Sợi tơ cột trái tim người
Nhà thơ Nông Thị Hưng được sinh ra trong một gia đình người Tày, đông con, có 8 anh chị em, ở xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, quê hương của người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Chị là nhà thơ thuộc thế hệ 7X (sinh năm 1970), hiện tại là hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam từ năm 2010, Hội viên Hội VHNT Bắc Giang, năm 2014.
Sinh ra từ đất đồng rừng
Nhà có mười miệng ăn, ở đất đồng rừng, trong giai đoạn kinh tế thời chiến và bao cấp, đủ biết sự khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt của bà con nơi đây nói chung và gia đình Nông Thị Hưng nói riêng vất vả biết chừng nào. Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chị chỉ được học hết bậc phổ thông rồi ở nhà lên nương làm rẫy phụ giúp bố mẹ nuôi các em.
Sau đấy ít lâu Nông Thị Hưng đi lấy chồng. Vợ chồng sinh hạ được hai đứa con. Đến nay một cháu học đại học và một cháu học THPT ở Hà Nội. Theo tôi được biết, trong một lần vợ chồng va chạm to tiếng với nhau, người chồng đã đốt hết bản thảo thơ của chị. Không biết đấy có phải là nguyên nhân chính yếu khiến mãi đến năm 2014, cô gái Tày này mới in tập thơ đầu tay, dù chị đã làm thơ từ rất sớm, trước đó 14 năm (2000)?
Và tôi cũng không biết đây có phải là lần giọt nước tràn ly cuối cùng để dẫn đến tan nát một mái ấm gia đình hay không? Chỉ biết rằng, hiện tại Nông Thị Hưng là một bà mẹ đơn thân. Ở độ tuổi trung niên, một nách hai con bồng bế nhau xuống Hà Nội làm đủ mọi việc để kiếm sống và nuôi hai đứa con ăn học. Chị không vốn liếng, không bằng cấp chuyên môn, không nghiệp vụ gì, chỉ có hai bàn tay trắng. Có lẽ sức lao động và niềm say mê với thơ ca là gia tài duy nhất mà Nông Thị Hưng có lúc này.
Cả khán phòng dường như lặng đi khi Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương được mời lên phát biểu. Ông đã kể lại một kỷ niệm, hay đúng hơn là một ân nghĩa mà nhà thơ Nông Thị Hưng đã dành cho gia đình người anh đồng nghiệp Phạm Thanh Khương. Đó là vào thời điểm cách đây chưa quá lâu, vợ nhà văn Phạm Thanh Khương bị mắc bệnh đau dạ dày. Vợ chồng ông đưa nhau đi khám, bác sĩ bảo rằng, căn bệnh của chị nhà cần phải dùng loại mật ong rừng xịn, nguyên chất với bột nghệ uống mỗi ngày.
Chẳng hiểu cơ duyên từ đâu đến, Phạm Thanh Khương đã gặp được người phụ nữ Tày Nông Thị Hưng và nhờ chị giúp kiếm cho một ít mật ong rừng loại thứ thiệt. Chị nhận lời và phải mất ba tuần liền lặn lội vào tận rừng sâu mới kiếm được mấy lít mật ong loại đó. Nhờ uống thứ mật ong xịn này mà bệnh loét dạ dày của vợ ông Đại tá, nhà văn ngày một thuyên giảm. Và đến nay hoàn toàn khỏi hẳn.
Tuy giá trị kinh tế của mấy lít mật ong ấy chẳng đáng là bao, nhưng tấm lòng thương người như thể thương thân với vợ chồng người anh nhà văn Phạm Thanh Khương của chị lại không thể nào cân, đong, đo, đếm được.
Những vần thơ mang đậm hồn Tày
Đến nay nhà thơ Nông Thị Hưng đã xuất bản 4 tập thơ gồm: “Mười bài”, NXB Hội Nhà văn, 2014; “Men rừng”, NXB Văn hóa Dân tộc, 2018; "Tình núi” NXB Văn học, 2020; “Sợi tơ cột trái tim người”, NXB Hội Nhà văn, 2024. Chị đã từng nhận được Giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam các năm 2018, 2020. Chị cũng là cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương.
Với không ít người, chỉ cần xem tên các tập thơ của Nông Thị Hưng như: “Men rừng”, “Tình núi” cũng có thể hình dung ra được chất Tày ẩn chứa bên trong nội dung các tập thơ của chị.
