Sân khấu với đề tài lịch sử: Cần sự quan tâm đúng mức

Thứ Năm, 02/09/2021, 11:31

Đối với sân khấu nói chung và các bộ môn nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương nói riêng, những vở diễn về đề tài lịch sử vẫn luôn là lợi thế đáng kể. Trong nhiều năm qua, hầu như năm nào các nhà hát của các bộ môn kịch hát truyền thống cũng xây dựng những vở diễn mới về đề tài lịch sử. Hiện tại, bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa vẫn cần có sự quan tâm đúng mức, có kế hoạch, chiến lược đầu tư dài hơi cho mảng đề tài này.

Sức hút từ các nhân vật lịch sử

Vừa qua, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh hùng dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (25/8/1911 - 4/10/2013, người ta lại nhắc đến một số vở kịch lịch sử đương đại đã lấy hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trung tâm như: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên" (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh); "Nhiệm vụ hoàn thành" (Kịch bản: Nhà văn Xuân Đức - Đạo diễn: NSND Lê Hùng; "Mệnh lệnh thần kỳ" (Kịch bản: Trần Đình Ngôn và Bùi Đắc Sừ); "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân" (Kịch bản Vũ Hải - Đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSND Hồng Lựu)... Cuộc đời, tài năng và phẩm hạnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với 2 cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho các lĩnh vực như văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc...

1.jpg -0
Một cảnh trong vở cải lương "Trung thần" (kịch bản và đạo diễn: Hoa Hạ) của Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP. Hồ Chí Minh dàn dựng năm 2015.

Đối với sân khấu, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sức hút khá đặc biệt và các vở diễn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện cả trên sân khấu kịch nói, chèo, kịch hát dân ca. Không chỉ là những bản hùng ca gắn với những mốc son hào hùng của dân tộc, những vở diễn xoay quanh hình tượng nhân vật lịch sử là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem đến cho khán giả những thông điệp nhân văn về tình cảm gia đình, tình đồng đội đồng chí, tinh thần nhân văn, lòng yêu thương con người...

Đề tài lịch sử vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để các nhà biên kịch, đạo diễn thỏa sức sáng tạo và truyền tải những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với khán giả. Trong số những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử, phải kể đến bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của kịch tác gia Tào Mạt được Nhà hát chèo Quân đội xây dựng, giữ gìn và kế truyền qua các thế hệ nghệ sĩ đã mấy chục năm qua. Đó là các vở: "Lý Thánh Tông chọn người tài", "Ỷ Lan coi việc nước" và "Lý Nhân Tông học làm vua". Đây không chỉ trở thành những vở chèo mẫu mực mà còn là những bài ca về lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam được kế truyền qua bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống đặc sắc.

Có thể nói, phần lớn những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử đều được lấy cảm hứng từ những nhân vật có công lao, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước như Lý Công Uẩn, Lý Chiêu Hoàng, Trần Thủ Độ, Trần Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Quang Trung - Nguyễn Huệ...

Và qua năm tháng, nhiều bài học lịch sử về dựng nước, giữ nước, nhân sinh quan, những phẩm chất tốt đẹp của con người qua những nhân vật ấy vẫn còn nguyên giá trị trong cái nhìn soi chiếu của con người hiện đại hôm nay. Có lẽ chính vì thế, đến nay đã có nhiều chục vở kịch về nhân vật kỳ tài Quang Trung - Nguyễn Huệ; có vài chục vở diễn về cuộc đời tỏa sáng nhưng bi ai của danh nhân Nguyễn Trãi với vụ án oan Lệ Chi Viên; các vở diễn về hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt, về người thầy Chu Văn An, danh sĩ Ngô Thì Nhậm...

Những vương triều thịnh trị như đời Lý, đời Trần hay những mốc chuyển giao có tính bước ngoặt trong lịch sử dân tộc liên quan đến các nhân vật nổi tiếng như “Hoàng hậu hai vua” Dương Vân Nga, nữ vương Lý Chiêu Hoàng, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Trần Bình Trọng... thực sự đã được khai thác triệt để với nhiều khía cạnh và cái nhìn khác nhau, thậm chí là chứa đựng cả sự trái chiều.

2.jpg -0
Vở kịch "Làm vua" của sân khấu Lệ Ngọc ra mắt hồi cuối tháng 4-2021.

