Thượng úy, ca sĩ Thu Hường: Lan tỏa lối sống đẹp trong lực lượng CAND

Thứ Năm, 23/06/2022, 15:48

Có quá nhiều điều để nói về Thượng úy Thu Hường, ca sĩ thuộc Nhà hát CAND, bởi chị không chỉ là ca sĩ triển vọng và đầy tài năng của Nhà hát mà còn là người có tấm lòng từ bi, hướng thiện.

Chị đã 9 lần là Đại sứ của chương trình hiến máu tình nguyện mang tên “Hành trình Đỏ” cũng như dành nhiều thời gian, công sức biểu diễn thiện nguyện tại các bệnh viện và các vùng sâu, vùng xa. Bằng những việc làm của mình, chị mong muốn sẽ lan tỏa lối sống đẹp trong lực lượng CAND.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Tôi biết Thu Hường trước khi gặp chị. Trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng vào cuối năm 2021, tôi đã phỏng vấn chị qua điện thoại khi chị thể hiện thành công ca khúc “Lời ca gửi tặng con” của Đại tá, nhạc sĩ Đào Tiến. Trong hình dung của tôi thì Thu Hường thật năng động, nhiệt huyết và giàu cảm xúc.

Thế rồi bẵng đi một thời gian, vào tháng 4 vừa qua, tôi tình cờ đi công tác cùng chị trên một chuyến xe lên với huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Đêm nhạc thiện nguyện “Theo em về Than Uyên” hôm ấy thêm phần sôi nổi, hấp dẫn khi Thu Hường thể hiện ca khúc “Anh có theo về cùng em - Than Uyên” của nhạc sĩ, NSƯT Tất Nghĩa (Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát CAND), phổ thơ Khánh Dương. Hường luôn là vậy, đứng trên sân khấu chị luôn “cháy” hết mình để khán giả được thưởng thức “món ăn tinh thần” một cách trọn vẹn nhất. Hường hát như thể ngày mai mình sẽ không được hát nữa.

thu hường 1.jpg -0
Thượng úy, ca sĩ Thu Hường.

Cũng với tinh thần ấy mà cách đây hơn chục năm khi Đoàn Ca múa nhạc CAND (nay là Nhà hát CAND) tổ chức biểu diễn tại Bắc Giang quê chị, Thu Hường (lúc này đã giành giải Sao Mai) đến xem với tư cách là một khán giả. Nhưng khi Đại tá, NSND Trần Đức Lợi, khi ấy là Trưởng Đoàn Ca múa nhạc CAND mời: “Cháu có thể hát trong tối nay không?”. Chị đã không ngần ngại đồng ý.

Chính tâm thế sẵn sàng biểu diễn và biểu diễn “máu lửa” của chị đã lọt vào “mắt xanh” của Trưởng đoàn và lời mời về cộng tác tại Đoàn đã được đưa ra. Thời điểm đó, do bận đi học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và tham gia nhiều chương trình biểu diễn nên mãi đến năm 2016, chị mới chính thức bén duyên và trở thành ca sĩ của Nhà hát CAND.

Thu Hường quan niệm, ca hát là công việc đòi hỏi người ca sĩ phải thực sự chủ động, phải thực sự cố gắng, nỗ lực tập luyện. Đó không phải là nghề cưỡi ngựa xem hoa, tất cả phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Hơn nữa là chiến sĩ trong lực lượng CAND, chị càng thấm thía tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cấp trên giao phó, yêu cầu.

Là chỉ huy trực tiếp của Thu Hường, Trung tá, NSƯT Minh Lương, Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát CAND đánh giá: “Sở hữu chất giọng nhạc nhẹ vô cùng nội lực, Thu Hường là người hăng say, đam mê với nghề. Bất cứ tác phẩm âm nhạc mới nào, chị cũng đều nghiên cứu, nghiền ngẫm, cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Chị luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao cho nên hầu hết các chương trình của Nhà hát đều giao cho Hường phần biểu diễn solo”.

Để người dân tin yêu hơn lực lượng CAND

Suốt 9 năm là đại sứ của chương trình “Hành trình Đỏ” với Thu Hường là một hành trình nhiều cảm xúc. Đã đi bao nhiêu tỉnh, thành ở khắp 3 miền, được đến với nhiều hoàn cảnh, số phận khác nhau, chị biết rằng có rất nhiều người cần có máu truyền để tiếp tục cuộc sống, như các bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Là một ca sĩ, ngoài việc đồng hành cùng chương trình, Thu Hường còn đem lời ca tiếng hát để cổ vũ phong trào, tự nguyện hiến máu. Nhất là khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, lượng máu khan hiếm Hường cho rằng “người nghệ sĩ, chiến sĩ không thể ngồi yên được”.

