Tác phẩm sân khấu kinh điển "tái xuất": Kịch bản kinh điển vẫn là... "cứu cánh"?

Thứ Sáu, 29/09/2023, 09:29

Nhiều năm trở lại đây, việc bộ môn nghệ thuật sân khấu hiếm kịch bản hay, thiếu vắng kịch bản đương đại là câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Để duy trì hoạt động và thu hút khán giả, nhiều nhà hát phải trông chờ vào những kịch bản kinh điển đã có của kho tàng sân khấu trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nhà hát lựa chọn cách chuyển thể các tác phẩm văn học đã gây tiếng vang để dàn dựng, biểu diễn.

Sự trở lại ngoạn mục của “Lôi vũ”

Cuối tuần vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã có buổi tổng duyệt và ra mắt vở kịch kinh điển “Lôi vũ” của tác giả Tào Ngu - tác gia từng được mệnh danh là “Shakespeare của Trung Hoa”. Kịch bản “Lôi vũ” của Tào Ngu từng được sân khấu của nhiều nước trên thế giới dàn dựng, trong đó riêng ở Việt Nam đã có hàng chục phiên bản “Lôi vũ” ra mắt khán giả trong Nam ngoài Bắc ở cả kịch nói, cải lương, tuồng...

Xuất hiện trên sân khấu Việt từ hơn 30 năm trước, mỗi phiên bản “Lôi vũ” đều để lại những dấu ấn riêng, thành công riêng. Lần trở lại này của “Lôi vũ” được đánh giá là đầy bất ngờ khi được dàn dựng bởi sân khấu tư nhân Lệ Ngọc và đạo diễn của vở là NSND Hoàng Quỳnh Mai - một nữ đạo diễn nổi danh với kịch hát truyền thống.

1.jpg -0
Cảnh trong vở "Lôi vũ" của Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt khán giả.

Chính vì lần đầu “bén duyên” với sân khấu kịch nói lại là với một vở kịch kinh điển nổi tiếng thế giới, được dàn dựng nhiều lần ở Việt Nam nên đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai phải vượt qua nhiều áp lực. Dàn dựng làm sao để kể lại một câu chuyện đã quen thuộc với khán giả bằng những thông điệp, giá trị đã được khẳng định qua thời gian mà không gây nhàm chán cho khán giả là điều khó khăn nhất mà đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai phải vượt qua.

Chính vì thế, theo tiết lộ của NSND Hoàng Quỳnh Mai, chị đã phải nỗ lực rất nhiều: từ việc “cắt gọt” kịch bản để giảm thời lượng vở diễn từ 4 giờ ở nguyên tác xuống còn 2 giờ, đến việc xử lý không gian thời gian trên sân khấu rất linh hoạt... đã khiến vở diễn nhận về nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn trước khi ra với công chúng rộng rãi.

Phiên bản “Lôi vũ” của Sân khấu Lệ Ngọc lần này có sự tham gia của dàn diễn viên tài năng như: NSND Lệ Ngọc (vai Phồn Y), NSND Thu Quế (vai Thị Bình), Văn Hải (vai Chu Phác Viên), Hán Công Tú (vai Chu Bình)... Lần “chơi lớn” này của Lệ Ngọc nhận được nhiều lời cổ vũ động viên của đồng nghiệp trong giới sân khấu và được kỳ vọng là sẽ chinh phục khán giả Thủ đô trước khi vở diễn được đơn vị này mang đi dự “Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - ASEAN” sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 11/2023.

Trước “Lôi vũ” của Sân khấu Lệ Ngọc, năm 2020 “Lôi vũ” đã có lần tái xuất tại Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) với bàn tay của đạo diễn - NSND Việt Anh. NSND Việt Anh chính là diễn viên đã vào vai Chu Phác Viên trong vở kịch “Lôi vũ” được đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng tại sân khấu 5B vào năm 1986. Bản dựng năm 1986 này của đạo diễn Hoa Hạ là vở diễn đã biểu diễn liên tục trong suốt 3 năm liền, đồng thời làm nên tên tuổi của lứa diễn viên trẻ lúc bấy giờ như Hồng Vân, Hữu Châu, Minh Trang...

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, có thời điểm có tới 5 đơn vị cùng dựng vở “Lôi vũ”, điều này đã chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh mẽ của một vở bi kịch đến từ nước ngoài. NSND Lệ Ngọc cho biết: “Sân khấu Lệ Ngọc đã từng dựng vở “Kim tử” của Tào Ngu. Việc Sân khấu Lệ Ngọc chọn dựng lại vở “Lôi vũ” mang màu sắc Việt Nam để biểu diễn cho khán giả trong nước trước khi đi dự “Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - ASEAN” cũng là một cách để Lệ Ngọc giới thiệu văn hóa, sân khấu Việt Nam đến với bạn bè trong khu vực tại quê hương của “Lôi vũ”. Với phiên bản Việt của “Lôi vũ”, Sân khấu Lệ Ngọc hy vọng khán giả nước ngoài có thể có thêm một cái nhìn đa chiều về sức sống, sự sáng tạo không giới hạn của một kiệt tác”.

