặng một mình trong hành trình sáng tạo càng khiến ông trầm tĩnh hơn trước mọi sự biến động lớn của xã hội. Nhưng rõ ràng, những tác phẩm hội họa của ông là sự đóng góp thầm lặng cho sự phát triển đa dạng của nền mỹ thuật đương đại đang đứng trước vận hội mới ngày càng đòi hỏi bản sắc văn hóa phải được giữ gìn.

Khánh Thảo
.
.