Giải thưởng “Tác giả trẻ” lần 2: Đồng vọng cảm thức nguồn cội

Thứ Bảy, 18/03/2023, 12:39

Cảm thức nguồn cội, đi sâu nhận vị bản thể chính là điểm nổi bật của những tác phẩm đoạt giải thưởng “Tác giả trẻ” lần 2. “Tự tin, mạnh bạo và khuynh loát hơn” là những gì nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá về ngòi bút sung sức của người trẻ.

Trong hệ thống giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng “Tác giả trẻ” dành cho tác giả dưới 35 tuổi chỉ mới xuất hiện từ năm 2021. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng giải thưởng này được giới chuyên môn và dư luận rất quan tâm bởi mục đích phát hiện, tôn vinh những tài năng trẻ, xu hướng sáng tác mới, từ đó ươm mầm thế hệ văn chương kế cận. Chính vì vậy, ở mùa giải lần hai này, ban tổ chức nhận được rất nhiều tác phẩm ấn tượng từ khắp mọi miền Tổ quốc.

1 tac gia.jpg -0
Từ trái qua: Trần Đức Tín, Lê Vũ Trường Giang và Vĩ Hạ đoạt giải thưởng “Tác giả trẻ” lần 2.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Hội đồng Chung khảo cho biết trong tổng số tác phẩm gửi đến Ban Sáng tác tham dự xét giải, thơ và văn xuôi là hai thể loại chiếm số lượng áp đảo. Mặt bằng sáng tác của tác giả trẻ là vững về kỹ thuật, khoáng đạt sắc sảo trong cách tiếp cận mổ xẻ các vấn đề của xã hội đương thời với trách nhiệm công dân cũng như với lương tri của người sáng tác.

Cuối tháng 2 vừa qua, lễ trao giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2022 đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” của Lê Vũ Trường Giang, tập thơ “Đi tìm những bóng người” của Vĩ Hạ và tập thơ "Chín nhánh da vàng" của Khét (Trần Đức Tín) được vinh danh. Nhận xét về ba tác phẩm đoạt giải, nhà văn Nguyễn Bình Phương thán phục: “Ở những tác phẩm trên, cách tiếp cận, cách nhìn nhận thời cuộc cũng như vấn đề xã hội mang dấu ấn một cảm quan khác theo cá tính riêng với toàn bộ sự sắc sảo, mẫn tiệp của người trẻ. Nói xác thực hơn, người sáng tác trẻ đã cảm nhận “thân nhiệt” và “kích thước” của thế giới xung quanh mình với tinh thần tự tin, mạnh bạo và khuynh loát hơn, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi chiều sâu của sự phân tích, nghiền ngẫm. Ngay trong cách lựa chọn đề tài, người viết trẻ cũng không ngại ngần lảng tránh, trái lại, còn mạnh dạn chạm tới những vấn đề nhạy cảm, thậm chí còn can đảm vượt qua cả quan niệm đạo đức phổ thông, để soi rọi những góc thầm kín bên trong con người cá nhân với tinh thần cảm thông, chia sẻ. Nó cho thấy tính kế thừa tinh thần nhân văn phổ quát mà còn cho thấy nhãn quan và một hệ thống mỹ cảm khác biệt, chống lại đà chi phối của thói quen cũng như nằm ngoài sự hoạch định của những cơ chế quản lý cứng nhắc”.

Theo ông, các tác giả trẻ không dừng lại ở việc quan tâm phản ánh, phân tích hiện thực, mà còn mạnh dạn đặt hiện thực trong tương quan với lịch sử. Và lịch sử được mời tới chẳng phải bằng tinh thần “điểm phấn tô son lại” mà bằng tinh thần mổ xẻ khách quan để nhìn ra bản chất của vấn đề, từ đó soi rọi vào thực tại. Lịch sử trong quan niệm của tác giả trẻ cũng không chỉ dừng ở giai đoạn phong kiến hay thuần túy ngừng tụ ở các nhân vật danh tiếng. Nó được nới rộng ra để tiệm cận ngày hôm nay, mà điểm tiếp xúc chính là sự va đập giữa những cá nhân vô danh với biến cố mang tính thời cuộc.

“Bạc màu áo ngự” của tác giả Lê Vũ Trường Giang gồm 13 truyện ngắn về những thân phận, nhân vật có thật hoặc hư cấu qua những thời kỳ lịch sử từ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của vua Hàm Nghi, trận chiến Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, đến cuộc chiến sinh tồn của người tị nạn trại Shek Kong ở Hồng Kông… Xuyên suốt tập truyện, người đọc cùng tác giả lần tìm những phế tích thời cuộc qua số phận từng con người nhỏ bé. Với các danh nhân lịch sử, tác giả lại chọn điểm nhìn khách quan nhất, loại bỏ tinh thần ngưỡng vọng mặc định để ta thấy chuyện cũ, người cũ như mới ngày hôm qua.

2 chin nhanh da vang.jpg -0
Tập thơ “Chín nhánh da vàng” của Khét - Trần Đức Tín.

Cảm thức nguồn cội cũng đậm đặc trong tập thơ “Chín nhánh da vàng” của Khét. Những câu thơ phá vỡ mọi niêm luật, vần điệu mà chân phương, thâm trầm như ruộng đồng, đất đai bật ra tự nhiên từ chính nỗi khắc khoải của người con xa quê - xa vùng đất cuối trời Tổ quốc. “Tôi nhớ tôi/ ngày tháng rong chơi/ ruộng đồng nứt nẻ/ đầu trần chân đất/ con diều giấy nở nụ cười/ những trưa hè sũng ướt cá lia thia/ mỗi cọng rơm là một tia nắng mặt trời/ chiều nghẹt thở bên biển mặn/ như muỗi bao vây đống vỏ dừa đốt vội/ man mác khói bay/ sao mà cay/ sao mà mặn nồng/ tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong” (Trích “Tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong”).

