Lối đi nào cho sân khấu kịch nói sau... 100 năm?

Thứ Sáu, 05/11/2021, 15:12

Tưng bừng một tuần lễ tại Nhà hát Lớn Hà Nội khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kết hợp cùng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch làm lễ kỉ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921-2021) từ ngày 21 đến 27-10. Sau 100 năm từ khi du nhập kịch Tây, mà chủ yếu là kịch Pháp vào Việt Nam, sân khấu kịch đã đóng góp không nhỏ vào đời sống văn nghệ nước nhà.

Trong chiến tranh chống Mỹ, kịch đã có mặt ở trận địa phòng không, ở các tuyến lửa “nhằm thẳng quân thù mà bắn” và đã tới những nơi mà quân và dân ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến với những đơn vị đóng quân bên sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, tới hầm địa đạo Vĩnh Mốc để biểu diễn động viên đồng bào, đồng chí chiến đấu. Trở lại thời bình, những vở kịch nói một thời của các tác giả Xuân Trình (Đình Nghi), Lưu Quang Vũ... là vũ khí tư tưởng sắc bén, xây dựng hình ảnh con người mới với tư tưởng bắt kịp hơi thở đời sống nhưng vẫn thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.

Nhưng giờ đây, sân khấu kịch ngày càng đìu hiu, ảm đạm cảnh chợ chiều cuối đông. Hội nghề nghiệp và các nhà hát, những nhà tâm huyết với sân khấu kịch vẫn đầy trăn trở, âu lo, loay hoay, vật vã tìm lối đi cho sân khấu.

Buồn hiu sân khấu kịch nói thời 4.0

Ngày 21-10-1921, vở kịch “Chén thuốc độc” của đạo diễn Vũ Đình Long công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gây được tiếng vang lớn đến độ người dân Thủ đô háo hức cho rằng có một loại hình nghệ thuật mới du nhập từ phương Tây có thể “đánh bại” các nghệ thuật kịch hát trước đó (tuồng, chèo, cải lương). Loại hình mới này được gọi là kịch nói.

Để bắt kịp với xu hướng thời đại lúc bấy giờ, hàng loạt những văn nhân, nhạc sĩ, hoạ sĩ nổi tiếng trên văn đàn đã thành lập những đoàn kịch tự phát, họ vừa là tác giả, đạo diễn, diễn viên như: Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Lê Đại Thanh, Nguyễn Xuân Khoát... Giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, sân khấu kịch xây dựng được những hình tượng, nhân vật nổi lên trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ quê hương đất nước. Hình tượng tiêu thổ kháng chiến của người Hà Nội, tình làng nghĩa xóm với những câu chuyện kịch xúc động đi thẳng vào trái tim khán giả.

vở _chén thuốc độc_ của tác giả vũ đình long  được dựng lại trên sân khấu nhà hát lớn hà nội kỉ niệm 100 năm sân khấu việt nam.jpg -0
Vở “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long được dựng lại trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội kỉ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam.

Sau giải phóng miền Nam, (năm 1975), cả nước bước vào xây dựng, kiến thiết, đến những năm 80 của thế kỉ trước, sân khấu lại tiếp tục xây dựng hình tượng những con người mới. Trong mỗi vở kịch, người ta thấy hai bảng màu đối lập: Sự đấu tranh giữa chính phái và tà đạo, giữa thiện lương và tội ác, giữa lương tri và vật chất như trong các vở kịch tiêu biểu: “Tôi và chúng ta”, “Nửa ngày về chiều”, “Bạch đàn liễu”, “Nhân danh công lý”... Hai tác giả xuất sắc được ví như hai viên ngọc sáng của nền kịch nghệ nước nhà thời ấy là Xuân Trình và Lưu Quang Vũ. Bên cạnh dòng kịch chính luận thời kì mới đã có không ít những vở kịch lịch sử như: “Trần Thủ Độ”, “Lý Chiêu Hoàng”, “Lý Thường Kiệt”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Quang Trung”, “Bùi Thị Xuân”, “Vũ Như Tô”... Thời kì cực thịnh của sân khấu kịch với những tên tuổi lẫy lừng như Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Lộng Chương, diễn viên Thế Anh, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Nguyệt Ánh, Tú Mai, Ngọc Hiền, Trần Tiến, Lê Mai, Thanh Tú... Tiếp đó là thế hệ đạo diễn tên tuổi: Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Phạm Thị Thành, cùng dàn diễn viên trẻ, tài năng: Lê Khanh, Lan Hương, Anh Tú, Chí Trung, Minh Hằng (Nhà hát Tuổi trẻ), Anh Dũng, Lan Hương, Thu Quế, Trung Anh... (Nhà hát Kịch Việt Nam), Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hoà, Thu Hà, Trung Hiếu... (Nhà hát Kịch Hà Nội)...

