Sân khấu kịch dành cho thiếu nhi: Để không chỉ là “mùa vụ”
Khi năm học kết thúc, mùa hè đến, cũng là thời điểm nhu cầu giải trí của khán giả nhí tăng cao. Chính vì vậy, nhiều sân khấu trên địa bàn Thủ đô cho ra mắt một loạt vở diễn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, góp phần mang đến một mùa hè sôi động, thú vị. Nhưng rõ ràng, nhu cầu thưởng thức văn hóa của trẻ em, đâu chỉ có trong những ngày hè…
So với các loại hình khác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút khán giả, trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua, những người làm sân khấu đã có nhiều nỗ lực để mang đến sự mới mẻ, những thay đổi tích cực để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khán giả trẻ.
Là một trong những nhà hát có bề dày truyền thống và năng động bậc nhất trong việc thu hút khán giả trẻ, năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ dành tặng cho khán giả nhí một chương trình nghệ thuật đặc biệt trong khuôn khổ dự án “Mùa hè yêu thương 2023”. Dự án gồm 2 vở diễn “Giấc mơ của Bờm” và “Chú mèo dạy hải âu bay”. Đây đều là những tác phẩm được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Một tác phẩm là câu chuyện dân gian, một là của văn học nước ngoài.
Vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: NSƯT Ánh Tuyết) được lấy ý tưởng từ câu chuyện dân gian “Thằng Bờm” kể về cuộc đời cậu bé Bờm mồ côi cha, nghèo khó nhưng ham học. Bờm liên tục bị lão Phú ông trong làng dùng mưu mô lợi dụng, hà hiếp. Tuy nhiên, với sự thiện lương cùng sự giúp đỡ của những người bạn tốt, Bờm đã khiến lão Phú ông phải nhận bài học đích đáng cho lòng tham và sự nham hiểm của mình. Theo đạo diễn Ánh Tuyết, câu chuyện dân gian này được chuyển tải theo hình thức nhạc kịch để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các em nhỏ.
Còn vở “Chú mèo dạy hải âu bay” của tác giả người Chile Luis Sepulveda được biên kịch Nguyễn Công Đức chuyển soạn, đạo diễn Đào Duy Anh dàn dựng với mong muốn đưa những nhân vật trong trang sách lên sân khấu một cách sinh động và gần gũi. Đạo diễn Đào Duy Anh cho biết, vở kịch nói về những con vật như loài mèo, chim hải âu nhưng ẩn chứa đằng sau đó là câu chuyện giữa con người với con người.
Được biết, hai vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ hướng đến trẻ em ở lứa tuổi trên dưới 10 tuổi. Đây cũng là sự tiếp nối của một loạt những vở diễn trước đó Nhà hát dàn dựng từ tác phẩm văn học như “Con chim xanh”, “Cuộc chiến virus”, “Bầy chim thiên nga”, “Rồi tôi sẽ lớn”… Từ những câu chuyện gần gũi, giản dị để đưa ra những thông điệp một cách nhẹ nhàng, nhân văn cũng là mục tiêu mà những người làm nghệ thuật ở Nhà hát Tuổi trẻ hướng tới.
Với mong muốn truyền tải những giá trị nhân văn của cuộc sống tới trẻ em từ kho tàng văn học dân gian và văn học nước ngoài, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã tích cực luyện tập, đưa ra nhiều sáng tạo độc đáo trong tạo hình nhân vật, âm nhạc để vở diễn thu hút đông đảo khán giả. Ngoài ra, thông qua chuỗi tác phẩm nghệ thuật, Nhà hát Tuổi trẻ còn mong muốn sẽ thu hút được sự đồng hành của các bậc phụ huynh đến với sân khấu để góp phần thúc đẩy sự gắn kết, yêu thương trong gia đình và xã hội.