Đấy là không khí Tày toát lên từ không gian địa lý, vùng cư trú của đồng bào gắn liền với làng, bản nơi núi, rừng, đại ngàn, miền biên cương của Tổ quốc được gợi lên ngay từ tên đặt cho các bài thơ như: “Đi tìm khu rừng tuổi thơ”, “Tiếng gọi bên kia núi”, “Đại ngàn réo khúc tình ca”, “Rừng nâng bước tôi đi”, “Mùa xuân trên đỉnh mù sương”, “Nhịp điệu bản xa”, “Tiếng chim cài trong sắc nắng đại ngàn”, “Ký ức hoa ban”, “Giấc mơ trổ vàng bên núi”, “Suối nguồn sinh sôi”, “Trăng đầu non thắp sáng trong tôi”, “Vùng chiều biên giới thiêng liêng”…
Hơn nữa, không khí Tày trong thơ Nông Thị Hưng còn được tạo nên bởi bản sắc văn hóa của riêng dân tộc Tày, mà khi nói đến, hầu hết mọi người chúng ta ai cũng biết. Đó là những lời ru con, những làn điệu dân ca Sli, Lượn, điệu xòe hay những món ẩm thực như bánh Tày… cũng được thể hiện khá rõ từ tên các bài thơ của Nông Thị Hưng như: “Lời ru vọng từ đá núi”, “Điệu Sli mang theo sắc lá”, “Ngả nghiêng vòng xòe đêm hội”, “Lời Sli trong đêm”, “Chiếc bánh mang vũ điệu núi rừng”, “Khúc lượn đêm hội thiêng”, “Lời Sli gửi lại”, “Cha đi bóng núi theo cùng”…
Giọng điệu thơ là nét đặc trưng để phân biệt thơ, văn của người này với thơ văn của người khác. Hiểu một cách nôm na, giọng điệu tức là cách diễn đạt ý tưởng của chủ thể sáng tạo - nhà thơ. Qua cách diễn đạt ấy mà người đọc có thể phân biệt được ở những mức độ khác nhau, nhà thơ này là người miền xuôi hay người miền ngược, người thuộc các dân tộc vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên hay người thuộc các dân tộc vùng sông nước miền Tây và miền Đông Nam bộ.
Dù có thể chưa đạt đến độ chín của giọng điệu để tạo nên phong cách riêng của tác giả, nhưng ít nhiều cũng đã có những tín hiệu tích cực, tạo dấu ấn trong lòng những người yêu thích thơ của chị.
Bài mở đầu trong tập thơ “Sợi tơ cột trái tim người”, Nông Thị Hưng đã giới thiệu quê hương bản quán của mình với một giọng điệu riêng, khác lạ: “Đêm Trại Hạ dốc vào Hố Đá/…/ Trại Hạ ơi dẫu đi khắp muôn phương/ Vẫn ngược dốc theo đêm về với núi/ Mẹ cha ta một thời trong tăm tối/ Đàn con thơ như cây lim cây sến lớn lên”… (Ngôi sao trong mắt mẹ). Hay: “Người ta bảo/ Gần nhau thì bắc thêm giàn/ Lời then trổ vàng trên nương/ Câu lượn vang vang bên vách/ Yêu em xin đừng rời/ Kẻo đất trời chia đôi”. (Sợi tơ cột trái tim người).
Ngôn ngữ thể hiện là dấu hiệu rõ nét cuối cùng để tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền. Trong thơ Nông Thị Hưng cũng có một lớp ngôn ngữ thể hiện những nét đặc trưng văn hóa Tày của riêng mình, bước đầu góp phần tạo nên dấu ấn phong cách thi ca của chị: “Khi ta khóc rừng cũng rơi nước mắt/ Khi ta vui cây nảy lộc đâm chồi”. (Đại ngàn réo khúc tình ca). Chỉ cần đọc hai câu thơ này, chúng ta dễ dàng nhận biết đây là thơ của một tác giả người dân tộc thiểu số. Suốt cả cuộc đời, trải qua bao thế hệ, họ sống trong rừng, ăn nằm với rừng, chết đi cũng lại về rừng. Rừng là một phần máu thịt không thể tách rời của đồng bào, như ruột già, người thân nên mới biết khóc chứ.
“Bản làng em cứ bảo/ Em như bị ma chài/ Cái thằng em lấy nó/ Nó nói điều không hay”. (Rừng nâng bước tôi đi). Một cô gái người dân tộc thiểu số lận đận trong tình duyên vừa oán trách người bạn đời của mình, vừa tự oán trách mình một cách thật sự ý nhị, nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Người Kinh thường nói là ma ám, ma bắt, ma lấy hồn… chỉ có người Tày mới nói là ma chài. “Ngày xưa mẹ vẫn ru tôi/ Tiếng ru đồi núi đưa nôi thật gần”… (Lời ru vọng từ đá núi). Rõ ràng là người miền xuôi không thể nào có “Tiếng ru đồi núi” được.
Còn đây, những cụm từ này không chỉ là ngôn ngữ của người miền núi mà đích thị là của đồng bào Tày: “Mùa xuân nào cha cõng chữ về thung/ Mang câu Sli vượt núi/ Bản làng vui như mở hội/ Lớp học chênh vênh gió ngang đồi/ …/ Ruộng bậc thang dắt nhau từng bậc/ Tiếng đàn then thắp sáng đỉnh trời”. (Bóng cha lồng bóng quê hương). Đời sống văn hóa của người Tày thường gắn liền với những làn điệu Sli, Lượn và cây đàn Then, đàn Tính tẩu như là những biểu trưng cho bản sắc văn hóa được tích tụ từ bao đời nay mà không một dân tộc nào có.
Xin chân thành chúc mừng nhà thơ và hy vọng sẽ được đọc những tập thơ có nhiều dư vị Tày của chị.
----------
(*) “Sợi tơ cột trái tim người”, thơ của Nông Thị Hưng, NXB Hội Nhà văn, 2024.