Ca khúc đề tài xã hội: Đi sâu vào bộn bề cõi người

Thứ Năm, 03/11/2022, 10:06

Các ca khúc khai thác vấn đề xã hội tuy số lượng không nhiều nhưng một khi xuất hiện, nó vẫn thu hút lượng khán giả trung thành. Giữa hàng loạt bài hát viết về tình yêu, đề tài xã hội trở thành món ăn lạ giàu chiêm nghiệm, suy tư, xoáy sâu vào trăn trở thường nhật của đời sống con người.

Mới ra mắt vài ngày nhưng MV "90 - 60 - 90" của ca sĩ Tóc Tiên đã cán mốc 3 triệu lượt xem. Đây là thành tích ấn tượng đối với một ca khúc chủ đề xã hội. "90 - 60 - 90" không chỉ đả phá những quy chuẩn hình thể do đàn ông áp đặt lên phụ nữ mà còn lên án lề thói phong kiến cổ hủ. Lời ca thâm thúy, nhẹ nhàng cộng với chất nhạc lạ tai, hình ảnh MV vừa truyền thống vừa hiện đại đã khiến ca khúc này ghi điểm ngay khi trình làng.

Thu -0
Ca khúc "Tự do" của nhóm Cá hồi hoang là lời tự sự đầy ám ảnh của tử tù.

Cách đó một tháng, nhóm Cá hồi hoang khuấy đảo làng Rock với nhạc phẩm "Tự do". Hiếm có sản phẩm âm nhạc nào viết về nỗi lòng của người tử tù độc lạ và hay như "Tự do" dù phần lời ca khá ngắn gọn, đơn giản: "Ngoài đó, có tiếng ai vọng vào trong/ Ngoài đó, có tiếng ai chạy thật nhanh/ Ngoài đó, có tiếng hai người gọi nhau/ Ngoài đó, có tiếng chim trời vẫn bay/ Nếu có ngày mai/ Ta sẽ trong sạch/ Ta sẽ cố làm lại từ đầu…".

Chất nhạc đột phá, vừa mộc mạc vừa lạ lẫm khiến khán giả bị cuốn hút ngay khi nghe lần đầu. Cũng chuyên khai thác những ưu tư của người trẻ hôm nay, nhóm Ngọt vừa ra mắt bài "Thấy chưa" như một lời an ủi những bạn trẻ gặp nhiều đắng cay, thách thức trên đường đời. Trước đó, nhóm khiến người nghe thích thú với loạt ca khúc phảng phất thuyết hiện sinh như "Chuyển kênh", "Không làm gì", "Cho tôi đi theo"… Đôi lúc nó buồn đấy nhưng không tuyệt vọng mà pha chút tự trào để tuổi trẻ thức tỉnh, tiến lên mà sống. 

Đầu năm nay, khi chạm mốc 300 bài hát thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung quyết định dừng viết mảng này để chuyên tâm sáng tác ca khúc trào phúng về các vấn đề nóng của xã hội. Một Nguyễn Văn Chung đầy lãng mạn với loạt bản hit tình yêu năm nào đã lột xác để mang tới những nhạc phẩm phục vụ cộng đồng. Anh tâm sự mình phải viết vì "đó là cảm xúc, là nhu cầu của mọi người". Những ca khúc trào phúng của anh sẽ đi theo hướng nhẹ nhàng, tinh tế, biến những điều chướng tai gai mắt hay thói hư tật xấu thành lời cảnh tỉnh hài hước để người bị châm biếm cũng cảm thấy không quá "nhột".

So với đề tài tình yêu, các vấn đề xã hội, thời sự là đề tài khó khai thác trong âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng viết về xã hội, thời sự, điều đầu tiên cần tránh là đừng để nội dung quá nặng nề, giáo điều. Nó đòi hỏi người sáng tác phải đủ tâm và tầm, có óc quan sát, đủ trải nghiệm sống để viết nên những bài hát giàu tính nghệ thuật, sâu sắc mà dễ nghe, gần gũi với đại chúng. Không đơn giản là anh bày ra hiện thực rồi phổ nhạc lên là hát. Bởi không hiếm ca khúc thuộc dòng này nhanh chóng chết yểu vì chỉ đơn thuần "điểm mặt chỉ tên" thói tật xã hội hay sự kiện thời sự như "Hóng hớt showbiz" của Châu Đăng Khoa. Việc sáng tác bừa dễ khiến ca khúc trở nên phản cảm, chạy theo trend (xu hướng) nhất thời mà bỏ quên sứ mệnh của âm nhạc.

