Thượng tá, NSƯT Văn Hà: Phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ CAND

Thứ Năm, 10/03/2022, 13:03

Về hưu từ đầu năm 2019, sau hơn 30 năm gắn bó với công tác văn hóa nghệ thuật trong lực lượng CAND, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Văn Hà (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát CAND) luôn tâm niệm phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ CAND, bởi đó chính là "năng lượng tái tạo" để người lính lấy lại cảm hứng, động lực học tập, công tác, chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đến với đàn nhị từ say điệu dân ca

Thực ra tôi biết đến Thượng tá, NSƯT Văn Hà trước khi gặp anh. Trước đây, tôi đã từng viết bài về mẹ vợ của anh - ca sĩ Thanh Loan (từng công tác tại Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc, nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), người đầu tiên (song ca cùng NSƯT Nông Văn Khang) thể hiện ca khúc "Việt Bắc nhớ Bác Hồ" nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Qua những câu chuyện với ca sĩ Thanh Loan, tôi được biết nhiều hơn về gia đình bên vợ của anh và thầm ngưỡng mộ về một gia đình có truyền thống nghệ thuật bậc nhất xứ Lạng. Bố vợ của anh là nhạc sĩ Đinh Quang Khải, tác giả nhiều bài hát nổi tiếng của dân tộc Tày, như: "Tiếng chim khảm khắc", "Bài Then tặng mẹ", "Nặm bó Bản Hẻo", "Quê hương"... Con dâu, con rể của ca sĩ Thanh Loan và nhạc sĩ Đinh Quang Khải đều theo nghệ thuật ở các đoàn nghệ thuật khác nhau, trong đó người con gái thứ hai - nghệ sĩ Đinh Thúy Phượng (vợ của NSƯT Văn Hà) từng công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội.

Thượng tá, NSƯT Văn Hà: Phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ CAND -0
Thượng tá, NSƯT Văn Hà trong chuyến biểu diễn khi còn công tác.

Khác với gia đình bên vợ, dòng họ của nghệ sĩ Văn Hà ở thị trấn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại không có ai theo nghệ thuật. Anh bảo, quê nhà anh cạnh dòng sông Lam mộng mơ, trữ tình và cách quê của Đại thi hào Nguyễn Du khoảng 100 mét. Hồi còn nhỏ, anh thường được nghe các nghệ nhân hát ca trù cổ đạm và cứ thế làn điệu dân ca, câu hò… bám riết lấy tâm hồn tuổi thơ của cậu bé Hà. Anh yêu đắm say những điệu dân ca quê mình và mong muốn được lan tỏa với bạn bè ở các địa phương khác. Bởi thế năm 1971, anh vào học sơ cấp chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) rồi tốt nghiệp hệ đại học vào năm 1985. Chuyên ngành anh theo đuổi suốt 14 năm là đàn nhị, dưới sự giảng dạy của nhạc sĩ Thao Giang.

"Ngày ấy chúng tôi đam mê lắm! Hết học đàn nhị theo phong cách chèo ở Hà Nội lại học theo phong cách cải lương ở Sài Gòn", nghệ sĩ Văn Hà say sưa kể về quá trình học của mình bắt đầu như vậy. Anh được học chính quy, bài bản những kỹ thuật của đàn nhị, có thể độc tấu được các bài hát của Việt Nam tiến đến chơi được các tác phẩm nước ngoài. Bên cạnh đàn nhị, anh còn được học sáo trúc, đàn bầu, đàn tứ… để trở thành một nghệ sĩ đàn dân tộc toàn diện.

"Thầy Thao Giang luôn có cách dạy tạo sự cuốn hút, hứng khởi cho học trò. Thầy không dạy theo kiểu thầy chơi thế này thì học trò phải chơi như thế mới là chuẩn mực mà mỗi lần trả bài, thầy sẽ cho tự vỡ bài. Ý của thầy là muốn học trò phải có sáng tạo trong cách chơi đàn. Cách dạy đó khơi dậy được tâm hồn nghệ thuật của mỗi người để tạo ra tiếng đàn riêng, phong cách riêng bởi vì mỗi người có một sở trường riêng, tâm tư, tình cảm riêng. Và cứ thế tôi phát triển theo hướng đó", NSƯT Văn Hà nhớ lại.

Làm gì cũng phải từ cái tâm sáng nhất

NSƯT Văn Hà luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được công tác trong lực lượng CAND. Là người chiến sĩ văn nghệ trong lực lượng Công an, anh đã phát huy được năng lực, sở trường của mình, đồng thời rèn luyện được tinh thần, bản lĩnh của người CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Anh cho rằng, người nghệ sĩ trong lực lượng CAND có nhiều thuận lợi khi có thể dung hòa được cái "phiêu" của người nghệ sĩ với "chất" của người lính. Đó là điều mà các nghệ sĩ ở các đoàn ngoài lực lượng vũ trang không có được.