Sau chuỗi ngày dài “ăn ngủ” cùng “Lôi vũ”, đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Thực ra, những kịch bản mang tính kinh điển luôn là thách thức với mọi đạo diễn trong đó có tôi. “Lôi vũ” là một kịch bản mang tầm cỡ thế giới và sân khấu Lệ Ngọc trước đó đã nổi tiếng với nhiều tác phẩm tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp. Chính vì thế, khi nhận lời mời dàn dựng lại “Lôi vũ”, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, bên cạnh đó còn có những thay đổi để đưa vở diễn trở về gần hơn với đời sống của ngày hôm nay, gần gũi hơn với khán giả hiện đại. Màn kết vở tôi và ekip quyết định có thay đổi theo hướng tươi sáng hơn nguyên tác bi thương của Tào Ngu với mong muốn đem lại niềm tin, sự lạc quan cho khán giả vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Tôi cũng có niềm tin rằng, sân khấu với những kịch bản kinh điển và những giá trị thẩm mĩ, nhân văn đã được khẳng định qua thời gian sẽ luôn có một sức hút đáng nể đối với khán giả hôm nay...”.

Kịch bản kinh điển vẫn là “cứu cánh”?

Những ngày này, Nhà hát Kịch Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho những suất diễn đầu tiên của vở hài kịch “Quan Thanh tra” - một vở kịch bản sân khấu kinh điển của đại văn hào Gogol. Nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol (1/4/1809 - 4/3/1852) đồng thời là nhà viết kịch nổi tiếng cuối thế kỷ XIX trong làng văn học Nga và Ukraina. Cùng với tác phẩm văn học tiêu biểu nhất là tiểu thuyết "Những linh hồn chết", vở hài kịch "Quan Thanh tra" của Gogol ngay từ khi ra mắt đã gây tiếng vang với công chúng yêu sân khấu đương thời, được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, vở kịch này cũng từng được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng cách đây gần chục năm bởi đạo diễn - NSƯT Chí Trung và cũng từng trở thành một kịch mục quan trọng được biểu diễn nhiều suất cho khán giả Thủ đô. Ở phiên bản lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam, vở diễn do đạo diễn - NGƯT Lê Mạnh Hùng làm đạo diễn và đã có lịch biểu diễn liên tục trong tháng 10 tới đây.

2.jpg -1
Vở "Trái tim người Hà Nội" của Nhà hát Kịch Hà Nội dựa trên tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh.

Không chỉ tìm đến những kịch bản kinh điển của thế giới, hiện nay nhiều nhà hát trong nước chọn cách dựng lại các vở kịch đã thành công trong quá khứ hoặc chọn cách chuyển thể các tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước để dàn dựng như: Nhà hát Kịch Hà Nội đã dàn dựng, biểu diễn thành công vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Đạo diễn NSND Trung Hiếu) được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường và vở “Trái tim người Hà Nội” (Đạo diễn NSƯT Tiến Minh) dựa theo tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” - một tiểu thuyết về chiến tranh tiêu biểu nổi tiếng trong và ngoài nước trong suốt 30 năm qua của nhà văn Bảo Ninh; Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) dàn dựng vở “Bến không chồng” - một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng do nhà biên kịch Vũ Thu Phong chuyển thể; Sân khấu Lệ Ngọc với vở “Vang bóng một thời” (Đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai) do cố nhà văn Nguyễn Hiếu phóng tác từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân…

Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến các nhà hát phải tìm đến và dựng lại các tác phẩm kinh điển là do thiếu vắng những kịch bản hay. Việc tìm đến những tác phẩm với giá trị đã được khẳng định qua thời gian như cách đi tìm một “giải pháp an toàn” để đảm bảo sự thành công về nhiều mặt cho một vở diễn như truyền thông, doanh thu hay giải thưởng (nếu sắp có 1 kỳ liên hoan hay hội diễn).

Tuy nhiên, vẫn có những người lạc quan hơn như đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai khi cho rằng: “Thiếu kịch bản hay là câu chuyện muôn thuở rồi, nhưng nói các nhà hát phải tìm đến những kịch bản kinh điển vì không tìm thấy kịch bản đương đại có chất lượng để dàn dựng cũng không đúng. Tôi cho rằng, một trong những lý do khiến các nhà hát tìm đến với những kịch bản kinh điển còn là bởi vì muốn giới thiệu đến với một thế hệ khán giả mới, khán giả trẻ những vở diễn xuất sắc mà thế giới đã có. Một nền văn hóa nào cũng đều phải bao gồm cả quá khứ, hiện tại, trong đó việc sân khấu dựng lại các vở diễn nổi tiếng, kinh điển trong quá khứ như là một sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, với đời sống hôm nay cũng là một việc làm dũng cảm và đáng được cổ vũ…”.

Nguyệt Hà
.
.