Sân khấu về đề tài đồng tính: Nghệ thuật góp phần xóa bỏ sự kỳ thị
Đề tài về người đồng tính xuất hiện trên sân khấu từ khá lâu, nhưng trước đây chủ yếu là trên sân khấu hài với những màn “chọc cười” khán giả. Những năm gần đây, khi nhận thức, quan niệm về người đồng tính trong cộng đồng LGBT (viết tắt tiếng Anh của cụm từ cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới) trở nên cởi mở và thấu hiểu hơn, những vở diễn về đề tài xoay quanh cuộc sống, tình yêu đồng tính đã xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu chính kịch ở cả 2 miền Nam - Bắc...
Sự khác lạ của “Bóng rối”
Tuần qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có các buổi công diễn vở “Bóng rối” (Kịch bản: Vũ Hoàng Hoa - Đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh) - một vở diễn đương đại với khám phá mới mẻ trong nghệ thuật dàn dựng về đề tài gia đình, trong đó nhân vật chính chôn giấu một tình yêu đồng giới luôn bị giằng xé nội tâm giữa một người chồng, người cha và khao khát được sống là con người thật của chính mình.
Vở diễn không đi theo những quy tắc, cấu trúc truyền thống của sân khấu mà là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (diễn viên La Thiên) sau cú chấn động tâm lý khi bố (diễn viên Nguyễn Vũ) đột ngột qua đời.
Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi, thân thương từ lúc bé thơ đến lúc trưởng thành. Vì thế cậu rất tò mò về cái chết của bố - một nghệ sĩ điêu khắc tài năng, bởi Kiên biết mẹ cậu (diễn viên Khuất Quỳnh Hoa) đang cố giấu giếm điều gì đó, có thể là sự thật về cái chết của bố. Nhốt mình vào căn phòng sáng tạo nghệ thuật của bố, Kiên đã lạc trong những giấc mơ và sự thật dần được hé lộ.
Kiên đã biết được sự thật về tình yêu đồng tính của bố với nhà văn Cedric (diễn viên Thế Nguyên) - người bạn thân nhất của mẹ và cũng chính là người đàn ông mà cả mẹ và cô ruột Kiên đều yêu say đắm. Mẹ Kiên đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân, mặc dù rất đau khổ nhưng bà đã mở cho bố Kiên một lối đi. Tuy nhiên bố Kiên đã không thể từ bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: "Mẹ ơi, con thương mẹ! Bố ơi, con thương bố!" và đó cũng là một cái kết mở để mỗi khán giả có thể có những suy tư, cảm nhận của riêng mình...
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng một vở diễn về bi kịch của một tình yêu đồng giới vốn vẫn được coi là khá “nhạy cảm”. Kịch bản “Bóng rối” của nhà văn Vũ Hoàng Hoa mặc dù nằm trong Top 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử “Giải thưởng Partrick White 2023” dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Úc) tổ chức hàng năm, nhưng chính tác giả cũng từng nghĩ là sẽ ít có cơ hội để dàn dựng và biểu diễn ở Việt Nam.
Kịch bản về đề tài tình yêu đồng tính tuy không phải lần đầu xuất hiện trên sân khấu, nhưng với chính kịch miền Bắc chắc hẳn vẫn còn là điều “e ngại”. Chính vì thế, việc Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định đưa kịch bản này lên sân khấu có thể coi là một sự dũng cảm, thậm chí là sự… mạo hiểm. Tuy nhiên, đây cũng là một lần sân khấu chính kịch phía Bắc “thử” phản ứng của khán giả xem sự cởi mở, thấu hiểu và chia sẻ của công chúng đối với người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT đến đâu.
Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh chia sẻ: “Khi mới tiếp xúc với kịch bản “Bóng rối”, tôi cảm thấy rất thú vị về vấn đề mà kịch bản đưa ra chứ không e ngại gì cả. Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, những bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát, những tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội. Từ câu chuyện bi kịch về một gia đình không hạnh phúc, nó mở ra những vấn đề của con người trong toàn xã hội.
Với cái kết có tính gợi mở của “Bóng rối”, tôi muốn gửi gắm đến khán giả, đặc biệt là những khán giả của cộng đồng LGBT rằng, đừng trở thành cái bóng và biến mình thành những con rối bị điều khiển. Hạnh phúc hay bi kịch là do chính bạn quyết định. Không ai có thể quyết định thay bạn cả. Hãy tự quyết định hạnh phúc của mình trước khi quá muộn. Tôi thật sự mừng là sau đêm công diễn, nhiều khán giả rất xúc động, đồng cảm và mở ra nhiều tư duy mới một cách tích cực…”.
Không phải để… “mua vui”!