Góp phần vào “bức tranh” sân khấu chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi này, ngày 28/5 vừa qua, Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở diễn “Hai viên ngọc thần” (hay còn gọi là “Sự tích dã tràng”). Tác phẩm đưa các em nhỏ trải nghiệm, khám phá những điều thú vị và bí ẩn dưới thủy cung do Long Vương hùng mạnh trị vì. Một không gian tràn ngập sắc màu, ánh sáng lung linh, huyền ảo, âm thanh rộn ràng, sống động sẽ được mang đến cho các bạn nhỏ. Ngoài ra, “Hai viên ngọc thần” còn ẩn chứa bài học về nhân nghĩa, tình đời, qua đó gửi gắm bài học về đạo ký, về cám dỗ và lòng tham, những giá trị về lòng tin trong cuộc sống. Tại buổi diễn, các em nhỏ sẽ được giao lưu, gặp gỡ với các nghệ sĩ của Nhà hát như: Quang Thắng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh…
Thêm một tác phẩm nữa góp phần vào sự phong phú cho “thực đơn” giải trí của các em trong mùa hè này còn là chương trình “Biệt đội siêu anh hùng” do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Nhà hát Star Galaxy tại 87 Láng Hạ. Đây là thương hiệu chương trình nghệ thuật đã khá quen thuộc với khán giả nhỏ tuổi Thủ đô nhiều năm qua với sự kết hợp của “bộ đôi” NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc. Khác với các chương trình khác, “Biệt đội siêu anh hùng” gây ấn tượng với khán giả nhí nhờ thiết kế sân khấu hiện đại, chuyển động liên tục với những nhân vật bước ra từ “vũ trụ Marvel - siêu anh hùng” hấp dẫn, kịch tính, mang thông điệp về tinh thần đoàn kết, sự dũng cảm…
Để phục vụ khán giả nhí trong mùa hè này, Rạp Xiếc Trung ương sẽ cho ra mắt phiên bản kịch xiếc thiếu nhi “Tấm Cám 2023” với tên gọi “Tấm Cám - Bống bống, bang bang”. Chương trình được công diễn liên tục từ 28/5 đến hết ngày 4/6, hứa hẹn sẽ làm mãn nhãn các khán giả nhỏ tuổi thông qua các tiết mục xiếc thú ngộ nghĩnh cùng các màn ảo thuật, vũ đạo bay lượn trên không của các nghệ sĩ xiếc được hình tượng hóa vào các nhân vật.
Tương tự, Nhà hát Múa rối Việt Nam thì mang đến vở diễn “Thế giới thần tiên” kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cạn, rối nước cùng cốt truyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Sau khi ra mắt vào 27/5, vở rối sẽ diễn ra vào các thứ 7 hàng tuần tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, 361 Trường Chinh, Hà Nội.
Sự trở lại của vở nhạc kịnh “Ông lão đánh cá và con cá mập” cũng là một điểm nhấn thú vị trong bức tranh sân khấu thiếu nhi mùa hè này. Gây sốt ngay từ lần đầu tiên ra mắt tại Hà Nội với hơn 8.000 khán giả. Vở nhạc kịch quay trở lại với một diện mạo mới mẻ và hấp dẫn, quy mô đầu tư hơn, quy tụ một ê kíp sản xuất uy tín với sự tham gia của nhiều tài năng nhí hóa thân vào các tuyến nhân vật Cá mập con, Cá hề, Cá vàng, cá bạc…
Điểm qua một số tác phẩm sân khấu phục vụ khán giả nhí của sân khấu Thủ đô mùa hè này có thể nói loại hình khá đa dạng từ kịch nói, nhạc kịch, kịch xiếc, múa rối… Đề tài cũng phong phú với những cốt truyện dân gian, hiện đại, khoa học viễn tưởng, cả trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy, đối tượng khán giả nhỏ tuổi đã được các sân khấu ngày một chú trọng.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, khán giả nhỏ tuổi của ngày hôm nay chính là khán giả sân khấu tương lai. Vì vậy, một trong những vai trò quan trọng của những đạo diễn, biên kịch là mang đến những vở diễn hay để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu. Trong khi sân khấu đang phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác: phim ảnh, ca nhạc, thì lại càng phải thay đổi để khán giả yêu thích từ tấm bé. Chỉ có xây dựng cho các em nhỏ thói quen thưởng thức tác phẩm sân khấu từ khi tuổi còn nhỏ mới có thể hy vọng gìn giữ thói quen giải trí lành mạnh này khi họ thành khán giả trưởng thành.
Mặc dù kịch mục sân khấu dành cho thiếu nhi được đánh giá là mỗi mùa hè một thêm phong phú, sinh động nhưng rõ ràng các sản phẩm này vẫn mang tính “mùa vụ”. Tức là chủ yếu được sản xuất, ra mắt tập trung vào những thời điểm như hè, Rằm trung thu, các ngày lễ Tết… Nhiều khán giả cho rằng, số lượng vở diễn mới vẫn còn ít so với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi tại các thành phố lớn. Mỗi nhà hát chỉ sản xuất từ 1- 2 vở diễn cho thiếu nhi trong một năm nên các con chỉ xem 1 lần rồi thôi. Phía các nhà hát lý giải, thường chỉ ra mắt những vở mới vào những thời điểm đặc biệt vì biết chắc khi đó các khán giả nhí mới đến rạp vì được nghỉ học.
Đầu tư cho một vở diễn tốn thời gian, kinh phí vì vậy bài toán doanh thu cũng không thể coi nhẹ. Khác với khán giả lớn tuổi chủ động được việc bỏ tiền túi mua vé vào rạp xem kịch, các khán giả nhí phụ thuộc phần lớn vào phụ huynh. Không ít phụ huynh vẫn giữ quan điểm, chỉ khi nào nghỉ hè mới đưa trẻ em đi xem... Để khán giả nhí có thể tới xem kịch quanh năm và các nhà hát được liên tục đỏ đèn quả là một bài toán không dễ. Rất cần tư duy đổi mới nhanh nhạy của những người làm sân khấu và sự đồng hành của phụ huynh với mong muốn mang đến đời sống tinh thần phong phú hơn cho thiếu nhi.