Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, người nhân hậu và trách nhiệm

Chủ Nhật, 15/09/2024, 09:15

Cách đây hơn 20 năm, lần đầu gặp Nguyễn Thị Mai ở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi ngạc nhiên, đâu ra có người đẹp thế. Thế rồi ít năm sau, Nguyễn Thị Mai lại cùng sinh hoạt trong Ban Nhà văn nữ với tôi. Gần gũi nhau tôi nhận ra, Mai rất dịu dàng, chăm chỉ, giản dị và chân thành.

Công việc của Ban muốn nhiều thì làm mãi cũng không hết, muốn rảnh thì chỉ gặp nhau cho vui, cũng chẳng ai chê được, vì Ban Nhà văn nữ chỉ là cánh tay nối dài của Ban Chấp hành, không có lương thưởng gì nên chả ai nỡ chê. Nhưng chị em chúng tôi thì lại toàn những người ham hoạt động.

Hai người tích cực nhất trong Ban (giai đoạn năm 2007-2015) là Thành Đức Trinh Bảo và Nguyễn Thị Mai. Họ đều còn trẻ, nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Ban đầu, tôi nghĩ họ đều nhẹ gánh gia đình, được chồng con đỡ đần nhiều việc nên có thời gian để tận tâm “vác tù và hàng tổng”. Thân hơn mới biết, các bạn ấy đều đảm việc nhà, thậm chí còn là trụ cột của gia đình, mọi việc lớn nhỏ đều đến tay. Riêng Nguyễn Thị Mai thì cho đến bây giờ vẫn vất vả như hồi ấy, dù đã ở tuổi bà ngoại.

1.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai.

Tôi và Trinh Bảo thì đã thôi công tác tại Ban Nhà văn nữ. Còn Mai thì vừa dừng làm bên Hội Nhà văn Việt Nam lại làm ngay Trưởng ban Nhà văn nữ của Hội Nhà văn Hà Nội. Chị đi lại như con thoi suốt ngày bằng cái xe Honda 82 đã dùng mấy chục năm, vừa công việc Hội, vừa công việc nhà lại vừa đưa đón cháu đi học hàng ngày. Hình như truyền thống đảm đang tần tảo của người phụ nữ ngấm vào người khiến chị quen rồi, nhưng cái chính vẫn vì Nguyễn Thị Mai quá tháo vát và đầy trách nhiệm, nên nhìn thấy việc gì mà chậm chạp hoặc khó khăn là chị lao vào làm lấy mới yên tâm.

Sinh năm 1955, quê cha ở Phú Thọ nhưng Nguyễn Thị Mai chào đời, và lớn lên tại quê mẹ ở Gia Lâm, Hà Nội. Từ khi 8 tuổi, Mai đã đọc nhiều "Truyện Kiều", truyện "Lục Vân Tiên" và các truyện Nôm khuyết danh cho bà ngoại nghe mỗi đêm nên Mai thuộc và thích thơ văn từ đấy. Rồi ước mơ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã thực hiện được.

Tốt nghiệp ra trường Nguyễn Thị Mai được phân công lên dạy tại Trường Sư phạm 10+3 Hòa Bình. 4 năm sau, chị thi đỗ và học Cao học Ngữ văn (chương trình Thạc sĩ bây giờ) rồi về dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Từ năm 1993 Mai chuyển ngành sang làm công tác Hội Phụ nữ, từ Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tây (cũ) đến Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam rồi giảng dạy ở Học viện Phụ nữ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Dù ở cương vị nào cái chất sư phạm (chuẩn mực, chân chất…) vẫn thấm đẫm trong con người chị.

Miệng cười tươi tắn, đôi mắt lóng lánh, gương mặt khả ái, Nguyễn Thị Mai lại là người văn thơ mơ mộng, tính tình xởi lởi thì sẽ có những “cái đuôi”, có những “phi công” hoặc “vệ tinh” đeo bám. Và thế là tất yếu gặp những chuyện thị phi, gắp lửa bỏ tay người. Nhưng Mai sống vị tha, nhân hậu. Không để ý làm gì.

Hồi làm công tác Hội Phụ nữ hoặc giảng dạy ở Học viện Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Mai là cộng tác viên đắc lực của Báo Phụ nữ Việt Nam. Chị có thơ in báo từ năm 1976 với bài thơ “Tâm sự cô giáo trẻ” được nhiều sinh viên sư phạm yêu thích. Thơ Nguyễn Thị Mai phong phú về đề tài, giàu hình ảnh gợi cảm và nhiều cảm xúc. Mai không lấy câu chữ làm duyên mà lại rất duyên, chính vì sự chân thành giản dị của tâm hồn con người sống vị tha nhân hậu đã thấm vào chữ nghĩa.

Bài thơ viết trước ngày mẹ mất

Nhà quê còn chút mẹ già
Đêm thâu thức giấc canh gà ho khan
Mái nghèo một bóng ba gian
Mảnh sân nắng dội mưa chan tháng ngày

Vườn quê còn rặng xoan gầy
Lá rơi xót đất hoa bay đắng trời
Bù nhìn ra ruộng đứng chơi
Nón mê sụp mặt, áo tơi tay què

Xa nhà thoáng gặp bờ tre
Thoáng mùi khói rạ đã nghe nhớ làng
Đã lòng nơm nớp xốn xang
Thảng hương chuối chín… gió đang lớn dần

Trong mình xẻ dạ, phân thân
Bởi chưng còn mẹ ở phần nhà quê.