Không chỉ có những đoàn nghệ thuật ở tuyến trung ương chăm chỉ dựng những vở kịch lịch sử, mà một số đoàn nghệ thuật địa phương như Đoàn chèo Nam Định, Nhà hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh... rất tích cực trong việc xây dựng kế hoạch dàn dựng, biểu diễn các vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử. Trong đó, đoàn chèo Nam Định là đơn vị có được những vở diễn về đề tài lịch sử chất lượng như "Trần Quốc Toản ra quân", "Trạng Lường Lương Thế Vinh", "Soi bóng người xưa", "Tấm vóc đại hồng"...

Đối với kịch nói, tần xuất xuất hiện các vở diễn về đề tài lịch sử có thưa vắng hơn với kịch hát truyền thống, song cũng không thiếu những vở diễn từng gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả như vở “Rừng trúc” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Mỹ nhân và anh hùng” của Nhà hát kịch Việt Nam, vở “Ngàn năm tình sử” của sân khấu Idecaf, vở “Nỏ thần” của Sân khấu kịch Phú Nhuận, "Tả quân Lê Văn Duyệt" của Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh, vở "Làm vua" của Sân khấu Lệ Ngọc.

Hiện tại, Nhà hát Kịch Việt Nam đang dàn dựng vở "Thiên mệnh" - một vở diễn về Thái sư Trần Thủ Độ, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tập luyện vở diễn này đang bị ngưng trệ.

Cần sự quan tâm đúng mức

Có thể khẳng định rằng, với sân khấu dường như đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc dựng kịch lịch sử cũng hết sức khó khăn, nếu làm không khéo cũng dễ sa vào việc “minh họa lịch sử”. Điều khán giả chờ đợi ở một vở diễn sân khấu đó là cái nhìn về lịch sử trong lăng kính của con người ngày hôm nay.

Song, để những vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử luôn có một sức sống mới mẻ, chứa đựng tính thẩm mĩ - giáo dục cao và có khả năng chinh phục khán giả hiện đại, nhất là các bạn trẻ, thực sự là điều không dễ dàng. Nghệ thuật sân khấu nếu làm tốt chức năng thẩm mĩ - giáo dục của mình, sẽ góp phần nâng cao nền tảng đời sống tinh thần cho công chúng, làm cho công chúng thêm hiểu, thêm yêu mến lịch sử nước nhà qua các vở diễn.

Nhưng vẫn có một thực tế là, các vở diễn về đề tài thường được dàn dựng hết sức công phu, hoành tráng, kinh phí lớn gấp đôi, thậm chí gấp 3 một vở kịch đương đại, song sức sống của nó cũng không mấy khi được bền lâu là một điều rất đáng tiếc. Bởi thế, như NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từng nói rằng, phải làm sao để đưa được các vở diễn, các trích đoạn sân khấu về đề tài lịch sử vào biểu diễn trong học đường nhiều hơn, trở thành những buổi học “ngoại khóa” của môn lịch sử thì chắc chắn sẽ thu nhận được những hiệu quả khả quan hơn.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với văn nghệ sĩ, cụ thể là thù lao, nhuận bút của kịch bản lịch sử cần có sự "ưu đãi" nhất định để thu hút lực lượng sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Hiếu đề xuất: "Tôi rất mong muốn nhà nước có chế độ đầu tư cũng như có kế hoạch về lâu dài, nhiều mặt để khuyến khích những sáng tác về đề tài lịch sử, cũng như những đơn vị dựng kịch lịch sử. Hiện nay, tình trạng học sinh không ham học môn lịch sử bởi sự truyền thụ khá khô cứng, thiếu hấp dẫn. Với hình thức của kịch thì lịch sử sẽ được dẫn giải, kể lại một cách sinh động dễ hiểu hơn, thuận lợi cho các em tiếp thu được những bài học lịch sử đồng thời tiếp thu những nét đẹp của các loại hình văn hóa truyền thống".

Còn đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai - người có thâm niên dựng kịch lịch sử với trên 30 vở diễn đã "qua tay" chia sẻ: "Dựng một vở lịch sử hay đã khó, giữ nó sống bằng những đêm diễn thường xuyên ở mỗi đơn vị lại càng khó... Tuy vậy, các nghệ sĩ sân khấu chưa bao giờ thờ ơ với đề tài lịch sử. Với cách nhìn tươi mới cùng sáng tạo nghệ thuật, họ đã giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng hơn lịch sử dân tộc! Tuy nhiên, để làm cho hay, cho hấp dẫn và để các vở diễn mang tính giáo dục cao cần có sự đầu tư công phu, tổng quát ngay từ khâu kịch bản, rồi đến bàn tay đạo diễn và tài năng của diễn viên. Và đề tài lịch sử sẽ không xưa cũ nếu luôn có cách làm mới mẻ, mang hơi thở của cuộc sống đương đại hôm nay..."

Nguyệt Hà
.
.