Khi sân bệnh viện dã chiến là sân khấu

Thứ Năm, 05/08/2021, 11:54

Một trong những hình ảnh xúc động nhất được lan truyền trên mạng những ngày qua là việc nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đeo chiếc khẩu trang chừa một khoảng hở nhỏ trước miệng vừa đủ để thổi kèn saxophone cùng với kính chống giọt bắn biểu diễn cho hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại khu Bệnh viện Dã chiến số 3 và số 6 thành phố Thủ Đức. Đây là một tiết mục trong chương trình biểu diễn của Đội nghệ sĩ tình nguyện TP Hồ Chí Minh (gồm khoảng 130 nghệ sĩ, hoa hậu).

Sân khấu đặc biệt nhất

Không chỉ trong đợt dịch này mà ở những đợt dịch trước, ngoài biểu diễn trên truyền hình thì hầu hết nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm công dân của mình bằng việc phát hành các MV ca nhạc trên mạng YouTube hay Livestream trên Facebook. Rõ ràng đó là cách để các nghệ sĩ cổ vũ, động viên, tiếp niềm tin, động lực cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu và những bệnh nhân đang điều trị COVID-19. Thế nhưng, trong đợt dịch này, khi TP. Hồ Chí Minh là "tâm dịch" với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày thì các nghệ sĩ trong Đội nghệ sĩ tình nguyện thành phố đã tìm cho mình một lối đi riêng, một cách làm khác biệt.

Chia sẻ về điều này, MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh phụ trách Đội nghệ sĩ tình nguyện thành phố khẳng định, những chương trình ca nhạc, giải trí trên truyền hình, trên mạng xã hội dù có hoành tráng, có hay đến đâu thì cũng chỉ là những chương trình gián tiếp, không khỏa lấp được nỗi buồn, sự cô đơn và trống vắng một mình đối mặt với bệnh tật, không người nhà nào được vào chăm nom… Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu những phút thư giãn ngắn ngủi bằng âm nhạc Live tại chỗ, những lời động viên trực tiếp lúc này ý nghĩa như thế nào. Một tinh thần vui vẻ và lạc quan sẽ giúp bệnh nhân mau khỏe, các y, bác sĩ và nhân viên y tế thì tinh thần phấn chấn hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Khi sân bệnh viện dã chiến là sân khấu -0
Bức vẽ của họa sĩ Trần Văn Mạnh về hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi kèn saxophone trên sân bệnh viện dã chiến. 

Cũng theo MC Quỳnh Hoa thì việc đứng giữa sân hát phục vụ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân và nhìn thấy qua khung cửa sổ xa xa, những cánh tay đung đưa theo điệu nhạc hay vẫy tay chào các nghệ sĩ mà nước mắt cứ chực trào. Âm nhạc có thể giúp mọi người mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, vì vậy bất cứ khi nào được phép và có cơ hội là Đội lại hát để giúp giải tỏa căng thẳng cho các y, bác sĩ và bệnh nhân.

Còn hoa hậu H'Hen Niê - một thành viên tích cực của Đội thì khẳng định: "Đây là một trong những sân khấu đẹp nhất và đặc biệt nhất mà tôi từng được đứng. Sân khấu chỉ có 4 chiếc đèn và hàng trăm ngọn đèn từ các căn hộ chung cư trong khu vực cách ly của bệnh viện dã chiến".

Biểu diễn trong cay cay nơi khóe mắt

Là nghệ sĩ từng biểu diễn suốt 40 năm trên khắp 60 quốc gia nhưng với nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thì việc biểu diễn ở sân bệnh viện dã chiến đem lại cho anh một cảm xúc lâng lâng khó tả. Anh cho biết, cảm giác ban đầu là hơi "lành lạnh" nhưng khi bước vào trình diễn thì sự đón nhận, những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, vỡ òa và vang dội như ở sân vận động từ những khán giả đặc biệt đã truyền cho anh năng lượng lớn để thăng hoa mà không còn chút gì của sự lo âu như lúc mới vừa đặt chân đến. Anh bảo, mình đang uống thuốc chống thải ghép thận mỗi ngày, đồng nghĩa rằng hệ miễn dịch rất yếu, nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, thế nhưng vẫn nhận lời biểu diễn. Khi trình diễn, có những lúc mắt anh cay cay bởi cảm xúc diễn trước một không gian và thời điểm quá đặc biệt trong sự nghiệp của mình.

Khi sân bệnh viện dã chiến là sân khấu -0
Các nghệ sĩ và đông đảo y, bác sĩ cùng biểu diễn trên sân bệnh viện dã chiến. 

Trong 4 tác phẩm "Quê hương", "Về quê", "Diễm xưa", "Còn tuổi nào cho em", nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thừa nhận đã thực sự phiêu nhất khi thổi ca khúc "Quê hương". Mặc dù đã chơi tác phẩm này 21 năm trước trong album "Về quê" nhưng không thể nào so sánh được với "Quê hương" của ngày 24-7 vừa qua.