Hay là bài: "Nhà không có bố", nằm trong chùm thơ đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tổ chức, 1992.

Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn
Bơm xe chẳng hiểu cái jun
Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô
Không có bố, không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm
Ngày đông gió bấc mưa dầm
Đậy che mái dột, âm thầm mẹ con
Chẳng vui tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống, em còn bán chai
Nước đun sôi để nguội hoài
Nhà không có bố, biết ai pha trà

Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở chẳng là dòng sông.

Và bài: "Qua hàng trầu nhớ mẹ" là bài tôi xúc động nhất, nhớ mẹ nhất mỗi năm vào Ngày của mẹ:

Gian hàng trầu vỏ quen một thuở
Cau tươi, vỏ thắm, lá thơm cay
Đi chợ con bớt dăm đồng vặt
Mua để mẹ ăn mỗi thường ngày

Quết trầu đỏ thắm làn môi mẹ
Sau bữa cơm đèn, trải chiếu hoa
Mẹ ngồi thong thả bên hè mát
Hàng xóm sang chơi ấm cửa nhà

Nhưng rồi hình bóng về xa khuất
Mẹ chẳng còn ăn những miếng trầu
Chiếc cơi trống vắng hơi đồng lạnh
Con đặt tay vào ngón buốt đau…

Mẹ ơi!
Thơm cay một miếng trầu xưa
Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
Bây giờ đã hết gieo neo
Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!

Từ ngày đưa mẹ ra đồng
Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn.

Thơ Nguyễn Thị Mai cứ chân thật, chất phác như thế nên nhiều người thuộc. Chị làm thơ cho bản thân, như một lời tâm tình với chính mình, không coi thơ là nấc thang để tiến bước trong sự nghiệp. Với bạn bè, Nguyễn Thị Mai luôn hết lòng. Công tác của Ban Nhà văn nữ có hai việc vất vả nhất là tổ chức các chuyến đi thực tế và thăm hỏi các nữ nhà văn tuổi cao sức yếu hoặc việc hiếu. Mai làm bền bỉ từ nhiều năm nay. Đi thực tế sáng tác là công việc tổ chức khá khó khăn phức tạp.

Mai luôn là người tìm địa điểm, kết nối với địa phương, xin hỗ trợ kinh phí của bạn bè hoặc nhờ địa phương giúp đỡ… (việc này bản thân tôi rất ngại). Có kinh phí rồi lại lập chương trình hoạt động, lo ăn lo ở, lo xe đưa đón… Ôi chao! từ A đến Z, sao cho chuyến đi an toàn mọi mặt, đảm bảo từ khởi sự đến hoàn thành và phải đạt kết quả tốt. Với các nhà văn còn trẻ thì đơn giản, không phải chăm sóc và lo lắng nhiều nhưng với các nhà văn nữ cao tuổi thì có nhiều vấn đề trong mỗi chuyến đi như vậy. Nào giấy mời rồi vẫn phải nhắc khỏi quên, nào nhắc mang thuốc men, nhắc giờ ra xe, nhắc đồ đạc lên xuống xe kẻo quên và thường xuyên hỏi han việc ngủ nghê ăn uống… Hoặc việc phân phòng ở ghép cho chị em, dù chỉ một đêm cũng phải lựa tính lựa người sao cho phù hợp để chị em thoải mái. Mà có thoải mái mới vui vẻ, mới có hứng sáng tác. Hồi tôi còn công tác cùng chị, đôi khi cũng nản. Nhưng Nguyễn Thị Mai thì không, lúc nào chị cũng tươi cười, hài hước để tạo không khí vui vẻ cho chuyến đi và tận tâm, trách nhiệm đến cùng.

Cho đến nay Nguyễn Thị Mai đã tổ chức được hàng chục chuyến đi thực tế ở mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam, từ biên giới đến hải đảo… Hồi 2020, dịch COVID-19 bùng phát, người dân hoang mang và lo sợ, náo loạn đi mua khẩu trang và mỳ tôm dự trữ. Dịp 8/3, lãnh đạo Hội đề nghị dừng không tổ chức gặp mặt các nhà văn nữ như mọi năm, Nguyễn Thị Mai đã đeo khẩu trang đi đến nhà 20 nhà văn nữ trên 80 tuổi tặng hoa và quà động viên các chị.

Bây giờ, Nguyễn Thị Mai phụ trách hai Ban của Hội Nhà văn Hà Nội: Ban Công tác nhà văn nữ và Ban Công tác hội viên… Nguyễn Thị Mai quả là “người vác tù và hàng tổng” nhân hậu và trách nhiệm.

Hà Nội, tháng 9/ 2024

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã có 16 tập thơ và 4 tập văn xuôi gồm truyện vui và phê bình tiểu luận. Mai cũng có duyên với nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu như: Giải B tập thơ “Thời hoa gạo cháy” năm 1995, giải A tập thơ “Nón trắng sang đò” năm 1997 đều của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; giải Nhất (chùm thơ 2 bài: “Nhà không có bố” và “Giờ văn”) sáng tác văn học cho trẻ em - do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tổ chức năm 1992; giải Nhì cuộc thi thơ chủ đề về gia đình do Báo Văn nghệ và Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994 (không có giải Nhất) với bài “Nói với con chồng”; Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ lục bát chủ đề “Ngàn năm thương nhớ” do Báo Văn nghệ và 4 báo Trung ương đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Giải Nhì - Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Văn học về đề tài Biên giới - Hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Mang quê ra đảo” năm 2020...

Trần Thị Trường
.
.