"Trẻ hóa" ca khúc kinh điển

Thứ Năm, 10/11/2022, 16:20

Ca sĩ Phương Mỹ Chi vừa tung ra loạt MV làm mới tình khúc kinh điển thuộc dự án mang tên “Chi?”. Qua cách thể hiện của “cô bé dân ca”, những ca khúc bất hủ trở lại với một diện mạo khác lạ mà ít ai ngờ tới: trẻ trung, dễ thương, đúng chất tuổi teen.

Dự án “Chi?” là tập hợp chuỗi các bài hát kinh điển được nữ ca sĩ và ekip làm mới lại theo phong cách hiện đại, phù hợp với lứa tuổi teen. “Mùa thu cho em” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) và “Dư âm” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) là hai ca khúc mới nhất vừa ra mắt. Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được trình diễn với những vũ đạo tinh nghịch, đáng yêu, hình ảnh sặc sỡ màu sắc. Qua đó, tình khúc bỗng trở thành lời gửi gắm tình yêu của lứa tuổi ô mai nhí nhảnh, nhiều mộng mơ chứ không còn vẻ chững chạc, nhẹ nhàng suy tư để truyền tải bức tranh mùa thu đẹp dịu dàng, ngập tràn tình yêu như cách thể hiện của ca sĩ đàn anh đàn chị.

2 hoang duyen va obito.jpg -0
Hoàng Duyên và rapper Obito thể hiện nhạc Trịnh dưới góc nhìn của thế hệ Gen Z.

Ở “Dư âm”, giọng ca ngọt ngào của Phương Mỹ Chi được phát huy tối đa trên nền nhạc Jazz Swing du dương. Không gian âm nhạc mang chất thời thượng, sang trọng gợi lên đêm trăng mộng mị phủ tràn ánh nguyệt xuống thiếu nữ ôm đàn. Những động tác múa nhẹ nhàng trong tà váy trắng bay bổng kiểu ballet càng khiến hình ảnh MV tạo nên điểm nhấn thanh thoát, trong sáng. Số ca khúc sắp tới sẽ được cô lần lượt giới thiệu gồm có “Nắng chiều” (Lê Trọng Nguyễn), “Hoa dại”, “Hẹn em kiếp sau”.           

Dự án của Phương Mỹ Chi khiến công chúng liên tưởng đến trường hợp Jang Mi. Cô được mệnh danh là “thánh nữ bolero” khi cover (hát lại) hàng loạt nhạc phẩm bolero tiêu biểu. Giọng hát nhẹ nhàng và khí chất trong trẻo như sương như mai của Jang Mi khiến “Vùng lá me bay”, “Duyên phận”, “Trả lại thời gian”, “Chờ người”, “Nỗi buồn hoa phượng”... bỗng trở nên thanh thoát, dịu dàng. Nhờ cô, người ta thấy bolero bớt sầu thương, ủy mị - đây là điều mà nhiều thế hệ ca sĩ trước đó ít làm được. Do vậy, chỉ một thời gian ngắn, Jang Mi đã sở hữu lượng fan đông đảo đến mức cô nàng quyết tâm trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Hồi tháng 6, dự án “Ep Genz và Trịnh” của Universal Music Vietnam khiến công chúng một phen kinh ngạc khi “trẻ hóa” loạt ca khúc nổi tiếng gồm “Nhìn những mùa thu đi”, “Mưa hồng”, “Diễm xưa”, “Tuổi đá buồn”.... Góp giọng vào dự án là những giọng ca mới toanh, thuộc thế hệ Gen Z như Hoàng Duyên, Obito, Mỹ Anh, Kiên Trịnh, Juky San... Dự án là hoạt động lấy cảm hứng từ bộ phim “Em và Trịnh” được khán giả yêu điện ảnh rất mực quan tâm. Các ca sĩ mang lại một tấm áo rất mới, đầy hơi thở thế hệ mình. Chẳng hạn Hoàng Duyên và rapper Obito hát lại “Mưa hồng” theo thể loại R&B đơn giản nhưng vẫn đủ để diễn tả được tâm trạng buồn thương của nhạc sĩ cho một cuộc tình khó quên. Riêng bản phối và cách hát “Nhìn những mùa thu đi” của Mỹ Anh vẫn giữ một nỗi buồn man mác, da diết, khắc khoải, nhưng cũng có gì đó bình thản, an nhiên hơn. Bản phối được nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cùng cộng sự thực hiện theo phong cách Jazz Swing cổ điển, sang trọng nhưng có hơi hướng tối giản mọi thứ để phù hợp hơn với giới trẻ.

Khoác áo mới cho ca khúc kinh điển không phải là chuyện lạ trong làng nhạc. Xưa nay, rất nhiều ca sĩ đã thể nghiệm làm mới với dòng nhạc bolero, nhạc tiền chiến hay nhạc cách mạng. Ca sĩ Đức Tuấn từng hát bolero kiểu Mỹ cho album "Một ngày ta được yêu” hay ca sĩ Lan Anh phối thử bolero với nhạc giao hưởng. Tùng Dương cũng thử làm mới “Tiến quân ca” theo phong cách sâu lắng. Nhưng làm mới theo kiểu “trẻ hóa” thì không phải ai cũng làm được và gặt hái thành công. Để “trẻ hóa”, trước hết bản thân người thể hiện phải trẻ. Có trẻ, họ mới đưa được cái nhìn của thế hệ mình vào ca khúc. Ngoài ra, chỉ có họ mới am tường về xu hướng, phong cách âm nhạc mà công chúng thế hệ mình yêu thích. Song chẳng phải ca sĩ trẻ nào cũng đủ mạnh dạn để “đụng” đến kho di sản quý giá của cha ông, huống hồ là cách tân nó.