Bước vào thời kì của công nghệ số và máy tính bảng, sân khấu kịch giờ không còn cảnh chen chân xếp hàng mua vé, không còn cái sự náo nức, chộn rộn mỗi khi cầm tấm vé mời đi xem kịch. Nhiều nghệ sĩ ở nhà hát giờ sống lay lắt bằng nghề diễn, nếu ai may mắn đóng phim truyền hình được thành “sao” thì sẽ kiếm thêm thu nhập ở khâu quảng cáo, bán hàng online, hay làm gương mặt đại diện cho các nhãn hàng, hoặc tự làm clip cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TicTop...

Phải chăng thảm cảnh của sân khấu kịch đang “rã đám” ở thời kì mới, thời kì mà xu thế hoá toàn cầu, công nghiệp hoá - hiện đại hoá thì sân khấu lại thụt lùi, tụt hậu như một đứa trẻ lưu ban. Có bột mới gột nên hồ, sau Lưu Quang Vũ vẫn chưa thấy xuất hiện một gương mặt tác giả kịch thực sự nổi trội; vẫn có nhiều những kịch bản làng nhàng, èo uột, thiếu sức sống. Cái được gọi là hay thì chưa thực sự hay, cái dở thì dở quá, làm sao câu kéo được khán giả, trong khi xã hội ngoài kia với tầng tầng lớp lớp những kịch tính thật hơn cả sự thật. Điểm nóng hổi của đời sống vẫn liên tiếp như đợt sóng âm ỉ và dai dẳng, vấn nạn tham nhũng, móc ngoặc, đục khoét của công thuộc đủ các thành phần, trăm vạn mánh mung, luồn cúi. Những hy sinh cao cả của những người lính trong thời bình trước thiên tai, đấu tranh giữ gìn an ninh trật tự... Dường như những tác giả thời nay chưa chạm được “thực thể sống”, vẫn mon men dò dẫm đi ở vòng ngoài, hoặc là ở đâu xa... xa lắm. Có những vở diễn ra đời, người xem không hiểu ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm thông điệp gì.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đìu hiu của sân khấu kịch nói - NSƯT Đỗ Kỷ (Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Lối đi nào cho sân khấu kịch nói sau... 100 năm? -0

- 20 năm trở lại đây, loại hình sân khấu kịch bị tụt hậu so với chính nó và bị cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác nên mất đi vị thế vốn có: “Sân khấu là Thánh đường”, không còn đủ sức để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Gần 40 năm trong nghề, anh nghĩ nguyên nhân do đâu?

+ Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sân khấu như hiện nay. Nguyên nhân đầu tiên là sự dậm chân tại chỗ trong quá trình làm nên những tác phẩm. Các thành phần sáng tạo ít có sự bứt phá về hình thức thể hiện, từ kịch bản, đạo diễn, hoạ sỹ đến nghệ sỹ biểu diễn. Trong nghệ thuật biểu diễn thì việc đầu tiên là phải làm cho người xem thoả mãn với yếu tố nhìn, nghe, sau đó muốn chuyển tải nội dung gì thì mới chuyển tải. Vậy mà bấy lâu nay trang trí sân khấu chưa thực sự có những đột phá; thiết kế sân khấu ít chú ý tới tạo ý mà chỉ tạo không gian đơn thuần; chưa áp dụng được nhiều khoa học công nghệ hiện đại mà đa phần là những hình thức bục bệ đủ các loại hình hài được sơn phủ đã quá nhàm chán với người xem. Ánh sáng, âm thanh thì khá lạc hậu và thiếu thốn, không đáp ứng đúng yêu cầu của ê kíp sáng tạo.