Thượng tá, NSƯT Văn Hà: Phải làm giàu thêm đời sống tinh thần của người chiến sĩ CAND -0
Thượng tá, NSƯT Văn Hà say sưa bên cây đàn nhị.

Xuất phát điểm là một nhạc công chơi đàn nhị, nghệ sĩ Văn Hà đã được đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt anh cũng có cơ hội đi gần 20 nước trên thế giới để mang âm nhạc dân tộc giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế. Anh cũng cho biết khi cùng cây đàn nhị đi biểu diễn trong bộ quân phục, nhiều khán giả tỏ ra ngạc nhiên bởi tiếng đàn đẹp, mê đắm lòng người lại được phát từ đôi bàn tay tài hoa của người chiến sĩ Công an.

Thực ra trong Đoàn Ca múa nhạc CAND (nay là Nhà hát CAND) có rất ít nghệ sĩ có thể độc tấu được nhạc cụ dân tộc, bởi đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trình độ chuyên môn vững vàng. Nhưng anh khẳng định khó hơn cả là đến mỗi vùng miền, các anh phải tìm những tác phẩm phù hợp để "vừa tai" người nghe, để phù hợp với bản sắc dân tộc vùng miền đó.

Ngoài công tác biểu diễn, nghệ sĩ Văn Hà còn làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình nghệ thuật của Bộ Công an, như chương trình nghệ thuật khánh thành Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) với gần 500 diễn viên tham gia hay chương trình "Người chiến sĩ An ninh" về Đại tá, nhạc sĩ Đào Tiến… Cùng với đó, mong muốn gửi gắm kiến thức và sự sáng tạo cho thế hệ trẻ, anh đã tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) trong suốt gần 20 năm. Theo anh, dù biểu diễn, tổng đạo diễn hay dạy học thì phải làm từ cái tâm sáng nhất mới mong đạt được kết quả.

Nhường câu trả lời cho nghệ sĩ còn công tác

Hiện nay dù đã về hưu 3 năm nhưng NSƯT Văn Hà vẫn tất bật với vai trò cố vấn cho chương trình "Giai điệu bình yên" phát sóng trên Truyền hình CAND (ANTV). Theo anh thì đây là chương trình hết sức có ý nghĩa để tôn vinh tác giả, tác phẩm viết về lực lượng CAND.

"Ở đâu đó công chúng có thể đã xem, đã nghe các tác phẩm, đặc biệt là ca khúc về người chiến sĩ CAND nhưng họ ít có cơ hội được biết về sự ra đời của tác phẩm ấy cũng như cuộc đời của "cha đẻ" ra nó. "Giai điệu bình yên" ra đời đã đáp ứng một cách bài bản, hệ thống những điều đó, để khán giả thêm hiểu, thêm yêu về bài hát cũng như các tác giả. Các tác giả có thể ở trong lực lượng hay ngoài lực lượng CAND nhưng điểm chung là họ cùng yêu màu áo Công an, cùng mong muốn đóng góp "món ăn tinh thần" cho người chiến sĩ. Theo tôi chương trình ra đời như một cách vinh danh những người làm công tác văn hóa văn nghệ trong CAND và để kết nối gần hơn mối quan hệ máu thịt giữa Công an với nhân dân", nghệ sĩ Văn Hà nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Văn Hà tự hào khi hiện nay ở Nhà hát CAND có những nghệ sĩ đàn dân tộc trẻ tài năng, như NSƯT Tất Nghĩa chơi đàn bầu, hay NSƯT Lương Thu Hoài chơi đàn tam thập lục, T'rưng… Đó là những thế hệ nghệ sĩ kế cận lớp của anh trên con đường đưa âm nhạc dân tộc đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đã kinh qua quá trình công tác nhiều thăng hoa, sáng tạo, tuy nhiên trong sâu thẳm, anh vẫn cảm thấy tiếc nuối khi chưa làm được nhiều cho lực lượng Công an.

"Nghệ thuật như món ăn hằng ngày, nhất là với môi trường có nhiều khó khăn, vất vả như lực lượng CAND thì càng phải làm giàu thêm "món ăn tinh thần" cho các chiến sĩ. Đó là trách nhiệm của những người làm văn hóa, văn nghệ trong lực lượng CAND và cũng chính "bài toán" cho những nghệ sĩ còn công tác hiện nay. Rất mong thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ tiếp tục học tập, rèn luyện để mang những sản phẩm nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân", nghệ sĩ Văn Hà trăn trở.

Ngô Khiêm
.
.