1 phuong my chi.jpg -0
Ca sĩ Phương Mỹ Chi nhí nhảnh trong MV “Mùa thu cho em”.

Với những giá trị trường tồn theo thời gian của ca khúc kinh điển, khán giả luôn tỏ ra là những người “canh đền” khó tính. Con mắt soi mói khiến không ít ca sĩ trẻ nhát tay. Họ luôn bị khán giả mặc định là những kẻ nông nổi, ưa đổi mới, sáng tạo thái quá trong khi kinh nghiệm, vốn sống còn non nớt. Rất nhiều trường hợp đã bị khán giả “ném đá” không thương tiếc vì tội phá nát di sản.

Năm ngoái, tiết mục “Cô gái Gen Z” của Han Sara trong gameshow The Heroes bị chỉ trích nặng nề vì “trẻ hóa” đến mức phản cảm ca khúc cách mạng “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao. Ngoài phần hát trên nền nhạc điện tử, ca khúc này còn bị chêm thêm phần rap khá khó chịu. Chưa kể, trang phục trình diễn của Han Sara và vũ đoàn ngắn cũn cỡn, không phù hợp với ca khúc cách mạng cần sự trang nghiêm nhất định.

Hay như ca sĩ Quách Tuấn Du bị người yêu bolero chửi te tua vì tội “trẻ hóa” bolero theo phong cách EDM giật sốc, vũ đoàn ăn mặc không khác gì đồ nội y. Vẻ trữ tình, tự sự và da diết của bolero bị giết chết khi cách tân theo lối này.

Tuy nhiên, không phải vì khó, vì nhạy cảm… mà thiếu vắng đi các phiên bản mới của ca khúc kinh điển. Thời gian trở lại đây, một số ca sĩ trẻ không ngại búa rìu dư luận để dấn thân thể nghiệm, nhất là khi làng nhạc vô cùng khan hiếm sáng tác mới giàu sức nặng. “Trẻ hóa” ca khúc cũ có ưu thế là bài hát đã quen thuộc với công chúng, nên bước đầu phiên bản mới sẽ gây chú ý. Có thể dở, có thể hay, nhưng họ vẫn muốn làm một trận cho ra trò. Điều này mang đến loạt dự án thú vị như đã kể trên.

Trước việc bị so sánh việc hát nhạc Trịnh với những tên tuổi kỳ cựu thế hệ trước, ca sĩ Hoàng Duyên thẳng thắn: “Khán giả có thể có nhiều luồng ý kiến và tôi hoàn toàn tôn trọng những ý kiến của họ. Nhạc Trịnh vốn ăn sâu vào cốt lõi của nhiều thế hệ khán giả, chúng ta vẫn tôn trọng giá trị ấy nhưng cũng sẽ “thổi” vào đấy cách hát của thế hệ Gen Z”.

Hơn hết, sự trở lại của nhạc phẩm kinh điển trong chiếc áo mới ít nhiều khiến nó đến gần hơn với khán giả trẻ, khiến họ không còn thờ ơ mà yêu hơn giá trị quý báu một thời. Kho tàng vô giá của cha anh cần phải được truyền tải qua các thế hệ, nên luôn cần được nhắc nhớ bằng những hình thức thể hiện hợp thời. “Trẻ hóa” là cách để những người trẻ có thể nghe và tiếp cận dễ dàng hơn.

Ca sĩ Phương Mỹ Chi tâm sự: “Bản thân Phương Mỹ Chi là một người yêu truyền thống và tôn trọng những giá trị xưa cũ, vì thế Chi thực sự tiếc nuối khi những bài hát trữ tình huyền thoại chỉ được cất giấu trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam, khiến nhiều người nghĩ rằng các bài hát đã lỗi thời. Âm nhạc với Chi không có rào cản, thế nên Chi mong muốn được “may áo mới” cho những ca khúc xưa cũ để khán giả ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể thưởng thức, yêu thích và trân trọng những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật bất hủ. “Nhạc cũ không chỉ dành cho thế hệ cũ” là tinh thần của toàn bộ dự án mà Phương Mỹ Chi muốn gửi đến khán giả lần này".

Ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, việc thể hiện lại tình khúc kinh điển tưởng như là cuộc vui chốc lát của nhiều ca sĩ trẻ. Bởi lâu nay, nhiều khán giả mặc định phải là giọng ca đủ sức nặng, giàu trải nghiệm thì mới thể hiện được những ca khúc này. Phương Mỹ Chi, Hoàng Duyên, Hoàng Dũng, Mỹ Anh... đã chứng minh ngược lại. Họ cho thấy, chính sự thiếu trải nghiệm và cái nhìn ngây thơ, trong sáng của người hát đã đưa ca khúc về cách cảm hồn nhiên và ban sơ nhất. Đôi lúc, chính tuổi đời giúp họ chạm vào điều sâu lắng nhất mà nhạc sĩ gửi gắm vì nhạc sĩ viết nhạc phẩm khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chẳng hạn ca khúc “Mùa thu cho em” được Ngô Thụy Miên viết khi ông tròn đôi mươi. Hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Nhìn những mùa thu đi” từ năm 1963, lúc ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm 24 tuổi. Qua phiên bản “trẻ hóa”, ca sĩ và nhạc sĩ cùng cất chung tiếng lòng của tuổi trẻ hai thế hệ. Do đó, người hâm mộ rất ủng hộ bước đi mạnh dạn này. Điều quan trọng là làm sao cân bằng, hài hòa giữa hồn cốt bản gốc và tính thời đại trong hình ảnh, chất nhạc riêng của người trẻ hôm nay.

Mai Quỳnh Nga
.
.