Chúng ta lại chưa có đạo diễn ánh sáng, âm thanh được đào tạo bài bản. Hiện nay ở tất cả các đơn vị nghệ thuật mới chỉ có người điều khiển ánh sáng và âm thanh được chuyển từ công việc khác sang đảm nhận, thực hiện thụ động theo yêu cầu của đạo diễn.

Một vấn đề quan trọng nữa là khâu kịch bản. Có những vở diễn ra đời mà người xem không hiểu ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm thông điệp gì, bởi câu chuyện kịch lộn xộn, mối quan hệ giữa các nhân vật, xung đột kịch thiếu tính logic...

- Căn nguyên sâu xa của hiện tượng kịch bản thiếu và yếu này có phải là chúng ta đang thiếu về yếu tố văn hoá của người viết. Ngành Sân khấu kịch thực sự đang thiếu hụt tác giả có tầm vóc, hay chí ít là bắt kịp với cuộc sống thời đại hôm nay...?

+ Đa phần các tác giả kịch bản hiện nay đều là “ tay ngang”, họ làm những công việc khác để sinh sống, lúc nào hứng lên thì viết chơi, có vở hay thì được nhiều đơn vị dàn dựng, vở không hay không đâu dựng thì cũng chẳng sao. Công việc sáng tác với họ như một việc làm thêm chứ chưa phải là một công việc chính để tồn tại, nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì lẽ đó mà lực lượng tác giả chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay mà lại còn rất thiếu.

Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ tự do trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng hình như vấn đề này còn chưa được thực sự hiện hữu trong đời sống sân khấu hôm nay. Các tác giả còn né tránh những vấn đề nổi cộm, những vấn đề nóng phát sinh trong đời sống đương đại, đây là thế mạnh của loại hình kịch nói, đặc biệt là phản ánh những tiêu cực, những cái xấu đang hoành hành để mọi người lên án và tránh xa, làm cho kịch bản sân khấu có phần xa rời với đời sống.

Cần tiến hành cách tân, đổi mới toàn diện - Đạo diễn Lê Quý Dương (Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế  IFF/ ITI/ UNESCO)

Lối đi nào cho sân khấu kịch nói sau... 100 năm? -0

- Từ khi có vở kịch đầu tiên cho đến nay, sân khấu kịch Việt Nam đã trải qua tròn 100 năm với biết bao thăng trầm và biến cố. Theo anh, chúng ta cần làm gì để sân khấu Việt Nam có thể đứng được trong giai đoạn hiện nay?

+ Chúng ta vừa kỉ niệm 100 năm sân khấu kịch, nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam hiện cần tiến hành một cuộc cách tân và đổi mới toàn diện trên tất cả các phạm vi có liên quan tới sự ra đời của một vở diễn sân khấu. Đó là yêu cầu sống còn nếu chúng ta không muốn nền nghệ thuật sân khấu kịch của một đất nước gần 100 triệu dân trôi vào quên lãng, hoặc chỉ tồn tại trong ký ức, trên sách vở, băng đĩa, hoặc sống lay lắt theo kế hoạch. Chúng ta cần xác định lại hệ thống quản lý, tổ chức và vận hành đời sống sân khấu trên phạm vi cả nước. Mở rộng cơ sở và chương trình đào tạo với việc giới thiệu và ứng dụng vào thực tiễn các trường phái sân khấu tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh giao lưu hợp tác và hội nhập với sân khấu quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài. Quy hoạch lại một lần nữa toàn bộ hệ thống nhà hát và cơ sở hạ tầng dành riêng cho sân khấu.

Điều đặc biệt cần ưu tiên là ứng dụng sâu rộng nghệ thuật sân khấu học đường. Đây được xem như là phương pháp giáo dục công dân, nâng cao văn hoá sân khấu cho người dân và đầu tư bền vững cho những thế hệ khán giả tương lai. Kích thích và tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ sân khấu và tác giả trẻ có cơ hội thử nghiệm và ứng dụng những sáng tạo mới. Khuyến khích ưu tiên sân khấu xã hội hoá, chất lượng quảng bá, truyền thông và những hoạt động khác liên quan đến sân khấu nhằm tạo nên một đời sống sân khấu sôi động, đa dạng, có tính chuyên nghiệp cao.