"Nó không phải là cái đẹp, cái điệu đà như mọi lần mà nổi lên trên hết là cái cảm xúc gắn kết, chia sẻ, tôi có cảm giác những giai điệu như đã mang mọi người xích lại với nhau hơn trong lúc ấy. Tôi chỉ biết thể hiện bằng cảm xúc nhưng có những lúc với kinh nghiệm, tôi phải hít thật sâu, dồn nén cảm xúc lại. Bởi vì đối với nghệ sĩ chơi nhạc cụ hơi mà rơi vào cảm xúc sụt sùi thì sẽ làm tiếng kèn không tròn trịa và trọn vẹn", nam nghệ sĩ giãi bày.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng cho biết, ngay sau hôm biểu diễn anh có được nghe lại lời kể từ một vị hòa thượng ở chùa Huê Nghiêm gần nơi anh trình diễn. Rằng trước đó vào buổi chiều hay nghe nhiều tiếng la hét của bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên sau đêm diễn thì không còn nghe thấy nữa, dường như họ có phần nhẹ nhõm hơn. Theo anh thì dù chỉ là sự đóng góp nhỏ của các nghệ sĩ, tình nguyện viên tham gia nhưng nó có thể là liều trị liệu giúp các bệnh nhân cảm nhận được những chia sẻ, giúp các bệnh nhân được xoa dịu hơn… và cũng là lời tri ân mong vơi bớt phần nào căng thẳng, mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đã gian khổ suốt thời gian qua.

Bài "Quê hương" hay nhất từng nghe

Hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn phiêu cùng kèn saxophon trong sân bệnh viện dã chiến đã là hình ảnh gây xúc động với nhiều người, trong đó có các họa sĩ. Một trong số đó có tài khoản Facebook "Phúc Khởi Lê" với bức ảnh màu nước. Tác giả cho biết: "Tình cờ xem được video của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn saxophone bài "Quê hương" ở khu cách ly Thủ Đức. Lúc đó mình rất xúc động, cảm xúc dâng trào muốn khóc. Ngay hôm sau mình muốn phải vẽ cho bằng được khoảnh khắc xúc động này, và mình vẽ bằng "full 100%" cảm xúc, vừa vẽ mà vừa rưng rưng theo tiếng kèn của bài "Quê hương".

Công phu và cảm động hơn nữa, tài khoản Facebook "Manhtran MTr Art" (tên thật là Trần Văn Mạnh, họa sĩ tự do ở quận Gò Vấp) khi thấy video này đã vẽ liền một mạch suốt từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Không nghỉ ngơi, không mệt mỏi, tác giả đã vẽ bằng sự rung động của con tim mình. Tác phẩm chất liệu sơn dầu trên vải canvas, kích thước 50x50cm được anh vẽ bằng bay. "Khi hoàn thành bức vẽ mình chụp lại rồi gửi ngay cho anh Trần Mạnh Tuấn. Và chỉ vài phút sau anh ấy nhắn: "Cảm ơn đã yêu quý và dành tình cảm cho anh và mong muốn bức tranh được treo tại nhà riêng của anh". Thực ra trước khi vẽ tôi đã mặc định bức vẽ này là của anh ấy rồi", họa sĩ Trần Văn Mạnh chia sẻ.

Cũng theo họa sĩ Trần Văn Mạnh thì khi anh đăng bức vẽ lên Facebook đã có rất nhiều nhà sưu tập tranh hỏi mua qua hình thức trưng bày đấu giá, thậm chí có người hỏi mua để tặng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhưng câu trả lời duy nhất là "bức tranh đã thuộc sở hữu của anh Trần Mạnh Tuấn". "Nhiều người hỏi cảm xúc nào để vẽ bức tranh này, với một người họa sĩ thì thật khó trả lời vì cảm xúc tôi đã đưa qua màu sắc nét vẽ hết rồi. Nếu có nói thêm nữa thì tôi xin khẳng định, đó là bài "Quê hương" hay nhất mà mình từng nghe", nam họa sĩ chia sẻ.

Có thể nói những lúc dịch bệnh đang hoành hành ở khắp mọi nơi thì chỉ cần một hình ảnh, một khoảnh khắc đẹp như thế đã là "liều thuốc tinh thần" vô giá để không chỉ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu, các bệnh nhân COVID-19 mà còn cho tất cả chúng ta xích lại gần nhau hơn, cảm thấy ấm lòng hơn. Trong lịch sử đã chứng minh càng những lúc khó khăn, hoạn nạn thì tinh thần của người Việt lại trỗi dậy và kết thành sức mạnh to lớn mà không kẻ thù nào có thể ngăn nổi. Và lần này, đứng trước "kẻ thù" này, nhân dân Việt Nam đều có niềm tin về ngày chiến thắng không xa.

Ngô Khiêm
.
.