Tác giả trẻ - Hành trình phía sau những giải thưởng
Những năm gần đây trên văn đàn xuất hiện nhiều cuộc thi văn chương từ quy mô tỉnh thành, các bộ ngành đến quốc gia dành cho tác giả trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho văn học nước nhà bởi nhiều gương mặt trẻ được phát hiện, được động viên. Nhưng sau khi nhận giải thưởng, liệu họ có tiếp tục đam mê và theo đuổi đến cùng trên con đường văn chương?
Phóng viên (PV) Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trao đổi với nhà văn Tống Phước Bảo, một trong những tác giả trẻ năng động và có nhiều đóng góp trên văn đàn hiện nay.
- Thưa nhà văn Tống Phước Bảo, việc đoạt một giải thưởng mang ý nghĩa như thế nào với các tác giả, nhất là các tác giả trẻ?
+ Theo quan sát của tôi, một giải thưởng trên chặng đường viết của một tác giả trẻ thì đó là động lực để họ có thể dấn thân, họ cảm thấy có niềm tin về thành tựu ấy. Chúng ta thấy rằng, tìm được một tác giả trẻ dấn thân, toàn tâm toàn ý, bền bỉ với văn chương là rất khó, vì thế mà mỗi một cuộc thi, giải thưởng trao cho một tác giả nào đó là một dấu mốc quan trọng, một điểm sáng để từ đó họ chứng minh được niềm đam mê của mình trên chặng đường viết văn.
- Giải thưởng theo anh có đưa lại cho người viết áp lực không?
+ Mọi người cũng biết rằng là, bất cứ một ngành nghề nào đều có mặt tích cực và tiêu cực đối với người được nhận giải. Ở khía cạnh tích cực thì tôi thấy rằng, những đóng góp, những cống hiến của cá nhân đó đã được thừa nhận. Từ giải thưởng đó, đôi khi bản thân cá nhân người đó được chú ý hơn. Thêm nữa, giải thưởng mang lại niềm hưng phấn sáng tạo cho tác giả, giúp họ có thêm động lực để viết tiếp. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tiêu cực thì chúng ta lại thấy, giải thưởng có khi khiến tác giả ảo tưởng về mình, họ nghĩ mình đã chạm được đỉnh cao và không cần phải vượt qua nữa. Nhưng với người sáng tác, sự sáng tạo là vô tận, cái đỉnh luôn ở phía trước, giải thưởng chỉ là một cột mốc mà thôi.
- Cá biệt có những trường hợp đoạt giải thưởng xong thì không viết nữa, tên tuổi họ mất hút mà độc giả lẫn làng văn không thấy xuất hiện. Anh có thể lý giải duyên do vì đâu?
+ Theo dõi văn đàn thì chúng ta thấy, hàng năm có nhiều cuộc thi quy mô lớn và thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Thực tế cũng cho thấy là có nhiều tác giả trẻ đoạt giải, nhưng sau đó họ mất hút, không thấy xuất hiện trên các trang báo hay in ấn… Tôi cho rằng, trong hành trình sáng tạo thì luôn luôn có những điểm rơi. Có thể trên hành trình sáng tạo đó, người viết chưa có được một kế hoạch cụ thể. Ngoài sự đam mê, dấn thân thì đòi hỏi cần phải có kế hoạch để cân bằng cuộc sống và sáng tác. Họ bị mất hút sau giải thưởng có thể vì áp lực cuộc sống cơm áo gạo tiền hoặc có thể là áp lực từ tác phẩm, họ không thể viết hay hơn tác phẩm đoạt giải chẳng hạn. Hành trình viết đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế, là những rung cảm về đời sống… nhưng nếu thiếu điều này, họ cũng không thể viết hay hơn những gì họ đã từng. Cũng có thể, người viết trẻ coi việc viết lách là một ngã rẽ mà họ chạm đến, rồi họ lại quay về với thực tại đời sống cơm áo gạo tiền, chật vật mưu sinh. Tôi vẫn luôn dõi theo và mong muốn sự trở lại của các cây bút ấy.
- Chúng ta thấy rõ ràng rằng với xã hội hiện nay, việc mưu sinh luôn ảnh hưởng đến hành trình viết của người trẻ. Đối với họ, phải sống được rồi mới bắt đầu dấn thân với viết lách. Liệu đây có phải là điều khiến chúng ta ngày càng ít người viết trẻ viết một cách tận hiến cho văn chương?
+ Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, cuộc sống vốn rất áp lực, nhất là đối với người trẻ. Thế hệ của chúng tôi tiếp xúc với thế giới sôi động, thậm chí hơi xô bồ, ồn ã và cuộc mưu sinh vô cùng khốc liệt. Việc kiếm tiền, mưu sinh để đảm bảo cuộc sống ổn định là một thách thức lớn đối với người trẻ. Khi cuộc sống tạm ổn thì họ mới chuyên tâm dành một khoảng thời gian cho viết lách. Một thực tế nữa là, nhuận bút cũng không thể đảm bảo cuộc sống cho họ được nên họ phải bươn chải là đương nhiên rồi. Vì thế, các tác giả trẻ đều có những ngành nghề kiếm sống khác nhau. Bản thân tôi cũng vậy, phải làm việc khác, làm hết mình để kiếm sống, để quay về với văn chương một cách tận hiến. Cân bằng được cuộc sống và viết lách là khó nhưng phải cố gắng thôi.
- Trên thực tế hiện nay có nhiều người viết trẻ cùng lúc làm nhiều việc khác bên cạnh việc viết văn. Vậy điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm không?
+ Chúng ta biết rằng, lực lượng viết trẻ của ngày hôm nay, tư duy viết rất hiện đại. Tôi cho rằng, những va chạm của cuộc sống mưu sinh này, những thách thức của cuộc sống này, họ đã đem vào trang sách một cách sống động, hấp dẫn. Họ đem những câu chuyện hiện thực xã hội, những câu chuyện trên hành trình sống, đó là trải nghiệm thực tế. Điều đó đã đem đến cho chúng ta đời sống văn chương cởi mở hơn, thoáng hơn, hiện đại hơn và trẻ trung hơn. Chính đó là một chất liệu sáng tác tốt và chúng ta đọc được những tác phẩm rất mới, chúng ta tiếp cận được với những tên tuổi tác giả trẻ, họ đã đem đến luồng gió mới. Văn đàn luôn luôn cần những luồng gió độc và lạ như vậy, cần những dòng chảy mới, những dòng chảy biết tách dòng để đem tới sự phong phú, hấp dẫn cho văn đàn.
- Vậy thì theo anh, người trẻ khi bắt đầu dấn thân vào đường viết nên chuẩn bị những gì?
+ Với người viết, điều đầu tiên bạn cần là bản năng văn chương. Bản năng văn chương tồn tại trong con người mình, như một loài hoa vậy, đúng mùa thì nở. Bản năng văn chương sẽ dẫn dắt chúng ta trên hành trình sáng tạo đó. Thêm nữa, sự trải nghiệm thực tế là vô cùng quan trọng. Đó là vốn sống, là cảm nhận thực tế, là sự dấn thân, va đập thực tiễn… Đó sẽ là chất liệu cho chúng ta viết. Để đi dài lâu với văn chương, mình phải có kế hoạch rõ ràng, một sự dấn thân quyết liệt. Hãy coi văn chương như là một câu chuyện của đời sống vậy, đói thì chúng ta ăn, khát thì chúng ta uống. Nó phải tồn tại hiển nhiên trong đời sống của người viết lách, trong đầu bạn luôn luôn phải có những ý niệm về viết lách. Có những câu chuyện đang diễn ra hàng ngày, bạn cần phải nghĩ về nó, ngồi xuống và viết. Không thể viết một cách tùy hứng, không chờ cảm xúc đến mà có khi phải gọi cảm xúc về. Bạn phải luôn xác tín với bản thân rằng, văn chương giống như là hơi thở. Hãy yêu văn chương như hơi thở của mình, lúc ấy bạn sẽ thực sự được sống trọn vẹn và tận hiến.
- Hầu hết các tác giả trẻ đều phải tự thân mình bơi trên hành trình viết, vậy việc vào một hội nhóm có ích gì so với việc viết tự do?
+ Chúng ta có một nền văn chương như bây giờ chính là sự kế thừa và tiếp nối những giá trị từ các thế hệ đi trước. Một tác giả trẻ tự bơi trên con đường viết lách thì độ phổ quát có thể rộng nhưng quy chuẩn thì không có. Nhất là trong thời đại 4.0 như bây giờ, mạng xã hội phát triển và thực tế là văn chương trên mạng rất nhiều, nhưng để tìm thấy thứ văn chương tinh túy thì không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc. Chúng ta thấy, thực tế là nếu không có tác phẩm quy chuẩn thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp nhận của người đọc. Cho nên, một tác giả được kết nạp vào hội, nhóm nghề nghiệp, theo tôi, là cần thiết. Bởi vì, vào hội, người viết sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Thứ hai là được giao lưu, được đi thực tế sáng tác, được đến với những vùng đất mới.
- Anh có lời nhắn nhủ gì đối với các bạn viết cùng trang lứa?
+ Tôi vẫn thường nói với các bạn tôi rằng, chúng ta sống một cuộc đời tử tế thì chúng ta sẽ viết được những câu chữ tử tế. Chúng ta cứ thương nhau, thương văn chương và thương cuộc đời này thì tự khắc một ngày nào đó, văn chương của mình sẽ có độc giả. Và chắc chắn độc giả sẽ thương nhà văn chúng ta. Chỉ cần hai điều đó thôi thì văn chương luôn luôn sống mãi.
- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Tống Phước Bảo về cuộc trò chuyện.