- Trước thực trạng sân khấu kịch Việt Nam hiện nay, với tư cách là thành viên của Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI/ UNESCO, anh có thể hỗ trợ gì cho sân khấu Việt Nam?

+Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI trực thuộc UNESCO được thành lập từ năm 1948 với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên chính thức. Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI/ UNESCO luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất có thể để sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch nói Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội hợp tác giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế, hội nhập ở trình độ chuyên nghiệp cao với sân khấu thế giới. Chúng tôi luôn lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ nếu Nhà hát Kịch nào tại Việt Nam cần hỗ trợ về sân khấu học đường...

- Xin cảm ơn ông!

Đầu tư cho con người là đầu tư không bao giờ lỗ -  NSND Trung Hiếu (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội)

Lối đi nào cho sân khấu kịch nói sau... 100 năm? -0

- Là người đứng đầu Nhà hát Kịch, anh thấy có áp lực gì qua hai năm đại dịch?

+ Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không chỉ nghệ thuật kịch nói, mà các loại hình nghệ thuật và giải trí khác trên toàn thế giới đều buộc phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách. Việc tìm lối đi và cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh là thử thách vô cùng lớn trong những năm trở lại đây của các đơn vị nghệ thuật. Cách thức tìm kiếm, tiếp cận và thu hút khán giả đã khó, nay càng khó hơn, thậm chí có thể nói là “không thể”, các đơn vị nghệ thuật không chỉ trong nước, mà cả thế giới đều buộc phải “án binh bất động” do tình hình dịch bệnh.

Việc thiếu hụt khán giả vẫn là thực trạng chung của các nhà hát thuộc loại hình sân khấu. Nguồn thu bán vé của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều NSƯT, NSND vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng.

Rất nhiều khoá đào tạo nghệ thuật Sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh. Khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề... Tất cả những điều bất cập đó khiến cho sân khấu kịch dần mai một trước sự tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, đáng lo ngại.

- Tôi đã từng nhiều lần thấy anh bàn đến ý tưởng về sân khấu học đường, anh có thể nói rõ hơn về ý tưởng mới lạ này.

+ Trên thực tế, hai nguồn nhân lực “cung” và “cầu” này lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi nguồn “cầu” là đối tượng khán giả trẻ quay lưng lại nghệ thuật sân khấu truyền thống, là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Và căn nguyên của sự thiếu hiểu biết, kém hứng thú đó phần lớn xuất phát từ sự giáo dục. Những giá trị nghệ thuật truyền thống cần được đưa vào giảng dạy trên trường, lớp, ngay từ khi còn nhỏ. Vậy mới có khái niệm “con nhà nòi”. Bởi khi được tiếp xúc, định hướng và đào tạo từ nhỏ, được sống và học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật và khả năng, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được định hướng và nâng cao theo thời gian. Nguồn “cầu” này sẽ là lượng khán giả tiềm năng trong hiện tại và tương lai của chính các Nhà hát. Tôi tin việc đầu tư cho con người là một loại hình đầu tư không bao giờ lỗ.

Có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, việc đưa nghệ thuật sân khấu vào chương trình giảng dạy chính khoá học đường chắc chắn sẽ là một cải cách hiệu quả cao đối với học sinh các cấp.

Các giáo viên dạy lịch sử, văn học trên giảng đường thường thiên về sử dụng phương pháp nghe - đọc - viết. Dù có sử dụng các phương pháp tiên tiến như công nghệ thông tin (trình chiếu, tham quan trải nghiệm thực tế...) thì sự sinh động và chân thực cũng khó có thể sánh bằng một chương trình nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. Nghệ thuật sân khấu kịch nói có thể tái hiện lại một giai đoạn lịch sử - xã hội của cả một dân tộc, một đất nước một cách chân thực, sinh động và ấn tượng. Đó là thế mạnh mà không một bộ môn nghệ thuật nào hay sách vở giáo trình nào có thể thực hiện được.

Nghệ thuật không chỉ giúp các em giải toả căng thẳng, áp lực, mệt mỏi trong những môn học chính khoá, mà còn nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, biết cảm nhận, rung động, yêu thương và nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật... Đề án Sân khấu Kịch học đường của Nhà hát Kịch Hà Nội đã được sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành và hy vọng sẽ sớm triển khai rộng rãi.

- Xin cảm ơn anh!

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.