Trước sự ra mắt của “Bóng rối” tại Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh đề tài về người đồng tính cũng như LGBT nói chung đang trở nên khá sôi động trên sân khấu trong mấy năm trở lại đây. Điển hình như Sân khấu kịch 5B từng công diễn các vở: “Tía ơi, con lấy chồng”, “Bồ công anh”, “Tin thì linh, không tin cũng linh”, “Rồi… mắc cái gì cười?”; Nhà hát Thanh niên đang có các vở: “Tình một đêm”, “Lạc lối ở Bangkok”, “Bất ngờ chưa bà già”; Sân khấu kịch Hồng Vân có “Hoa dại”, Sân khấu IDECAF có “Sắc màu”; Sân khấu Thế giới trẻ có “Chuyện hai chàng”…
Nhìn vào kịch mục của các nhà hát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy dường như đang có một “trào lưu”dàn dựng các vở diễn có nhân vật thuộc cộng đồng LGBT. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là một “món ăn tinh thần mới” có tính xu hướng mà các nhà hát, đơn vị làm sân khấu đã chuẩn bị để “đón” một thế hệ khán giả trẻ đã trở nên cởi mở, không còn định kiến với cộng đồng LGBT.
Ở Hà Nội, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai được biết đến là một trong những nghệ sĩ đi tiên phong trong việc dàn dựng những tác phẩm về đề tài LGBT trong những năm qua với các vở như “Stereo Man”, “Hành trình đi tìm cảm xúc”, “Được là chính mình”... Trong đó, vở “Được là chính mình” đã đạt được nhiều thành công khi biểu diễn nhiều suất tại Hà Nội và các trường đại học tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ rằng, trước khi đến với những vở diễn về đề tài người đồng tính, chính anh cũng từng có những suy nghĩ thiếu tích cực về người đồng tính: “Mọi người cũng có thể thấy rõ, từ trước 2006, có rất ít tác phẩm sân khấu về người đồng tính. Đơn giản vì chính nghệ sĩ chúng tôi cũng sợ bị kỳ thị, tẩy chay. Sau này, vẫn có nhiều người hỏi tôi rằng, tôi làm nhiều vở diễn về đề tài đồng tính, liệu tôi có bị đồng tính không? Nhưng từ đó đến nay, theo quan sát của tôi, quan niệm cũng như nhận thức của nhiều người, nhất là người trẻ, giới học sinh - sinh viên, người làm nghệ thuật… đã có nhiều thay đổi! Đó là điều rất đáng mừng và tôi cũng hạnh phúc vì những đóng góp trong nghệ thuật của mình đã góp phần nhỏ trong sự chuyển biến ấy!".
Có thể nói, sân khấu về đề tài người đồng tính xuất hiện từ khá lâu, nhưng ban đầu chỉ có trên sân khấu hài, hầu như vắng bóng trên trong chính kịch. Có thời gian, sân khấu hài sa đà vào đề tài này với biểu hiện “lạm dụng” chủ đề, hình ảnh nhân vật trong cộng đồng LGBT như một cách để “hút khách”.
Hình ảnh các diễn viên vào các vai “giả gái” với phấn son ăn mặc lòe loẹt, “giả trai” với những màn đối đáp đanh đá chua ngoa hoặc xoáy sâu vào những đặc điểm nhân dạng lập dị… xuất hiện với tần suất dày để gây cười, chọc cười và “mua vui” cho khán giả, trong đó có cả sự tham gia những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng. Điều này vô tình làm tổn thương những người trong cộng đồng LGBT, bởi vì quãng thời gian đầu những năm 2000, quan niệm xã hội về người đồng tính còn khá nặng nề. Họ thường sống khép kín, giấu giếm thân phận và hầu như không nhận được những chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông từ cộng đồng cũng như của gia đình.
Những năm sau đó, với sự vào cuộc, tham gia tích cực của các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế với mục đích thay đổi nhận thức của xã hội về giới và bình đẳng giới, dần dà các vở kịch tâm lý, đề cập đến đời sống nội tâm, tình cảm, tình yêu… của người đồng tính cũng như cộng đồng LGBT đã xuất hiện một cách nghiêm túc, chỉn chu, có chiều sâu suy tưởng hơn chứ không chỉ dùng đề tài, hình tượng này để đơn thuần “câu khách” nữa.
Cách đây nhiều năm, tại Hà Nội từng có một “Hội thảo Văn học - nghệ thuật về LGBT” để ghi nhận sơ lược về các sáng tác nghệ thuật tiêu biểu ở mảng đề tài này và những đóng góp của nó trong việc thay đổi nhận thức của xã hội. Văn học nghệ thuật trong đó có sân khấu, không thể chỉ đề cập đến đề tài LGBT để “mua vui”, mà phải chứa đựng những thông điệp nhân văn, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị, giải phóng con người khỏi những áp đặt, định kiến và có được hạnh phúc cá nhân.