Thực tế, tài năng của các nhạc sĩ trẻ ngày nay đã cho ra đời rất nhiều ca khúc xã hội chất lượng. Ngoài những cái tên nêu trên, có thể kể đến một số gương mặt nổi bật của dòng ca khúc này. Đó là Phan Mạnh Quỳnh với ca khúc "Hồi ức", "Nước ngoài", nhạc sĩ - ca sĩ Tạ Quang Thắng với "Sống như những đóa hoa", "Lá cờ"…

Nhạc sĩ trẻ Bùi Công Nam có "Tự giác đi" bày tỏ nỗi khốn khổ của những người lỡ cho bạn bè mượn tiền mà đòi hoài không trả. Nam còn có "Ôi trời ơi" rất bắt tai và đầy ngụ ý sâu cay cho mấy cô nàng quen "đào mỏ" đại gia. Dần chuyển hướng sang dòng xã hội, Hứa Kim Tuyền sở hữu loạt ca khúc như "Về nghe mẹ ru", "Nếu một mai tôi bay lên trời"…

Đặc biệt nhất trong số đó là MV "Một ngày tôi quên hết" nói về tâm tư, tình cảm của người bị bệnh alzheimer. Từ câu chuyện của họ, anh muốn nhắn gửi đến người nghe rằng tình cảm rất giá trị trong cuộc sống, nó vượt lên thể xác, tinh thần và bệnh tật. Đó là niềm hy vọng sống, tia sáng của người bệnh trong tầng hầm tối tăm không lối thoát.

Thu -0
Ca sĩ Tóc Tiên trong MV "90-60-90".

Nhóm Lộn xộn vốn được cộng đồng yêu nhạc biết đến với loạt ca khúc trào phúng. Đây có thể xem là nhóm nhạc chuyên khai thác âm nhạc châm biếm, đả kích những chuyện chướng tai gai mắt trong sinh hoạt thường ngày như: "Khoan cho anh ngủ" (châm biếm sự vô ý thức của người dân cứ khoan đục bê tông đúng giờ mọi người đi ngủ), "Đường của bố mày" (giễu nhại việc đi đường bất chấp luật lệ giao thông của một số người); "Người yêu tôi không có gì để mặc" (phác họa chân dung những cô nàng dù đầy ắp quần áo nhưng hễ ra đường là than không có gì để mặc), "Nổi tiếng dễ không?" (lên án kiểu câu like bất chấp chiêu trò trên mạng xã hội)… Điều đó cho thấy sự nỗ lực, tâm huyết rất lớn của các nghệ sĩ.

Khó sáng tác, ít nhạc sĩ theo đuổi đường dài, đã vậy sức cạnh tranh của những ca khúc đề tài xã hội lại lép vế hơn so với tình khúc. Nói như nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, khi chấp nhận viết đề tài xã hội, nhạc sĩ phải chấp nhận một thực tế là nó không mang tính thị trường.

"Đây là một đề tài hơi hạn chế người thể hiện, vì các ca sĩ sẽ tập trung đầu tư vào những sản phẩm tình yêu nhằm tiếp cận dễ hơn với khán giả. Xét về hiệu ứng truyền thông, những ca khúc này rất ổn. Tuy vậy, tính replay của các ca khúc không cao, chưa phải là một bài hát mà khán giả có thể nghe đi nghe lại. Đó là rào cản lớn nhất khi làm sản phẩm về nội dung xã hội, nhưng tôi nghĩ sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ thôi. Dù những ca khúc này rất khó để thuyết phục ca sĩ hát bởi vì tỉ lệ thành hit không có, nhưng bài hát lại tạo ra giá trị đường dài, giá trị cộng đồng. Mọi người cũng đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn về những vấn đề gia đình, xã hội so với tình yêu" - nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ. 

 Dù ít tính thị trường nhưng dòng nhạc này nói lên rất nhiều điều bộn bề của cõi người để khán giả tỉnh thức, từ bỏ thói hư tật xấu hay truyền quan niệm sống tràn đầy lạc quan. Khi làm phim hoặc tổ chức sự kiện mang tính cộng đồng, nhà sản xuất rất cần các ca khúc mang tính đặc thù về một vấn đề xã hội. Chẳng phải thế mà "Hồi ức" của Phan Mạnh Quỳnh được chọn để làm nhạc phim điện ảnh "Người bất tử" của đạo diễn Victor Vũ.

Trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập của VTV, "Chuyển kênh" do nhóm Ngọt trình bày được coi là ca khúc hiếm hoi phù hợp để nói lên tinh thần của nhà đài. Ngoài ra, chính những đòi hỏi về sự trải nghiệm, ca khúc đề tài xã hội là nơi khẳng định cá tính, góc nhìn và cái tôi của người nhạc sĩ. Nếu những nhạc sĩ chuyên sáng tác tình ca thường bị nhìn nhận na ná nhau thì những ai đi theo dòng xã hội đều thể hiện rõ cá tính và phong cách khó trộn lẫn.

Đến nay, chủ đề xã hội vẫn còn là mảnh đất rất "khát" người gieo trồng. Bởi bao vấn đề nhức nhối người ta thấy hằng ngày, chứng kiến hằng ngày nhưng số bài hát khai thác quá ít ỏi. Khán giả sẵn sàng hưởng ứng nếu bài hát chạm đến trái tim họ. Bởi thực tế không ít ca khúc chất lượng được khán giả nhiệt tình đón nhận khi được thể hiện rộng rãi trên sóng truyền hình như: "Người yêu tôi không có gì để mặc", "Thật bất ngờ", "Bao giờ lấy chồng", "Tân thời"… Điều cần làm là người nghệ sĩ phải biết đầu tư, quảng bá đứa con tinh thần hiệu quả, làm sao để nhạc phẩm dễ dàng tiếp cận công chúng, song hành cùng cuộc sống của họ. Có như thế tuổi thọ của nó mới bền lâu và không rơi vào quên lãng.

Phan Thi Uyên
.
.