Nhận xét về tập thơ này, nhà văn Tống Phước Bảo cho rằng: “Tập thơ tựa như những thanh âm réo rắt rồi chợt vỡ vụn giữa thinh không. Tiếng vọng cứ vậy mà vang rền lềnh lềnh mang mang trên tràng giang sóng nước, len lỏi vào kinh rạch vườn tược, quyện vào phấn thổ đồng bưng. Xứ chín nhánh châu thổ này phù sa là câu chữ, thơ là nguồn cội và ruộng đời chính là cố quận”.

Ngay thời điểm ra mắt sách, “Bạc màu áo ngự” và “Chín nhánh da vàng” đã gây tiếng vang trong văn giới. Thậm chí, bước tiến dài của Khét với “Chín nhánh da vàng” đã thúc giục Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức một buổi tọa đàm mang tên tập thơ đượm vị phù sa này. Lê Vũ Trường Giang và Khét đều ít nhiều ghi dấu ấn ở các tác phẩm trước đó thì Vĩ Hạ là tên tuổi hoàn toàn mới. Chàng sinh viên mới 18 tuổi nhưng bút lực chẳng hề thua kém đàn anh. Nếu ở “Chín nhánh da vàng”, hành trình của Khét là từ xô bồ cộng đồng để tìm ra đặc tính cá nhân thì ở chiều ngược lại, với “Đi tìm những bóng người”, Vĩ Hạ chọn cách khởi từ con người cá nhân đầy suy ngẫm, mẫn cảm bước ra bên ngoài để định vị nhân gian phức tạp, rộng lớn. Hội đồng Chung khảo nhận thấy thơ Vĩ Hạ tráng phủ thế giới xung quanh bằng toàn bộ trạng thái nội tâm tinh tế, vi diệu với nhiều suy nghĩ, nhiều liên tưởng ảo lạ và hết sức riêng biệt.

3 bac mau ao ngu.jpg -0
Tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” của Lê Vũ Trường Giang.

Lần thứ hai được xướng tên ở giải thưởng “Tác giả trẻ”, nhà thơ Trần Đức Tín cho biết mình rất vui khi cảm nhận không khí văn chương của cả nước nói chung và của những người trẻ nói riêng dường như đang rộn ràng trở lại. Điều đáng quý ở anh chính là thái độ hết lòng với văn chương, coi văn chương như nguồn sống, hơi thở chứ không phải là cuộc chơi tạm bợ: “Văn chương theo tôi dù viết bằng ngôn ngữ, bằng suy nghĩ nào thì điểm đến cuối cùng cũng là con người. Chúng ta luôn muốn hạnh phúc và bình yên. Mà chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc, thực sự bình yên khi và chỉ khi chúng ta sống bằng lòng tốt. Và điều này tôi cho rằng thơ và văn chương làm tốt điều đó. Cho nên tôi lưu lại trong thơ tiếng à ơi, hình ảnh của chiếc áo bà ba, của những rặng đước, rặng dừa reo mát tuổi thơ... Trong thơ, tôi cũng lật giở lại những dằn vặt của tổ tiên, những khát vọng, ước mong cống hiến của từng lớp người đến và đi như sóng. Tôi hy vọng, mình sẽ là phần nhỏ của một giọt nước nhỏ, góp sức cùng lớp người thế hệ tôi, tạo nên một con sóng nào đó để tiếp nối những khát vọng của ông cha, của nước non, của tiếng Việt thân yêu máu thịt này”.

Điều đáng trân trọng hơn hết chính là sự nhiệt huyết, tận tình của Hội Nhà văn Việt Nam trong cách thức tuyển lựa tác phẩm xét giải. Nhiều tác giả không trực tiếp gửi tác phẩm về mà do Hội đích thân phát hiện và mời gọi. Chẳng hạn tập thơ “Đi tìm những bóng người” của Vĩ Hạ không hề được in thành sách. Nó chỉ xuất hiện trên mạng xã hội như cách tác giả giao lưu, chia sẻ nội bộ với bạn bè. Tình cờ lướt mạng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mới phát hiện ra tiếng thơ thú vị này. Ông cho rằng dù người trẻ có xu hướng viết không công khai, không có nhu cầu in ấn rộng rãi nhưng họ đã viết với tinh thần trách nhiệm và lương tâm cao nhất thì nghĩa vụ của Hội là phải phát hiện ra họ, ghi nhận, tôn vinh công sức, kết quả lao động của họ.

“Giải thưởng dành cho các tác giả trẻ là một sự khởi đầu trên con đường sáng tạo. Những bạn đoạt giải thưởng không cần phải nói lời cảm ơn Hội, vì đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là trách nhiệm phát hiện, tôn vinh và bảo vệ những giá trị thực sự của văn học Việt Nam và giúp các giá trị đó lan tỏa, tài năng được bồi dưỡng. Các bạn sẽ trở thành nhà văn như thế nào trong ngày mai đó là quyền quyết định của các bạn. Chúng tôi chỉ đặt vào các bạn một thứ thôi, đó là niềm tin và chờ đợi ở các bạn” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Mai Quỳnh Nga
.
.