Là người nghệ sĩ trong lực lượng CAND, Thu Hường muốn làm điều gì đó có ý nghĩa với cuộc đời. Chị muốn truyền năng lượng tích cực cho mọi người thông qua lời ca tiếng hát của mình. Thời điểm dịch bệnh đỉnh điểm, chị đã cùng 60 nghệ sĩ ở trong và ngoài nước làm MV ý nghĩa mang tên “Sẽ chiến thắng” để cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ và nhân dân trên tuyến đầu chống dịch. Thu Hường luôn tin “yêu nghề, nghề chẳng phụ mình” và chị nghĩ cho đi đừng mong nhận lại điều gì, cho đi là còn mãi. Bởi vậy không phải đứng trên sân khấu chị mới nghĩ mình là nghệ sĩ mà ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, việc làm cụ thể, chị luôn có trách nhiệm với danh hiệu nghệ sĩ mà khán giả đặt cho mình.

Từng trải qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tình cảm vì bố mẹ chia tay nhau khi chị còn rất nhỏ, sau này ra Hà Nội ăn học phải tự thân một mình bươn chải giữa cuộc sống nhiều cám dỗ, thử thách, Hường luôn cố gắng làm điều gì đó để cha mẹ tự hào về mình. Và thành quả được Bộ Công an vinh danh là “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng” vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực không mệt mỏi của nữ ca sĩ Kinh Bắc. Chị nguyện cống hiến thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với sắc phục của người chiến sĩ Công an. Vì vậy, nữ ca sĩ đã và sẽ còn cố gắng nhiều hơn nữa để bản thân không chỉ là người chiến sĩ Công an trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, được tỏa sáng trên sân khấu hào nhoáng mà còn giúp người dân tin, yêu hơn lực lượng CAND.

thu hường 2.jpg -0
Thượng úy, ca sĩ Thu Hường (giữa) cùng các đồng nghiệp ở Nhà hát CAND.

Trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn với dòng nhạc dân gian đương đại, sau đó Thu Hường đã tập luyện và hát được nhiều dòng nhạc, như: hát bolero, nhạc trẻ, nhạc xưa và đặc biệt là nhạc Phật giáo. Nhạc sĩ, NSƯT Tất Nghĩa trong cuộc trò chuyện cùng tôi từng đánh giá rất cao việc Thu Hường có thể hát nhiều thể loại nhạc: “Ngoài những ca khúc về ngành Công an, về tình yêu quê hương, đất nước, Hường còn thành công với những ca khúc về Phật. Điều đó cho thấy tấm lòng và trái tim của cô ấy luôn hướng đến sự bình yên cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Thu Hường (pháp danh Tâm Ngọc Hương) đến với nhạcPhật giáolà cái duyên “trời định”. Từ lời mời của một ca sĩ chuyên hát nhạc Phật giáo tham gia hát ca khúc “Đời” trong buổi lễ Hằng Thuận (đám cưới tại chùa) ở chùa Bằng (Hà Nội), chị đã đi từ tò mò đến thích thú, đam mê. Thực tế từ công việc đi hát ở nhiều chùa, chị cảm nhận bản thân không còn là cô bé ngây thơ, vô tư mà trở nên đằm thắm, sâu sắc hơn, đặc biệt là chị cảm thấy tâm hồn mình thanh thản lạ kỳ. Chị hạnh phúc vô tận khi hát tại đại lễ Phật đản; da diết, xúc động nghẹn ngào trong Lễ Vu Lan Bồn; trong trẻo hồn nhiên tại các khóa tu mùa hè…

Đi hát ở nhiều chùa và đã ra mắt 3 Album âm nhạc về Phật giáo mà mới đây nhất là Album vol 3 ''Diệu Pháp Âm'' và MV ''Đức Phật Dược Sư'', theo chị hát nhạc Phật giáo không cần thiết phải là ca sĩ được đào tạo bài bản trường lớp mà chỉ cần khi hát hãy nghĩ rằng mình là “sứ giả” của nhà Phật. Hát như một cách khai pháp, hát bằng cả trái tim mình và hát như chính mình đang là nhân vật trong bài hát đó vậy. Và khi đó người nghe hay các Phật tử sẽ cảm nhận được cái tinh túy mà nội dung bài hát đang chuyển tải. Cái “tâm” là cốt lõi chứ không phải giọng hát thật hay.

Nghe chị hát, nghe chị kể về việc biểu diễn các ca khúc nhạc Phật mới thấy được cái tâm sáng và cũng lý giải vì sao chị thường tham gia các chương trình ca hát thiện nguyện. Với chị âm nhạc cũng chính là phương tiện hữu hiệu để con người trao đi nhận lại lòng nhân ái và sự yêu thương.

Ngô Khiêm
.
.